Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ

Ngô Hải| 05/06/2020 19:57
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 5/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm và định hướng điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2020.

 Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì buổi họp báo 

 

Thông tin tại buổi họp báo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng. Bên cạnh đó, toàn ngành Ngân hàng cũng vào cuộc chủ động, quyết liệt để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết, tính đến ngày 29/5/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 3,4% so với cuối năm 2019; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) thông suốt.

 Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ

Trong 6 tháng đầu năm, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh.

"Dưới tác động của dịch Covid-19, do cầu tín dụng tăng thấp; đến ngày 29/5/2020, tín dụng tăng 1,96% so với cuối năm 2019", ông Quang cho biết.

Để hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1,0-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho TCTD, tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN;

Giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên trợ, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm.

Với điều hành tỷ giá, ông Quang cho biết, mặc dù thị trường quốc tế diễn biến phức tạp nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước ổn định, thanh khoản thông suốt, TCTD mua ròng từ khách hàng, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

"Đến cuối tháng 5/2020, tỷ giá trung tâm tăng 0,46%, tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,49% so với đầu năm", ông Quang nói.

Đồng thời, NHNN đã kịp thời ban hành Thông tư 05/2020/TT-NHNN ngày 7/5/2020 để cụ thể hóa Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc hướng dẫn cho vay tái cấp vốn lãi suất 0%, số tiền 16.000 tỷ đồng để NHCSXH cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay với lãi suất 0% trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm, chủ động, linh hoạt với việc ban hành Thông tư 01 triển khai các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn trong thời gian vừa qua.

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế

Bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN, hệ thống các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với lãi suất cho vay giảm mạnh từ 0,5-2,5%, thậm chí có NHTM còn giảm lãi suất cho vay tới 3-4%/năm...

Sau hơn 2 tháng triển khai quyết liệt, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ. Đến ngày 25/5/2020 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 224 nghìn khách hàng với dư nợ gần 152 nghìn tỷ đồng, miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 326 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,14 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 767.607 tỷ đồng cho 196.369 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch.

NHCSXH đã thực hiện gia hạn nợ cho 150.714 khách hàng với dư nợ 3.813,6 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho 75.209 khách hàng với dư nợ 1.567,6 tỷ đồng, cho vay mới đối với 680.031 khách hàng với dư nợ 25.756,5 tỷ đồng.

Cải cách hành chính và cơ cấu lại các TCTD đạt kết quả tích cực

Ông Trần Đăng Phi, Phó chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN

Trong 6 tháng đầu năm 2020, NHNN đã chỉ đạo các TCTD đơn giản hóa thủ tục vay vốn, cải cách hành chính, đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp. Mới đây, NHNN tiếp tục đứng đầu các bộ, ngành về chỉ số cải cách hành chính (Par index) năm 2019 của NHNN đạt điểm cao nhất 95,4/100 điểm. Đây cũng là lần thứ 5 liên tiếp NHNN xếp vị trí số 1 về cải cách hành chính (CCHC) trong các bộ, cơ quan ngang bộ. Mục tiêu xuyên suốt trong công tác CCHC của NHNN là đẩy mạnh CCHC trong hệ thống NHNN gắn với đổi mới phương thức phục vụ của ngành Ngân hàng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và phải tạo chuyển biến rõ nét về cải thiện môi trường kinh doanh trong hoạt động ngân hàng.

Ông Trần Đăng Phi, Phó chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, công tác cơ cấu lại các TCTD đã đạt được những kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra tại Đề án 1058, tạo sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD.

Quy mô hệ thống các TCTD được mở rộng; chất lượng tín dụng được cải thiện; năng lực quản trị điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế và tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện.

Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố. Đặc biệt là việc tăng vốn điều lệ cho một số NHTM có vốn Nhà nước đang tiến tới những thủ tục cuối cùng để được tăng vốn điều lệ.

Việc triển khai Basel II tiếp tục được các TCTD tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn.

"Đến thời điểm hiện nay, nợ xấu nội bảng của hệ thống dưới 2%, tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn từ tháng 3, 4, 5 có chiều hướng tăng do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của các TCTD", ông Phi nhấn mạnh.

Xu hướng thanh toán chuyển dịch mạnh sang thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM)

Trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động thanh toán vẫn có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

 Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN

Các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái”… góp phần quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đối với công chúng. Nhờ đó, TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ.

Chia sẻ về kết quả cụ thể, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, thanh toán qua thẻ, internet và điện thoại di động trong 4 tháng năm 2020 đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể: thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

"Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Thanh toán dịch vụ công tiếp tục được triển khai rộng rãi. NHNN đã có chỉ đạo kịp thời các ngân hàng, trung gian thanh toán trong việc phối hợp triển khai thanh toán điện tử trên Cổng dịch vụ quốc gia", ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do Covid-19. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

6 tháng cuối năm: Tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác

Làm rõ các vấn đề báo chí quan tâm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, bám sát mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, NHNN tiếp tục điều hành CSTT chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Cụ thể triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản TCTD hợp lý để ổn định thị trường;

Thứ hai, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT;

Thứ ba, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng. Bám sát diễn biến dịch bệnh để điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng đối với TCTD, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế;

Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo các TCTD  quyết liệt tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01, tiết giảm chi phí hoạt động để dành nguồn lực cho vay mới với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn;

Thứ năm, theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD cũng như đến an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp. Triển khai tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án 1058 để làm cơ sở xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025;

Thứ sáu, tiếp tục xây dựng, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia; thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ công...

Đẩy mạnh triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính, khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng đối với công chúng; góp phần thúc đẩy TTKDTM, thúc đẩy tài chính toàn diện.

"NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định về Mobile Money"

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

Ngày 24/4/2020, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Quyết định về Mobile Money. Nếu dự thảo được thông qua, các doanh  nghiệp viễn thông sẽ triển khai đề án gửi đơn vị đầu mối về cấp phép. Sau khi được cấp phép mới triển khai dịch vụ Mobile Money.

Về bản chất Mobile Money là việc sử dụng thông tin thuê bao di động được định danh để mở tài khoản di động. Do đó, không lo lắng về việc sim rác. Tất cả thuê bao di động nào đã được định danh rồi, mới được mở tài khoản Mobile Money.

Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng và thời gian tới tiếp tục cùng các Bộ ngành hoàn thiện Dự thảo Quyết định cuối cùng để trình Thủ tướng thông qua.

"Gói 16.000 tỷ đồng: Vốn đã sẵn sàng, đáp ứng đủ các điều kiện doanh nghiệp sẽ được vay vốn"

Bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội

Ngay khi có Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ Tướng, NHCSXH đã ban hành Văn bản số 2129 hướng dẫn nghiệp vụ cho vay doanh nghiệp trả lương cho người lao động...

NHNN đã ban hành Thông tư quy định về tái cấp vốn cho NHCSXH theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ và sẵn sàng cung ứng vốn với số tiền tái cấp vốn là 16.000 tỷ đồng để NHCSXH triển khai thực hiện chương trình này.

Tuy nhiên, dù NHCSXH cũng đã rất sẵn sàng (ban hành cơ chế chính sách, chủ động tham mưu cho chính quyền các cấp, cũng như làm việc với cổng dịch vụ công quốc gia để xây dựng quy trình thủ tục hồ sơ cho vay trực tuyến...) nhưng đến nay ngân hàng vẫn chưa giải ngân được món vay nào.

Theo Quyết định 15, các điều kiện, đối tượng vay là do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, dù ngành Ngân hàng rất sẵn sàng nhưng vẫn chưa có món vay nào được giải ngân.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO