Phòng, chống tội phạm mạng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng

Nguyễn Nhâm| 06/09/2020 08:12
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết phân tích bản chất, phương thức, thủ đoạn, thực trạng tội phạm mạng; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm mạng, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (TC-NH).

Tóm tắt: Trong bối cảnh hiện nay, tội phạm mạng đang trở thành vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, là mối quan tâm chung của các quốc gia trên thế giới. Bài viết phân tích bản chất, phương thức, thủ đoạn, thực trạng tội phạm mạng; đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm mạng, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng (TC - NH).

Cybercrime prevention in finance – banking sector

Abstract: Currently, cybercrime is becoming a global non-traditional security issue, which is a common concern of countries around the world. The article analyzes the nature, methods, tricks, and current status of cybercrime; proposes a number of solutions to improve the efficiency of  cybercrime prevention, contributing to ensuring security and safety in banking and finance sector.

1. Tội phạm mạng trong lĩnh vực TC-NH

Cách mạng Công nghiệp 4.0 tạo điều kiện cho ngân hàng và các tổ chức tài chính đổi mới công nghệ nhờ việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, giao dịch minh bạch và an toàn hơn với những công nghệ mới, đẩy nhanh quá trình thiết lập ngân hàng số và tiến tới xây dựng một xã hội không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, cùng với đó là những nguy cơ, lỗ hổng, tạo điều kiện cho tội phạm mạng lợi dụng tiến hành các hoạt động vi phạm pháp luật.

Tội phạm mạng trong lĩnh vực TC-NH được hiểu là hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin (CNTT) hoặc phương tiện điện tử, truy cập dữ liệu cá nhân của người dùng (dữ liệu thẻ thanh toán, thông tin đăng nhập,…), bí mật của ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại (NHTM), các công ty tài chính… nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc phục vụ cho các mục đích sai trái khác. Các thủ đoạn mà tội phạm mạng sử dụng rất đa dạng và tinh vi, có thể kể đến những thủ đoạn phổ biến sau:

Trộm cắp danh tính (Identity Theft): Tội phạm mạng sử dụng phương thức đóng giả một người khác, nhằm tạo ra sự gian lận về tài chính. Tin tặc truy cập vào thông tin cá nhân của một người và sau đó sử dụng cùng một thông tin để đánh cắp danh tính hoặc truy cập vào tài khoản ngân hàng của nạn nhân để thực hiện các giao dịch hay chi tiêu.

Phishing: Truy cập bất hợp pháp vào website, dùng email giả để lấy các thông tin cá nhân. Các phương thức thường được sử dụng như thu thập địa chỉ email của ngân hàng và gửi thư yêu cầu cung cấp thông tin để tiến hành xác thực bảo mật cho tài khoản do xảy ra sự cố nào đó (email và spam); tạo website giả mạo, cổng thanh toán để “bẫy” người dùng; chiếm hoặc lập tài khoản facebook giả, gửi tin nhắn đến bạn bè của nạn nhân để lừa đảo.

Tấn công bằng mã độc ransomware: Mã hóa tất cả dữ liệu trong hệ thống máy tính hoặc hệ thống mạng của tổ chức tài chính, ngân hàng hay cá nhân người dùng, sau đó đưa ra một thông báo yêu cầu tiền chuộc để giải mã dữ liệu. 

Tấn công từ chối dịch vụ DdoS: Một hình thức tấn công khiến cho máy tính không thể xử lý kịp các tác vụ và dẫn đến quá tải. Các cuộc tấn công DdoS này thường nhắm vào các máy chủ ảo (VPS) hay Web Server của các ngân hàng, các trang thương mại điện tử…

Tấn công bằng phần mềm gián điệp: Tấn công khởi đầu bằng một email chứa file pdf đính kèm, gửi tới một số người giữ vị trí quan trọng của ngân hàng. Khi người dùng mở file pdf, mã độc tải xuống máy tính của nạn nhân một phần mềm đánh cắp dữ liệu, cho phép hacker từ xa điều khiển được máy tính bị lây nhiễm. Hacker còn có thể nghe lén được các cuộc gọi bằng âm thanh trên máy tính và sử dụng máy tính đó để tấn công sang các máy tính có kết nối khác.

Gian lận thẻ tín dụng (Credit card fraud): Tin tặc thực hiện những cuộc tấn công vào các nhà bán lẻ hệ thống, thiết bị đầu cuối POS, ngân hàng và lấy cắp dữ liệu thẻ tín dụng (Visa, MasterCad, ATM…) của khách hàng. Dữ liệu bị đánh cắp có thể được rao bán trên web đen (dark web), hoặc đánh cắp trực tiếp tiền từ tài khoản của những người có liên quan.

Lợi dụng hệ thống thanh toán Swift: Lợi dụng các ngân hàng có quy chế bảo mật lỏng lẻo trong việc thực hiện các lệnh chuyển tiền qua hệ thống thanh toán Swift của ngân hàng, như không dùng “tường lửa”, sử dụng các bộ chuyển mạch giá rẻ, hay thủ tục xác thực khách hàng, phần mềm gửi và nhận điện chuyển tiền chưa nâng cấp để thực hiện các giao dịch giả mạo và lừa đảo.

Lừa đảo trong mua bán hàng qua mạng giữa doanh nghiệp với nhau - B2B (Business to Business): Khi ký hợp đồng qua mạng, đặc biệt là hợp đồng ngoại thương, tội phạm thực hiện đúng hợp đồng đầu để tạo lòng tin. Khi lượng tiền thanh toán lớn, tội phạm nhanh chóng rút tiền trước khi người mua phát hiện hành vi lừa đảo và không giao hàng hoặc giao hàng không đúng hợp đồng.

Lừa đảo trong mua bán hàng giữa doanh nghiệp và khách hàng - B2C (Business to customer): Lợi dụng việc phải trả tiền trước qua mạng của người mua, tội phạm không chuyển hàng, hoặc giao không đúng với quảng cáo về chất lượng, số lượng, chủng loại, mẫu mã…

Lợi dụng bán hàng đa cấp: Tội phạm lập website để tổ chức huy động vốn trả lãi suất cao; lợi dụng các hoạt động từ thiện; lập sàn giao dịch cho nhận tiền; lập và tạo nhiều sàn giao dịch các loại tiền điện tử hoạt động theo mô hình đa cấp như: Onecoin, Bitcoin, Ilcoin, Gemcoin...; thành lập các công ty giả mạo dự án của công ty nước ngoài huy động vốn trả lãi suất và hoa hồng…

Ngoài ra, tội phạm mạng còn một số thủ đoạn khác, như giả mạo cơ quan điều tra; giả mạo người thân nhờ chuyển tiền hộ; giả mạo tin nhắn từ ngân hàng kèm đường dẫn đến các trang web giả; gửi thư thông báo quà tặng từ nước ngoài; cung cấp nội dung số tổ chức nhắn tin trúng thưởng;…

Trên cơ sở các quy định của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo an toàn hoạt động CNTT trong ngành; ban hành Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa1 và tiêu chuẩn cơ sở “Đặc tả kỹ thuật QR-Code trong lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam”.

Các ngân hàng đã đầu tư nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) tiên tiến như: tường lửa thế hệ mới, phần mềm ngăn chặn mã độc, giải pháp chống thất thoát dữ liệu, hệ thống phát hiện ngăn chặn xâm nhập…; xác thực bằng sinh trắc học (vân tay, tĩnh mạch lòng bàn tay, giọng nói), chữ ký số; thanh toán sử dụng QR code trong giao dịch điện tử. Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật như ISO 27001, PCI DSS.

Tuy nhiên, hoạt động tấn công, xâm nhập nhằm vào hệ thống mạng, các hình thức gian lận, tội phạm mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống TC-NH, gây tâm lý e ngại của người dùng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ TC-NH.

Bộ Công an đã phát hiện hàng nghìn nhóm tội phạm mạng trong nước và nước ngoài thực hiện hành vi hacker - tấn công vào tài khoản hoặc thẻ ngân hàng chiếm đoạt hàng trăm triệu USD2. Các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của máy ATM để lắp đặt thiết bị Skimming, đánh cắp thông tin, làm giả thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tài sản; giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Trong năm 2018, cả nước đã xảy ra 178 vụ đánh cắp dữ liệu, gây thiệt hại hơn 6,2 tỷ đồng của 521 chủ thẻ; trong 6 tháng năm 2019 đã xảy ra 191 vụ, gây thiệt hại 21,8 tỷ đồng của 977 chủ thẻ.

Các chuyên gia Bkav dự báo, năm 2020 mã độc tấn công có chủ đích APT sẽ tinh vi hơn, Fileless sẽ là xu hướng chính, cùng với đó là các mã độc giả mạo các phần mềm, chương trình chuẩn thông qua kỹ thuật DLL Side-Loading để đánh lừa phần mềm diệt virus. Tấn công mã hóa tống tiền sẽ còn tiếp tục gia tăng, các thiết bị IoT như Router, Wifi, camera giám sát, thiết bị đầu cuối… sẽ là điểm nóng về an ninh mạng khi các thiết bị này ngày càng trở nên phổ biến và kết nối rộng. Đặc biệt, tấn công lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng sẽ tiếp tục gia tăng…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó phải kể đến nhiều lỗ hổng bảo mật, chưa được khắc phục, giải quyết kịp thời; những bất cập trong cơ chế, chính sách và pháp luật để tội phạm mạng lợi dụng; năng lực tổ chức quản lý còn hạn chế; người dùng chưa thực sự coi trọng an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân...

Hoạt động phòng, chống tội phạm mạng trong lĩnh vực TC-NH trước mắt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các đối tượng tội phạm mạng được tổ chức chặt chẽ, có trình độ cao về CNTT, cách thức phạm tội và che giấu khá tinh vi. Không gian phạm tội “ảo” trên Internet nên khó xác định được địa bàn cụ thể, cũng như danh tính và địa chỉ thật. Một số người bị hại ngại trình báo với cơ quan chức năng nên việc xác minh gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay một số tổ chức tài chính, ngân hàng áp dụng phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC), nhằm đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ, nhưng có thể bị lợi dụng với mức độ giả mạo tinh vi. Việc cung cấp thông tin, lịch sử giao dịch, nhất là các khiếu nại của chủ thẻ ở nước ngoài phụ thuộc rất nhiều vào các ngân hàng thanh toán, ngân hàng phát hành, trong khi mỗi nước có hệ thống luật pháp khác nhau, nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, sự đa dạng của các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng như loại hình thanh toán cũng gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát dòng tiền của tội phạm mạng.

2. Một số giải pháp phòng, chống tội phạm mạng trong lĩnh vực TC-NH

Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực TC-NH.

Quán triệt, thực hiện Luật An ninh mạng, Luật Phòng, chống rửa tiền; Nghị định số 117/2018/NĐ-CP của Chính phủ về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Chỉ thị 02/CT-NNNN của Thống đốc ngân hàng Về tăng cường quản lý rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố trong lĩnh vực ngân hàng… Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống các văn bản và quy phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mạng; tội phạm thương mại điện tử, tội phạm ngân hàng số; ban hành các quy định để các tổ chức tín dụng, ngân hàng hoạt động, không để kẽ hở cho tội phạm mạng lợi dụng.

Hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam, nghiên cứu việc quản lý, xử lý tiền ảo theo hướng cấm sử dụng tiền ảo để giao dịch dưới bất cứ phương thức nào như dưới dạng hàng hóa, dịch vụ hay dưới dạng là các phương tiện thanh toán thông qua một văn bản pháp luật cụ thể. Quy định chế tài cụ thể, rõ ràng hơn trong việc xử lý đối với các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo tại Việt Nam.

NHNN cần xây dựng lộ trình bắt buộc kết nối thanh toán để các ngân hàng phải hoàn tất hệ thống kết nối thanh toán; xây dựng các mâu thuẫn về hệ thống cơ sở dữ liệu, quy định tiêu chuẩn về an ninh, bảo mật, quy trình bảo trì, nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng khung pháp lý giải quyết tranh chấp, khiếu nại trong giao dịch điện tử để các ngân hàng tuân thủ thực hiện. Xây dựng quy chế giữa NHNN với Bộ Công an trong việc phối hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu… phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mạng.

Hai là, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, năng lực nhận diện tội phạm mạng và giảm thiểu các rủi ro trong lĩnh vực TC-NH.

Bồi dưỡng cho cán bộ, công chức ngành TC-NH cũng như người dùng về các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) trong quá trình quản lý, vận hành và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử và thanh toán thẻ. Nâng cao năng lực nhận diện đối tượng, phương thức, thủ đoạn phạm tội mạng, nhất là những thủ đoạn mới. Theo đó, đối tượng tội phạm mạng rất đa dạng, có thể là người trong hoặc ngoài tổ chức TC-NH, hoặc liên kết phạm tội; người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài hoặc liên kết phạm tội…

Ba là, tăng cường đảm bảo ATTT trong phòng, chống tội phạm mạng trong lĩnh vực TC-NH.

NHNN nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về đảm bảo ATTT mạng phù hợp với xu thế phát triển công nghệ. Nghiên cứu, áp dụng các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về an ninh, an toàn hệ thống thông tin, khung đánh giá rủi ro CNTT vào các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động ứng dụng CNTT, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra tuân thủ các quy định về an toàn bảo mật của các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán. 

Thực hiện nghiêm các kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng. Đẩy mạnh triển khai kế hoạch chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Kiện toàn bộ máy chuyên trách về an ninh thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an ninh CNTT. Thường xuyên cập nhật tình hình an ninh mạng, cảnh báo và chỉ đạo phòng chống, xử lý các rủi ro, lỗ hổng bảo mật; xây dựng quy trình xử lý khủng hoảng khi bị tấn công mạng vào hệ thống thông tin chặt chẽ, khoa học và chuyên nghiệp.

Các NHTM, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, hoàn thiện và tổ chức triển khai chính sách về an ninh bảo mật CNTT, chính sách về quản lý rủi ro CNTT tuân thủ các văn bản pháp luật của Nhà nước và các quy định của NHNN; xây dựng lộ trình triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh bảo mật hệ thống CNTT cũng như các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán thẻ; rà soát chặt chẽ các quy trình đăng ký, kích hoạt sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Các tổ chức tài chính, ngân hàng cần chủ động trong xử lý bảo vệ dữ liệu và quản lý rủi ro an ninh mạng. Thường xuyên kiện toàn lực lượng bảo vệ an ninh, ATTT tại chỗ, có thể thuê dịch vụ giám sát bảo vệ từ các doanh nghiệp uy tín đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Ngoài ra, khi xảy ra sự cố tấn công mạng, cần chia sẻ và báo cáo với các đơn vị liên quan đến lĩnh vực ANTT, như Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia (NCSC), Hiệp hội An toàn thông tin, Liên minh phòng, chống mã độc…

Bốn là, ứng dụng các công nghệ mới để tăng cường bảo mật trong lĩnh vực TC-NH.

Trang bị các hệ thống hỗ trợ giám sát giao dịch điện tử, điều tra gian lận, phân tích dữ liệu khách hàng và xây dựng bộ quy tắc để phát hiện và ngăn chặn sớm các gian lận. Xây dựng các tiêu chí và phần mềm để xác định các giao dịch bất thường dựa vào thời gian, vị trí, tần suất, số tiền, số lần đăng nhập sai quá quy định hoặc các dấu hiệu bất thường khác. Xây dựng trung tâm điều hành an ninh mạng để theo dõi, giám sát và ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm nhập, tấn công mạng. Thường xuyên đánh giá các lỗ hổng của hệ thống CNTT. Xây dựng và triển khai diễn tập các quy trình, kịch bản ứng phó với các sự cố ATTT.

Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng và đơn vị có liên quan cần phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi thẻ chip nội địa theo đúng lộ trình NHNN đã ban hành. Công tác chuyển đổi phải đảm bảo cho hoạt động thẻ diễn ra liên tục, ổn định và an toàn; đồng thời, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của chủ thẻ trong quá trình thực hiện chuyển đổi. Theo đó, chậm nhất đến ngày 31/12/2021, toàn bộ thẻ từ nội địa đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ tuân thủ chuẩn VCCS về thẻ chip nội địa4.

Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn, an ninh mạng; nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp bảo vệ an toàn, an ninh mạng phù hợp (ứng dụng TRAML Client; STRClient,…). Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa TC-NH, cơ quan nhà nước và Chính phủ điện tử với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, nhằm huy động tiềm lực và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả công tác bảo mật dữ liệu và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Năm là, phát huy vai trò tự bảo vệ của người dùng trong tham gia các hoạt động thương mại điện tử, ngân hàng số.

Người dùng tuyệt đối không cung cấp thông tin liên quan đến OTP, mật khẩu ngân hàng hay thông tin tài khoản cho bất kỳ ai và bằng bất cứ hình thức nào (nhắn tin, trả lời điện thoại, tiết lộ trực tiếp...); tránh truy cập các website không đáng tin cậy, các đường link hoặc mở các file không rõ nguồn gốc5; kiểm tra kỹ các thông tin khi giao dịch, cảnh giác với những cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin; đăng xuất khỏi tài khoản khi kết thúc giao dịch, không chọn chế độ lưu mật khẩu đăng nhập trên thiết bị sử dụng chung, máy tính công cộng.

Ưu tiên sử dụng máy tính cá nhân, thường xuyên nâng cấp và bảo vệ thiết bị bằng cách cài đặt phần mềm diệt virus, thiết lập tường lửa thế hệ mới, tải phần mềm ứng dụng từ những nguồn rõ ràng, thường xuyên cập nhật thông tin cho ngân hàng khi có thay đổi như số điện thoại, chứng minh nhân dân… Không nên sử dụng mật khẩu quá ngắn và liên quan đến thông tin cá nhân, như ngày sinh, số điện thoại… Đặc biệt, không sử dụng một mật khẩu cho tất cả các tài khoản ngân hàng.

Ngoài ra, người dùng không nên để số tiền quá lớn trong thẻ ATM hoặc đặt hạn mức thấp nhất có thể cho thẻ tín dụng; chủ động ngừng kích hoạt dịch vụ khi không có nhu cầu sử dụng và kích hoạt trở lại khi cần dùng; đăng ký dịch vụ nhắn tin của ngân hàng để nắm bắt kịp thời giao dịch phát sinh; phối hợp chặt chẽ với tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng, với cơ quan công an để ngăn chặn tội phạm mạng, xử lý các tình huống rủi ro phát sinh.

Sáu là, phối hợp, hỗ trợ tích cực từ các cơ quan hữu quan của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tổ chức quốc tế phòng, chống tội phạm mạng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng tăng cường cảnh báo khả năng mất an ninh mạng do đơn vị mình cung cấp và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa; xây dựng các phương án xử lý với sự cố an ninh mạng; phối hợp, tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách trong hoạt động bảo vệ an ninh mạng.

Các tổ chức TC-NH cần tiếp nhận  đầy đủ thông tin về xu hướng phát triển, các nguy cơ từ không gian mạng; các biện pháp phòng, chống tấn công trên không gian mạng. Hội Thẻ và Tiểu ban phòng, chống rủi ro phối hợp với Cục cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thiết lập kênh trao đổi định kỳ hàng tháng, hàng quý về phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm mạng trong lĩnh vực TC-NH.

Như vậy, việc ứng phó với các vấn đề an ninh, bảo mật, phòng, chống tội phạm mạng trong lĩnh vực TC-NH, đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp đồng bộ, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là các cơ quan chuyên trách an ninh mạng, lãnh đạo, chủ trì các ngân hàng, tổ chức tài chính và của mỗi người dân. Khi hiệu quả phòng, chống tội phạm mạng được nâng cao, giảm thiểu được rủi ro, đẩy nhanh quá trình thiết lập ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam.

Chú thích:

1 Quyết định số 1927/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018 Về việc công bố tiêu chuẩn cơ sở.

2 https://cafef.vn: Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp. 10/10/2019

3 https://baomoi.com: Cảnh báo thủ đoạn làm giả thẻ ATM để rút tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. 06/9/2019

4 https://www.sbv.gov.vn:  Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ Chip là giải pháp trọng tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 28/5/2019

5 https://portal.vietcombank.com.vn: Vietcombank cảnh báo gian lận dịch vụ ngân hàng điện tử qua website giải mạo. 25/2/2020

 Tài liệu tham khảo

- Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 

- Luật An ninh mạng năm 2018

- Quyết định số 1927/QĐ-NHNN ngày 05/10/2018 Về việc công bố tiêu chuẩn cơ sở.

- https://cafef.vn: Tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp. 10/10/2019

- https://baomoi.com: Cảnh báo thủ đoạn làm giả thẻ ATM để rút tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. 06/9/2019

- http://vneconomy.vn: Tội phạm mạng đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia. 29/5/2019

https://dantri.com.vn: Nghi vấn lộ thông tin 2 triệu khách hàng của một ngân hàng Việt. 22/11/2019

- https://www.sbv.gov.vn: Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip là giải pháp trọng tâm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. 28/5/2019

- https://portal.vietcombank.com.vn: Vietcombank cảnh báo gian lận dịch vụ ngân hàng điện tử qua website giải mạo. 25/2/2020

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống tội phạm mạng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO