Đề nghị ưu tiên cho người chăn nuôi được vay vốn tái đàn

Thanh Thanh| 08/04/2020 19:44
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ ngày 1/4/2020, 15 doanh nghiệp (DN) chăn nuôi lớn đã đồng loạt giảm giá bán lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg, tuy nhiên, giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, tái đàn là giải pháp gốc rễ cho vấn đề này.

Trao đổi với báo chí về nguyên nhân giá thị lợn đến tay người tiêu dùng vẫn cao, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Trước khi có dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), mỗi quý cả nước cần tới 910.000 tấn, trong khi vừa qua mới đạt 820.000-830.000 tấn; Nguyên nhân thứ hai là do giá thành sản xuất cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu…; Và nguyên nhân thứ ba, cũng chính là do tỷ lệ còn thiếu nên còn rất nhiều khâu trung gian. Ví dụ như vừa qua 15 DN đồng hành từ ngày 1/4/2020 đưa giá xuất chuồng xuống 70.000 đồng/kg, nhưng vì lượng lợn ở những DN này chưa đủ lớn nên chưa đủ sức chi phối thị trường. Cùng với đó, còn rất nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ, dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá thành xuống thấp như mong muốn…

“Tới đây, chúng ta phải tập trung nhiều giải pháp; trong đó một giải pháp gốc rễ vấn đề là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các DN cùng với Hiệp hội cùng bà con nông dân phối hợp giữa các tỉnh để tăng đàn, đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn…”- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến ngày 10/3, tổng đàn lợn trên cả nước đạt 24 triệu con, đạt 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch (31 triệu con lợn vào tháng 12/2018). Trong 3 tháng đầu năm nay, tốc độ tái đàn lợn trung bình trên phạm vi cả nước tăng 6,2%. Dự kiến đến quý III/2020, Việt Nam có thể cân đối được cung cầu thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong Công văn 2456/BNN-TY ngày 8/4/2020 do Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Phùng Đức Tiến ký gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức thực hiện các giải pháp để kiểm soát giá bán lợn thịt, thịt lợn, Bộ NN&PTNT cho biết, sau cuộc họp do Phó Thủ trướng Trịnh Đình Dũng chủ trì với các bộ, ngành và 15 DN chăn nuôi lợn lớn hôm 30/3, tất cả 15 DN đã đồng loạt giảm giá bán lợn thịt xuống 70.000 đồng/kg lợn hơi từ ngày 1/4/2020, có DN giảm giá bán xuống 65.000 -67.000 đồng/kg lợn hơi.

Tuy nhiên, tổng số lượng lợn thịt xuất chuồng của 15 DN chỉ chiếm 35-40%, còn lại do các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi của các địa phương cung cấp ra thị trường với giá dao động từ 73.000 - 78.000 đồng/kg lợn hơi, làm ảnh hưởng chung đến giá bán lợn thịt và thịt lợn.

Nhằm tổ chức kiểm soát giá bán thịt lợn, bảo đảm hài hòa lợi ích của người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang tập trung các nguồn lực phòng, chống đại dịch Covid-19, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền cơ sở các cấp khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 132/TB-VPCP ngày 29/3/2020 của Văn Phòng Chính phủ.

Cụ thể, tổ chức rà soát, kiểm soát giá bán lợn thịt và thịt lợn; đề nghị các trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn tại các địa phương cùng với 15 DN đồng loạt giảm giá xuống mức 70.000 đồng/kg lợn hơi; tiến tới giảm xuống 65.000 đ/kg đến 60.000 đ/kg lợn hơi và thấp hơn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời tổ chức rà soát các địa phương đã hết bệnh DTLCP để tổ chức công bố hết dịch theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi và mặt bằng đất đai để người chăn nuôi, DN trên địa bàn tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Đặc biệt, tại văn bản này, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền cơ sở các cấp rà soát, chi trả kinh phí cho các hộ, cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP để có nguồn lực tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn; đồng thời đề nghị, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng tại địa phương có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Liên quan đến chính sách tín dụng, trước đó, đề xuất giải pháp với Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chính sách ưu tiên tín dụng, ưu tiên người chăn nuôi bị thiệt hại vì bệnh DTLCP được vay vốn để khôi phục sản xuất, tái đàn, tăng đàn và mở rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh; có chính sách cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn vay vốn kinh doanh với lãi suất ưu đãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị ưu tiên cho người chăn nuôi được vay vốn tái đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO