Cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2020

Thanh Hải| 02/07/2020 12:31
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện tốt “mục tiêu kép”: vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế; TS.Cấn Văn Lực và các cộng sự tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt khoảng 4% (kịch bản cơ sở). Dù thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra nhưng nếu đạt được đã là thành công, rất đáng khích lệ.

 

Đánh giá trong báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2020 vừa công bố, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV và các cộng sự tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh, song một số chỉ số kinh tế vĩ mô đã có chuyển biến tích cực từ tháng 5 do sớm kiểm soát được dịch bệnh, tạo tiền đề hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên về tổng thể, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, như: tăng trưởng GDP quý II và 6 tháng đầu năm 2020 thấp nhất từ năm 2011 đến nay; lạm phát còn ở mức cao; thu hút vốn FDI, xuất nhập khẩu suy giảm; hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; tín dụng tăng trưởng chậm do cầu tín dụng thấp; áp lực thâm hụt NSNN tăng lên.

7 điểm sáng và 7 thách thức của kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2020

Kinh tế Việt Nam đã đi qua một nửa chặng đường của năm 2020 với những gam màu sáng tối. Theo nhóm nghiên cứu, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, 6 tháng đầu năm 2020, kinh tế Việt Nam vẫn đạt được 7 điểm tích cực, đó là:

Thứ nhất, Việt Nam là một trong số ít các nước kiểm soát tốt được dịch bệnh nhờ sự chủ động, quyết liệt của Chính phủ, Bộ, ngành; sự đồng lòng của doanh nghiệp, người dân trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Thứ hai, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chế biến - chế tạo và xây dựng đạt mức tăng trưởng tích cực, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung.

Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư công cải thiện tích cực. Sau 6 tháng đầu năm, thực hiện vốn đầu tư công đã có nhiều cải thiện, tốc độ tăng vốn thực hiện từ NSNN tháng 6 và 6 tháng đầu năm đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.

Thứ tư, các chỉ số cho thấy sự hồi phục rõ nét của hoạt động kinh tế xã hội trong 5 tháng và tháng 6 khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, gỡ bỏ giãn cách xã hội. Số liệu từ Google Mobility đo lường sự thay đổi trong xu hướng di chuyển tại Việt Nam tới 1 số điểm như các cửa hàng bán lẻ, khu dân cư, nơi làm việc cho thấy các hoạt động xã hội dần trở về mức bình thường như trước khi có dịch.

Thứ năm, tỷ giá ổn định, lãi suất giảm, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo thống kê, mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm xuống, trong đó: lãi suất tiền gửi giảm khoảng 0,25 - 1% ở các kỳ hạn khác nhau; lãi suất liên ngân hàng giảm từ 1,43 - 3,35 điểm % so với đầu năm; lãi suất cho vay ổn định ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Thứ sáu, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Thứ bảy, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh sau khi Việt Nam kiểm soát dịch bệnh. VN-Index đã hồi phục +26% trong quý II/2020 giúp VNIn-dex lũy kế 6 tháng chỉ giảm khoảng -14% so với đầu năm, với thanh khoản tăng mạnh (giá trị giao dịch bình quân hơn 5.600 tỷ đồng/phiên, tăng gần 21% so với bình quân năm 2019).

Bên cạnh những điểm sáng trên, do tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam cũng đang phải đổi mặt với nhiều điểm hạn chế, thách thức, gồm:

Thứ nhất, tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất từ năm 2011 đến nay, dù một số lĩnh vực có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh. Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, GDP tăng 1,81%, là mức tăng trưởng 6 tháng thấp nhất từ năm 2011.

Thứ hai, áp lực lạm phát vẫn cao dù nhiều nhóm hàng hóa giảm giá. Chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,66% so với tháng 5 và bình quân 6 tháng năm 2020 tăng 4,19% so với cùng kỳ năm 2019 và ở mức cao nhất trong vòng 6 năm.

 

Thứ ba, xuất nhập khẩu giảm nhẹ, mặc dù xuất siêu cao nhất trong vòng 4 năm. Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam song với những bước đi đúng hướng của doanh nghiệp Việt Nam trong đa dạng hóa thị trường và phát triển thương mại điện tử; cùng với đó là hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và kỳ vọng dịch bệnh sẽ dần được kiểm soát trên phạm vi toàn thế giới… hoạt động xuất nhập khẩu dự báo sẽ có sự hồi phục tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2020. Cán cân thương mại năm 2020 dự kiến tiếp tục duy trì trạng thái tích cực, dự báo xuất siêu khoảng 8-10 tỷ USD.

Thứ tư, vốn FDI đăng ký và giải ngân suy giảm.

Thứ năm, thâm hụt NSNN gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Dự báo năm 2020, thâm hụt NSNN ở mức khoảng 5%, mặc dù cao hơn so với các năm trước nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, phải chi nhiều hơn, hỗ trợ nhiều hơn và nguồn thu giảm thì mức thâm hụt này có thể chấp nhận được (so với mức thâm hụt ngân sách toàn cầu khoảng 9,4% năm 2020, cao hơn nhiều so với mức 2,8% năm 2019

Thứ sáu, hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Dự báo trong nửa cuối năm 2020, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dự kiến vẫn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh vẫn khó lường, chưa kiểm soát trên phạm vi thế giới.

Thứ bảy, tín dụng tăng trưởng chậm trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu. Theo nhóm nghiên cứu, tăng trưởng huy động vốn (tính đến ngày 19/6 đạt 4,35%) cao hơn tăng trưởng tín dụng (tính đến ngày 19/6 đạt 2,45%) trong nửa đầu năm 2020 một mặt cho thấy thanh khoản của hệ thống được cải thiện nhưng mặt khác cũng chỉ ra những khó khăn của các TCTD trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Nhiều tín hiệu khả quan trong nửa cuối năm

Trong bối cảnh đại dịch nặng nề, phức tạp, kinh tế toàn cầu suy thoái, Chính phủ vẫn chưa điều chính mục tiêu, thể hiện quyết tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt nhất mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

“Trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện tốt “mục tiêu kép”: vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế; chúng tôi dự báo mức tăng trưởng khoảng 4% năm nay (kịch bản cơ sở), dù thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra nhưng nếu đạt được đã là thành công, rất đáng khích lệ”, TS.Cấn Văn Lực và các cộng sự nhận định.

Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, để đạt tăng trưởng 4% trong năm 2020 thì tăng trưởng quý III và quý IV phải đạt mức lần lượt là 5,51% và 5,63%, trong đó: lĩnh vực nông nghiệp cần tăng trưởng lần lượt là 1,9% và 2,4%; công nghiệp và xây dựng tăng lần lượt 8,5% và 7,1%; dịch vụ tăng lần lượt là 4,6% và 5,5%...

Về lạm phát. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 được dự báo trong khoảng 3,5-3,8%, điều chỉnh giảm khoảng 1 điểm % so với kỳ dự báo tháng 3/2020. Do đó, cần tiếp tục quan tâm, kiểm soát chỉ tiêu lạm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; đồng thời, cần phối hợp đồng bộ các chính sách tiền tệ, tài khóa, giá cả, đặc biệt là phải thực thi các chính sách hỗ trợ đúng, trúng, hiệu quả, mới có thể đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4% đã đề ra.

 

Cán cân thương mại năm 2020 dự kiến tiếp tục duy trì trạng thái xuất siêu khoảng 6-8 tỷ USD, tiếp tục là mức cao trong vòng 4 năm.

Thu hút FDI được dự báo sẽ có những bước đột phá thời gian tới. Vì vậy, dự kiến hoạt động thu hút vốn FDI của Việt Nam sẽ có nhiều kết quả khả quan hơn từ nửa sau năm 2020 và năm 2021.

Dự báo trong 6 tháng cuối năm, lãi suất tiếp tục ổn định hoặc có thể giảm nhẹ (0,25%) nhờ, tỷ giá có thể chịu áp lực tăng giá từ những biến động trên thị trường quốc tế song mức tăng sẽ không quá lớn nhờ dự trữ ngoại hối đầy đủ. Do đó, tỷ giá năm 2020 dự kiến tăng ở mức 1,5-2% so với cuối năm trước.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng dự báo có thể tăng lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019.

Cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp

Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong nửa cuối năm 2020, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV kiến nghị một số giải pháp điều hành, cụ thể như sau:

Một là, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ mà Chính phủ đang tập trung chỉ đạo, cụ thể: Gói chính sách tiền tệ - tín dụng (giảm các lãi suất điều hành, cơ cấu lại nợ, giãn - hoãn nợ, giảm lãi/phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay hiện hữu và các gói tín dụng khoảng 600 nghìn tỷ đồng mà các ngân hàng cam kết cho vay mới với lãi suất ưu đãi; gói hỗ trợ về tài khóa; gói hỗ trợ an sinh xã hội…

Hai là, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa sau đại dịch như: Hoa Kỳ, EU, ASEAN và Hàn Quốc. Đây là 6 thị trường chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn. Theo tính toán, nếu giải ngân hết lượng vốn đầu tư công theo kế hoạch là 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% (tương đương 140.000 tỷ đồng) so với năm trước thì sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 0,3 điểm %.

Bốn là, tiếp tục thúc đẩy khối kinh tế tư nhân phát triển. Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nếu đầu tư tư nhân (chưa tính đến hộ kinh doanh cá thể) tăng 1%, thì sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 0,156 điểm %.

Năm là, tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư để thu hút FDI; thúc đẩy hoạt động hiệu quả của Tổ công tác đặc biệt về thu hút FDI. Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nếu giải ngân FDI tăng thêm 1%, thì GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 0,08 điểm %.

Sáu là, đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Hiện tại, quy mô tiêu dùng cá nhân của Việt Nam tương đương gần 82% GDP và đóng góp 11,87% GDP năm 2019. Theo đó, nếu tiêu dùng cá nhân tăng 1%, thì sẽ giúp GDP năm 2020 tăng trưởng thêm 0,12 điểm %. Cụ thể, nên nghiên cứu tập trung kích vào một số ngành/lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống…

Bảy là, cần phát huy thế mạnh của các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, nhất là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Nếu hai thành phố này phấn đấu kinh tế tăng trưởng thêm 1 điểm %, thì sẽ giúp GDP cả nước năm 2020 tăng trưởng thêm 0,39 điểm %.

Tám là, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ và giao dịch điện tử, thanh toán điện tử; vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp. Theo Báo cáo của Tổ chức tư vấn CSIRO (Úc) với đơn đặt hàng từ Bộ Khoa học và Công nghệ, nếu Việt Nam lựa chọn phương án “Chuyển đổi số” tích cực, chủ động, thì GDP Việt Nam có thể tăng thêm 1,1 điểm %/năm.

Chín là, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài.

Cuối cùng, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng trên phạm vi toàn cầu. Bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO