Điều chuyển vốn nội bộ của ngân hàng: Góc nhìn từ định giá chuyển giao và quản lý phân cấp của doanh nghiệp

PGS,TS. Đặng Văn Dân| 03/07/2019 09:40
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Vấn đề vừa được đặt ra là nền tảng cơ bản nhất dẫn đến sự hình thành và phát triển của định giá điều chuyển vốn nội bộ (FTP) tại ngân hàng. Đây được xem là một công cụ hữu hiệu giúp đo lường và nâng cao hiệu suất, là một quá trình phân bổ thu nhập lãi cho những đóng góp nội bộ ở nhiều cấp độ khác nhau được áp dụng rộng rãi tại các ngân hàng. FTP là một yếu tố quan trọng của tính toán thu nhập kế toán quản trị.

Ngày nhận bài: 28/3/2019 - Ngày biên tập: 29/3/2019 - Ngày duyệt đăng: 16/4/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 12 năm 2019.

Tóm tắt: Định giá chuyển giao của doanh nghiệp và định giá điều chuyển vốn nội bộ (Funds Transfer Pricing – FTP) của ngân hàng là hai khía cạnh quan trọng trong kế toán quản trị của tổ chức, một bên là doanh nghiệp và một bên là ngân hàng, tuy nhiên rất ít được khai thác và phân tích với những đối chiếu. Bài viết này với mục tiêu cung cấp thêm những nền tảng lý luận về FTP của ngân hàng sẽ tập trung làm rõ những khác biệt của hai phạm trù này. Ngoài ra, vấn đề tại sao tổ chức phân cấp thành nhiều đơn vị kinh doanh trong quá trình hoạt động lại có ý nghĩa với FTP cũng được phân tích. Các nội dung này giúp khai thác sâu hơn vào FTP trong quản lý vốn tập trung của ngân hàng với góc nhìn và cách tiếp cận rất mới. Đặc biệt, một bộ khung cho quy trình vận hành FTP cũng được đề xuất cho các ngân hàng thương mại Việt Nam trên cơ sở góc nhìn từ định giá chuyển giao.

Từ khoá: định giá chuyển giao, FTP, ngân hàng, quản lý phân cấp

FUNDS TRANSFER PRICING FOR BANKS IN VIEWS OF TRANSFER PRICING AND DECENTRALIZED MANAGEMENT OF ENTERPRISES

Abstract:Transfer pricing of enterprises and funds transfer pricing (FTP) of banks are two important aspects of the organizations’ management accounting, however, they are rarely explored and analyzed with comparisons. This paper, with the aim at providing more theoretical foundation for the banks’ FTP, focuses on clarifying the differences of these two categories. In addition, the issue of why organizations are decentralized into many business units, which is meaningful to FTP is also analyzed. These contents shed further light on FTP of banks with a new perspective and approach. In particular, a framework for the banks’ FTP operation process is also proposed on the view from transfer pricing.

Key words: transfer pricing, FTP, banks, decentralized management

Giới thiệu

Trong bối cảnh của sự tự do hóa và biến động của thị trường tài chính, cạnh tranh và đa dạng hóa sản phẩm gia tăng, các ngân hàng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức mới. Theo Lawrence và Lorsch (1967), để đối phó với rủi ro, một tổ chức phải đạt được sự phân cấp cần thiết trong thành phần tổ chức đồng thời tích hợp các nỗ lực tập thể của họ. Chính vì điều này, hiện tại các ngân hàng có xu hướng phân cấp để tạo ra các đơn vị kinh doanh khác nhau, mỗi đơn vị chịu trách nhiệm cho một thị trường sản phẩm cụ thể theo sự chỉ đạo của các nhà quản lý. Trong các ngân hàng phi tập trung (decentralized bank), mỗi quản lý tập trung vào thị trường sản phẩm dịch vụ nhất định và có trách nhiệm quản lý rủi ro nhỏ hơn. Khi các nhà quản lý này được thúc đẩy để kiểm soát hiệu quả rủi ro của họ, rủi ro cho toàn bộ ngân hàng có thể được giảm bớt.

Tuy nhiên, cách thức vận hành vừa nêu có thể dẫn đến xung đột giữa các bộ phận. Theo Mehafdi (1992), các xung đột có thể xảy ra khi áp dụng hệ thống đánh giá hiệu suất kém hiệu quả, sau đó được căn cứ để quyết định các chính sách khen thưởng và lợi ích. Để giải quyết xung đột, cần phải có một hệ thống đánh giá tạo điều kiện cho hành động phối hợp của các đơn vị kinh doanh ngân hàng phi tập trung và phải phản ánh sự đóng góp của bất kỳ hoạt động của đơn vị kinh doanh ngân hàng nào một cách thỏa đáng.

Vấn đề vừa được đặt ra là nền tảng cơ bản nhất dẫn đến sự hình thành và phát triển của định giá điều chuyển vốn nội bộ (funds transfer pricing – FTP) tại ngân hàng. Đây được xem là một công cụ hữu hiệu giúp đo lường và nâng cao hiệu suất, là một quá trình phân bổ thu nhập lãi cho những đóng góp nội bộ ở nhiều cấp độ khác nhau được áp dụng rộng rãi tại các ngân hàng. FTP là một yếu tố quan trọng của tính toán thu nhập kế toán quản trị. Vấn đề cơ bản của báo cáo quản lý ngân hàng là cần phải tính toán lợi nhuận trên các sản phẩm và bộ phận khác nhau để đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt. Tiền lãi, thành phần lớn nhất của lợi nhuận của ngân hàng, được nhận từ các khoản cho vay và trả cho khách hàng trên cơ sở nguồn tiền huy động. Nếu không có FTP, dường như tất cả các khoản tiền gửi chỉ tạo ra chi phí, trong khi đó chúng là nguồn tài trợ cần thiết để cho vay. Do đó, có người sẽ tự hỏi nếu thế thì đơn vị kinh doanh chỉ nhận tiền gửi mà không cho vay sẽ bị coi là không có lãi và hoạt động không hiệu quả? FTP giải quyết vấn đề này bằng cách thiết lập các mức giá nội bộ cho phép ước tính chi phí tài trợ mà ngân hàng phải chịu và giao nó cho người sử dụng vốn.

FTP là công cụ không thể thiếu cho ngân hàng trong vấn đề phân phối thu nhập, như vậy đối với các doanh nghiệp sản xuất thông thường thì có công cụ nào có chức năng tương tự không? Nội dung tiếp theo sau sẽ giải đáp câu hỏi này.

Định giá chuyển giao của doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp tài chính

Định giá chuyển giao đối với các ngành sản xuất

Định giá chuyển giao (transfer pricing, hay còn gọi là “chuyển giá”) là việc thiết lập giá cho những giao dịch nội bộ (tức là giao dịch giữa các bên liên quan) đối với hàng hóa dịch vụ trong doanh nghiệp. Theo đó thì Wells (1968) định nghĩa rằng giá chuyển giao (transfer price) là biểu hiện tiền tệ của sự dịch chuyển hàng hóa và dịch vụ giữa các đơn vị tổ chức của cùng một doanh nghiệp, hay nói cách khác chúng là các giá trị tiền tệ được gán cho hàng hóa và dịch vụ được chuyển giao trong nội bộ doanh nghiệp. Ví dụ, dịch vụ từ bộ phận sản xuất có thể được bán cho bộ phận chăm sóc khách hàng, hoặc dịch vụ từ công ty mẹ có thể được chuyển nhượng cho một công ty con,... Các mức giá giao dịch này được quy định trong nội bộ một tổ chức, do đó cơ chế thị trường thiết lập mức giá cho những giao dịch như thế sẽ không được áp dụng. Việc áp dụng giá chuyển giao sẽ ảnh hưởng đến sự phân bổ tổng số lợi nhuận giữa các bộ phận của doanh nghiệp.

Ngày nay thì định giá chuyển giao đã trở thành mối quan ngại lớn đối với cơ quan quản lý tại nhiều nước bởi nỗi lo ngại rằng các công ty xuyên quốc gia có thể định giá cho các giao dịch mang tính định giá chuyển giao từ đó làm giảm lợi ích về thuế của đất nước họ. Điều này đã dẫn đến nhiều quy định và điều khoản cấm định giá chuyển giao trong các công ty đa quốc gia1.

Định giá chuyển giao cho ngành tài chính

Tình huống định giá chuyển giao trong ngành sản xuất liên quan đến một đơn vị tổ chức nào đó chuyển hàng hóa vật lý sang đơn vị thứ hai. Tuy nhiên, trong ngành tài chính thì các đối tượng được chuyển giữa các đơn vị tổ chức là tiền, thay vì hàng hóa,  dịch vụ. Đáng chú ý hơn là trong trường hợp này chỉ có việc ghi nhận về mặt sổ sách và thực tế không liên quan đến sự dịch chuyển của các quỹ. Do đó, mục tiêu của định giá chuyển giao trong ngành tài chính có những khác biệt so với mục tiêu của ngành sản xuất.

Nội dung của FTP là về giá cả cho giao dịch liên quan đến dòng vốn nội bộ trong một tổ chức tài chính. Hệ thống FTP cung cấp nguồn thu nội bộ cho các nhà cung cấp vốn và nguồn chi nội bộ cho người dùng vốn. FTP đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kế toán quản trị tài chính và là thành phần quan trọng của quá trình đo lường lợi nhuận, vì nó phân bổ đóng góp chính cho lợi nhuận giữa các đơn vị kinh doanh. Đây là phương pháp toàn diện với chức năng của một kỹ thuật kế toán quản trị để đưa vào quy trình đo lường lợi nhuận tổng thể của một tổ chức đặc biệt như ngân hàng.

So sánh định giá chuyển giao trong ngành sản xuất và tài chính

Các ngân hàng dễ dàng xác định giá chuyển giao hơn so với các doanh nghiệp sản xuất vì các nhà quản lý ngân hàng hiểu rõ về cấu trúc chi phí và các yếu tố đầu vào trong quy trình hoạt động của họ. Điển hình như một ngân hàng huy động vốn và sau đó sử dụng nguồn vốn này để cho vay, cấu trúc chi phí của các nguồn vốn có thể dễ dàng được ước tính từ thị trường tiền tệ cạnh tranh và hiệu quả, khi mà chi phí phát sinh có liên quan đến doanh thu vì doanh thu có được từ nghĩa vụ tài chính dựa trên chi phí. Tuy nhiên, phương pháp định giá chuyển giao phức tạp hơn đối với các ngân hàng so với các doanh nghiệp sản xuất ở một số khía cạnh rất trọng yếu.

Cấu trúc chi phí có nhiều biến động cho ngành tài chính hơn là ngành sản xuất. Các hệ thống của doanh nghiệp sản xuất đã phát triển trong một thời gian dài khi mà họ thường thực hiện các công việc lặp đi lặp lại trong các khung thời gian nhất định. Do đó, các yếu tố cho mô hình định giá chuyển giao của các doanh nghiệp sản xuất là tương đối ổn định. Với ngành tài chính, các sản phẩm dịch vụ và nguồn cung ứng vốn thay đổi đáng kể rất nhanh chóng tùy thuộc vào lãi suất, điều kiện kinh tế chung, nhu cầu vay và các sản phẩm tài chính khác. Tính biến động về đầu vào và đầu ra của sản phẩm làm cho mô hình định giá chuyển giao trở nên phức tạp khi phải xét đến yếu tố biến động liên tục.

Sự không chắc chắn của chi phí trong tương lai làm cho mô hình định giá chuyển giao phức tạp hơn đối với ngành tài chính so với các ngành công nghiệp sản xuất. Một khi doanh nghiệp sản xuất cho ra đời một sản phẩm, chi phí của nó về cơ bản dừng lại. Tuy nhiên, một ngân hàng phải đối mặt với rủi ro phát sinh từ lãi suất, tỷ giá, hay các yếu tố từ thị trường. Ví dụ như khi ngân hàng có một khoản cho vay lãi suất cố định kỳ hạn 3 năm, khi mà lãi suất cho vay trong tương lai tăng thì rõ ràng ngân hàng đã phải gặp rủi ro về lãi suất. Khi ấy chi phí trong tương lai có thể gia tăng và điều này có nghĩa là ngân hàng bị thu hẹp lợi nhuận khi cho vay. Bởi thế định giá chuyển giao cho khoản vay phải bao gồm các chi phí phát sinh trong tương lai do thay đổi mức lãi suất, hay nói cách khác là FTP của ngân hàng phải là công cụ cực kỳ linh hoạt trong trường hợp này.

Thêm vào đó, một đặc điểm khác biệt của các ngân hàng là hoạt động trong một thị trường tài chính rất cạnh tranh. Một sự điều chỉnh cực kỳ nhỏ và dễ dàng cũng có thể tạo ra những khác biệt rất lớn và khi đó áp lực cạnh tranh có thể lập tức xuất hiện. Do đó, lợi nhuận của các ngân hàng rất nhạy cảm với chi phí vốn.

Xu hướng quản lý phân cấp

Sự hiện diện ngày càng nhiều và với mức độ phức tạp ngày càng tăng của các tổ chức phi tập trung làm tăng tầm quan trọng của việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ nội bộ giữa các mảng hoạt động khác nhau được thiết kế bên trong của một tổ chức, như các phòng ban và công ty con. Do đó, cần thiết để xem xét những nền tảng mà định giá chuyển giao được tích hợp với cấu trúc vận hành của tổ chức phân cấp.

Theo Luthans (1973), có ít nhất ba quan điểm về phân cấp: (i) Một là phân cấp theo nghĩa địa lý; (ii) Hai là về phân cấp đề cập đến các chức năng trong một tổ chức. Ví dụ như có một bộ phận phê duyệt tín dụng trong ngân hàng, chức năng phê duyệt tín dụng được cho là tập trung. Nếu mỗi đơn vị hoặc bộ phận kinh doanh có bộ phận phê duyệt tín dụng riêng, chức năng phê duyệt tín dụng có thể nói là phân cấp. (ii) Ba là quan điểm đề cập đến sự ủy quyền. Các nhà quản lý của các đơn vị kinh doanh của tổ chức càng có thẩm quyền, mức độ phân cấp càng lớn. Tuy nhiên khi nói về mức độ phân cấp, nhiều người cho rằng đây là một thuật ngữ tương đối, bởi không bao giờ có sự phân cấp hoàn toàn hoặc tập trung hóa hoàn toàn.

Việc phân cấp giúp một tổ chức giảm thiểu rủi ro (hay tính không chắc chắn trong quá trình hoạt động). Khi có những tác động từ môi trường bên ngoài, các tổ chức sẽ cấu trúc thành nhiều đơn vị để qua đó mỗi đơn vị có nhiệm vụ chính là xử lý một phần trong các điều kiện bên ngoài. Theo đó, mỗi người quản lý đơn vị có một phạm vi giám sát được giới hạn và mỗi người có khả năng xử lý chỉ một phần của toàn bộ tác động. Trong những trường hợp này, các tổ chức có thể được phân cấp để đối phó hiệu quả với những điều không chắc chắn trong môi trường bên ngoài của họ. Cơ cấu của một tổ chức thể hiện cách ứng xử với các yếu tố không chắc chắn và việc phân cấp cho phép một tổ chức tạo ra một số đơn vị để đối phó với rủi ro và do đó khiến các đơn vị khác trong cùng tổ chức hoạt động trong điều kiện an toàn, gần với mục tiêu hơn.

Các tổ chức ngoài ra còn tìm kiếm sự đa dạng hóa thông qua phân cấp trong vận hành. Trong một tổ chức, các hoạt động kinh doanh khác nhau có thể yêu cầu các đơn vị vận hành khác nhau, sở hữu các kỹ năng chuyên biệt có thể được áp dụng để điều chỉnh các hoạt động. Ví dụ, một ngân hàng có thể được phân cấp để hình thành các đơn vị cho vay phục vụ nhóm các khách hàng khác nhau, có thể được tổ chức đặc thù tuỳ vào các mối quan hệ với khách hàng cho vay. Nhìn chung, một cấu trúc phân cấp khiến cho doanh nghiệp tương đối dễ dàng trong việc kết hợp tính đa dạng với sự thống nhất.

Khi một doanh nghiệp thực hiện ủy ​​quyền ra quyết định cho các nhà quản lý bộ phận có thể tạo ra những động lực lớn hơn. Một môi trường được tổ chức bằng cách phân cấp ra quyết định sẽ đem lại những sự cải thiện lớn, xuất phát từ khả năng sáng tạo của các cá nhân có trách nhiệm được trao đầy đủ quyền hành và công cụ khuyến khích phát triển. Có thể nhìn nhận vấn đề theo hướng rằng kết quả cao hơn có được từ nhận thức của các nhà quản lý bộ phận khi nghĩ rằng họ đang điều hành doanh nghiệp của riêng họ và những người quản lý giỏi thường là những người có nhu cầu cao về thành tích, muốn được ghi nhận. Trong trường hợp các quản lý bộ phận này chỉ được phép hành động theo chỉ đạo từ quản lý cấp cao, động lực có thể là không còn và khi đó họ có thể cảm thấy thất vọng vì không thể quyết định khi không có bất kỳ thẩm quyền nào. Do đó, cho phép ra quyết định ở cấp bậc khác nhau trong doanh nghiệp có thể khuyến khích các nhà quản lý trở nên hiệu quả hơn trong hành động.

Không chỉ hoàn toàn đi cùng với lợi ích, cơ chế phân cấp có thể phải chịu một số điểm bất lợi. Đáng kể nhất là nó có thể dẫn đến sự không thống nhất giữa mục tiêu của đơn vị kinh doanh và mục tiêu của doanh nghiệp. Có rất nhiều quan điểm cho rằng phi tập trung hóa có thể dẫn đến việc ra quyết định sai lệch mà ở đó lợi ích của cả doanh nghiệp có thể bị bỏ qua. Đơn cử như với ngân hàng, một quyết định của giám đốc chi nhánh vì lý do nào đó có thể làm tăng lợi ích của đơn vị mình quản lý nhưng đồng thời lại giới hạn toàn bộ lợi nhuận của cả ngân hàng. Ngoài ra việc phân cấp tổ chức làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các đơn vị kinh doanh và điều này làm cho việc quản lý tổ chức trở nên khó khăn hơn.

Một hệ thống định giá chuyển giao là cần thiết phải được thiết lập, trên nguyên tắc phân cấp về mặt tổ chức nhưng tập trung về chức năng quản lý vốn đối với các ngân hàng. Rõ ràng với một tổ chức chuyên nghiệp như ngân hàng, việc phân định rõ trách nhiệm và từ đó đánh giá hiệu suất quản lý, vận hành của từng đơn vị là điều không thể thiếu. Ở đó, sự ra đời và phát triển của FTP là yếu tố gắn liền.

Động cơ thúc đẩy định giá chuyển giao

Hoàn thành các mục tiêu của doanh nghiệp

Khi mà mục tiêu của tổ chức là tối đa hoá giá trị doanh nghiệp mà nền tảng quan trọng là gia tăng hiệu quả hoạt động2, hệ thống định giá chuyển giao nên được thiết kế như một công cụ thúc đẩy và điều khiển hành vi của các nhà quản lý nhằm tập trung tốt nhất nguồn lực vào các sản phẩm để hướng đến hiệu quả hoạt động của toàn bộ doanh nghiệp. Trong một hệ thống định giá chuyển giao, giá chuyển giao biểu thị cho mối quan hệ giữa các đơn vị và toàn bộ doanh nghiệp. Với ngân hàng, các giá này phải được thiết lập để cho phép hài hòa các mục tiêu của ngân hàng và các đơn vị kinh doanh. Mỗi ngân hàng nên tạo ra giá chuyển giao phù hợp để đảm bảo rằng các nhà quản lý của các đơn vị kinh doanh trong ngân hàng hành động theo cách phù hợp với mục tiêu chung của ngân hàng. Mặt khác, những người quản lý này có thể có hành vi cơ hội, ở một góc độ nào đó họ có thể theo đuổi lợi ích cá nhân mà làm tổn hại đến văn hóa và thực tiễn vận hành của ngân hàng. Điều này có thể dẫn đến khả năng xảy ra sự kiện rối loạn nếu giá chuyển giao phù hợp không được tạo ra. Do đó, một hệ thống FTP được thiết kế kém có thể dẫn đến các hành động tối đa hóa lợi nhuận của các đơn vị kinh doanh ngân hàng, nhưng gây bất lợi cho toàn bộ ngân hàng. Đây là một trở ngại mà trong giai đoạn bắt đầu vận hành FTP rất nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã gặp phải.

Xác định trách nhiệm các đơn vị

Một hệ thống định giá chuyển giao phải phục vụ phân bổ rủi ro sao cho hiệu suất của các đơn vị kinh doanh không phụ thuộc vào sự biến động của thị trường ngoài tầm kiểm soát của họ. Quy trình định giá chuyển giao hỗ trợ các đơn vị kinh doanh không chịu trách nhiệm quản lý các rủi ro ngoài tầm kiểm soát của họ. Để phân công trách nhiệm quản lý rủi ro, mỗi rủi ro liên quan đến các giao dịch vốn cần được xác định và cách ly. Với ngân hàng, khi tìm hiểu chi tiết về cách thức vận hành của FTP và nguyên tắc điều chuyển vốn, người ta dễ dàng nhận thấy được việc rủi ro ngân hàng có thể được phân tách bằng FTP như thế nào. Bên cạnh đó, các phương pháp của định giá chuyển giao rất quan trọng đối với sự hiểu biết về rủi ro và quản lý rủi ro. Để xác định rõ trách nhiệm quản lý rủi ro tài chính được thiết lập trong các bộ phận khác nhau trong ngân hàng, các rủi ro phải được tách biệt và giao cho các đơn vị thích hợp.

Đánh giá hiệu suất của từng bộ phận

Với một doanh nghiệp chia nhỏ hoạt động kinh doanh của mình thành các bộ phận khác nhau và để thiết lập giá chuyển giao hợp lý, họ có thể tính toán biên hiệu suất của một giao dịch hoặc một danh mục đầu tư bất kỳ nào của giao dịch và đóng góp của nó vào tỷ suất lợi nhuận chung của doanh nghiệp. Xét với ngân hàng, FTP cho phép phân bổ doanh thu nội bộ của ngân hàng cho các nhà cung cấp vốn và chi phí nội bộ cho người dùng vốn. Trong trường hợp này, việc áp dụng FTP có thể dẫn đến một báo cáo về lợi nhuận của chi nhánh/sản phẩm thể hiện một thước đo hợp lý về sự đóng góp của chi nhánh/sản phẩm vào lợi nhuận của toàn hệ thống ngân hàng đó.

Việc vận hành định giá chuyển giao ảnh hưởng đến việc đo lường, đánh giá và khen thưởng, từ đó tác động đến nhận thức về sự công bằng của từng nhà quản lý. Các số liệu đóng góp lợi nhuận thu được từ hệ thống định giá chuyển giao thường được sử dụng để đo lường và đánh giá hiệu suất cũng như để hỗ trợ quá trình ra quyết định, cũng như những kết quả này cũng được sử dụng để xây dựng các quy định nhằm động viên khuyến khích. Trong những trường hợp này, định giá chuyển giao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của nhân viên và do đó có tác động thực sự đến tất cả các chiến lược của doanh nghiệp.

Tối đa hóa quyền tự chủ của đơn vị

Khi đóng vai trò khuyến khích các nhà quản lý để tăng hiệu quả, hệ thống định giá chuyển giao cũng không làm mất quyền tự chủ của các đơn vị. Các nhà quản lý đơn vị kinh doanh trong một tổ chức có mong muốn được tự do thỏa mãn nhu cầu của chính họ ở bên trong hoặc bên ngoài với mức giá tốt nhất có thể. Hệ thống định giá chuyển giao không nên can thiệp vào quá trình trong đó các đơn vị sử dụng vốn cố gắng giảm thiểu chi phí và các đơn vị cung cấp vốn phấn đấu để tối đa hóa doanh thu của mình.

Trong một ngân hàng, các bộ phận cung cấp vốn cố gắng tối đa hóa doanh thu của mình từ các khoản tiền được chuyển và người sử dụng vốn cố gắng giảm thiểu giá chuyển giao trên số tiền được chuyển cho họ. Tình huống này có thể phức tạp hơn khi có những hạn chế đối với các đơn vị quản lý cao nhất. Để xử lý vấn đề này, nên thiết lập một hệ thống định giá chuyển giao tối ưu để đảm bảo rằng tối đa hóa lợi nhuận của tổ chức cũng như của các đơn vị có thể cùng tồn tại với quyền tự chủ hoạt động của các nhà quản lý đơn vị.

Đề xuất khung xây dựng quy trình định giá chuyển giao

Quá trình định giá chuyển giao có vai trò quan trọng và có sức lan tỏa trong việc thiết kế cũng như triển khai hệ thống thông tin, kiểm soát quản lý, liên quan chặt chẽ đến yếu tố chiến lược và quy trình vận hành. Theo đó chiến lược xác định những gì một doanh nghiệp làm, liên quan đến cả chiến lược của doanh nghiệp và các đơn vị như chiến lược cho các nhóm, bộ phận hoặc thậm chí các sản phẩm riêng lẻ, đều ảnh hưởng đến thực tiễn định giá chuyển giao. Yếu tố quyết định thứ hai là quy trình vận hành định giá chuyển giao, mà theo tác giả Quan (2009) thì nên có một bộ khung gồm sáu yếu tố có thể được áp dụng trong việc thiết kế quy trình định giá chuyển giao, bao gồm: (1) Lý do (Why), (2) Đối tượng (What), (3) Tác nhân (Who), (4) Địa điểm (Where), (5) Thời gian (When), và (6) Cách thức (How). Sau đây là thảo luận về đề xuất khung định giá chuyển giao mà các ngân hàng thương mại Việt Nam trong quá trình vận hành FTP có thể tham khảo.

Yếu tố lý do (Why)

Yếu tố này liên quan đến các lý do cơ bản để giao dịch diễn ra trong nội bộ doanh nghiệp, đặc biệt là khi có một thị trường bên ngoài cho hàng hóa dịch vụ được chuyển nhượng. Yếu tố này liên quan đến chiến lược của công ty, được xem là yếu tố quyết định đầu tiên của thực tiễn định giá chuyển giao. Một số giao dịch được yêu cầu phải được thực hiện trong nội bộ một số tổ chức. Như với một ngân hàng, bộ phận cho vay được yêu cầu vay vốn từ các nhà cung cấp quỹ trong cùng một ngân hàng. Người sử dụng vốn chỉ có thể nhận tiền từ thị trường tiền tệ bên ngoài khi không có tiền thừa từ các đơn vị cung cấp trong ngân hàng.

Yếu tố đối tượng (What)

Yếu tố này liên quan đến các loại thông tin khác nhau được các nhà quản lý sử dụng để thiết lập giá chuyển giao. Thông tin có thể bao gồm nhiều dạng dữ liệu, nhiều hơn vấn đề giá cả. Ngoài ra, yếu tố này cũng liên quan đến đối tượng được chuyển giao là gì, có thể là hàng hóa (nguyên liệu thô và sản phẩm) hoặc dịch vụ và tầm quan trọng của nó đối với doanh nghiệp, bên chuyển giao và bên nhận chuyển giao. Trong ngành sản xuất, giá chuyển giao thường được đặt cho các sản phẩm trung gian, là hàng hóa và dịch vụ được cung cấp bởi bộ phận bán hàng cho bộ phận mua. Các hàng hóa được tiếp tục xử lý và sau đó được bán cho các bộ phận nội bộ khác hoặc người mua bên ngoài.

Yếu tố tác nhân (Who)

Yếu tố này liên quan đến các cá nhân có liên quan, chịu trách nhiệm và bị tác động bởi các giao dịch, đặc biệt những người có liên quan trong việc thiết lập giá chuyển giao. Việc xác định rõ ràng các cá nhân liên quan giúp ban lãnh đạo cao nhất của tổ chức giao quyền cho các nhà quản lý các bộ phận của tổ chức và phân công chính xác trách nhiệm quản lý các giao dịch.

Yếu tố địa điểm (Where)

Yếu tố này liên quan đến xuất phát và đích đến của việc chuyển giao, có thể là bên chuyển giao hoặc bên nhận chuyển giao. Yếu tố địa điểm cần được xác định rõ ràng để trách nhiệm quản lý các giao dịch kinh doanh có thể được phân công hợp lý. Điều này rất quan trọng vì sự phân công đúng đắn trách nhiệm giúp một tổ chức giữ các nhà quản lý chịu trách nhiệm về các hoạt động đó dưới sự kiểm soát của họ.

Yếu tố thời gian (When)

Yếu tố này đề cập đến mức độ thường xuyên và trong những điều kiện nào giá chuyển giao được thay đổi, hay liên quan đến thời điểm giao dịch diễn ra. Yếu tố thời gian rất quan trọng đối với phân bổ chi phí và doanh thu theo các khoảng thời gian và đánh giá hiệu suất và chế độ khen thưởng, vì các báo cáo hiệu suất và phản hồi cho các nhà quản lý bộ phận phải nhanh chóng và kịp thời. Để cho phép định giá chuyển giao đo lường chính xác hiệu suất của các nhà quản lý bộ phận, những thay đổi về chi phí hoặc giá thị trường được sử dụng để xác định giá chuyển giao cần được xem xét.

Yếu tố cách thức (How)

Yếu tố này hơn hết liên quan đến các kỹ thuật và phương pháp định lượng có thể được sử dụng để xác định giá chuyển giao. Ngoài ra nó còn liên quan đến các loại quy trình giải quyết xung đột, các thủ tục và quy định nội bộ kiểm soát quá trình chuyển giao. Các quy trình và quy định có thể được thiết kế để giải quyết bất kỳ xung đột nào trong quy trình định giá chuyển giao.

Khung sáu yếu tố cung cấp một sự hiểu biết tốt về định nghĩa của định giá chuyển giao, chỉ ra rằng nó có thể được sử dụng làm điểm khởi đầu cho nghiên cứu thực nghiệm về quy trình định giá chuyển giao. Một hệ thống FTP hoàn chỉnh cho ngân hàng có thể được xây dựng dựa trên bộ khung này.

Kết luận

Định giá chuyển giao của doanh nghiệp hay FTP của ngân hàng nhằm mục đích đạt được một số mục tiêu quan trọng cho một doanh nghiệp nói chung haymột ngân hàng nói riêng. Các ngân hàng khác nhau có thể có cấu trúc tổ chức khác nhau và phải đối mặt với các tác động từ môi trường bên ngoài khác nhau. Do đó, họ có thể tập trung vào các mục tiêu khác nhau và hệ thống FTP được thiết lập phải tìm cách đạt được các mục tiêu mà họ đặt ra, trên cơ sở tham khảo các vấn đề của định giá chuyển giao trong doanh nghiệp.

Chú thích

1 Một khía cạnh khác là thao túng giá chuyển giao (Transfer Pricing Manipulation), một chiến lược thiết lập giá chuyển giao với mục tiêu hướng doanh nghiệp thoát khỏi sự kiểm soát của chính phủ và những khác biệt trong quy định giữa các quốc gia, tại Việt Nam nó liên quan nhiều đến các vấn đề về thuế của các tập đoàn đa quốc gia.

2 Đối với một doanh nghiệp đặc thù như ngân hàng, tối ưu hiệu quả hoạt động hàm ý gồm gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.

Tài liệu tham khảo

 - Dermine, J. 2011. Fund transfer pricing for deposits and loans, foundation and advanced. INSEAD, Fontainebleau.

 - Lawrence, P. R. & Lorsch, J. W. 1967. Organization and Environment, Irwin.

 - Luthans, F. 1973. Organizational Behaviour. McGraw-Hill Book Co., New York.

- Mehafdi, M. 1992. Behavioural aspects of domestic transfer pricing from a corporate management perspective: a survey of large decentralised companies in the UK. University of Greenwich, Business School.

- Quan, L. 2009. Funds transfer pricing and performance evaluation. Prifysgol Bangor University.

- Thompson, J. 1967. Organizations in action; social science bases of administrative theory. McGraw-Hill Book Co., New York.

- Wells, M. C. 1968. Profit centres, transfer prices and mysticism. Abacus, December, 174-81.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều chuyển vốn nội bộ của ngân hàng: Góc nhìn từ định giá chuyển giao và quản lý phân cấp của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO