Lợi suất TPCP tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp

Ngô Hải| 14/03/2020 08:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Nhu cầu đầu tư lớn hơn rất nhiều so với nguồn cung, được tác động thêm bởi xu hướng nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương (NHTƯ) trên thế giới trước nguy cơ dịch bệnh Covid-19 lan rộng, đã khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ (TPCP) Việt Nam giảm sâu xuống mức thấp kỷ lục.

Nhận định trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam cho rằng, xu hướng giảm của lợi suất TPCP Việt Nam không nằm ngoài xu hướng giảm của lợi suất TPCP Mỹ và các nước khác trong khu vực. Cụ thể, ngày 3/3, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ quyết định cắt giảm 0,5% lãi suất, trước cả thời điểm diễn ra cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra ngày 17-18/3 tới đây. Sau đợt hạ lãi suất khẩn cấp này, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 10 năm – vốn được xem là lãi suất chuẩn “phi rủi ro” cho các giao dịch tài chính trên thế giới – lần đầu tiên trong lịch sử, đã giảm xuống dưới 1%. Trong khi đó, lợi suất TPCP cũng ghi nhận mức sụt giảm mạnh ở các nền kinh tế khác như: kỳ hạn 10 năm tại Indonesia giảm 22 điểm phần trăm, Philippines giảm 20 điểm phần trăm, Thái Lan giảm 15 điểm phần trăm, Hồng Kông giảm 13 điểm phần trăm, Hàn Quốc giảm 10 điểm phần trăm, hay Việt Nam giảm 40 điểm phần trăm.

Trước đó, trong năm 2019, Fed cũng đã quyết định 3 lần cắt giảm lãi suất lần lượt vào tháng 7, tháng 9 và tháng 10 với mỗi lần cắt giảm là 0,25%. Sau mỗi lần giảm lãi suất của Fed, thị trường đều chứng kiến lợi suất TPCP Mỹ và các nước khác lao dốc mạnh. “Rõ ràng, trước xu hướng nới lỏng tiền tệ vẫn tiếp tục kể từ năm 2019, các NHTƯ đã, đang và sẽ giảm tiếp lãi suất, lợi suất TPCP các nước vì thế luôn duy trì ở mức thấp kỷ lục”, các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam nhấn mạnh.

Với thị trường Việt Nam, sau các bước giảm nhanh và mạnh, lợi suất TPCP Việt Nam hiện đang ở mức thấp kỷ lục, với kỳ hạn 10 năm chỉ còn 2,3%/năm, giảm tới 120 điểm phần trăm so với cuối năm 2019 và chỉ cao hơn khoảng 1,6% so với lợi suất TPCP Mỹ cùng kỳ hạn.

“Mức lợi suất TPCP thấp kỷ lục hiện nay là một sự may mắn đối với một nền kinh tế đang phát triển”, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam nhận định. Bởi lẽ, Việt Nam là một nước đang phát triển, thường nhu cầu vốn đầu tư cao, đi kèm với lạm phát cao, trong khi hệ số tín nhiệm ở mức trung bình, vì vậy lợi suất TPCP thường giữ ở mức cao để tạo sự hấp dẫn với các nhà đầu tư và thu hút dòng vốn. So sánh với các nước trong khu vực, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) 10 năm của Việt Nam hiện đang đạt 160 điểm, cao hơn nhiều so với các nước như: Indonesia (150 điểm), Malaysia (92 điểm), Philippines (86 điểm), Trung Quốc (81 điểm). Tuy nhiên, lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam lại thấp hơn rất nhiều so với lợi suất TPCP cùng kỳ hạn tại: Indonesia 6,5%; Philippines 4,2%/năm; thấp hơn cả lợi suất TPCP 10 năm của Malaysia (2,78%), Trung Quốc (2,68%) và đang tiến gần hơn với mức lợi suất TPCP của các nước như Hàn Quốc (1,3%), Singapore (1,2%).

Từ thực tế thị trường, các chuyên gia thuộc trung tâm nghiên cứu chỉ ra rằng, thị trường TPCP Việt Nam đang chịu chi phối chủ yếu bởi sự mất cân đối cung - cầu. Số liệu cho thấy, thị trường ngoại tệ ổn định trong suốt cả năm 2019, tạo điều kiện cho NHNN mua vào tới 20 tỷ USD, tương ứng cung ra tới gần 400 nghìn tỷ VND ra nền kinh tế. Chưa kể đến, số dư tiền gửi KBNN tại các NHTM luôn giữ ở mức cao, trên 200 nghìn tỷ đồng, giúp thanh khoản các ngân hàng dồi dào. Ngoài ra, huy động vốn của toàn hệ thống rất tích cực trong cả năm 2019 và các tháng đầu 2020, trong khi tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chậm chạp. Trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng càng có động lực để tiếp tục đầu tư mạnh trên thị trường TPCP.

Ngoài ra, Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) tối đa của nhóm NHTM nhà nước đã giảm từ mức 90% trước đây xuống chỉ còn 85%. Lượng tiền dư thừa không cho vay được từ việc giảm LDR, các ngân hàng đem đầu tư vào TPCP. Với việc hệ số rủi ro của TPCP khi tính hệ số an toàn vốn (CAR) là 0%, các ngân hàng khi mua TPCP không những giảm áp lực lên vốn tự có mà còn gia tăng được lượng tài sản có tính thanh khoản cao, đảm bảo cho các nhu cầu cầm cố, thế chấp trên thị trường mở để được hỗ trợ thanh khoản từ NHNN. Bên cạnh việc các ngân hàng là chủ thể chính đầu tư trên thị trường TPCP, còn phải kể đến các Công ty Bảo hiểm nhân thọ. Tính đến cuối năm 2019, thị trường Bảo hiểm nhân thọ ghi nhận năm thứ 5 liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng cao (từ 25-30%/năm), khiến nhu cầu đầu tư TPCP là rất lớn. Trong khi đó, KBNN chủ động điều chỉnh giảm mạnh nguồn cung sơ cấp trong bối cảnh đầu tư công chưa được khơi thông, tồn dư tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước tăng mạnh.

“Như vậy, mặc dù mức lợi suất TPCP đang rất thấp nhưng hiện tại câu chuyện mất cân đối cung - cầu trong ngắn - trung hạn vẫn là yếu tố quyết định. Yếu tố này có thể giữ lợi suất TPCP Việt Nam tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp”, báo cáo nhấn mạnh.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lợi suất TPCP tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO