Hệ thống phân ngành trong danh mục cho vay của các NHTM Việt Nam và những bất cập trong ứng dụng chỉ số G-HHI đo lường đa dạng hoá

Huỳnh Japan| 30/03/2019 14:05
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong công tác quản trị rủi ro của ngân hàng luôn chú trọng đến việc đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm hạn chế rủi ro, đồng thời giúp ngân hàng hoạch định chiến lược kinh doanh. Nhiều ngân hàng lựa chọn đo lường đa dạng hóa dựa trên chỉ số G-HHI, tuy nhiên chỉ số này còn bộc lộ một số bất cập cần phải giải quyết.

Ngày nhận bài: 27/12/2018 - Ngày biên tập: 2/1/2019 - Ngày duyệt đăng: 25/2/2019 (Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 5/2019)

Tóm tắt: Bài viết trình bày những yếu tố liên quan đến việc đánh giá tính đa dạng hoá danh mục cho vay của ngân hàng, một yếu tố rất quan trọng trong công tác quản trị rủi ro và hoạch định chiến lược kinh doanh. Những cơ sở lý giải cho việc cần thiết phải phân ngành trong cho vay và lựa chọn yếu tố ngành làm cơ sở để đánh giá tính đa dạng hoá danh mục cho vay được đưa ra, cùng với đó nội dung của các thang đo HHI và G-HHI cũng được trình bày. G-HHI có thể được sử dụng hiệu quả bởi các ngân hàng để ước tính và so sánh mức độ đa dạng hóa trong danh mục cho vay, tuy nhiên với những thực trạng trong hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện tại thì khả năng ứng dụng chỉ số này còn bỏ ngỏ. Bài viết cung cấp cho cơ quan quản lý, các ngân hàng và các nhà nghiên cứu công cụ tham khảo để phát triển các biện pháp định lượng và giám sát rủi ro tập trung trong danh mục cho vay của ngân hàng, phục vụ tốt hơn cho công tác quản trị, điều hành và giám sát.

Từ khoá: chỉ số G-HHI, danh mục cho vay, đa dạng hoá, ngân hàng thương mại

System of loan classification by industry in Vietnamese commercial banks and obstacles in the application of G-HHI Index

Abstract: The paper presents factors related to the assessment of bank’s loan portfolio diversification which is a very important factor in risk management and business strategy. The paper also analyses the necessity of loan classification by industry and the selection of industrial loan portfolio as a basis for assessing the diversification of loan portfolio, along with the content of HHI and G-HHI are also presented. G-HHI can be used effectively by banks to estimate and compare the level of diversification in the loan portfolio, however with current status of Vietnamese commercial banks, this index is not ready to be applied. The paper provides regulators, banks and researchers with tools to develop quantitative measures and concentration risk monitoring in bank’s loan portfolio, better serve the management, administration and supervision.

Keywords: G-HHI, loan portfolio, diversification, commercial bank

Ngân hàng thương mại (NHTM) có đặc thù là huy động vốn từ khách hàng, sau đó tiến hành cho vay lại các chủ thể trong nền kinh tế. Các chủ thể đi vay này hoạt động ở các ngành nghề kinh tế khác nhau, từ đó dẫn đến danh mục cho vay của NHTM cũng đa ngành và mang tính đặc thù so với các tài sản đầu tư hay hình thức sản xuất kinh doanh khác. Mỗi ngành nghề kinh tế luôn tồn tại những đặc điểm riêng biệt, gắn với những rủi ro nhất định và từ đó có thể ảnh hưởng đến danh mục cho vay của ngân hàng.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây có rất nhiều khó khăn đối với hoạt động ngân hàng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc vốn vay được rót vào những ngành nghề không đem lại hiệu quả. Mặc dù bản thân các ngân hàng đã bắt đầu thực hiện cho vay theo nhiều ngành nghề kinh tế, tuy nhiên nếu xét trong tổng danh mục cho vay thì chỉ có một số ngành kinh tế cơ bản chiếm tỷ trọng lớn và rủi ro mất vốn sẽ càng lớn nếu sức khoẻ của những ngành này bị ảnh hưởng. Cú sốc trong một ngành kinh tế không chỉ ảnh hưởng riêng ngành đó mà rủi ro còn có thể tác động đến cả những ngành khác, vì nền kinh tế vốn là một hệ thống với những mắt xích ngành có tương quan nhất định với nhau. So sánh với các hình thức phân loại danh mục cho vay khác như phân theo đối tượng vay vốn (công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân,...) hay thời hạn vay vốn (ngắn, trung và dài hạn) thì có thể thấy việc phân theo ngành kinh tế phản ánh mức độ đa dạng hoá của danh mục cho vay tốt hơn và biểu thị rủi ro hiệu quả hơn. 

Bởi thế việc phân bổ vốn vào các ngành nghề trong danh mục cho vay và mức độ đa dạng hoá danh mục như thế nào đòi hỏi không chỉ các ngân hàng phải quan tâm và phân bổ nguồn lực giải quyết, mà còn là cơ sở để cơ quan quản lý Nhà nước có công cụ giám sát rủi ro. Tuy nhiên thực tế, việc phân ngành trong cho vay của các ngân hàng có nhiều bất cập, gây khó cho cơ quan quản lý Nhà nước, những người làm chính sách và những nhà nghiên cứu trong đánh giá việc phân bổ vốn, mức độ đa dạng hoá và rủi ro của danh mục cho vay. Từ đó dễ thấy vấn đề này rất cần thiết để nghiên cứu hiện nay tại Việt Nam.

Cơ sở lý luận

Tính cần thiết của việc phân ngành trong cho vay

Đa dạng hóa danh mục cho vay là một chiến lược giảm thiểu rủi ro quan trọng đối với bất kỳ nhà quản trị ngân hàng nào. Điều quan trọng là người quản trị phải đo lường và giám sát mức độ đa dạng hóa qua các yếu tố khác nhau như đối tượng, ngành nghề và địa lý,... Xét về việc đa dạng hoá theo ngành nghề kinh tế, bản thân việc phân ngành trong danh mục cho vay để từ đó làm cơ sở cho việc tính toán tính đa dạng hoá danh mục được xem là rất cần thiết, là yêu cầu không thể thiếu trong công tác quản trị của mỗi ngân hàng và công tác quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước.

Thứ nhất, mỗi ngành nghề kinh tế đều có những đặc điểm riêng biệt, như về chu kỳ kinh doanh, độ nhạy cảm với thị trường, cơ cấu vốn và tính chất luân chuyển vốn của doanh nghiệp tham gia ngành,... Đối với các ngân hàng thì hầu hết trước khi quyết định cấp tín dụng đều cần phải tiến hành thẩm định về ngành nghề kinh doanh của khách hàng để có được thông tin cần thiết nhất cho việc ra quyết định. Đặc biệt thông qua những đặc tính riêng của từng ngành, khả năng biểu thị rủi ro cho từng đồng vốn vay cũng là rất tốt. Ví dụ như khi cho vay một doanh nghiệp trong ngành kinh doanh bất động sản, thời hạn cho vay dự án chắc chắn sẽ dài hơn khi cho vay doanh nghiệp trong ngành thương mại xăng dầu - ngành luôn có chu kỳ luân chuyển vốn ngắn và thông thường được cấp các hạn mức lưu động, đồng thời cũng chắc chắn sẽ chịu rủi ro biến động về giá sản phẩm nhiều hơn so với ngành thương mại dược phẩm. Các yếu tố như thời hạn cho vay, phương thức cho vay, khả năng tiêu thụ của sản phẩm đầu ra, mức vốn tự có tham gia cùng nhiều yếu tố khác rõ ràng là những cơ sở quan trọng để tham chiếu đến rủi ro khi ngân hàng cho vay vào các ngành nghề khác nhau.

Thứ hai, đối với ngân hàng thì việc phân bổ vốn vay theo cơ cấu ngành nghề kinh tế trọng điểm là hết sức quan trọng, nhằm góp phần phát triển kinh tế đất nước đúng định hướng trong từng thời kỳ. Các ngân hàng khi cho vay vào các ngành nghề sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp được bổ sung nguồn vốn thiếu hụt phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc có thể mở rộng cơ sở kinh doanh, đầu tư mới hay cải tạo các dự án thuộc từng ngành nghề đó nhằm mang lại giá trị về mặt kinh tế. Nguồn vốn vay từ ngân hàng được xem là nền tảng, là động lực giúp kinh tế quốc gia phát triển một cách trực tiếp và trong từng thời kỳ thì trọng tâm tập trung của nền kinh tế vào những ngành nghề sẽ có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến vĩ mô của cả nền kinh tế và tình hình thế giới.

Thứ ba, việc phân bổ vốn vay nếu quá dàn trải hoặc quá tập trung vào một số lĩnh vực nào đó trong cùng một thời điểm cũng sẽ gây ra rủi ro, tương ứng đó có thể là rủi ro về giám sát, quản lý khi không có đủ nguồn lực, cho vay dàn trải ra những ngành hoàn toàn không mang lại hiệu quả kinh tế hay cũng có thể là rủi ro khi quá tập trung vào một ngành nghề nào đó. Cho vay thiếu đa dạng, chỉ tập trung vào một vài ngành nghề là nguyên nhân dẫn đến rủi ro tập trung danh mục cho vay của ngân hàng và hơn thế nữa, khi mà tính tương quan giữa các khoản vay trên danh mục càng cao thì rủi ro tập trung có mức độ càng lớn, từ đó tổn thất có thể gây ra hậu quả hết sức nặng nề cho ngân hàng (Đặng Văn Dân & Huỳnh Japan, 2018b).

Thứ tư, xuyên suốt hoạt động tín dụng của từng ngân hàng, từ việc ban hành chính sách, chỉ đạo định hướng tín dụng từng thời kỳ, quy trình nghiệp vụ quản trị rủi ro, chế độ báo cáo thống kê,... đều dựa trên phân loại khách hàng theo ngành nghề kinh tế. Như vậy có thể thấy việc phân ngành rất có ý nghĩa trong định hướng kinh doanh để làm kim chỉ nam cho các hoạt động tín dụng của ngân hàng, là cơ sở để ngân hàng phân bổ nguồn lực, tập trung khai thác và đạt mục tiêu kinh doanh. Hơn nữa với đặc thù hoạt động ngân hàng, nó còn là công cụ hiệu quả để thực hiện quản trị rủi ro.

Thang đo HHI rút gọn

Để đánh giá tính đa dạng hoá danh mục cho vay của các ngân hàng, người ta sử dụng các thang đo với những ý nghĩa và giả định khác nhau. Một phương pháp phổ biến để đo lường mức độ đa dạng hóa là chỉ số Hirshmann-Herfindahl (HHI), được đặt theo tên của các nhà kinh tế Orris C. Herfindahl và Albert O. Hirschman.

Chỉ số HHI được định nghĩa tổng quát là tổng bình phương thị phần của mỗi công ty trong một ngành công nghiệp, trong đó HHI bằng 1 đại diện cho một tình huống độc quyền, theo đó một công ty thống trị toàn bộ ngành. Với mục đích dùng HHI làm thước đo cho tính đa dạng hóa danh mục cho vay, chỉ số HHI được tính là tổng bình phương tỷ lệ các khoản cho vay trong một ngành nghề cụ thể trong tổng số tiền cho vay của cả ngân hàng. Mỗi giá trị HHI bằng 1 đại diện cho một ngân hàng chuyên môn hóa mà tất cả các khoản cho vay được phân cho một ngành, trong khi một HHI càng cách xa 1 mô tả một ngân hàng đa dạng hóa càng cao, trong đó danh mục cho vay được phân bổ đều giữa các ngành.

 

Giá trị tỷ trọng cho vay tương đối tại ngân hàng b vào thời điểm t với từng ngành i được định nghĩa là:

 

Chỉ số HHI được sử dụng rất rộng rãi trong nghiên cứu để đánh giá về mức độ đa dạng hoá của một danh mục cho vay bởi tính đơn giản và tiện lợi trong tính toán của nó. Tuy nhiên một thước đo đảm bảo tính hiệu quả khi đánh giá mức độ đa dạng hoá phải xem xét đến yếu tố tương quan giữa các ngành với nhau. Trong khi đó chỉ số HHI cho ta một mức điểm đa dạng hoá khi xem xét từng ngành nghề là không tương quan gì với nhau (hệ số tương quan từng ngành với nhau bằng 0). Điều này sẽ làm cho thang đo giảm đi tính hiệu quả trong vấn đề biểu thị rủi ro trong danh mục. Chỉ số HHI tổng quát (G-HHI) được ứng dụng sẽ giải quyết được điểm yếu nêu trên.

Thang đo HHI tổng quát – G-HHI

Trên cơ sở nền tảng lý thuyết danh mục đầu tư cổ điển của Markowitz khi sử dụng phương sai tỷ suất sinh lợi làm tiêu chuẩn đánh giá rủi ro, chỉ số G-HHI đã được xây dựng (Vaibhav, A. & Ramasubramanian, S. V., 2015) nhằm đo lường mức độ đa dạng hoá danh mục cho vay để đánh giá rủi ro như sau:

 

Trong đó, pij là hệ số tương quan giữa ngành i và ngành j bất kỳ trong danh mục cho vay của ngân hàng b tại thời điểm t.

Như vậy, HHI cũng có thể được hiểu là trường hợp mà G-HHI đã loại bỏ đi yếu tố tương quan giữa các ngành và làm cho giá trị đo lường của chỉ số giảm đi, lúc đó mức độ đa dạng hoá của danh mục tăng lên khi giả định các ngành nghề kinh tế là không có tương quan với nhau. G-HHI đã xem xét đến yếu tố này, đưa yếu tố tương quan giữa các ngành nghề vào trong công thức tính toán để phản ánh chính xác hơn mức độ đa dạng hoá của danh mục cho vay, từ đó biểu thị rủi ro một cách hiệu quả hơn.

Có thể lấy ví dụ cụ thể để minh hoạ cho ý nghĩa đo lường của chỉ số HHI và G-HHI. Giả sử có một danh mục cho vay phân bổ vốn vào 3 ngành là xây dựng, bất động sản và nông nghiệp với tỷ trọng từng ngành đều là 1/3. Như vậy nếu áp dụng thang đo HHI thì chỉ số này cho kết quả HHI = 1/3, tức danh mục đa dạng hoá hoàn hảo. Tuy nhiên khi áp dụng thang đo G-HHI thì cho kết quả G-HHI > 1/3 với phần chênh lệch đến từ yếu tố tương quan giữa các ngành (ví dụ như ngành xây dựng có tương quan rất lớn với ngành bất động sản, dẫn đến hệ số tương quan lớn hơn 0), do đó phần dư này làm cho giá trị chỉ số tăng lên, tính đa dạng hoá đã giảm xuống và phản ánh đúng hơn bản chất rủi ro.

Chỉ số đo lường đa dạng hoá nên được xem xét trong bối cảnh danh mục cho vay đa dạng hóa giữa các đối tượng khác nhau trong một ngành nghề duy nhất giảm thiểu rủi ro tín dụng cho các đối tượng vay nhưng có thể không giảm thiểu rủi ro ngành. Ý nghĩa của chỉ số G-HHI cho thấy khi cho vay vào càng nhiều ngành nghề khác nhau và các ngành nghề này lại càng ít tương quan với nhau thì mức độ đa dạng hoá của danh mục cho vay sẽ càng cao và rủi ro sẽ được giảm thiểu.

Thực trạng tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

Về việc phân ngành trong danh mục cho vay của các ngân hàng

Hệ thống ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam (VSIC) đã được phân ngành từ năm 1993, sau đó đến năm 2007 thì được thay đổi để phù hợp với sự vận động và phát triển của đất nước. Cơ sở phân ngành được xây dựng với chủ trương bám sát với tiêu chuẩn quốc tế, là chuẩn mực quan trọng trong công tác phân tích, thống kê và đánh giá tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam.

Gần đây nhất, hệ thống ngành kinh tế được quy định đổi mới lần nữa theo quyết định số 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc ban hành hệ thống ngành kinh tế lần này được kỳ vọng sẽ tương thích hơn với phân loại chuẩn các hoạt động kinh tế của Liên Hợp Quốc (phiên bản lần thứ 4) cũng như khung chung về phân ngành kinh tế của khu vực ASEAN (ACIC). Theo đó nền kinh tế có 21 ngành cấp 1, 88 ngành cấp 2, 242 ngành cấp 3, 486 ngành cấp 4 và 734 ngành cấp 5. Nhóm ngành cấp 1 bao gồm: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Khai khoáng; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải; Xây dựng; Bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác; Vận tải kho bãi; Dịch vụ lưu trú và ăn uống; Thông tin và truyền thông; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; kinh doanh bất động sản; Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; Hoạt động của đảng cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, bảo đảm xã hội bắt buộc; Giáo dục và đào tạo; Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí; Hoạt động dịch vụ khác; Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình; Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế. So với tiêu chuẩn ban hành năm 2007, Quyết định 27/2018/QĐ-TTg vẫn giữ nguyên danh mục hệ thống ngành kinh tế Việt Nam gồm 5 cấp, tuy nhiên so với VSIC 2007 đã bổ sung, chi tiết thêm một số ngành nghề cấp 4 và cấp 5.

Với hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, theo Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN (1) ban hành chế độ báo cáo tài chính đối với các TCTD, có hiệu lực kể từ ngày 9/7/2007 thì danh mục cho vay khách hàng của ngân hàng nêu trong phần thuyết minh báo cáo tài chính sẽ được quy định về tiêu chuẩn phân ngành của Tổng cục Thống kê, tức phải theo bộ tiêu chuẩn quy định phân ngành hiện hành của Chính phủ.

Quy định là vậy, tuy nhiên trong quá trình triển khai tại các ngân hàng đã cho thấy một số vướng mắc, hạn chế. Trước hết có thể nhận xét ngành cấp 1 của bộ phân ngành chưa phù hợp để các ngân hàng thực hiện phân ngành kinh tế (Nguyễn Hữu Đương, 2015). Việc đưa toàn bộ ngành nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến chế tạo hay bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy, vận tải kho bãi... vào một ngành cấp 1 cho thấy cách theo dõi phân bổ vốn quá bao quát, đan xen dẫn đến rất khó để phân định ranh giới giữa các ngành này. Thêm vào đó, một số ngành trong điều kiện của Việt Nam là chưa thực sự cần thiết phải quản lý vốn, như ngành hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ, hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế, hoạt động quản lý và xử lý rác thải nước thải.

Tiếp đến, việc phân ngành và công bố báo cáo dư nợ cho vay theo ngành của các ngân hàng chưa cho thấy sự đồng nhất, mặc dù theo quy định phải triển khai phân ngành theo khung chuẩn là hệ thống ngành kinh tế Chính phủ ban hành. Có thể lấy ví dụ thực tế trên thuyết minh báo cáo tài chính của các ngân hàng vào năm 2017, như tại Ngân hàng TMCP Á Châu, dư nợ cho vay được phân chia theo 10 ngành và 1 nhóm các ngành khác, hay kế đó là hình thức phân ngành của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam khi chia danh mục cho vay ra 8 ngành và 1 nhóm các ngành khác, hay trong khi đó các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam,... lại chọn phân ngành bám sát theo bộ chuẩn 21 ngành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đó là chưa kể đến trường hợp rất nhiều các ngân hàng nhỏ khác công bố báo cáo tài chính không đảm bảo nội dung thuyết minh dư nợ cho vay theo ngành mặc dù kỳ báo cáo là từ sau năm 2007 khi có quy định chỉ đạo việc phân loại dư nợ cho vay theo ngành từ phía NHNN.

Như vậy, các ngân hàng Việt Nam hiện tại chưa đưa ra được tiêu chuẩn, phương pháp thống nhất để phân loại dư nợ theo ngành dẫn đến việc đánh giá phân loại nợ khách hàng của các ngân hàng không đồng nhất, cho những kết quả khác nhau. Thực tế này không chỉ dẫn đến những bất cập trong thực trạng phân bổ và quản lý rủi ro tín dụng của các ngân hàng, mà còn ảnh hưởng đến công tác thống kê của NHNN và còn khiến cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất khó để so sánh danh mục cho vay, khẩu vị rủi ro của các ngân hàng.

Về khả năng ứng dụng chỉ số HHI và G-HHI có xét đến tương quan ngành

Để xây dựng được chỉ số HHI cho các ngân hàng Việt Nam, yếu tố duy nhất cần xét đến đó là tỷ trọng phân bổ của từng ngành trong cơ cấu dư nợ cho vay. Theo đó, như vừa trình bày thì có thể thấy thực trạng báo cáo phân loại dư nợ cho vay của các ngân hàng Việt Nam chưa có sự đồng nhất để từ đó hỗ trợ cho công tác thu thập dữ liệu được thuận tiện và tính toán dễ dàng hơn. Để xử lý nhược điểm này, tác giả tiến hành thu thập dữ liệu của 25 NHTM Việt Nam trong giai đoạn 2008 – 2017, tập trung vào thuyết minh báo cáo tài chính và đồng thời sắp xếp lại hệ thống ngành gồm có: Thương mại; Nông, lâm nghiệp; Sản xuất và gia công chế biến; Xây dựng; Dịch vụ cá nhân và cộng đồng; Kho bãi, giao thông vận tải và thông tin liên lạc; Giáo dục và đào tạo; Tư vấn và kinh doanh bất động sản; Nhà hàng và khách sạn; Dịch vụ tài chính; Các ngành nghề khác. Lý do chọn 10 ngành và 1 nhóm các ngành khác vừa nêu làm cơ sở phân ngành có thể từ:

Thứ nhất, các ngân hàng Việt Nam có cách phân loại không thống nhất, có ngân hàng phân theo bộ tiêu chuẩn ngành của Chính phủ ban hành nhưng cũng có những ngân hàng chỉ phân theo những ngành chính. Tuy nhiên có 10 ngành là những ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất ở các ngân hàng. Ngành thứ 11 là “các ngành khác” với 2 giả định theo Achayra và cộng sự (2006): (i) Được xem như một ngành độc lập, riêng biệt; (ii) Các phụ ngành, phân ngành con trong đó được phân chia đều. Giả định này không ảnh hưởng nhiều đến kết quả nghiên cứu khi các ngành chính chiếm đại đa số dư nợ cho vay.

Thứ hai, có nhiều ngân hàng lựa chọn phân chia theo 11 cơ sở ngành chủ đạo này.

Thứ ba, việc phân chia lại các ngành cho phù hợp với thực tế tại các nước đã được các tác giả khác áp dụng trên thế giới, có thể kể ra như Achayra và cộng sự (2006) chỉ chọn 6 ngành trong khi hệ thống phân ngành của Italia gồm có 23 ngành, hay Chen và cộng sự (2014) chỉ chọn 9 ngành trong khi tại Trung Quốc có tiêu chuẩn 13 ngành áp dụng rộng rãi. Trong bối cảnh danh mục được phân chia có số lượng ngành được lựa chọn có nhiều hơn sẽ dẫn đến việc tính toán chỉ số HHI có hiệu quả hơn và phản ánh tính chất đa dạng hoá tốt hơn. Khi việc phân số lượng ngành ít, dễ dẫn đến việc các ngành không được phân loại đại diện dễ bị tương quan với nhau đẫn đến kết quả của chỉ số HII thiếu tin cậy hơn.

Căn cứ vào những nhận định này, tiến hành tính toán mức độ đa dạng hóa danh mục cho vay của ngân hàng Việt Nam cho kết quả HHI trung bình của cả giai đoạn 2008 – 2017 là 0,2457 (Đặng Văn Dân & Huỳnh Japan, 2018a). Khi so sánh mức độ đa dạng hóa danh mục cho vay của các ngân hàng Việt Nam so với các nước khác theo các nghiên cứu thực nghiệm trước đây, có thể suy luận tính đa dạng hóa danh mục là cao hơn so với hệ thống ngân hàng các nước như Brazil với HHI là 0,3160 (Benjamin M. T. và cộng sự, 2010) hay Na Uy với HHI là 0,2892 (Aarflot, S. & Arnegård, L. A., 2017). Trong khi đó nếu đối chiếu với hệ thống NHTM của Italia hay Trung Quốc có thể thấy danh mục cho vay của các ngân hàng nước này đa dạng hơn đôi chút so với Việt Nam, khi HHI của các nước này lần lượt là 0,2370 (Achayra và cộng sự, 2006) và 0,187 (Chen và cộng sự, 2014). Tuy nhiên, việc so sánh này có thể không mang lại kết quả chính xác và đồng nhất, khi cơ sở phân ngành tại các quốc gia, hay theo từng tác giả là khác nhau. Do đó, chỉ số HHI chỉ biểu thị tốt khi xem xét trong từng quốc gia, hay khu vực mà có nhóm cơ sở phân ngành tương đồng.

 

Theo kết quả tính toán chỉ số HHI giai đoạn 2008 – 2017, có thể thấy rõ xu hướng biến động của chỉ số này tại các ngân hàng Việt Nam phản ánh khá chính xác xu hướng đa dạng hoá danh mục cho vay. Một cách tổng quát, chỉ số HHI đã đi theo chiều hướng giảm từ năm 2008 đến năm 2017. Xu thế cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt đã dẫn đến việc các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay sang nhiều các ngành nghề khác nhau, thay vì chỉ tập trung vào những mảng kinh doanh chuyên môn như trước đây. Thêm vào đó, xu hướng chuyển dịch này còn ghi nhận việc các ngân hàng Việt Nam đã rất dè chừng với rủi ro tập trung danh mục cho vay và từ đó đã cơ cấu danh mục cho vay của mình theo hướng đa dạng hơn (Đặng Văn Dân & Huỳnh Japan, 2018a).

Trong khi đó, xét đến chỉ số G-HHI thì có thể thấy còn nhiều khó khăn để áp dụng hiệu quả tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Việc tính toán và áp dụng bộ chỉ số tương quan ngành là chưa thể thực thi được khi mà vẫn còn đó những tồn tại như: còn có sự khác biệt trong phân ngành của các ngân hàng, khó khăn trong thu thập thông tin về ngành nghề kinh doanh, thiếu nguồn dữ liệu để tính toán bộ chỉ số tương quan ngành và các ngân hàng cũng chưa quan tâm đến phương pháp tính toán bộ chỉ số tương quan ngành. Mặt khác, NHNN chưa đưa ra một quy định chuẩn về việc tính toán, áp dụng bộ chỉ số tương quan ngành trong hệ thống các NHTM Việt Nam, bên cạnh đó cũng chưa bắt buộc thực hiện theo chuẩn phân ngành thống nhất đối với các NHTM toàn hệ thống.

Một số kiến nghị

Từ những điểm bất cập vừa trình bày, bài viết xin đưa ra một số kiến nghị trong việc phân ngành kinh tế đối với công tác cho vay của các ngân hàng cũng như định hướng trong việc xây dựng, tính toán các chỉ số đánh giá mức độ đa dạng hoá danh mục cho vay.

Thứ nhất, các ngân hàng cần nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng danh mục cho vay và phân bổ vốn vay cho hợp lý. Để có thể hoàn thiện hoạt động xây dựng danh mục cho vay của các ngân hàng Việt Nam, việc tiên quyết trước tiên phải làm là các ngân hàng cần phải nhận thức được tầm quan trọng của việc phải xây dựng một danh mục cho vay sao cho hiệu quả, xây dựng và đánh giá được mức độ đa dạng hoá của danh mục, rủi ro của danh mục.

Thứ hai, các ngân hàng cần sử dụng hệ thống phân ngành thống nhất, có kế hoạch xây dựng phương pháp tính toán bộ chỉ số tương quan ngành, tuân thủ chế độ báo cáo theo các quy định hiện hành của Nhà nước. Cùng với đó các ngân hàng cần phải công khai minh bạch trong quá trình hoạt động, nghiêm chỉnh chấp hành đầy đủ các quy định của cơ quan quản lý. Từ đó có điều kiện tiến tới xây dựng hình ảnh một ngân hàng tốt với thông tin minh bạch, thống nhất và rõ ràng, đáp ứng tối đa yêu cầu về quản trị rủi ro và chiến lược kinh doanh.

Thứ ba, ở góc độ điều hành thì NHNN cần đưa ra những công cụ quản lý thống nhất, như ban hành các văn bản có tính chất hướng dẫn, định hướng. Trong đó NHNN cần phải xây dựng hệ thống phân ngành có tính chất bao quát, tránh những tiêu chí thống kê về ngành kinh tế quá dàn trải, không phù hợp với thực tế hoạt động của ngành ngân hàng. Mỗi ngân hàng lại có những đặc thù hoạt động và chiến lược kinh doanh khác nhau, do vậy NHNN với vai trò tổng hợp dữ liệu, phân tích và giám sát cần có những nguyên tắc, định nghĩa về phân ngành kinh tế rõ ràng trong đó có các quy định về phân loại, nhóm gộp các ngành như thế nào là vô cùng quan trọng và cần thiết để các ngân hàng biết cách áp dụng.

Thứ tư, cần đề cao tính chất tuân thủ trong cung cấp thông tin và có những chế tài trong việc không tuân thủ. Việc cung cấp, minh bạch thông tin cần được Nhà nước thực hiện ở góc độ vĩ mô và từ đó làm gương cho các chủ thể khác là ngân hàng, doanh nghiệp có điều kiện minh bạch trong các ngành, các dự án kinh doanh, từng bước tạo dựng môi trường kinh tế xã hội lành mạnh, tạo sự tin tưởng cho giới đầu tư, người dân cũng như các đối tác, các quốc gia có mối quan hệ với Việt Nam. Với các ngân hàng thì Nhà nước cần có những chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong vấn đề minh bạch thông tin và thậm chí là có những chế tài nghiêm khắc trong trường hợp cố tình che giấu thông tin, cung cấp thông tin nhưng sai lệch với thực tế, không đúng quy định thống nhất.

Kết luận

Việc các ngân hàng cơ cấu danh mục cho vay sao cho hợp lý còn là một vấn đề cần được cân nhắc trong mối quan hệ với rủi ro và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng, đặc biệt trong giai đoạn tình hình kinh tế tăng trưởng nóng, một số ngành có hiện tượng bong bóng thì rủi ro tập trung danh mục cho vay lại càng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Việc thiết kế một danh mục cho vay phân tán hay tập trung sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và hơn thế nữa là đến cả nền kinh tế, đến các chính sách vĩ mô quốc gia. Để công tác cơ cấu danh mục và quản trị rủi ro được hiệu quả đòi hỏi các ngân hàng phải có bộ công cụ đánh giá phù hợp với thực tế, khoa học và đảm bảo tính đồng bộ mà theo đó cơ cấu theo ngành kinh tế cần được quan tâm hàng đầu và tập trung thí điểm trước tiênu

Chú thích:

1.  Được sửa đổi, bổ sung bởi thông tư số 49/2014/TT-NHNN ngày 31/12/2014 của Thống đốc NHNN và thông tư số 22/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 của Thống đốc NHNN Việt Nam, sau đó được hợp nhất bởi văn bản số 04/VBHN-NHNN ngày 17/01/2018.

Tài liệu tham khảo:

1. Aarflot, S. & Arnegård, L. A.  (2017), The effect of industrial diversification on banks’ performance: A case study of the Norwegian banking market, SNF, Discussion Paper (9, 2017).

2. Acharya, V. V., Hasan, I., & Saunders, A. (2006), Should Banks Be Diversified? Evidence from Individual Bank Loan Portfolios, The Journal of Business, 79 (3), pp. 1355–1412.

3. Benjamin, M. T., Dimas, M. F., & Daniel, O.Cajueiro (2010), The Effects of Loan Portfolio Concentration on Brazilian Banks’ Return and Risk, Journal of Banking & Finance, 35 (11), pp. 3065–3076.

4. Chen, Y., Shi, Y., Wei, X. & Zhang, L. (2014), How does credit portfolio diversification affect banks’ return and risk? Evidence from Chinese listed commercial banks, Technological and Economic Development of Economy, 20 (2), 332–352.

5. Đặng Văn Dân & Huỳnh Japan (2018a), Đa dạng hóa danh mục cho vay và vấn đề đặt ra với lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 16 tháng 8/2018, trang 17-22.

6. Đặng Văn Dân & Huỳnh Japan (2018b), Danh mục cho vay và rủi ro đặt ra với các ngân hàng thương mại Việt Nam,Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, số 18 tháng 9/2018, trang 14-18.

7. Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam (2007), Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/04/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Chế độ báo cáo tài chính đối với các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi bổ sung, hợp nhất theo văn bản số 04/VBHN-NHNN ngày 17/01/2018.

8. Nguyễn Hữu Đương (2015), Bàn về phân ngành kinh tế trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, Tạp chí ngân hàng, số 21 tháng 11/2015, trang 22-24.

9. Thủ tướng Chính phủ (2007), Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/07/2018 về việc ban hành hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

10. Vaibhav, A. & Ramasubramanian, S. V. (2015), Generalized Herndahl-Hirschman Index to Estimate Diversity Score of a Portfolio across Multiple Correlated Sectors, Dvara Research Working Paper Series No. WP-2015-01.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống phân ngành trong danh mục cho vay của các NHTM Việt Nam và những bất cập trong ứng dụng chỉ số G-HHI đo lường đa dạng hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO