Minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán tiếp cận từ góc nhìn báo chí - khoảng trống pháp lý và một số vấn đề đặt ra

La Hường| 08/02/2019 08:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết cung cấp cho bạn đọc cái nhìn về tính minh bạch, rõ ràng của thông tin TTCK trên báo chí ở Việt Nam giai đoạn hiện nay,

Ngày nhận bài: 15/1/2019 - Ngày biên tập: 16/1/2019 - Ngày duyệt đăng: 16/1/2019

Tóm tắt: Trên cơ sở hệ thống hóa lý thuyết vấn đề tính minh bạch trong thông tin về thị trường chứng khoán (TTCK) trên báo chí, bài viết cung cấp cho bạn đọc cái nhìn về tính minh bạch, rõ ràng của thông tin TTCK trên báo chí ở Việt Nam giai đoạn hiện nay, từ đó đưa ra những gợi ý cho các cơ quan có sự phối hợp với nhau cũng như xây dựng kế hoạch thông tin truyền thông về TTCK nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin về TTCK.

Từ khóa: minh bạch thông tin, thị trường chứng khoán, báo chí

STOCK MARKET INFORMATION TRANSPARENCY FROM MASS MEDIA PERSPECTIVE - Legal gaps and matters arised

Abstract: On the basis of systematizing the theory of the information transparency of the stock market on newspapers, the artice provides an overview of the transparency and clarity of information on the stock market in the current period. Based on that, the artice is tend to suggest relevant agencies entrance collabroration with each other as well as develop media information plan on the stock market to further improve quality of the stock market information.

Key words: transparency of information, stock market, mass media

TTCK được coi là thị trường của niềm tin và rất nhạy cảm với thông tin nói chung và các thông tin trên báo chí nói riêng. Vì thế, có thể nói thông tin là quan trọng, là yếu tố quyết định sự phát triển của bất kỳ TTCK nào. TTCK lấy sự minh bạch làm nền tảng cho hoạt động. Do đó, thông tin về TTCK luôn cần đảm bảo tính minh bạch. Điều này tác động trực tiếp đến diễn biến giao dịch, sự thành bại của các nhà đầu tư (NĐT), sự phát triển hay đổ vỡ của TTCK và nhìn rộng hơn là của cả hệ thống tài chính và nền kinh tế.

Trong giai đoạn hiện nay, minh bạch thông tin trên TTCK vẫn đang là một mục tiêu hướng tới của Việt Nam.

Thế nào là minh bạch thông tin?

Hiện nay, có nhiều khái niệm và cách hiểu khác nhau về minh bạch thông tin, tùy thuộc vào từng ngữ cảnh thực tế và từng góc nhìn, quan điểm riêng.

Tổ chức Quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) định nghĩa “Minh bạch là việc những thông tin giao dịch (bao gồm cả thông tin trước giao dịch và sau giao dịch) được công bố công khai”.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2004) cho rằng, minh bạch thông tin là việc cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác theo cách thức mà công chúng có thể tiếp cận được.

Ngân hàng Thế giới (World Bank) trong báo cáo (1999) cho rằng minh bạch thông tin là sự đầy đủ, tin cậy và kịp thời trong việc công bố thông tin (CBTT) và sự tiếp cận dễ dàng từ phía công chúng đối với sự đầy đủ, tin cậy và kịp thời đó.

Các khái niệm trên cho thấy, minh bạch thông tin không chỉ đòi hỏi về chất lượng của thông tin được đăng tải, công bố, về nội dung của thông tin cũng như mối quan hệ với công chúng, về hình thức thể hiện của thông tin, về cách thức đăng tải, CBTT, mà còn đòi hỏi các điều kiện cần thiết về khung pháp lý, về quản lý vĩ mô nhà nước, về chức năng hoạt động của các cơ quan báo chí, về thông tin mà các chủ thể trên TTCK công bố ra bên ngoài.

Trong khi đó, báo chí là một hiện tượng xã hội, ra đời do nhu cầu thông tin giao tiếp, giải trí và nhận thức của con người, có ảnh hưởng rộng lớn tới đời sống xã hội. Báo chí là “phương tiện truyền thông đại chúng truyền tải thông tin về các sự kiện, sự việc, hiện tượng đang diễn ra trong hiện thực khách quan một cách nhanh chóng, chính xác và trung thực đến đông đảo công chúng, nhằm tích cực hóa đời sống thực tiễn”(Dương Xuân Sơn (2015), Giáo trình Lý luận Báo chí truyền thông, Nxb. Giáo dục Việt Nam, trang 64).

Như vậy, có thể hiểu, minh bạch trong thông tin về TTCK trên báo chí là việc báo chí cung cấp, phản ánh các thông tin về TTCK một cách nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, chính xác, khách quan, phù hợp, tin cậy và tuân thủ pháp luật theo cách thức mà công chúng có thể hiểu và tiếp cận được một cách thuận tiện thông qua các phương tiện truyền tải thông tin.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiểu đầy đủ về minh bạch thông tin, trong đó có minh bạch thông tin về TTCK trên báo chí là điều không đơn giản. Đã có không ít người thường nhầm lẫn giữa CBTT và minh bạch thông tin.

Minh bạch thông tin là đề cập đến tính chính xác, kịp thời, tính rõ ràng, rành mạnh của thông tin khi công bố, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn CBTTđược hiểu là quá trình cung cấp tài liệu và những bằng chứng có liên quan một cách rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc được niêm yết tại địa điểm nhất định theo quy định.

CBTT trên TTCK là việc các chủ thể bắt buộc phải thực hiện CBTT khi tham gia TTCK theo quy định của pháp luật. Pháp luật Chứng khoán quy định cụ thể về các nội dung thông tin bắt buộc phải công bố, chủ thể thực hiện công bố, hình thức công bố, thời gian công bố. Và minh bạch thông tin cũng là một trong những yêu cầu của hoạt động CBTT trên TTCK.

Tuy nhiên, minh bạch thông tin trên TTCK là việc thông tin được đăng tải, công bố một cách nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ, khách quan, tin cậy theo cách thức mà công chúng có thể tiếp cận được. Người ta có thể thực hiện minh bạch thông tin một cách chủ động, tự nguyện khi họ thấy cần thiết hoặc bắt buộc phải minh bạch (thụ động) theo quy định của pháp luật. Vì thế, trên thực tế, người ta có thể công bố, đăng tải rất nhiều thông tin ít giá trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi lại không công bố những thông tin quan trọng, hữu ích đối với thị trường và nhà đầu tư (NĐT), thậm chí có thể còn che giấu thông tin quan trọng. Điều này dẫn đến việc thiếu minh bạch thông tin.

Tầm quan trọng của minh bạch thông tin TTCK

Đối với TTCK, thông tin luôn là yếu tố không thể thiếu khi thực hiện các hoạt động đầu tư trên thị trường và thông tin cũng là yếu tố cốt lõi để thị trường hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững. Trong tài liệu về quản trị công ty (QTCT) công bố năm 2012, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã khẳng định “yếu tố sống còn để TTCK có chất lượng là lòng tin của NĐT. Lòng tin ấy được xây dựng dựa trên sự công khai, minh bạch”. Do đó, có thể nói minh bạch thông tin TTCK có vai trò hết sức quan trọng đối với tất cả các chủ thể tham gia TTCK. Cụ thể:

+ Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Thông tin một cách rõ ràng, rành mạch về TTCK trên báo chí giúp cho hoạt động quản lý, giám sát TTCK của các cơ quan quản lý được dễ dàng và hiệu quả hơn. Thông qua đó, cơ quan quản lý TTCK có thể nắm bắt được thông tin nhiều hơn, có cái nhìn tổng quát và sát thực hơn về tình hình diễn biến của TTCK cũng như những vấn đề đã và đang nảy sinh trên thực tiễn. Từ đó, sẽ có những giải pháp để tăng cường hiệu quả của hoạt động điều hành, quản lý TTCK, nhằm đảm bảo TTCK hoạt động ổn định, thông suốt, công bằng và phát triển bền vững. Đồng thời, cơ quan quản lý TTCK cũng có những biện pháp phù hợp để tăng cường các hoạt động quản lý, giám sát, hạn chế và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên TTCK.

+ Đối với TTCK: Minh bạch thông tin là yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển của TTCK. Do đó, khi báo chí thông tin minh bạch về TTCK sẽ góp phần giúp TTCK hoạt động hiệu quả và bền vững, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập của TTCK Việt Nam. Hiện Việt Nam đang nỗ lực nâng hạng TTCK từ hạng Cận biên (Frontier Market) lên hạng Mới nổi (Emergin Market) trên bảng xếp hạng MSCI, trong đó minh bạch thông tin TTCK cũng là một trong những nhân tố có vai trò quyết định. 

+ Đối với doanh nghiệp: Báo chí chuyển tải, thông tin về TTCK một cách đầy đủ, rõ ràng, minh bạch sẽ giúp cho doanh nghiệp có thể nắm bắt được một cách đầy đủ, toàn diện thông tin về mọi hoạt động cũng như thực trạng, triển vọng của TTCK Việt Nam, từ đó xây dựng kế hoạch, chiến lược huy động vốn, phát hành, chào bán chứng khoán thông qua TTCK một cách phù hợp, tăng hiệu quả hoạt động, thu được lợi ích cao nhất. Mặt khác, doanh nghiệp thông qua việc phối hợp với các cơ quan truyền thông để CBTT nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đầy đủ, tuân thủ pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp mình, điều này sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sử dụng vốn, tăng hiệu quả hoạt động.

+ Đối với NĐT: Qua theo dõi thông tin về TTCK trên báo chí, giúp họ nhận diện rõ hơn bức tranh toàn cảnh về hoạt động của TTCK Việt Nam; về những sản phẩm mới, nghiệp vụ mới; về chính sách mới, cơ chế mới; về những vấn đề đang nảy sinh trên TTCK Việt Nam... Những thông tin đó làm cơ sở cho NĐT kịp thời nắm bắt cơ hội và đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn hơn.

Bên cạnh đó, khi báo chí thông tin minh bạch về TTCK sẽ góp phần giúp bảo vệ quyền và lợi ích của NĐT, nhất là NĐT thiểu số. Thông tin minh bạch sẽ giúp các NĐT giảm thiểu được những rủi ro khi đầu tư trên TTCK, nhất là khi NĐT không nắm được thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình thị trường, về hoạt động của doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên TTCK mà NĐT đang quan tâm hoặc đang nắm giữ cổ phiếu đó. Hơn nữa, thông tin minh bạch về TTCK trên báo chí sẽ giúp NĐT lựa chọn được những cổ phiếu của những doanh nghiệp có hoạt động tốt, cẩn trọng với những cổ phiếu của những doanh nghiệp đang thua lỗ...

+ Đối với đông đảo công chúng: Khi mọi vấn đề, sự kiện, hiện tượng về TTCK được báo chí thông tin, phản ánh một cách minh bạch, dễ hiểu, dễ nhớ sẽ giúp cho công chúng có thêm kiến thức, hiểu biết về TTCK khi nắm bắt hiểu đúng bản chất vấn đề, từ đó góp phần niềm tin của công chúng đối với báo chí và sự phát triển bền vững của TTCK Việt Nam, của cả hệ thống tài chính và rộng hơn là tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế.

Khoảng trống pháp lý và một số vấn đề đặt ra

Kể từ khi TTCK được thành lập và đi vào hoạt động cho đến nay, Đảng, Nhà nước và cơ quan quản lý thị trường luôn quan tâm, coi trọng và đề cao vai trò của công tác thông tin tuyên truyền cũng như vai trò của báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng đối với sự phát triển của TTCK.

Thời gian qua, pháp luật về chứng khoán nói riêng cũng như pháp luật về báo chí và pháp luật ở Việt Nam nói chung đã có cố gắng điều chỉnh theo hướng ngày càng hoàn thiện quy định về yêu cầu minh bạch thông tin. Tuy nhiên, những quy định này mới chỉ nằm rải rác ở một vài văn bản và cho đến nay, Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý nào đưa ra khái niệm cụ thể về minh bạch thông tin.

Ngoài các quy định chung trong Luật Chứng khoán, có Thông tư số 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về CBTT trên TTCK, trong đó có hướng dẫn chi tiết và quy định rõ về các đối tượng cần công bố thông tin, các nội dung mà doanh nghiệp, cá nhân liên quan cần phải thực hiện công bố, công khai, minh bạch thông tin trên TTCK. Tuy nhiên, ngay trong Thông tư 155/2015/TT-BTC cũng không đưa ra khái niệm cụ thể thế nào là CBTT hay thế nào là minh bạch thông tin, mà chỉ đưa ra các nguyên tắc, phương tiện, đối tượng, nội dung CBTT.

Về tiêu chí đánh giá tính minh bạch thông tin, tại Việt Nam, hiện nay đã có một số tổ chức chủ động xây dựng các bộ tiêu chí về CBTT và minh bạch thông tin trên TTCK để áp dụng trong tổ chức, đơn vị mình. Ví dụ, từ năm 2014 đến năm 2017, HNX đã xây dựng Bộ tiêu chí về CBTT và minh bạch dựa trên Bộ quy tắc về QTCT của OECD nhưng chỉ dành để chấm điểm tất cả các công ty niêm yết (CTNY) trên HNX, trong đó đưa ra 28 tiêu chí tương đương với 28 câu hỏi cụ thể về các vấn đề như QTCT, CBTT, về mức độ minh bạch thông tin trên website của doanh nghiệp, về báo cáo thường niên, về tài liệu họp đại hội cổ đông... Tuy nhiên, hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một bộ tiêu chí riêng làm “thước đo” chung để đánh giá tính minh bạch thông tin trên TTCK cũng như trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Bên cạnh đó, để thông tin về TTCK trên báo chí luôn đảm bảo tính minh bạch thì một yếu tố vô cùng quan trọng là bản thân TTCK Việt Nam cũng phải hoạt động một cách minh bạch. Điều này có nghĩa là tất cả các chủ thể tham gia TTCK Việt Nam, từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, các tổ chức trung gian trên TTCK như công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, ngân hàng chỉ định thanh toán, đến các công ty niêm yết cổ phiếu trên thị trường và các NĐT đều phải hoạt động và công bố, công khai thông tin kịp thời, đầy đủ, rõ ràng, và tuân thủ theo quy định luật pháp.

Tuy nhiên, cho đến nay, minh bạch thông tin trên TTCK vẫn còn đang là một mục tiêu hướng tới của TTCK Việt Nam, bởi trên thực tiễn cũng như theo kết quả đánh giá của một số tổ chức thì tình trạng minh bạch thông tin trên TTCK Việt Nam ở mức trung bình thấp.

Số liệu thống kê về tình hình vi phạm CBTT trên TTCK Việt Nam cho thấy, tổng số vi phạm về minh bạch thông tin trong tổng số các vi phạm trên TTCK giảm từ 86,7% năm 2013 xuống còn 60,7% năm 2016, nhưng có dấu hiệu tăng trở lại vào năm 2018. Thống kê cho thấy, số lượng vi phạm không những không thuyên giảm mà còn tăng 30% so với thời điểm cùng kỳ năm 2017. Các lỗi vi phạm phổ biến trong minh bạch thông tin trên TTCK là vi phạm về CBTT, báo cáo không đúng hạn, kịp thời; CBTT không chính xác, đầy đủ; không CBTT, không báo cáo các thông tin quan trọng cho SGDCK, UBCKNN…

Ngoài ra, khi tiếp cận ở góc độ báo chí, có thể nhận thấy một số yếu tố chính tác động đến tính minh bạch trong thông tin về TTCK trên báo chí như sau:

Yếu tố nguồn tin và kiểm chứng thông tin: Nếu ngay từ nguồn tin (người cung cấp thông tin, người trả lời phỏng vấn, thông cáo báo chí, báo cáo tài chính, báo cáo tài chính gian lận hoặc sai sót…) cho báo chí đã không minh bạch hoặc đã có nguồn tin nhưng thiếu kiểm chứng, vội vàng đăng tải thì thông tin trên báo chí cũng khó có thể đảm bảo được tính minh bạch.

Tình hình vi phạm CBTT trên TTCK Việt Nam giai đoạn 2013-2018

Nguồn: Tính đến tháng 10/2018; tổng hợp từ HOSE, HNX, UBCKNN

Yếu tố  “chu trình xử lý thông tin báo chí nội bộ”: Để thông tin minh bạch thì chu trình xử lý thông tin báo chí nội bộ phải minh bạch ở tất cả các khâu liên quan trong quá trình sản xuất. Từ nhà báo khi tiếp nhận nguồn tin, đến biên tập viên, đến những người ở các vị trí kiểm duyệt và quyết định đăng tải thông tin...

Yếu tố đạo đức nghề nghiệp: Người làm việc trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Nhưng riêng trong lĩnh vực báo chí, và đặc biệt là báo chí về TTCK thì lại càng cần phải có đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Bởi đôi khi, chỉ cần sửa một số liệu, hoặc đăng tải một dòng tin sai lệch, hoặc sử dụng từ ngữ mập mờ về TTCK để đăng tải trên báo chí cũng có thể gây tác động mạnh đến tâm lý NĐT, ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến của TTCK, thậm chí có thể khiến NĐT hoảng loạn bán tháo cổ phiếu làm TTCK bốc hơi hàng tỷ USD chỉ trong một phiên giao dịch.

Mặt khác, yếu tố đạo đức nghề nghiệp còn được thể hiện ở góc độ hợp tác giữa tòa soạn (gồm phóng viên) với các cơ quan quản lý TTCK, với tổ chức, cá nhân. Lâu nay, sự hợp tác này thường mang lại những kết quả rất tích cực, đặc biệt là trong việc ngăn chặn khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra. Nhưng trong một số trường hợp, sự hợp tác này lại có thể là một trong những yếu tố cản trở tính minh bạch trong thông tin về TTCK trên báo chí, thể hiện ở hai góc độ: hoặc báo chí thông tin quá nhiều theo hướng “tô hồng”về tiềm năng, cơ hội của một doanh nghiệp hoặc một cổ phiếu nào đó trên TTCK (có thể gồm cả tin giả - fake news), hoặc hợp tác với cá nhân, doanh nghiệp này để hạ uy tín của cá nhân, doanh nghiệp khác; hoặc báo chí im lặng trước sự kiện, sự việc có thật xảy ra trong thực tế. Và trên thực tế, đôi khi ranh giới của sự hợp tác, hỗ trợ với sự tiếp tay, bao che giữa phóng viên, tòa soạn báo với doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức là rất mong manh, mà điều này rất khó thu thập bằng chứng, bởi đôi khi đó là những thỏa thuận “ngầm” giữa phóng viên với đối tác, hoặc là các hợp đồng hợp tác truyền thông được ký kết giữa lãnh đạo tòa soạn báo với doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức nào đó...

Yếu tố môi trường văn hóa và pháp luật: Nếu môi trường pháp luật không đảm bảo, thiếu khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, đủ sức răn đe để điều chỉnh các hoạt động trên TTCK cũng như các hoạt động báo chí thì cũng khó có thể đảm bảo minh bạch thông tin TTCK.

Bên cạnh đó, tập quán, văn hóa kinh doanh... cũng là những yếu tố quan trọng tác động đến minh bạch thông tin, trong đó có vấn đề minh bạch thông tin về TTCK trên báo chí.

Yếu tố công chúng: Khi nguồn tin đã minh bạch, kênh truyền tải thông tin đã minh bạch, thì công chúng báo chí - đối tượng tiếp nhận, giải mã thông tin cũng cần tiếp nhận thông tin báo chí một cách minh bạch. Bởi thông tin trên báo chí là một quá trình liên tục, xuyên suốt trong mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà báo - tác phẩm báo chí - công chúng. Trên thực tế, không phải thông tin nào về TTCK trên báo chí cũng được số đông công chúng tiếp nhận dễ dàng vì công chúng báo chí rất đa dạng và phức tạp do trình độ, hiểu biết, nhận thức, tuổi tác và đôi khi do quan điểm của mỗi người là rất khác nhau, trong khi TTCK là lĩnh vực hoạt động rất phức tạp với nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu. Vì thế, có thể xuất hiện tình trạng như báo chí đã thông tin đúng, đủ, tin cậy, toàn diện nhưng công chúng vẫn hiểu sai nội dung thông điệp mà báo chí muốn truyền tải do công chúng thiếu hiểu biết về TTCK.u

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư số 155/2015/TT-BTC ngày 06/10/2015 của Bộ Tài chính quy định về CBTT trên TTCK.

- Tổ chức Tài chính Quốc tế - IFC (2010), Cẩm nang quản trị công ty, Nxb. Nông nghiệp.

- Lê Thị Mỹ Hạnh (2015), “Minh bạch thông tin tài chính của các công ty niêm yết trên TTCK Việt Nam”, Đề tài luận án tiến sĩ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch thông tin trên thị trường chứng khoán tiếp cận từ góc nhìn báo chí - khoảng trống pháp lý và một số vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO