Nội lực của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao

Ngô Hải| 25/05/2020 13:59
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Qua công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm; tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh, chất lượng quản trị, điều hành từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Năng lực tài chính, chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD từng bước được nâng cao

Thực tế cho thấy, những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong quá trình thực hiện cơ cấu lại đã góp phần quan trọng bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, tạo nền tảng kinh tế vĩ mô bền vững, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện ở việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm liên tục điều chỉnh tăng triển vọng xếp hạng trong các năm gần đây.

Quản trị rủi ro và minh bạch thông tin được tăng cường

Số liệu được NHNN đưa ra trong báo cáo gửi tới kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra cho thấy, đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản đạt 12,48 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2016. Vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 617,5 nghìn tỷ đồng, tăng 26,4% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 937,9 nghìn tỷ đồng, tăng 57,67% so với cuối năm 2016.

Báo cáo với Quốc hội, NHNN cho biết, việc triển khai Chuẩn mực vốn Basel II tiếp tục được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, có 76 TCTD (02 ngân hàng TMNN, 20 ngân hàng TMCP, 02 ngân hàng liên doanh, 09 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 43 chi nhánh ngân hàng nước ngoài) đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, còn 14 TCTD đề nghị được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN.

Các TCTD cũng đã ý thức và chú trọng hơn trong việc quản trị rủi ro và tăng cường tính minh bạch trong hoạt động tín dụng. Theo đó, đã tập trung: Rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống các quy định nội bộ về các lĩnh vực nghiệp vụ; Thiết lập bộ máy kiểm tra, kiểm soát, quản lý rủi ro; Nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban điều hành đối với hoạt động của ngân hàng; Tách biệt chức năng quản trị của HĐQT với chức năng điều hành của Ban điều hành; thiết lập cơ chế phân cấp, ủy quyền minh bạch, rõ ràng, tránh xung đột lợi ích; Thiết lập và tuân thủ nghiêm ngặt hạn mức rủi ro, tăng cường công tác báo cáo rủi ro, sai phạm; Tăng cường đào tạo, phổ biến các quy tắc đạo đức, nghề nghiệp, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần trách nhiệm của cán bộ các cấp trong thực thi nhiệm vụ; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.

Đến nay, 19 NHTM của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất châu Á-Thái Bình Dương, 1 ngân hàng nằm trong Top 200 ngân hàng lớn nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương xét về tiêu chí chỉ số sức mạng lớn nhất (Strength Rank) theo công bố của Tạp chí Asian Banker năm 2019. Trong đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam xếp hạng thứ 17 trong số 500 ngân hàng được xếp hạng và 4 năm liên tiếp được đánh giá là ngân hàng có bảng cân đối tài chính mạnh nhất Việt Nam.

Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh

Báo cáo với Quốc hội về kết quả xử lý nợ xấu, NHNN cho biết, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%, tính đến cuối tháng 3/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD là 1,77%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 1.076,95 nghìn tỷ đồng nợ xấu (riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26,94 nghìn tỷ đồng).

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến tháng 3/2020 ở mức 4,46%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.

Về xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42. Lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2020, cả hệ thống TCTD đã xử lý được 299,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó: Xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 169,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,5% tổng nợ xấu đã xử lý); Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 65,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,79% tổng nợ xấu đã xử lý); Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65,08 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,7%).

Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng 3/2020, các TCTD đã sử dụng 154,58 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Như vậy, sau gần 7 năm đi vào hoạt động, VAMC đã phát huy vai trò quan trọng trong việc mua, bán, xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD. Hoạt động mua nợ của VAMC góp phần quan trọng trong việc duy trì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD ở mức dưới 3% trong suốt giai đoạn từ 2015 đến nay.

NHNN cho biết, từ năm 2013 đến ngày 31/3/2020, VAMC đã thực hiện mua nợ của TCTD với số tiền lũy kế là 335.620 tỷ đồng, tương ứng với dư nợ gốc nội bảng là 367.406 tỷ đồng, trong đó: mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 327.413 tỷ đồng (dư nợ xấu nội bảng 359.393 tỷ đồng); mua nợ xấu theo giá trị thị trường (GTTT) là 8.207 tỷ đồng.

NHNN cũng nhấn mạnh, việc xử lý nợ xấu tại VAMC đạt được kết quả tích cực, đặc biệt từ khi triển khai Nghị quyết 42. Lũy kế từ khi thành lập đến cuối tháng 3/2020, VAMC đã xử lý được số tiền là 272.246 tỷ đồng dư nợ gốc của TCTD (số tiền mua nợ của VAMC là 225.236 tỷ đồng), dư nợ gốc của TCTD còn lại phải xử lý là 95.160 tỷ đồng. Trong tổng số dư nợ gốc của TCTD đã được xử lý, VAMC phối hợp với các TCTD thu hồi được số tiền là 152.685 tỷ đồng. Đặc biệt, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 91.381 tỷ đồng, bằng 60% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến cuối tháng 3/2020.

“Hiện nay, VAMC đang triển khai Đề án Cơ cấu lại và nâng cao năng lực VAMC giai đoạn 2017-2020 (ban hành theo Quyết định số 28/QĐ-NHNN ngày 05/01/2018 của NHNN) theo hướng tiếp tục duy trì vai trò của VAMC là công cụ đặc biệt của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và là trung tâm thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ”, NHNN cho biết.

NHNN cho biết, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý có hiệu quả, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng được kiểm soát. Kết quả đến ngày 31/12/2019: số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đến nay đã khắc phục hết (năm 2012: 7 cặp); Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp giảm, đến nay còn tại 1 ngân hàng TMCP với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau (tại thời điểm tháng 6/2012 có 56 cặp).

Cùng với đó, hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; sử dụng hiệu quả thông tin đánh giá tín nhiệm các TCTD… cũng được NHNN tăng cường. Thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến hết quý I/2020, NHNN đã thực hiện khoảng 5.500 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với trên 5.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; đưa ra khoảng 41.000 kiến nghị, yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành trên 600 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân.

Ngoài ra, NHNN cũng chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan (Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ) phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nội lực của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO