Gặp nhau giữa trùng khơi

Trần Thành – Lữ Mai| 26/01/2020 11:26
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ở đảo Đá Lớn B, có một chiếc pông tông (ponton) cũ. Nhiều chục năm về trước, khi chưa dựng được nhà cao chân, những lực lượng đầu tiên ra giữ đảo đã neo trú, sinh hoạt chính trên pông tông ấy. Đó như một cái phao bập bềnh giữa biển, diện tích khiêm tốn thôi, dài vài chục mét, ngang dăm bảy mét. Sau này, khi xây được đảo với những công trình vững chãi, để khẳng định chủ quyền, chiếc pông tông cũ vẫn “neo” lại bãi cạn Đá Lớn, nằm mãi nơi này.

Từ chiếc pông tông cũ...

Hồi đầu, bộ đội tận dụng đó làm nơi trồng rau, tăng gia nhưng không hiệu quả lắm bởi vật liệu sắt do khí hậu nắng nóng, hơi mặn ăn mòn chẳng cây trồng, vật nuôi nào sống được. Thế rồi, đầu tiên, có một đôi hải âu vươn khơi bám biển đã lấy đây làm nhà. Tình yêu đơm hoa kết trái, hải âu cái sinh ra những quả trứng và ngày đêm ấp ủ, hải âu đực thì ngày ngày ra biển bắt cá nuôi gia đình. Cuộc sống mưu sinh vất vả, không phải lúc nào cũng có thể thành công. Trong những lần thành công hiếm hoi, chú nhẫn nại mang thành quả về tổ ấm. Đàn hải âu nhỏ lớn lên trong tình yêu thương của mẹ và sự vất vả của cha. Mái nhà nhỏ tràn đầy hạnh phúc mà chẳng thể bình yên. Ngoài kia, vẫn luôn có những gã “hàng xóm” ngày đêm dòm ngó, lấn chiếm, tranh giành…

Từ tổ ấm duy nhất buổi ban đầu, hải âu ngày càng sinh sôi, cả chim từ đâu xa cũng bay về trú ngụ. Bộ đội thi thoảng chạy sang chơi, có chú tò mò, nghịch ngợm xem trứng rồi đưa tay nhón một vài quả, lập tức bị cả đàn hải âu xúm xít đuổi cho. Ấy là đùa vui vậy, chứ lính đảo có tình cảm đặc biệt với loài chim biển, như những người anh em, bè bạn. Khi rảnh rỗi, họ quan sát, ngắm nghía cuộc sống khơi xa của hải âu cho thư thái. Loài chim này nom hiền lành, thơ ngây nhưng bản tính thực ra rất dữ dội. Chúng săn cá thiện nghệ, là “sát thủ có khuôn mặt trẻ thơ”, đôi lúc con nọ sang nhà con kia, cãi nhau ầm ĩ cả lên. Dầu vậy, chúng luôn bay theo đàn, sống theo đàn, và sẽ là trận chiến thực sự nếu xuất hiện loài chim lạ. Khi ấy, cả đàn hợp sức quyết chiến đến cùng. Bão tố nổi lên, bộ đội lo chung nỗi lo với lũ chim, xót xa nhặt từng mảnh vụn những tổ ấm vừa bị tàn phá.

...Đến những ngày ăm ắp kỷ niệm giữa trùng khơi

Đá Lớn ba điểm đảo: A, B, C. Những ngày không có sóng thì đẹp lắm. Thật khó dùng ngôn từ tả cho hết được cảnh sắc tuyệt vời nơi đây. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng, nước xanh như ngọc như ngà... Được cưỡi trên chiếc xuồng chủ quyền, ngắm đàn hải âu bay chấp chới bên trên chiếc pông tông cũ chợt thấy Tổ quốc mình dài và rộng quá... Đảo Đá Lớn cực kỳ gian khổ. Năm 2014 tôi tới đây, chỉ độc ngôi nhà đơn nhỏ hẹp. Bây giờ đã xây thêm công trình nhà đa năng tiện nghi, vững chãi, bộ đội làm việc sinh hoạt đỡ nhiều rồi song vẫn thiếu nước ngọt, tăng gia gặp khó khăn, lính đảo thường đánh bắt cá bổ sung vào nguồn thực phẩm mỗi ngày. Thềm san hô của đảo có loài cá hồng ăn được. Ở đảo khác, nếu ăn loại này rất dễ bị độc vì chúng ăn rong rêu, tảo độc nên nhiễm cả độc vào thịt. Ai lỡ ăn vào, toàn thân sẽ mỏi nhừ như bị ai đánh đập, rút khớp bẻ xương đi. Đá Lớn thì không có loài rong rêu ấy nên con cá hồng chẳng làm sao. Tôi từng được những người lính tặng cho một con và gọi điện khẳng định: “Anh cứ yên tâm đi, đảo chúng em gắn bó, chúng em biết”. Tặng nhau đấy, quý nhau lắm mà chẳng khi nào gặp được nhau. Trên quần đảo, biết hết nhau nhưng không gặp gỡ là chuyện thường tình. Đến đây, lại miên man kỷ niệm về đồng chí Đỗ Văn Việt, chính trị viên tàu 996, con tàu một thời được mệnh danh là nữ hoàng Biển Đông.

Gọi là nữ hoàng Biển Đông bởi ngày đó toàn tàu vận tải, 996 được trang bị đầy đủ, đẹp đẽ, sơn màu trắng muốt. Giờ nhiều tàu hiện đại, 996 vẫn thuộc về vùng ký ức đẹp đẽ và gian khổ. Khi tôi lên tàu này, ký ức huy hoàng đã trở thành quá vãng, phòng tàu chật chội, ai cũng trốn phòng lên boong nên gặp nhau suốt ngày, nói đôi câu chuyện là biết sạch tên tuổi, quê quán, gia đình. Con tàu không còn hợp thời nhưng cũng nhờ lẽ đó mà mang lại cảm xúc thật quý giá cho đoàn công tác suốt hải trình hơn chục ngày. Mỗi ngày, đồng chí Việt đều gần gũi đoàn khách, chăm sóc từ bữa ăn đến chuyện ai say sóng, ai tối ngủ bị lạnh cần thêm mảnh chăn. Khi con tàu hoàn thành xong nhiệm vụ, đưa những đợt khách cuối cùng ra thăm đảo thì được bàn giao lại, các thủy thủ chuyển sang tàu trực. Chuyến Tết ra đảo, chẳng ngờ các đồng chí ấy đã sang tàu khác rồi, tàu mình đang lênh đênh giữa trùng khơi mà lại tình cờ gặp được nhau. Thời điểm Tết, hầu hết mối quan tâm ở đất liền đều hướng đến các đảo Trường Sa, các đoàn công tác cũng thế. Tuy nhiên, trên biển cũng có những lực lượng lưu động làm việc xuyên Tết, cũng thiếu không khí xuân, cũng nhớ nhà, cũng bâng khuâng đón giao thừa trên biển. Ngoài nhiệm vụ, bộ đội trên tàu chỉ có niềm vui lớn nhất là chuyện trò và câu cá. Nếu may mắn gặp nhau trên biển cũng chỉ có cá để tặng nhau thôi. Một người chị cùng câu lạc bộ với tôi qua vài kênh liên lạc thì được biết chàng chính trị viên tàu 996 năm nào đang trên tàu ở cùng khu vực. Thế rồi, giữa biển trời lồng lộng, chúng tôi gặp được nhau, chuyển được hai gói trà Thái Nguyên sang tàu bên ấy. Đỗ Văn Việt cùng một số anh em đi ca nô sang tàu chơi, chúng tôi có gì mang ra mời hết. Đầu tiên, một quả bưởi được bóc ra hết sức nâng niu, nhẹ nhàng. Sau đó, ba quả ổi ban đầu bổ một. Khách nhìn chúng tôi, nếu chúng tôi ăn, khách lại mới ăn. Để xua đi không khí ngại ngần, chúng tôi đành ăn từng miếng, với mình thì thừa, khách thì quá thiếu. Cảm giác ấy khó tả lắm, thương nhau lắm. Bổ thêm quả nữa, mình ăn, khách cũng lại mới ăn. Câu chuyện vừa kịp đượm đến giờ thủy thủ phải về tàu. Tôi thực sự lúng túng, chẳng biết phải làm gì nữa, về phòng lấy hết hoa quả. Dăm quả quýt, vài quả ổi, quả bưởi… cho vào túi đưa vội cho anh em, trông ra cả biển trời đã tối sập. Lúc sau, lại thấy có ánh đèn le lói, có tiếng ca nô cập mạn tàu, anh Việt mang con cá phải đến 30kg lên tặng.

Tôi đã được ngắm trăng ở nhiều nơi trên thế giới, lúc thì chót vót trên một đỉnh núi nào đó ở dãy Himalaya, khi thì len lỏi giữa một cánh rừng nhiệt đới, lúc lại nằm dài ở mũi một con đò lững lờ trôi sông... tất cả đều tĩnh tại, huyền ảo. Thế nhưng cảm xúc nhất vẫn là những đêm trăng Trường Sa. Những đêm trăng giữa biển cả bao la, xung quanh bốn bề sóng vỗ, những ngọn gió nối nhau bất tận. Trăng mười sáu dát bạc lên từng con sóng, cả mặt biển đen bỗng lung linh, lóng lánh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gặp nhau giữa trùng khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO