Ảnh hưởng căng thẳng thương mại với Mỹ đến thị trường tiền tệ Trung Quốc và một số tác động tới Việt Nam

THS. Nguyễn Thế Anh| 23/01/2019 11:49
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các quyết định của Mỹ đều tác động rõ đối với sự biến động của Thị trường chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ (NDT), từ đó cũng tạo ra tác động đến Việt Nam.

Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc năm 2018 có thể chia ra làm 3 mốc thời gian chính: ngày 6/7/2018, quyết định đánh thuế 25% của Mỹ lên số hàng hóa trị giá 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực; ngày 17/9/2018, mức thuế 10% lên số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD và lộ trình đánh thuế tiếp lên số hàng hóa trị giá 250 tỷ USD của Trung Quốc sẽ được áp dụng vào đầu năm 2019; giữa tháng 10/2018, các quyết định của Mỹ tăng cường hoạt động tuần tra tại biển Đông, ngày 18/10/2018, Chính quyền Mỹ tuyên bố rút khỏi Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), các quyết định khác liên quan tới Nga và Iran cũng tác động đến thương mại và an ninh của Trung Quốc. Các quyết định của Mỹ đều tác động rõ đối với sự biến động của Thị trường chứng khoán Trung Quốc và đồng Nhân dân tệ (NDT), từ đó cũng tạo ra tác động đến Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua và những tác động đến Thị trường chứng khoán Việt Nam

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc diễn ra từ đầu năm 2018 khi mà quan hệ thương mại Mỹ - Trung có dấu hiệu căng thẳng với những tuyên bố sẽ áp các mức thuế lên hàng hóa nhập khẩu của mỗi bên. TTCK Trung Quốc đã thiết lập một dấu mốc đáng ngại mới vào ngày 17/9/2018,  khi chỉ số Shanghai Composite Index đóng cửa phiên giao dịch ở mức thấp nhất kể từ năm 2014 chỉ còn 2.651,79 điểm, xuyên thủng mức đáy thiết lập hồi tháng 1/2016. Đây cũng chính là thời điểm Chính quyền Mỹ quyết định tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới này. 

Còn nhớ thời điểm tháng 1/2016, cơ quan chức năng Trung Quốc đã thể hiện rõ sự lúng túng khi đứng trước một trong những đợt sụt giảm tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán nước này. Họ đã áp dụng biện pháp “ngắt mạch tự động” (circuit breaker) nhằm không cho phép thị trường giảm quá sâu, nhưng rồi lại gỡ bỏ biện pháp này ngay sau đó. Trong đợt sụt giảm chóng mặt từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, chứng khoán Trung Quốc đã “bốc hơi” 5.000 tỷ USD vốn hóa. Trước đó, thị trường chứng khoán nước này đã trải qua một đợt tăng bùng nổ từ năm 2014. Thời điểm đó, TTCK Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tức thời. Chỉ số VN-Index sụt giảm, giá cổ phiếu đồng loạt giảm, trong đó có nhóm cổ phiếu các NHTM CP Việt Nam đang niêm yết.

Đợt giảm giữa tháng 9/2018, chứng khoán Trung Quốc đi xuống chậm hơn. Tuy nhiên, đà giảm duy trì liên tục. Khối lượng giao dịch của thị trường ngày càng nhỏ đi và một số công ty niêm yết không thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường cổ phiếu, bắt buộc phải vay nợ thêm (Tham khảo diễn biến ở hình 1). 

Diễn biến chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc từ cuối năm 2013 đến cuối tháng 9/2018. Nguồn: Bloomberg.

Đến đầu tháng 10/2018, Shanghai Composite Index đã bước vào quý giảm thứ tư liên tục, chuỗi thời gian giảm dài nhất kể từ năm 2008. Diễn biến của chứng khoán Trung Quốc đang đi ngược xu hướng chung của chứng khoán thế giới. Chỉ số MSCI All-Country World Index của thị trường toàn cầu đã tăng 21% kể từ ngày 27/11/2014, trong đó chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ tăng 40%.

Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đang là một trong những mối lo chính của giới đầu tư chứng khoán Trung Quốc hiện nay. 

Cú giảm chóng mặt của chứng khoán Trung Quốc năm nay khép lại một thời kỳ tương đối ổn định của thị trường này kể từ đầu năm 2016. Shanghai Composite Index đã tăng 32% trong thời gian từ cuối tháng 2/2016 đến tháng 1/2018. Kể từ mức đỉnh vào tháng 1/2018, chỉ số này đến đầu tháng 10/2018 đã “bốc hơi” 20% và đang ở trong trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market).

Chỉ số Shanghai Composite Index của chứng khoán Trung Quốc đại lục đã rơi vào trạng thái đầu cơ giá xuống từ tháng 6. Chỉ số MSCI Emerging Markets Index của các thị trường chứng khoán mới nổi rơi vào trạng thái tương tự vào tuần đầu tháng 10/2018, trong đó có TTCK Việt Nam.

Tuy nhiên, các chỉ số chính của TTCK Việt Nam biến động chậm hơn so với TTCK Trung Quốc. Trong các tuần từ giữa tháng 9/2018 đến đầu tháng 10/2018, VN-Index vẫn diễn biến tích cực, có những phiên giao dịch tăng điểm và ở mức trên 1000 điểm, tuy nhiên từ sau tuần đầu tháng 10/2018, TTCK Việt Nam liên tục đi xuống, khối ngoại thường xuyên bán ròng, đến chiều ngày 24/10/2018 giảm xuống chỉ còn 926 điểm, giảm tới 100 điểm so với thời điểm đầu tháng 10/2018, số vốn hóa trị giá hàng tỷ USD bị bốc hơi mặc dù hàng loạt doanh nghiệp nói chung, các NHTM CP nói riêng công bố báo cáo tài chính hết quý III/2018 cho thấy kết quả kinh doanh tốt lên. Tình hình này ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa DNNN, ảnh hưởng đến tiến độ thoái vốn của SCIC tại các doanh nghiệp cổ phần hóa, ảnh hưởng đến thu hút cổ đông chiến lược và tăng vốn của các DN nói chung và các NHTM CP nói riêng, cũng như đến tiến độ tái cơ cấu TCTD và xử lý nợ xấu.

NDT giảm giá và biện pháp điều hành chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 

Từ đầu năm 2018 đến nay, liên tục diễn ra các mốc khác nhau về sự giảm giá của đồng NDT tình trạng này cũng khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc kém sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. NDT đã giảm giá hơn 4% trong tháng 6/2018 trước các tuyên bố của Tổng thống Mỹ áp dụng các mức thuế mới lên hàng hóa của Trung Quốc. Đến ngày 20/7/2018, NDT giao dịch trên thị trường tài chính quốc tế  giảm 0,7%, xuống mức 6,8367 NDT đổi 1 USD, thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Áp lực giảm giá tăng lên sau khi NHTW Trung Quốc thông báo giảm giá đồng nội tệ 0,9%, đặt tỷ giá tham chiếu ở mức 6.7671 NDT đổi 1 USD (Tham khảo diễn biến NDT 2 năm gần đây ở hình 2).

Hình 2: Diễn biến của Nhân dân tệ so với USD  trong 2 năm qua tính đến 20/7/2018. Nguồn: Bloomberg

Tiếp đó, NHTW Trung Quốc đã thiết lập tỷ lệ tham chiếu của đồng NDT ở mức 6,9154 đổi 1 USD vào giữa tháng 10/2018, đây là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017. Đồng NDT giao dịch trong thị trường lục địa ở mức 6,9025, tiệm cận mức 7 NDT đổi 1USD.

NDT biến động, ảnh hưởng đến tâm lý trên thị trường ngoại hối Việt Nam, đặc biệt là trong tháng 7/2018. Trước diễn biến của NDT và USD, tỷ giá VND/USD cũng biến động khá trong tuần cuối tháng 6 và trong tháng 7/2018, NHNN Việt Nam đã bán USD ra can thiệp, bảo đảm ổn định tâm lý thị trường, ổn định tỷ giá theo mục tiêu điều hành. Báo cáo công bố của Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) ngày 20/8/2018 cho biết, NHNN  đã bán ra khoảng 3,05 tỷ USD kể từ đầu năm 2018 đến thời điểm đó để can thiệp thị trường. Tính toán từ báo cáo của HSC thì trong 2 tuần giữa tháng 8/2018, NHNN đã bán ra 550 triệu USD để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sau thời điểm đó, với mục tiêu điều hành tỷ giá, NHNN vẫn đảm bảo quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia đạt mức 60 tỷ USD so với mức được công bố hết tháng 5/2018 là 63,5 USD. Đây là các biện pháp chủ động, linh hoạt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung và điều hành tỷ giá nói riêng trước tác động căng thẳng của quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc. 

Lạm phát Trung Quốc gia tăng và rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam

Từ đầu năm 2018 đến nay, do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng khá, thường xuyên đạt các mốc mới và tăng tới 2,5% trong tháng 9/2018, cao hơn 0,2% so với tháng 8/2018 - mức tăng cao nhất trong hơn 4 năm qua tại Trung Quốc tính từ sau giai đoạn Tết âm lịch tháng 5/2014.

Hình 3: Diễn biến chỉ số CPI  tại Trung Quốc từ năm 2015 đến tháng 9/2018.  Nguồn: Nikkei

Giá nhóm nông lâm thủy hải sản tăng và kéo dài, kích thích thương nhân tìm đến đặt hàng tại nơi sản xuất, thu mua, chế biến và vận chuyển về Trung Quốc; đồng thời các thương nhân Việt Nam cũng đẩy mạnh xuất khẩu tiểu ngạch, xuất khẩu qua biên giới sang Trung Quốc. Diễn biến này có thể có lợi cho nhà sản xuất, kích thích tín dụng ngân hàng đầu tư vào các lĩnh vực đó gia tăng. Tuy nhiên, rủi ro gặp phải là thương nhân Trung Quốc dìm giá, hay đẩy giá lên cao, người nông dân mở rộng sản xuất, phá vỡ các quy hoạch ở địa phương sau đó họ không mua hay tạm ngừng mua, giá xuống thấp hay không tiêu thụ được. Rủi ro cho người sản xuất và rủi ro cho các NHTM Việt Nam cho vay. Giá nông lâm thủy hải sản ở Việt Nam tăng và kéo dài, ảnh hưởng đến mặt bằng chung, ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát của Chính phủ và điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam.

Khuyến nghị chính sách

Một là, Bộ đội Biên phòng, Bộ Tư lệnh cảnh sát biển chỉ đạo, trực tiếp là các Đồn biên phòng các tỉnh biên giới phía Bắc, lực lượng cảnh sát biển Hải Phòng, Quảng Ninh… cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới, các đường mòn biên giới, các phương tiện vận chuyển trên biển, phát hiện kịp thời và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động buôn lậu trên biên giới đất liền, trên biển, vận chuyển hàng hóa buôn bán bất hợp pháp giữa Việt Nam và Trung Quốc, gây khó khăn cho sản xuất và thị trường trong nước.   

Hai là, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389) từ Trung ương đến các địa phương; Cục Quản lý thị trường và Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố, phối hợp cùng với cảnh sát giao thông, hải quan, cơ quan kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm,…tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ hàng hóa nhập lậu, hàng trốn thuế, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không qua kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm và thú y,… ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu bất hợp pháp vào Việt Nam; cũng như các hành vi thao túng thị trường nông sản, thủy sản của thương nhân Trung Quốc tại một số vùng của Việt Nam.

Ba là, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có biện pháp ổn định tâm lý các nhà đầu tư, ổn định thị trường chứng khoán Việt Nam; tăng cường các biện pháp xử lý những trường hợp thao túng giá cổ phiếu của các nhà đầu tư, công bố thông tin không minh bạch, chậm công bố thông tin,…của các doanh nghiệp niêm yết, thành viên hội đồng quản trị các doanh nghiệp đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Bốn là, các bộ, ngành ở Trung ương, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng; các ngành chức năng ở các địa phương cần đưa ra các biện pháp quản lý cần thiết, tham mưu cho chính quyền hết sức thận trọng trong việc lựa chọn hồ sơ tham gia dự thầu thi công của các nhà thầu Trung Quốc, trong đó, đặc biệt cần đánh giá sát năng lực tài chính, công nợ, kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật, tránh rủi ro cho chủ đầu tư và rủi ro cho các ngân hàng, rủi ro cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương

Tài liệu tham khảo:
- Bloomberg; Reuter, CNN, Financial Times; Nikkei,…
- Cafe.vn, ttvn, vneconomy.com.vn
- www.gso.gov.vn;  www.mof.gov.vn; www.mpi.gov.vn; www.ssc.gov.vn

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ảnh hưởng căng thẳng thương mại với Mỹ đến thị trường tiền tệ Trung Quốc và một số tác động tới Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO