Định vị hệ thống NHTM Việt Nam trong cộng đồng các nước CPTPP

Phạm Thủy Tú| 22/07/2019 14:42
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính bao gồm các bước: phân tích, tổng hợp, thống kê mô tả, diễn dịch – quy nạp với các nguồn dữ liệu được công bố từ WB (bộ chỉ số indicators), báo cáo tài chính công bố của Ngân hàng Nhà nước, báo cáo thường niên của các NHTM Việt Nam.

Ngày nhận bài: 15/5/2019 - Ngày biên tập: 16/5/2019 - Ngày duyệt đăng: 5/7/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 13 năm 2019.

Tóm tắt: Việc định vị hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam so với hệ thống ngân hàng các nước thành viên trong cộng đồng Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có ý nghĩa thiết thực giúp các nhà quản trị ngân hàng đưa ra các quyết sách và mục tiêu phát triển cho ngành ngân hàng trong tương lai. Nghiên cứu được thực hiện chủ yếu dựa vào khung phân tích CAMELS và bộ chỉ số lành mạnh tài chính theo chuẩn IMF. Bài viết sử dụng các kết quả được tính toán, tổng hợp từ nguồn dữ liệu công bố tại Ngân hàng Thế giới - WB (bộ chỉ số indicators), báo cáo tài chính công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), báo cáo thường niên của các NHTM Việt Nam, số liệu tổng kết từ báo cáo tại các diễn đàn kinh tế uy tín làm cơ sở phân tích, đưa ra nhận định và đánh giá. Thông qua đó, bài viết đề xuất một số gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách và quản trị ngân hàng giúp các hoạt động trong ngành ngân hàng ngày càng ổn định hơn.

Từ khóa: CAMELS, CPTPP, chỉ số lành mạnh tài chính, định vị, NHTM

POSITIONING VIETNAM’S COMMERCIAL BANKING SYSTEM IN CPTPP COMMUNITY

Abstract: The positioning of Vietnam’s commercial banking system compared to the banking system of member countries in the CPTPP community has practical significance to help bank managers make policy decisions and goals for the development of banking industry in the future. The study was conducted mainly on CAMELS analytical frameworks and financial indicators based on IMF standards. The article used the calculated results, synthesized from data sources published by Worldbank (indicators), financial reports published by the State Bank of Vietnam (SBV), annual reports of commercial banks Vietnam, data summarized from reports at reputable economic forums as basis for analysis, making evaluations and assessments. As a result, the paper proposes some ideas for policy makers and bank managers to help banking industry become more and more stable.

Keywords: CAMELS, CTPTPP, Financial Soundness Indicators – FSIs, positioning, commercial bank

1. Đặt vấn đề

Đối với nền kinh tế Việt Nam, việc ký kết thành công CPTPP là bước ngoặt lớn đánh dấu cột mốc quan trọng trong mối quan hệ thương mại song phương với các nước thành viên. Với 11 nước thành viên, quy mô 500 triệu dân, chiếm 13,5% GDP toàn cầu với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD tương đương 15,2% thương mại toàn cầu, CPTPP kỳ vọng là FTA mang lại nhiều lợi ích nhất cho các nước thành viên.

Ngành Ngân hàng Việt Nam, vốn là một ngành trung gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối mọi hoạt động của nền kinh tế, là cầu nối giữa các hoạt động thương mại trong và ngoài nước, cũng là tiền đề tiên quyết cho phát triển kinh tế xã hội. Do đó, việc xác định vị trí, năng lực của NHTM Việt Nam so với hệ thống ngân hàng các nước thành viên trong cộng đồng CPTPP là hết sức thiết thực trong bối cảnh Hiệp định đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Bài viết dựa vào các kết quả tính toán, nhận định của các chuyên gia kinh tế uy tín để đánh giá thực trạng hiện tại, đồng thời là cơ sở định vị vai trò, vị trí và năng lực cạnh tranh của NHTM Việt Nam trong CPTPP.

2. Cơ sở lý thuyết

Để đánh giá năng lực hoạt động của hệ thống ngân hàng một quốc gia, các chỉ tiêu đánh giá thường được dựa trên khung phân tích CAMELS – hệ thống giám sát xếp hạng các ngân hàng ở Mỹ và bộ chỉ số lành mạnh tài chính (Financial Soundness Indicators – FSIs) theo chuẩn IMF, trong đó:

Khung phân tích CAMELS được xem xét dựa trên 6 yếu tố: Mức độ an toàn vốn (Capital Adequacy), chất lượng tài sản có (Asset Quality), năng lực quản lý (Management), khả năng sinh lời (Earnings), thanh khoản (Liquidity) và mức độ nhạy cảm với rủi ro thị trường (Sensitivity to Market Risk).

Bộ chỉ số lành mạnh tài chính do IMF ban hành nhằm giúp lành mạnh hệ thống tài chính, đồng thời giúp cảnh báo sớm những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra cho một hệ thống tài chính của một quốc gia. Hệ thống chỉ số FSIs được chia thành hai nhóm cơ bản: nhóm chỉ số FSIs cơ bản được sử dụng thống nhất bởi phần lớn các quốc gia; và nhóm chỉ số FSIs mang tính khuyến khích là các chỉ số tùy thuộc vào từng quốc gia trong việc quyết định tính toán và sử dụng. Theo NHNN Việt Nam (2011), có 5 nhóm yếu tố được chi tiết thành 12 chỉ số cốt lõi cho các tổ chức nhận tiền gửi (Bảng 1).

 

Ngoài ra trong nghiên cứu của Beck và cộng sự (2008), để so sánh mức độ ảnh hưởng của các ngân hàng, sử dụng chỉ số khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng thông qua chỉ tiêu số lượng máy ATM và số lượng chi nhánh được phân bổ và tiếp cận bởi dân số.

Trong bài viết, các chỉ tiêu được sử dụng để so sánh là độ sâu tài chính, khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, tính lành mạnh và năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng, năng lực quản trị và phát triển dịch vụ ngân hàng.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính bao gồm các bước: phân tích, tổng hợp, thống kê mô tả, diễn dịch – quy nạp với các nguồn dữ liệu được công bố từ WB (bộ chỉ số indicators), báo cáo tài chính công bố của Ngân hàng Nhà nước, báo cáo thường niên của các NHTM Việt Nam. Bài viết vận dụng khung phân tích CAMELS và bộ chỉ số lành mạnh tài chính theo chuẩn IMF, từ kết quả tổng hợp trên các số liệu được tính toán, tác giả kết hợp với các nhận định và đánh giá từ các chuyên gia kinh tế tại các diễn đàn uy tín để phân tích, tổng hợp và thu được các kết quả như sau:

4. Kết quả và thảo luận

4.1 Tóm lược nội dung CPTPP liên quan đến ngành ngân hàng

Các cam kết thuộc lĩnh vực dịch vụ tài chính của CPTPP hướng tới đẩy mạnh sự phát triển của thị trường dịch vụ tài chính ở các nước thành viên, bao gồm:

(i) Mở rộng cam kết về mở cửa thị trường đi kèm với cơ chế minh bạch hóa tạo cơ hội tiếp cận thị trường tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài;

(ii) Áp dụng cơ chế bảo hộ đầu tư nhằm bảo đảm đầy đủ lợi ích của các nhà đầu tư;

(iii) Bảo đảm không gian chính sách để thực hiện các biện pháp quản lý thận trọng nhằm xây dựng một nền tài chính vĩ mô ổn định.

(iv) Trong CPTPP, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung (so với WTO) đối với một số loại hình dịch vụ mới như:

a. Mở cửa dịch vụ nhượng, tái bảo hiểm qua biên giới;

b. Dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng;

c. Mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới.

(v) Tăng cường không gian chính sách và sự linh hoạt các quy định thông qua bổ sung các điều khoản mới về “rút lui”, “gia nhập” và “rà soát lại” hiệp định.

Như vậy, tự do hóa tài chính trong khuôn khổ CPTPP rất cao dù các nước thành viên được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng như các nước thành viên được áp dụng các ngoại lệ cần thiết, gồm các biện pháp thận trọng bảo vệ an ninh quốc gia, quyền lợi và thông tin cá nhân; chính sách về tỷ giá, tiền tệ nhằm bảo đảm môi trường đầu tư ổn định, an toàn. Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính trong CPTPP, mặc dù yêu cầu cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận thị trường và đầu tư qua biên giới nhưng vẫn đảm bảo rằng, các nước trong CPTPP có đủ năng lực điều hành thị trường và các tổ chức tài chính cũng như thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng.

4.2 Định vị hệ thống NHTM Việt Nam trong cộng đồng CPTPP

Để xác định vị thế năng lực hoạt động của các NHTM Việt Nam so với NHTM các nước thành viên trong CPTPP, bài viết chủ yếu phân tích dựa trên các số liệu tổng hợp được công bố thông qua 2 chỉ tiêu: mức độ phát triển, đóng góp của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế của một quốc gia và tính lành mạnh, năng lực tài chính của NHTM Việt Nam.

4.2.1 Mức độ phát triển và đóng góp của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế

Để đánh giá mức độ phát triển và đóng góp của lĩnh vực tài chính ngân hàng đối với nền kinh tế, bài viết chọn 2 tiêu thức: độ sâu tài chính và khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

- Độ sâu tài chính: Đây là chỉ tiêu được xem như thước đo cho sự phát triển tài chính của một nền kinh tế quốc gia. Chiều hướng gia tăng của độ sâu tài chính thể hiện quy mô của hệ thống tài chính so với GDP. Độ sâu tài chính thường được tính theo lượng vốn vay ngân hàng cho khu vực tư nhân và mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu trên GDP. Vì vậy thường dùng các chỉ số như tỷ lệ của các khoản nợ có tính thanh khoản trên GDP, tỷ lệ tiền mở rộng (M2) trên GDP, tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDP, … để đo độ sâu tài chính của một quốc gia.

 

Số liệu từ Bảng 2 cho thấy năm 2013 độ sâu tài chính của Việt Nam đứng vị trí thứ 4 sau Nhật Bản, Malaysia và Singapore (chưa xét Canada không có dữ liệu công bố). Tỷ lệ tiền rộng trên GDP liên tục tăng dần qua các năm, đến năm 2017 Việt Nam là nước có độ sâu tài chính cao nhất với tỷ lệ 155,28%, đây là con số khá triển vọng cho Việt Nam. Tuy nhiên chỉ tiêu tiền rộng dùng để đo độ sâu tài chính chưa phản ánh chính xác bởi tỷ lệ tiền rộng trên GDP có thể biến thiên phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia. Do đó, độ sâu tài chính còn được xác định thông qua tỷ lệ tín dụng ngân hàng trên GDP.

 

Dữ liệu tại Bảng 3 thể hiện tỷ lệ tín dụng tiêu dùng so với GDP của Việt Nam có tín hiệu gia tăng dần qua các năm. Năm 2013, tỷ lệ tín dụng tiêu dùng so với GDP của Việt Nam đứng thứ 6 và đến năm 2017 thì vươn lên vị trí thứ 2 (chưa xét Canada không có dữ liệu công bố) trong 11 nước thành viên CPTPP.

Theo báo cáo “Điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” của WB tại Việt Nam ngày 11/12/2018, tổng tín dụng khu vực ngân hàng ước tính tăng 3,6% (so với đầu năm) tính đến hết quý I/2018 - tương đương 14 % so với cùng kỳ và thấp hơn ước tính mức tăng 18,2% cả năm 2017. Tuy nhiên, hàm lượng tín dụng/GDP vẫn tương đối cao - bằng khoảng 130 % GDP vào cuối 2017, còn tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng 1,4 lần so với tốc độ tăng GDP theo giá hiện hành. Hàm lượng tín dụng cao so với GDP ở Việt Nam cho thấy khu vực tài chính vẫn chủ yếu dựa vào ngân hàng khi thị trường vốn còn tương đối kém phát triển. Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao có thể gây rủi ro về ổn định khu vực ngân hàng, nhất là với những yếu kém còn tồn tại trên bảng cân đối và hệ số vốn còn mỏng ở một số ngân hàng. (Trang 21 – Báo cáo điểm lại tình hình phát triển kinh tế Việt Nam - documents.worldbank.org)

- Khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng: Khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính là một trong những yếu tố được dùng làm thước đo đánh giá mức độ phát triển dịch vụ tín dụng ở một quốc gia. Các chỉ tiêu phổ biến như số lượng chi nhánh NHTM, số lượng máy ATM tính trên 100.000 người dân hay chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng cũng được dùng để đánh giá khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng một quốc gia.

Theo số liệu được công bố bởi WB (2017) số lượng chi nhánh NHTM và số lượng máy ATM tính bình quân trên 100.000 người tại các quốc gia trong CPTPP được thể hiện trong Bảng 4 và Bảng 5 như sau:

 
 

Thống kê tại Bảng 4 và Bảng 5 cho thấy số lượng chi nhánh NHTM và số lượng phân bổ ATM bình quân trên 100.000 người ở Việt Nam mặc dù có tăng qua các năm nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp nhất so với các nước khác trong CPTPP. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế so với các nước thành viên khác. Ngoài ra, theo một số số liệu khác của Tổng cục Thống kê, mật độ chi nhánh NHTM và số lượng máy ATM phân bổ không đồng đều giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn. Đây cũng là một hạn chế làm giảm khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ của hệ thống NHTM Việt Nam.

 

Thống kê của Bảng 6 công bố từ WB được cập nhật mới nhất (2018), chỉ số chiều sâu thông tin tín dụng tại Việt Nam là khá tốt so với các nước thành viên khác, đây là ưu thế để Việt Nam tiếp tục phát triển dịch vụ tín dụng trong và ngoài nước. Các dịch vụ ngân hàng đang phát triển cần được duy trì và phát huy hơn nữa, đồng thời phát triển và mở rộng thêm các dịch vụ mới.

4.2.2 Tính lành mạnh và năng lực tài chính của NHTM Việt Nam trong nhóm CPTPP

Để đánh giá tính lành mạnh và năng lực tài chính của hệ thống NHTM Việt Nam, bài viết sử dụng một số chỉ tiêu phổ biến như tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ, tỷ lệ vốn trên tài sản, tỷ lệ an toàn vốn, rủi ro thanh khoản và hiệu quả hoạt động tài chính của các NHTM.

- Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ: Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng theo tính toán công bố từ WB tương đương 1,83 % tổng tài sản của ngân hàng vào cuối tháng 12/2017. Tuy nhiên, số đó chỉ phản ánh được một phần những thách thức về chất lượng tài sản trong hệ thống ngân hàng vì chỉ tiêu này chưa bao gồm tài sản xấu do VAMC nắm giữ. Nếu gộp cả nợ xấu của VAMC và nợ xấu tiềm năng, tổng tài sản xấu trong khu vực ngân hàng theo ước tính rơi vào khoảng 7,36 %...

 

- Tỷ lệ vốn trên tài sản: Theo số liệu từ NHNN, tính đến ngày 30/6/2018, toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) có vốn điều lệ ước đạt 510.010 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ước đạt 720.430 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 10,42 triệu tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 6,67 triệu tỷ đồng. Cùng thời điểm, tỷ lệ an toàn vốn của các TCTD Việt Nam đạt 12,27%, tỷ lệ dự trữ thanh khoản 18,8%. Về cơ bản, các TCTD đáp ứng các yêu cầu tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, báo cáo WEF cho thấy mức độ tiếp cận tín dụng và sự lành mạnh của sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam nằm ở mức độ thấp so với các quốc gia CPTPP. Độ lành mạnh của ngân hàng Việt Nam đứng thứ 112/137 quốc gia.

 

Về tổng tài sản, lợi nhuận trước thuế và quy mô vốn cấp 1, hệ thống NHTM Việt Nam cũng ở mức độ thấp so với thế giới. Theo The Banker, năm 2017, Việt Nam có 13 ngân hàng lọt vào top 1.000 ngân hàng lớn nhất trên thế giới, dẫn đầu là 4 NHTM có vốn Nhà nước, trong đó VietinBank (xếp thứ 331/top 1.000 ngân hàng) quy mô vốn cấp 1 cao nhất cũng mới chỉ đạt 2,41 tỷ USD. So sánh quy mô các ngân hàng trong 11 thành viên CPTPP, theo thống kê của tác giả Lê Thị Nguyệt và Vũ Thị Khánh Huyền (Trung tâm Nghiên cứu BIDV) có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm các ngân hàng tại Singapore, Nhật Bản, Canada; nhóm 2 gồm Australia, New Zealand và Malaysia; nhóm 3 gồm ngân hàng các nước Mexico, Chile, và Peru. Ngân hàng Việt Nam ở mức thấp hơn cả 3 nhóm trên.

- Tỷ lệ an toàn vốn: Hệ số CAR các NHTM Việt Nam đã được cải thiện dần tuy nhiên vẫn còn thấp nhất so với các ngân hàng trong 10 thành viên còn lại của CPTPP. Đặc biệt, nhiều NHTM Nhà nước hệ số CAR đã sát ngưỡng tối thiểu theo chuẩn Basel I.

 

Hiệu quả hoạt động tài chính của một số NHTM Việt Nam thông qua chỉ tiêu ROA, ROE

Lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA)

Chỉ số ROA của các NHTM Việt Nam bình quân cao nhất ở mức 0,97% vào năm 2011 và thấp nhất ở mức 0,45% năm 2015. Từ mức cao 0,97% năm 2011, chỉ số ROA giảm mạnh vào năm 2012 xuống 0,88%, chỉ số ROA biến động giảm liên tục từ 0,61% năm 2013 xuống 0,45% năm 2015 và tăng nhẹ trở lại từ năm 2016. Nhìn tổng thể, xu hướng chung của chỉ số ROA của các NHTM Việt Nam là giảm qua các năm từ 2011-2015 và có xu hướng tăng nhẹ từ năm 2016-2017.

Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE)

ROE bình quân cao nhất ở mức 9,15% vào năm 2017 và thấp nhất ở mức 5,72% năm 2015. Từ mức cao 8,76% năm 2011, ROE giảm mạnh vào năm 2012 xuống 8,02%, ROE biến động giảm liên tục từ 6,17% năm 2013 xuống 5,72% năm 2015 và sau đó tăng mạnh trong 2 năm 2016 và 2017 tương ứng ở mức 6,83% và 9,15%. Nhìn tổng thể, xu hướng chung của ROE của các NHTM Việt Nam là giảm qua các năm từ 2011-2015. Giai đoạn 2016 – 2017, ROE của các NHTM tăng mạnh trở lại.

5. Kết luận

Đối với nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng, việc gia nhập và khi CPTPP chính thức có hiệu lực thực thi có thể sẽ đem đến cho Việt Nam những triển vọng lớn trong việc kết nối nền kinh tế của mình các nước thành viên CPTPP khác.

Trong thời điểm hiện tại, việc nâng cao vị thế của Việt Nam so với các nước thành viên CPTPP còn rất nhiều áp lực và sức ép cạnh tranh. Quy mô, năng lực và chính sách quản lý của các NHTM Việt Nam so với các nước thành viên còn nhiều hạn chế nhất định. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, nắm bắt kịp thời và hiệu quả các cơ hội tiềm năng từ CPTPP mang lại, đòi hỏi Chính phủ quyết tâm, mạnh dạn đổi mới quan điểm quản lý, điều hành chính sách, thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, nhất là giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để thiết lập môi trường vĩ mô ổn định cũng như chung tay hỗ trợ định hướng tầm nhìn phát triển chiến lược cho ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của nội tại bản thân các NHTM Việt Nam trong việc mở rộng quy mô, dịch vụ, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả và đáp ứng kịp thời được các nhu cầu ngày càng đa dạng trước bối cảnh hội nhập.

Các NHTM Việt Nam cần chủ động, tích cực cải tiến hoạt động, sẵn sàng tiếp nhận những đổi mới khi gia nhập vào một cộng đồng mới như CPTPP, trở thành ngân hàng đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh để có thể được xếp hạng cùng các ngân hàng khác trong khu vực và trên thế giới theo các tiêu chí về vốn, tổng tài sản, năng lực quản lý, lợi nhuận, khả năng thanh khoản, thông tin công khai, minh bạch và độ thích ứng với thị trường … Đồng thời, NHTM Việt Nam cần tích cực cải tiến nhằm cải thiện, gia tăng niềm tin từ khách hàng trong và ngoài nước với các dịch vụ sẵn có cũng như triển vọng trong tương lai.

Tài liệu tham khảo:

- Nguyễn Thị Hằng Nga (2016), “Vị trí của ngân hàng thương mại Việt Nam trong ASEAN”, Tài liệu về Hội thảo khoa học “Định vị kinh tế Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)”.

- Tạ Thị Kim Dung (2018), “Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng Việt Nam 2017 – Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng (Số 197 – Tháng 10. 2018).

- TS. Nguyễn Thị Minh Huệ (2012), “Đánh giá hệ thống ngân hàng Việt Nam qua một số chỉ số lành mạnh tài chính”, Tạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội (Trang 158-166).

- Võ Trí Thành và các cộng sự (2013), “Giám sát hệ thống tài chính, chỉ tiêu và mô hình định lượng”, Báo cáo nghiên cứu RS – 03, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và UNDP tại Việt Nam.

- TS. Phan Thị Linh, NCS. ThS. Trần Thị Vân Trà (2019), “Chính sách an toàn vĩ mô góp phần ổn định tài chính cho khu vực ngân hàng Việt Nam”, Tạp chí tài chính.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2011), “Bộ chỉ số lành mạnh tài chính theo chuẩn IMF”, http://sbv.gov.vn

- FSB, IMF, BIS (2011), “Macroprudential Policy Tools and Frameworks”, Progress Report to G20.

- IMF (2006), “Financial Soundness Incators – Compilation Guide”.

- Ngân hàng Thế giới (2017), “Bộ chỉ số Indicator”, http//data.worldbank.org/indicator? tab=all.

- Kaus Schwab (2018), “Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 (The Global Competitiveness Report 2017 - 2018)”, Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Định vị hệ thống NHTM Việt Nam trong cộng đồng các nước CPTPP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO