Nguồn vốn ngân hàng rót vào sản xuất kinh doanh thực chất và hiệu quả

Thoa Lê/sbv.gov.vn| 18/04/2019 17:13
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

Những cam kết của ngành ngân hàng từ các Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trong các năm trước đã được thực hiện. Nhiều khó khăn được tháo gỡ, dòng vốn đã chảy mạnh vào sản xuất, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế chủ lực của TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác trong cả nước.

Tiếp nối thành công của Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vừa tổ chức tại Hà Nội, ngày 18/4/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh do Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cùng đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh đồng chủ trì. Hội nghị được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.

Doanh nghiệp - Ngân hàng đồng hành để cùng phát triển

Danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018 – 2020 có 7 nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 1 nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng, là các sản phẩm công nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử, hóa dược - cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực - thực phẩm) và ngành công nghiệp truyền thống là dệt may.

Nói về hiệu quả đầu tư vốn trong nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, TS. Từ Minh Thiện - Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu NNCNC TP. Hồ Chí Minh - cho hay: Trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố, việc kết nối giữa ngân hàng và các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) đã có nhiều chuyển biến tích cực, tác động tốt tốc độ tăng trưởng của ngành và thu nhập của người sãn xuất nông nghiệp. Kết quả thực hiện chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (Quyết định số 655/QĐ-UBND ngày 12 tháng 2 năm 2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố) cho thấy, trong năm 2018 các quận, huyện đã phê duyệt 468 quyết định, 1.164 hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ lãi vay, tổng vốn đầu tư: 1.345,724 tỷ đồng, tổng vốn vay: 839,270 tỷ đồng. Kinh phí hỗ trợ cho các phương án được phê duyệt trong năm 2018 là 110.600 triệu đồng.

Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND và số 655/QĐ-UBND, cho thấy với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (563,605 tỷ đồng), sẽ huy động được 22 đồng vốn xã hội (12.532,833 tỷ đồng), trong đó huy động từ TCTD là 14 đồng (7.675,288 tỷ đồng), huy động trong dân là 8 đồng (4.857,545 tỷ đồng). Điển hình, một số mô hình vay vốn đầu tư lớn trong 12 tháng đầu năm 2018: Với tổng diện tích khoảng 14,24 ha, tổng vốn đầu tư 272,2 tỷ, tổng vốn vay khoảng 162 tỷ đồng. Đối tượng nuôi trồng chủ yếu: hoa lan, mai, nấm, bò sữa, heo, cá lăng, tôm.

Công ty TNHH MTV Nấm Trang Sinh: Thực hiện đầu tư dự án với tổng vốn đầu tư là 11,687 tỷ đồng, vốn vay được hỗ trợ lãi vay là 5,5 tỷ đồng (chiếm 47,04%) đề đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị với mức hỗ trợ là 100% lãi suất tính hỗ trợ lãi vay trong thời gian 5 năm. Kinh phí hỗ trợ lãi vay từ ngân sách thành phố trong vòng 5 năm ước tính khoảng 1,6 tỷ đồng. Đến nay, công ty đã giải ngân hết vốn vay từ ngân hàng để thực hiện đầu tư theo phương án được duyệt.

Nguồn vốn vay có hỗ trợ lãi vay từ ngân sách thành phố góp phần quan trọng cho công ty triển khai thành công dự án. Tổng doanh thu hàng năm thu được từ các sản phẩm của dự án gồm: Quy mô dự án gồm có 26 phòng trống, mỗi phòng chứa 3,6 tấn cơ chất. Năng suất trung bình của nấm rơm/mạt cưa thải là 20% thì một chu kỳ một thấng một phòng có thể cho ra 800 kg nấm tươi. Với giá bán thấp nhất dự kiến 45.000 đồng/kg (chưa bao gồm VAT) thì một phòng trống sẽ thu về 36.000.000 đồng/chu kỳ, tương đương doanh thu 432.000.000 đồng/năm. Doanh thu của 26 phòng trồng là: 11.232.000.000 đồng/năm. Ngoài ra, dự án cũng mang lại nhiều hiệu quả xã hội như tận dụng được nguồn phế liệu sau trồng nấm, tạo công ăn việc làm cho các lao động tại chỗ, tạo tiềm năng xuất khẩu…

Là khách hàng thân thiết của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Củ Chi, chủ trại cá giống Nguyễn Trung Hiếu đã quá thấm thía cảnh không có vốn để kinh doanh. Anh phải bán toàn bộ số vàng khi lấy vợ và xoay sở vay mượn bạn bè mà vẫn không đủ. May mắn đến trong một lần anh tham dự buổi gặp mặt tại chương trình hỗ trợ chuyển đổi kinh tế vật nuôi cây trồng có sự bảo trợ của ngành Ngân hàng, Nguyễn Trung Hiếu đã nhận được hỗ trợ hết lòng của Ngân hàng BIDV Chi nhánh Củ Chi.

Đến nay, cơ sở của anh Hiếu đã đạt tổng đàn cá đẻ khoảng 18 tấn, 2 cơ sở ươm giống và nhiều kênh vệ tinh ươm gia công ở các tỉnh miền Tây, tổng số vốn đầu tư lên đến 7 tỷ đồng. Trong tương lai tôi sẽ phát triển cơ sở của mình với quy mô lớn hơn nữa để trở thành một trung tâm sản xuất giống cá lăng lớn nhất khu vực miền Đông.

Lĩnh vực may mặc, sản xuất da giầy trong thời gian qua đã gặp không ít thách thức về mặt đầu tư đổi mới công nghệ và mở rộng thị trường. Bà Nguyễn Thị Thanh Diệu, Giám đốc Công ty TNHH Lộc Thành Phát từng nhận được gói tín dụng ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn nhất. Bà Diệu cho biết, sự hỗ trợ này góp phần không nhỏ để doanh nghiệp nâng cao năng lực tài chính, mở rộng họat động sản xuất, giảm được giá thành, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Tích cực đẩy mạnh, quyết liệt triển khai, tháo gỡ kịp thời

Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018.

Kết quả là, trong năm 2018, các TCTD trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã cho vay theo Chương trình được 10.593 khách hàng với số tiền 285.544 tỷ đồng; trong đó giải ngân cho vay theo Gói tín dụng ưu đãi lãi suất là 269.493 tỷ đồng cho 10.092 khách hàng với lãi suất cho vay ngắn hạn không quá 6,5%/năm, trung dài hạn xoay quanh 9%/năm.

Kết quả triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đã góp phần giúp TP. Hồ Chí Minh đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 14,69%, dư nợ cho vay DNNVV đạt 346.248 tỷ đồng, từ đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 8,3%.

Tại hội nghị, các Ngân hàng thương mại đã báo cáo kết quả triển khai chính sách của NHNN trong việc hỗ trợ vốn vay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh và của nền kinh tế.

Điểm nhấn tại hội nghị là phần đối thoại, giải đáp thắc mắc của lãnh đạo các Ngân hàng thương mại dành cho đại diện các doanh nghiệp. Đặc biệt, trước những băn khoăn của ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Xuân Nguyên liên quan đến việc vay vốn ngân hàng,

Ông Lê Kim Hòa, Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển BIDV đã giải đáp và cho biết BIDV hiện đang áp dụng những chính sách ưu đãi tốt nhất dành cho doanh nghiệp của ông Xuân Vũ. Đồng thời, ông Hòa khẳng định, BIDV sẽ luôn lắng nghe và có những hỗ trợ kịp thời dành cho doanh nghiệp Xuân Nguyên cũng như các doanh nghiệp khác trong cả nước, để nguồn vốn của ngành Ngân hàng có thể đưa vào sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Ghi nhận sự đối thoại thẳng thắn của doanh nghiệp và những giải đáp kịp thời, thấu đáo của lãnh đạo các ngân hàng, ngay tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu ngay trong tuần tới, NHNN TP. Hồ Chí Minh và BIDV cần có một buổi làm việc cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp Xuân Nguyên. Phó Thống đốc hoan nghênh việc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã tích cực tạo ra những buổi đối thoại giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh để “vướng đâu gỡ đó”. Đồng thời, trong quá trình triển khai, NHNN cũng sẽ căn cứ vào thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện chính sách.

Phó Thống đốc cũng chỉ đạo các đơn vị có liên quan của ngành Ngân hàng tiếp nhận các ý kiến từ phía các đơn vị sản xuất kinh doanh để doanh nghiệp và ngân hàng có sự phối hợp chặt chẽ, tạo ra các nguồn lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Về mặt chủ trương, Phó Thống đốc khẳng định: Ngành Ngân hàng đã, đang và sẽ luôn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp để cả hai cùng phát triển và tạo ra động lực thúc đẩy nền kinh tế của đất nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ xúc động gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo NHNN, lãnh đạo UBND TPHCM, đặc biệt là Phó Thống đốc Đào Minh Tú và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã có sự chỉ đạo quyết liệt và giải thích kịp thời cho doanh nghiệp. Ông Vũ đánh giá cao hiệu quả thực chất của Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, bởi ngay trong khuôn khổ Hội nghị, những nhu cầu và nguyện vọng của ông cũng như các doanh nhân khác đã được thành phố và trung ương quan tâm, giải quyết sát sao. Ông tin tưởng trong thời gian tới, chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp sẽ tiếp tục có hiệu quả cao, mở ra cơ hội cho các doanh nhân như ông có thể tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để đẩy mạnh hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung cho nền kinh tế đất nước.

Đánh giá cao bài phát biểu của đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố tại Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, Lãnh đạo thành phố đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư cho các sản phẩm chủ lực nói riêng – tạo động lực phát triển kinh tế thành phố, cũng như đã tích cực trong việc chỉ đạo triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đạt kết quả cao nhất trong thời gian qua.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn thực sự đã trở thành diễn đàn thường xuyên để ngành ngân hàng có cơ hội lắng nghe phản ánh của doanh nghiệp, cùng đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh. Qua đó có thể thấy các cơ chế, chính sách, giải pháp về tiền tệ và ngân hàng nhằm cải thiện môi trường kinh doanh nói chung và chương trình, chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng thường xuyên được hoàn thiện, bổ sung phù hợp yêu cầu phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp.

Phó Thống đốc khẳng định: Hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố cũng đã luôn chủ động, tích cực tìm kiếm và dành nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động của từng loại doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV; nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt đối với khách hàng có phương án kinh doanh hiệu quả, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, NHNN, của UBND thành phố Hồ Chí Minh; giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng lợi thế để tập trung phát triển sản xuất kinh doanh.

Cùng với những nỗ lực đó, thủ tục cho vay đối với doanh nghiệp không ngừng được cải tiến theo hướng rõ ràng, minh bạch, đơn giản và phù hợp với từng đối tượng, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Phó Thống đốc đề nghị trong thời gian tới, vụ, cục NHNN cùng với ngành ngân hàng thành phố cần tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 19/NQ-CP (2014, 2016, 2018) và Nghị Quyết 02/NQ-CP (ngày 01/01/2019) về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 của NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019 và các giải pháp quyết liệt để thực hiện những nhiệm vụ của ngành Ngân hàng đối với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.

Tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã gửi lời cảm ơn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc kịp thời chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thực hiện chương trình này. Đây là sự kiện đặc biệt trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã phối hợp thực hiện trong nhiều năm qua. Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã chủ động tổ chức Hội nghị kết nối giữa ngành ngân hàng với các doanh nghiệp sản xuất Nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và Nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng thành phố giai đoạn 2018 – 2020. Hội nghị là cơ hội tốt để tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp tích cực đổi mới, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh đầu tư mở rộng sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh.

Cũng trong sáng 18/4/2019 đã diễn ra lễ ký kết Bản Ghi nhớ về việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh, thể hiện cam kết mạnh mẽ và tinh thần đồng hành của ngành ngân hàng với chính quyền, với doanh nghiệp thành phố trong phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng.

Theo sbv.gov.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn vốn ngân hàng rót vào sản xuất kinh doanh thực chất và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO