Các ngân hàng cần đẩy mạnh thực hiện các cam kết về tài trợ bền vững

Anh Lê| 11/10/2019 09:45
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các ngân hàng khu vực tư nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang một tương lai bền vững, có hàm lượng carbon thấp - và họ phải đối mặt với áp lực chính trị, thị trường và xã hội ngày càng tăng để làm điều đó.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc tổ chức tại New York cuối tháng trước (tháng 9/2019), chúng ta đã thấy các ngân hàng đưa ra các cam kết mới về lượng khí thải carbon cho phép trong danh mục đầu tư và cho vay của họ cũng như việc tuân thủ các Nguyên tắc mới về Ngân hàng có trách nhiệm.

Một cách khác để các ngân hàng đưa ra tín hiệu hưởng ứng trước áp lực ngày càng tăng từ các cổ đông, doanh nghiệp và chính phủ là thông qua các cam kết tài chính bền vững: các cam kết công khai, có thời hạn để cung cấp hoặc tạo điều kiện ưu tiên vốn cho các giải pháp liên quan đến khí hậu và sự bền vững.

Vậy những cam kết này là gì và có đủ để đáp ứng các thách thức không? Công cụ mục tiêu xanh mới của Viện Nghiên cứu các nguồn lực thế giới (WRI) đã phân tích và so sánh các số liệu chi tiết của các ngân hàng khu vực tư nhân về cam kết tài chính bền vững cho thấy 4 kết quả chính:

1. Chỉ một nửa các ngân hàng lớn đã thực hiện cam kết tài chính bền vững

Công cụ mục tiêu xanh phân tích 50 ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 7/2019, chỉ có 23 ngân hàng trong số này có mục tiêu tài chính bền vững. (Ngày 1/7/2019,  hai ngân hàng lớn là Banco Santander và Ngân hàng Thương mại Hoàng gia Canada công bố cam kết tài chính bền vững, nâng tổng số ngân hàng lớn có cam kết lên 25. Tuy nhiên, các cam kết của 2 ngân hàng này không được phản ánh trong Công cụ mục tiêu xanh bởi thời điểm công bố sau khi thực hiện phân tích).

Những cam kết công khai này có vai trò giá trị cho thấy tín hiệu của ngân hàng - cả bên ngoài và bên trong - rằng các ngân hàng có ý định hỗ trợ sự bền vững theo cách thức có thể đo lường được. Các cam kết công khai có thể thúc đẩy các khách hàng của ngân hàng trực tiếp tiếp cận ngân hàng để được cấp vốn cho các dự án carbon thấp. Các cam kết này có thể là động lực khuyến khích nhân viên ngân hàng tìm kiếm những cơ hội mới hỗ trợ cho sự bền vững. Và đây cũng có thể coi như cam kết với khách hàng rằng ngân hàng của họ đang tài trợ cho các giải pháp đối phó với các thách thức liên quan đến sự bền vững.

Tuy nhiên, một cam kết không phải là bằng chứng cho mục tiêu của tổ chức về sự bền vững. Có những câu hỏi bổ sung cần được trả lời, chẳng hạn như: Có phải mục tiêu đại diện cho sự phân bổ vốn mới chưa được cung cấp nếu không có cam kết tài chính bền vững? Có phải mục tiêu đưa ngân hàng vượt ra ngoài dự đoán thị trường của chính mình?

Việc không có cam kết cũng không đồng nghĩa là ngân hàng làm rất ít hoặc không làm gì về tài chính bền vững. Cam kết chỉ là một trong nhiều cách mà ngân hàng có thể thúc đẩy sự bền vững.

2. Các điều khoản và định nghĩa về cam kết tài chính bền vững khác nhau đáng kể giữa các ngân hàng

Việc  đánh giá và so sánh các cam kết tài chính bền vững dựa trên số tiền tài trợ đã cam kết là rất quan trọng, nhưng có sự khác biệt lớn về cách các ngân hàng xác định và mô tả các mục tiêu của họ.

Một trong những điểm khác biệt quan trọng nhất giữa các ngân hàng là tiêu chí sử dụng trong các cam kết. Một số mục tiêu có phạm vi rộng và có khả năng tài trợ cho danh sách dài các hoạt động hoặc lĩnh vực, chẳng hạn như theo các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Các cam kết khác có trọng tâm rất hẹp, trong đó chỉ tài trợ để phát triển năng lượng tái tạo.

Điểm khác biệt chính nữa là loại dịch vụ tài chính được triển khai như một phần của cam kết. Một số ngân hàng chỉ tính cho vay hoặc các hoạt động tài trợ trực tiếp khác. Những ngân hàng khác lại tính một loạt các dịch vụ tài chính, bao gồm ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Điều này phản ánh các dòng kinh doanh riêng của ngân hàng bởi không phải tất cả các ngân hàng đều cung cấp các loại sản phẩm và dịch vụ giống nhau.

Thời gian cam kết cũng là một khác biệt. Thời gian trung bình của một cam kết là 8 năm rưỡi, nhưng một số chỉ có thời hạn 5 năm hoặc có nơi lại dài tới 14 năm.

3. Hầu hết các ngân hàng vẫn đang đầu tư nhiều hơn vào các dự án nhiên liệu hóa thạch so với mục tiêu tài chính bền vững

Để đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của các mục tiêu tài chính bền vững, phải xem xét trong bối cảnh quy mô tổng thể và các hoạt động tài chính khác có liên quan của ngân hàng. Tài trợ cho các dự án sử dụng nhiên liệu hóa thạch là một điểm so sánh quan trọng để tìm hiểu liệu mục tiêu có phản ánh cam kết thực sự đối với sự bền vững hay không.

Đáng buồn, hầu hết mục tiêu tài chính bền vững hàng năm của các ngân hàng đều nhỏ hơn đáng kể so với tài chính dành cho nhiên liệu hóa thạch. Trong số những ngân hàng có các cam kết tích cực trong giai đoạn 2016-2018, mức tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch trung bình hàng năm gần gấp đôi số lượng cam kết tài chính bền vững. Chỉ có 7 ngân hàng có các mục tiêu tài chính bền vững hàng năm lớn hơn lượng tài chính mà họ cung cấp cho các giao dịch liên quan đến nhiên liệu hóa thạch. Xu hướng này thay đổi theo khu vực. Trung bình, các ngân hàng châu Âu và Úc có các cam kết tài chính bền vững  tham vọng hơn so với  các ngân hàng Hoa Kỳ.

So sánh này phải được phân tích một cách thận trọng. Các ngân hàng thường không cung cấp dữ liệu chi tiết về việc tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch hàng năm. Ước tính đầy đủ, nhất quán và công khai nhất đến từ một tập đoàn nghiên cứu xuất bản thẻ báo cáo (report card) hàng năm về việc tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch của ngân hàng. Phạm vi và phương pháp được sử dụng trong báo cáo khác với phạm vi được sử dụng bởi mỗi ngân hàng để định lượng mức tài chính bền vững. Điều này, cùng với việc định nghĩa khác nhau về tài chính bền vững giữa các ngân hàng, khiến cho việc so sánh tương thích không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, so sánh sơ bộ cũng đã cung cấp thông tin hữu ích và cho thấy các ngân hàng phải đi một chặng đường dài trước khi có thể nói rằng hoạt động tài chính của họ là thân thiện với khí hậu và môi trường.

4. Thiếu phương pháp để đo lường các cam kết là một thiếu sót nghiêm trọng

Hầu hết các cam kết đã đáp ứng các tiêu chí cơ bản được nêu trong các chỉ số định tính về tính cụ thể và trách nhiệm. Một lĩnh vực mà phần lớn không đạt được là phương pháp tính toán công khai. Chưa đến một nửa các ngân hàng công bố phương pháp tính toán để theo dõi các cam kết.

Để tự so sánh với các ngân hàng bạn, các ngân hàng cần phải hiểu cách thức thực hành tính toán của mình khác nhau như thế nào về những gì họ đang đo lường. Các chủ thể liên quan cũng cần sự minh bạch này để hiểu các cam kết của ngân hàng và duy trì sự chịu trách nhiệm của ngân hàng. Mặc dù hơn ¾ các ngân hàng chủ động báo cáo (hoặc có kế hoạch báo cáo) về tiến trình đi tới mục tiêu bền vững, song nếu không tiết lộ phương pháp tính toán thì sẽ không thể diễn giải đầy đủ báo cáo của họ.

Cam kết tài chính không phải là con đường duy nhất để tiến tới sự bền vững

Cam kết tài chính bền vững không phải là cách duy nhất để các ngân hàng có thể gắn kết với sự bền vững. Những cách thức khác bao gồm:

- 130 ngân hàng đã ký kết tham gia các Nguyên tắc mới của Liên Hợp Quốc về Ngân hàng có trách nhiệm, được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh về hành động khí hậu năm nay. Các nguyên tắc này phác thảo một khuôn khổ mới cho ngành ngân hàng để phù hợp với các mục tiêu kinh doanh với SDGs và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

- 5 ngân hàng hàng đầu châu Âu cam kết làm việc để sắp xếp các danh mục cho vay của họ phù hợp với các mục tiêu của Thỏa thuận Paris quốc tế về biến đổi khí hậu.

- 16 ngân hàng đang thử nghiệm các phương pháp mới để sắp xếp các danh mục đầu tư và cho vay với cách thức làm ổn định khí hậu theo Sáng kiến các Mục tiêu dựa trên khoa học (Science based Targets initiative).

- Một số ngân hàng đang xuất bản báo cáo ban đầu của Lực lượng đặc nhiệm về Báo cáo công khai tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD), bao gồm nhóm 16 ngân hàng làm việc với UNEP FI để thí điểm các khuyến nghị.

- Hơn 25 ngân hàng đã cam kết sử dụng 100% điện từ các nguồn tài nguyên tái tạo.

- Hơn 100 tổ chức tài chính đã cam kết loại bỏ hoặc hạn chế tài trợ cho các dự án than.

Tuy nhiên, các cam kết tài chính bền vững là cách thức quan trọng và dễ thấy để truyền đạt cam kết về tính bền vững. Đây là những cam kết rất công khai để đưa một khối lượng vốn lớn vì một tương lai carbon thấp, bền vững.

Tăng cường các cam kết tài chính bền vững trong tương lai

Để ngăn chặn thảm họa khí hậu, đây là thời điểm quan trọng để các ngân hàng khu vực tư nhân cho thấy họ nghiêm túc về vấn đề bền vững.

Chúng ta không chỉ cần các cam kết lớn hơn hoặc của nhiều ngân hàng hơn, mà còn cần các cam kết tốt hơn.

Các ngân hàng cần đưa ra các mục tiêu xanh tham vọng hơn, được hỗ trợ bởi các phương pháp tính toán mạnh mẽ hơn. Những mục tiêu này cần được kết hợp với việc giảm đáng kể tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch. Đối với các ngân hàng chưa đưa ra các mục tiêu xanh, cần phải đẩy mạnh việc xây dựng các cam kết lần đầu tiên của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngân hàng cần đẩy mạnh thực hiện các cam kết về tài trợ bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO