Lợi nhuận ngành Ngân hàng được dự báo giảm trong nửa cuối năm

Ngô Hải| 03/09/2020 16:55
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tăng trưởng tín dụng chậm lại, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng, NIM giảm… kéo theo lợi nhuận của ngành Ngân hàng được dự báo sẽ giảm trong nửa cuối năm 2020.

Năm 2020: Tín dụng tăng chậm, NIM giảm…lợi nhuận giảm

Báo cáo đánh giá triển vọng về ngành Ngân hàng trong nửa cuối năm 2020 vừa được Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research ) công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 7/2020, tổng tín dụng tăng 3,7%, so với mức 3,65% trong 6 tháng đầu năm và bằng một nửa cùng kỳ năm trước (khoảng 7,5%). Ước tính tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ trong khoảng 7,5- 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 11-14%.

Nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu do cả nước hiện đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai trong khi các ngân hàng có thể sẽ không hạ tiêu chí cấp tín dụng. SSI cho rằng, cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng, trong khi tăng trưởng tín dụng mảng bán lẻ sẽ không mạnh mẽ như trước.

Tăng trưởng huy động ước tính tiếp tục duy trì mạnh mẽ, tạo thanh khoản dồi dào cho ngành ngân hàng trong nửa cuối năm 2020.

 

SSI Research nhận định, tác động của việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ phản ánh rõ ràng hơn trong 6 tháng cuối năm 2020: Tính đến cuối tháng 7, các ngân hàng niêm yết đã giảm lãi suất huy động từ 90 - 210 điểm cơ bản so với đầu năm.

Tuy nhiên, mức cắt giảm lớn nhất thuộc về lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng (là lãi suất tham chiếu cho lãi suất cho vay dài hạn) đã được thực hiện kể từ tháng 6 và tháng 7. Theo ước tính lãi suất huy động tiếp tục giảm trong 5 tháng qua khoảng 50 điểm cơ bản đối với kỳ hạn trên 6 tháng và giảm 70 điểm cơ bản đối với kỳ hạn dưới 6 tháng.

“Động thái này là do nhu cầu tín dụng yếu, cũng như quyết định gần đây của Ngân hàng Nhà nước về việc nới rộng thời gian áp dụng mức trần 40% về tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn thêm một năm nữa đến hết ngày 30/9/2021”, báo cáo viết.

SSI Research cũng nhận định nợ tái cơ cấu tăng sẽ làm NIM giảm hơn. Ước tính nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm. Dựa trên ước tính của Ngân hàng Nhà nước vào quý I/2020, khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay, chiếm 23% tổng tín dụng, chịu ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch.

Khi đại dịch kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ tiếp tục tăng lên. Các ngân hàng sẽ phải đưa các khoản vay này vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu. Do đó, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn.

Hơn nữa, một phần thu nhập lãi được ghi nhận trong 6 tháng 2020 có thể sẽ được thoái thu do khoản nợ này bị hạ xếp loại. Những tác động tiêu cực của việc giảm lãi suất và miễn lãi sẽ kéo dài trong suốt nửa cuối năm 2020, lâu hơn giai đoạn trong nửa đầu năm. “Chúng tôi ước tính NIM sẽ giảm thêm 60 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2020 nếu lo ngại của chúng tôi thành hiện thực”, các chuyên gia của SSI Research nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, SSI Research cùng cho rằng, trích lập dự phòng sẽ làm giảm thêm lợi nhuận. Báo cáo ước tính các ngân hàng sẽ đẩy nhanh việc trích lập dự phòng cho nợ xấu mới và nợ tái cơ cấu, dù thời hạn của Thông tư 01 có thể được kéo dài để trì hoãn thời gian ghi nhận nợ xấu.

Lợi nhuận trước thuế trong nửa cuối năm ước tính giảm 22,1% so với cùng kỳ năm trước, do thu nhập hoạt động (TOI) giảm 4% so với cùng kỳ năm trước và chi phí dự phòng, tăng 47,8%. Tổng lợi nhuận trước thuế giảm là do lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV và VietinBank) ước tính giảm 35,7% (chủ yếu do chi phí dự phòng tăng 58,8% trong nửa cuối năm 2020).

Lợi nhuận năm 2021 sẽ có sự phân hóa

Theo nhận định của SSI Research, có 3 yếu tố quan trọng giúp tất cả các nguồn thu nhập ước tính sẽ phục hồi trong năm 2021, gồm:

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng phục hồi lên mức 9-10%, chủ yếu nhờ đầu tư công được đẩy mạnh trong 2021 (đặc biệt là nửa cuối năm 2021). SSI Research kỳ vọng đây sẽ là chất xúc tác tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng trong nhiều lĩnh vực cũng như tất cả các nhóm khách hàng từ khác hàng doanh nghiệp lớn, đến DNNVV và cá nhân, giúp nhu cầu vay phục hồi.

Thứ hai, NIM có thể tăng nhẹ do áp lực huy động vốn dài hạn giảm. Việc CASA vẫn đang trong quá trình liên tục cải thiện, dư địa để tối ưu hóa tỷ lệ Dư nợ tín dụng/Vốn huy động (LDR) và việc trì hoãn giảm mức trần tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng để cho vay trung và dài hạn thêm 01 năm nữa (Thông tư 08) là những yếu tố chính cho phép các ngân hàng cải thiện NIM vào năm 2021. Tuy nhiên, SSI Research không kỳ vọng NIM trong năm 2021 sẽ quay trở lại mức 2019.

Thứ ba, tăng trưởng thu nhập phí phục hồi. Vào năm 2020, các dịch vụ thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại chịu ảnh hưởng tiêu cực do hoạt động giao dịch giảm trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19. Thu nhập từ bancassurance cũng bị ảnh hưởng tiêu cực vào tháng 4/2020 khi giãn cách xã hội. Ước tính các nguồn thu nhập này sẽ tăng trở lại vào năm 2021 cùng với sự phục hồi kinh tế chung trong nửa cuối năm 2021.

 

Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn dần xuất hiện trên bảng cân đối kế toán trong năm 2021. Dựa trên kịch bản cơ sở mới, SSI Research cho rằng COVID-19 sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021. Do đó, thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm 2021.

Nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu nổi lên mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022. SSI Research ước tính nợ xấu tại thời điểm cuối năm sẽ tăng 17% và 14% vào năm 2020 và 2021 (so với -16,3% vào năm 2019). Theo đó, chi phí tín dụng sẽ lần lượt là 1,67% và 1,64% (so với 1,5% trong giai đoạn 2017-2019 và 1,3% trong giai đoạn 2013-2016).

 

Bên cạnh đó, những thách thức về vốn vẫn tồn tại. Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. Theo ước tính của SSI Research, với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, hệ số CAR sẽ giảm từ 40 - 80 điểm %. Do đó, đối với các ngân hàng có hệ số CAR trên 11%, áp lực về vốn sẽ không quá lớn trong năm 2021 nếu nợ xấu tăng 1-2%. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như BIDV, VietinBank và Vietcombank, nhu cầu tăng vốn trong năm 2021 là khá rõ ràng.

Dự báo cho năm 2021, báo cáo của SSI Research cho rằng, lợi nhuận của các ngành Ngân hàng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng quốc doanh (SoCB)  và ngân hàng thương mại cổ phần (JoCB).

 

SSI Research cho rằng, năm 2020, các ngân hàng quốc doanh chịu nhiều áp lực hơn từ NHNN trong việc hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ đại dịch, trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn có dư địa nhất định để cân đối giữa việc hỗ trợ khách hàng và đảm bảo mức lợi nhuận hợp lý.

Do đó, tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 dự báo là giảm 15,9% đối với ngân hàng quốc doanh và 3,3% đối với ngân hàng thương mại cổ phần. Nhưng vào năm 2021, khi ngân hàng quốc doanh hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng hiện tại, lợi nhuận sẽ bật tăng tới 22,6% so với 11,2% của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Báo cáo của SSI Research cũng đưa ra  nhận định, cấu trúc ngành Ngân hàng sẽ thay đổi sau đại dịch COVID-19. Số hóa gia tăng trên toàn hệ thống trong những năm gần đây. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội, cùng với hỗ trợ của NHNN, khách hàng đã nhanh chóng chấp nhận kênh giao dịch trực tuyến/số hóa trong giai đoạn COVID-19.

Kênh số hóa giúp giảm bớt tầm quan trọng của mạng lưới chi nhánh trong khi đẩy mạnh vai trò các sản phẩm tài chính đa dạng nhằm thu hút huy động, đặc biệt là CASA từ phân khúc bán lẻ. “Trong tương lai, chúng tôi ước tính tốc độ mở các văn phòng giao dịch mới sẽ chậm lại và các ngân hàng có nền tảng kỹ thuật số tốt và/hoặc áp dụng chính sách miễn phí đang chiếm nhiều thị phần CASA hơn”, SSI Research dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi nhuận ngành Ngân hàng được dự báo giảm trong nửa cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO