Kinh tế vĩ mô Việt Nam sau đánh giá lại quy mô GDP

Nguyễn Thế Bính| 10/02/2020 17:39
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sự thay đổi này sẽ có những tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo như: Mô hình tiêu dùng hộ gia đình; Kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Chất lượng tăng trưởng; Khả năng mở rộng dư địa ngân sách...

Tóm tắt:

Kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm. Quy mô GDP thay đổi dẫn tới các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi như: Tổng thu nhập quốc gia (GNI); GDP bình quân đầu người; Tỷ lệ dư nợ công; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước; Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước và Cơ cấu kinh tế. Sự thay đổi này sẽ có những tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo như: Mô hình tiêu dùng hộ gia đình; Kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Chất lượng tăng trưởng; Khả năng mở rộng dư địa ngân sách... Bên cạnh đó, đánh giá lại quy mô GDP giúp có cái nhìn đầy đủ hơn về nền kinh tế cho các hoạch định phát triển trong tương lai. Ngoài ra, quy mô kinh tế tăng lên cũng từng bước nâng vị thế của Việt Nam trên bình diện thế giới.

T khoá: đánh giá lại GDP; quy mô GDP sau đánh giá lại

Đặt vấn đề

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng, bên cạnh việc phản ánh kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phản ánh quy mô,  tốc độ và chất lượng tăng trưởng, phát triển của một nền kinh tế. Quy mô GDP là cơ sở quan trọng để hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đề ra các chính sách, giải pháp phát triển quốc gia... Tại Việt Nam, với quan điểm đánh giá lại theo phương pháp và thông lệ quốc tế nhằm phản ánh sát thực hơn quy mô GDP của nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 – 2017, làm căn cứ đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Các con số này sẽ dùng để xây dựng các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

 Kết quả đánh giá lại đã có nhiều thay đổi, quy mô GDP Việt Nam giai đoạn 2010 – 2017 tăng bình quân 25,4%/năm, qua đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng thay đổi so với trước đây và được cho là phản ánh đầy đủ hơn về thực trạng nền kinh tế. Thay đổi này so với kết quả thống kê trước đây như thế nào? Những tác động của kết quả đánh giá lại này đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cũng như tác động gì đến kinh tế - xã hội Việt Nam trong thời gian tới? Sử dụng công cụ thống kê mô tả dựa trên các số liệu được công bố của Tổng cục Thống kê, bài viết góp phần tổng hợp và đưa ra một số phân tích, đánh giá những thay đổi và tác động của những thay đổi này đến kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.

I. Bức tranh kinh tế vĩ mô sau đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 – 2017

Ngày 13/12/2019, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo Công bố kết quả Đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017. Kết quả đánh giá cho thấy:

 

Quy mô GDP đánh giá lại của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành tăng bình quân 25,4%/năm giai đoạn 2010-2017, tương ứng tăng 935 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó năm 2011 có tỷ lệ tăng cao nhất với 27,3% và năm 2015 có tỷ lệ tăng thấp nhất là 23,8%. Năm 2017, quy mô GDP sau khi đánh giá lại đạt 6.294 nghìn tỷ đồng (số đã công bố trước đây là 5.006 nghìn tỷ đồng). Tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân mỗi năm tăng 26,6%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

GDP bình quân đầu người đánh giá lại giai đoạn 2010-2017 tăng bình quân khoảng 25,6% mỗi năm so với số đã công bố, tương ứng với tăng 10,3 triệu đồng/người; ứng với 485,2 USD/người theo tỷ giá hối đoái và ứng với  1.421,1 USD-PPP/người theo sức mua tương đương. GDP bình quân đầu người bình quân tăng thêm 10,3 triệu đồng/người/năm, tương ứng 25,6%/năm.

Các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp khác cũng thay đổi. Cụ thể, tỷ lệ dư nợ công so với GDP bình quân giai đoạn 2010-2017 giảm khoảng 11,6%/năm; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước giảm khoảng 6%/năm; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân 1,2%/năm. Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP giảm bình quân mỗi năm khoảng 5,0%.

Đánh giá lại quy mô GDP phản ánh cơ cấu kinh tế của 3 khu vực thay đổi. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (khu vực I) năm 2017 chiếm tỷ trọng 15,34% theo số liệu đã công bố giảm xuống 12,93% theo số liệu đánh giá lại (giảm 2,41 điểm phần trăm). Trong đó: Cơ cấu kinh tế của khu vực công nghiệp và xây dựng (khu vực II) tăng 1,99 điểm phần trăm, từ 33,4% theo số liệu đã công bố lên 35,39 theo số liệu đánh giá lại; Cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ (khu vực III) tăng 1,32 điểm phần trăm, từ 41,26% theo số liệu đã công bố lên 42,58% theo số liệu đánh giá lại; Cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản giảm nhanh từ 15,38% năm 2010 xuống còn 12,93% năm 2017. Trong khi đó, khu vực công nghiệp xây dựng và khu vực dịch vụ tăng thêm lần lượt lên 35,39% và 42,58%.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

II. Nguyên nhân dẫn đến thay đổi khi đánh giá lại GDP

Theo Tổng cục Thống kê, việc thực hiện rà soát, đánh giá lại quy mô GDP đã nhận diện 5 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi quy mô GDP, trong đó có 4 nhóm nguyên nhân đầu làm tăng quy mô GDP và nhóm nguyên nhân thứ 5 làm giảm quy mô GDP. Cụ thể: 

  • Thứ nhất: Bổ sung thông tin từ tổng điều tra làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 589.000 tỷ đồng, chiếm 63% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP của cả nước. Tổng điều tra kinh tế năm 2017 đã bổ sung 76.000 doanh nghiệp, gần 306.000 cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể so với số lượng doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đã sử dụng để tính GDP năm 2016. Doanh thu của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trong Tổng điều tra kinh tế năm 2017 tăng 2.476.000 tỷ đồng so với doanh thu đã ước tính để biên soạn GDP năm 2016, bao gồm: 1.597.000 tỷ đồng doanh thu của các doanh nghiệp được bổ sung; 99.000 tỷ đồng doanh thu của các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể được bổ sung; 780.000 tỷ đồng bổ sung chênh lệch giữa tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp còn lại trong nền kinh tế được tổng hợp từ kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017 so với tổng doanh thu ước tính cho chính các doanh nghiệp này trước khi có kết quả Tổng điều tra. 

  • Thứ hai: Bổ sung thông tin từ hồ sơ hành chính làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 305.000 tỷ đồng, chiếm 32,6% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Rà soát, đối chiếu kết quả tổng điều tra năm 2017 và dữ liệu từ cơ quan thuế đã bổ sung 278.000 tỷ đồng doanh thu. Tổng điều tra kinh tế đã khai thác hồ sơ hành chính của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng bổ sung 146 doanh nghiệp với doanh thu 264.000 tỷ đồng; bổ sung 109.000 tỷ đồng thu khác ngoài ngân sách Nhà nước và khấu hao tài sản cố định của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

  • Thứ ba: Cập nhật lý luận mới hệ thống tài khoản quốc gia 2008 làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng 98.000 tỷ đồng, chiếm 10,5% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Đánh giá lại chỉ tiêu GDP đã triển khai cập nhật cách xử lý hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), hoạt động sản xuất phần mềm máy tính và cách xử lý đối với đơn vị thuê gia công trong nước theo khuyến nghị của Hệ thống tài khoản quốc gia (System of National Accounts) SNA 2008.  

  • Thứ tư: Rà soát, cập nhật lại phân ngành kinh tế làm quy mô GDP bình quân mỗi năm tăng khoảng 75.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 8% mức tăng bình quân đánh giá lại GDP. Do phương pháp tính giá trị sản xuất, áp dụng hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá thay đổi theo ngành kinh tế khi biên soạn chỉ tiêu GDP nên khi rà soát, cập nhật phân ngành kinh tế từ ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng thấp sang ngành có tỷ lệ giá trị gia tăng cao, từ ngành có chỉ số giá thấp sang ngành có chỉ số giá cao dẫn đến thay đổi quy mô giá trị tăng thêm của ngành, của khu vực và toàn bộ nền kinh tế.

  • Thứ năm: Cập nhật cơ cấu kinh tế làm thay đổi hệ số chi phí trung gian và chỉ số giá của cả nước làm quy mô GDP bình quân mỗi năm giảm khoảng 131.000 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 14% so với mức tăng bình quân mỗi năm đánh giá lại GDP. Trong những năm qua, thay đổi cơ cấu kinh tế của nước ta diễn ra nhanh và mạnh mẽ, không chỉ chuyển đổi cơ cấu giữa 3 khu vực kinh tế mà còn diễn ra trong từng ngành, từng khu vực. Việc thay đổi cơ cấu dẫn đến thay đổi quy mô chỉ tiêu giá trị sản xuất, thay đổi tỷ lệ chi phí trung gian và hệ thống chỉ số giá của nền kinh tế. Vì vậy, đánh giá lại quy mô GDP phải cập nhật sự chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế. Việc cập nhật này làm tăng hệ số chi phí trung gian của nhiều ngành kinh tế dẫn đến quy mô GDP giảm gần 71.000 tỷ đồng (giảm 7,6%); làm thay đổi chỉ số giá và bảng giá sản phẩm dẫn đến quy mô GDP giảm khoảng 61.000 tỷ đồng (giảm 6,5%).

  • III. Những tác động khi đánh giá lại quy mô GDP

Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ có một số tác động liên quan đến các chỉ tiêu vĩ mô của nền kinh tế:

  • Tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người đều tăng, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng của GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Thực tế mô hình tiêu dùng của hộ dân cư đã thay đổi: Tỷ trọng tiêu dùng cho ăn uống giảm từ 39,93% năm 2010 xuống còn 33,25% năm 2019; tiêu dùng cho nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng từ 10,01% năm 2010 lên 18,37% năm 2019; tiêu dùng cho giao thông và phương tiện đi lại tăng tương ứng từ 8,23% lên 10,27%; tiêu dùng cho bưu chính viễn thông tăng từ 2,72% lên 3,25%; tiêu dùng cho giáo dục tăng từ 5,72% lên 6,03%; tiêu dùng cho văn hóa, giải trí và du lịch tăng từ 3,83% năm 2010 lên 4,62% năm 2019 và tầng lớp trung lưu trong xã hội nước ta tăng lên.

  • Cơ cấu GDP sẽ bị thay đổi do tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông – lâm – thuỷ sản. Bức tranh cơ cấu kinh tế thay đổi tác động tới điều chỉnh chính sách tài khóa, đầu tư, tín dụng đối với mục tiêu phát triển của 3 khu vực kinh tế và các ngành kinh tế trong từng khu vực hướng tới mục tiêu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp thuộc nhóm dẫn đầu các nước có thu nhập trung bình cao. Qua đó, Chính phủ bên cạnh tập trung sản xuất hướng vào xuất khẩu, cần điều chỉnh chính sách đáp ứng nhu cầu trong nước để phục vụ cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân với nhu cầu về nhà ở, phương tiện đi lại, sử dụng các loại dịch vụ có hàm lượng công nghệ và chất lượng cao ngày càng tăng.

  • Nhiều chỉ tiêu có liên quan tới GDP, đặc biệt các chỉ tiêu mang tính đòn bẩy của nền kinh tế như: tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP…  thấp hơn so với đánh giá trước đây. Các chỉ tiêu này thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách tài khóa và tiền tệ. Sự thay đổi của các chỉ tiêu đòn bẩy cho thấy khả năng mở rộng hoặc thu hẹp dư địa thu ngân sách, điều chỉnh tỷ lệ thuế, chi tiêu và nợ công. Các chỉ tiêu đòn bẩy giảm xuống đưa đến khả năng lựa chọn được thêm những dự án cần thiết có hiệu quả tốt mà trước đây chưa xem xét bởi trần nợ công. Bên cạnh đó, cùng với tăng trưởng khá cao và ổn định của nền kinh tế sẽ kích thích dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.

  • Cuối cùng, khi quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên. Sự ưu đãi về kinh tế từ các tổ chức tài chính quốc tế không còn như những năm trước, chính sách cho Việt Nam vay cũng sẽ thay đổi như vay vốn ODA, vay ưu đãi sẽ khó tiếp cận hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, đánh giá lại quy mô GDP dẫn tới quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, bức tranh kinh tế của đất nước được nhận dạng sát thực và rõ nét hơn, đặc biệt bức tranh tiêu dùng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, quy mô của nền kinh tế và GDP bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô cùng với hệ thống chính trị và an ninh ổn định, nước ta tham gia sâu rộng vào các hợp tác song phương và đa phương đã và đang nâng tầm vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Tài liệu tham khảo

  1. Bạch Huệ (2019), GDP Việt Nam bất ngờ tăng thêm 25,4%/năm khi tính lại, http://vneconomy.vn/;
  2. Ngô Trí Long (2019), Góc nhìn đánh giá lại quy mô nền kinh tế, https://vn.sputniknews.com;
  3. An Nhiên (2019), Đánh giá lại quy mô GDP và 5 tác động lớn tới nền kinh tế, http://vneconomy.vn/;
  4. Tổng cục Thống kê (2019), Đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước, http://www.gso.gov.vn;
  5. Tổng cục Thống kê (2019), Thông cáo báo chí Đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước, http://www.gso.gov.vn;
Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế vĩ mô Việt Nam sau đánh giá lại quy mô GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO