Giá xăng, điện khiến CPI tăng 0,4%

Minh Hoàng| 31/07/2020 10:35
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - ​​​​​​​Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu trong nước biến động tăng theo giá xăng dầu thế giới và nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao trong thời gian nắng nóng kéo dài. Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2020 vẫn giảm 0,19% so với tháng 12 năm trước - mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 7 tháng năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,07% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng 0,4% của chỉ số CPI tháng 7/2020 có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó, nhóm giao thông tăng nhiều nhất với 3,91% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 27/6/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu tăng 9,02% (tác động làm CPI chung tăng 0,37%).

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,47%, chủ yếu do giá điện, nước sinh hoạt tăng lần lượt là 2% và 0,25% khi nhu cầu sử dụng điện, nước tăng mạnh vào thời điểm thời tiết nắng nóng và do giá gas tăng 1,13%, giá dầu hỏa tăng 8,2%.

Ảnh minh họa

Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,3% do đây là tháng học sinh, sinh viên bước vào kỳ nghỉ hè nên nhu cầu vui chơi giải trí tăng cao. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,07%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,06%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,02% do thời tiết nắng nóng kéo dài nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống, giải khát tăng (giá nước giải khát có ga tăng 0,11%, giá nước quả ép tăng 0,06%); nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục cùng mức tăng 0,02%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,17%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,18% (trong đó: lương thực giảm 0,2% do giá gạo giảm 0,33%; thực phẩm giảm 0,3%; nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,02%.

CPI bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 4,07% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 7/2020 giảm 0,19% so với tháng 12/2019 và tăng 3,39% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 7/2020 tăng 0,09% so với tháng trước và tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 7 tháng năm 2020 tăng 2,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, giá vàng trong nước tăng theo giá vàng thế giới do tình hình kinh tế thế giới dự báo tiêu cực, dịch COVID-19 tiếp tục lan nhanh, các nước đều đưa ra các gói kích thích kinh tế. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/7/2020 tăng 4,31% so với tháng 6/2020, cao nhất trong vòng 9 năm kể từ năm 2012.

Trong nước, lãi suất tiết kiệm giảm mạnh, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro, dẫn đến nhu cầu mua các loại tài sản an toàn như vàng tăng cao. Chỉ số giá vàng tháng 7/2020 tăng 3,49% so với tháng trước; tăng 20,89% so với tháng 12/2019 và tăng 28,57% so với cùng kỳ năm trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng, điện khiến CPI tăng 0,4%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO