Phát huy vai trò của Fintech trong thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:50, 11/09/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết đánh giá sự phát triển của Fintech và tác động của Fintech đối với lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam, từ đó, nêu ra một số đề xuất  nhằm phát huy vai trò của Fintech đối với lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn Việt Nam.

Ngày nhận bài: 18/7/2019 - Ngày biên tập: 23/7/2019 - Ngày duyệt đăng: 28/8/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 17/2019

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, mô hình kinh doanh Fintech đã hình thành và ngày càng phát triển tại Việt Nam. Với việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ ngân hàng, thanh toán, quản lý tài chính, các loại tiền kỹ thuật số…, Fintech đã tạo ảnh hưởng không nhỏ đối với thị trường tài chính nói chung, lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam nói riêng. Bài viết đánh giá sự phát triển của Fintech và tác động của Fintech đối với lĩnh vực thanh toán tại Việt Nam, từ đó, nêu ra một số đề xuất  nhằm phát huy vai trò của Fintech đối với lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn Việt Nam.

Từ khóa: Fintech, thanh toán không dùng tiền mặt thị trường tài chính

PROMOTE FINTECH'S ROLE IN NON - CASH PAYMENT IN VIETNAM

Abstract: In recent years, Fintech business model has been appeared and it is growing fast in Vietnam. By providing a wide range of products and services in various fields such as banking technology, payment, financial management, digital money, etc., Fintech has made a significant impact on the financial market in general, payment field in Vietnam in particular. The article assesses the development of Fintech and the impact of Fintech on payment field in Vietnam, from which, proposes some suggestions to promote the role of Fintech in the field of non-cash payment in rural areas of Vietnam.

Keywords: Fintech, cashless payments, financial markets

ĐẶT VẤN ĐỀ

Các công ty Fintech ngày càng thu hút khách hàng bằng cách thu hẹp khoảng cách giữa những gì các công ty dịch vụ tài chính hiện đang cung cấp so với những gì khách hàng hiện nay muốn bằng cách hợp nhất các dịch vụ tài chính với các hoạt động hàng ngày của khách hàng. Theo đó, các công ty Fintech đã số hóa dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác thông qua cách tiếp cận dựa trên trải nghiệm của khách hàng như mô hình kinh doanh dịch vụ thanh toán (ví điện tử), mô hình kinh doanh cho vay (cho vay ngang hàng - P2P), mô hình huy động vốn cộng đồng,…Chính vì vậy, các công ty Fintech ngày càng thu hút được lượng khách hàng đông đảo. Đây là ưu thế nổi bật của Fintech để Chính phủ Việt Nam nên khai thác nhằm triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.

FINTECH VÀ KINH NGHIỆM PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT CỦA KENYA

Các công ty Fintech đang thâm nhập gần như mọi phân khúc dịch vụ tài chính, thúc đẩy hoạt động tài chính ngân hàng đặc biệt lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển. Đây hiện là một trong các lĩnh vực hoạt động chính của các công ty Fintech tại nhiều quốc gia nhất là ở các quốc gia có tỷ lệ người dân tiếp cận với dịch vụ tài chính, ngân hàng hay thanh toán ở mức thấp. Với những giải pháp sáng tạo, công ty Fintech đã cung cấp các giải pháp thanh toán mới hiện đại cho khách hàng thay thế những  dịch vụ thanh toán truyền thống thường đòi hỏi phải có tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng. Các dịch vụ thanh toán này có thể được xây dựng dựa trên nền tảng của hệ thống điện thoại di động hay mạng Internet như Tiền điện tử (E-money), thanh toán di động (Mobile payment), thanh toán qua QR code hay chuyển tiền dựa trên mạng ngang hàng (Peer to peer payment)… Đây đều là những giải pháp thanh toán nhanh chóng, thuận tiện, an toàn và mang nhiều tiện ích cho khách hàng, không đòi hỏi nền tảng xử lý quá tốn kém như một hệ thống thanh toán qua ngân hàng truyền thống.

Hai thị trường mà các công ty Fintech tập trung phát triển, gồm: (i) Thanh toán cho khách hàng cá nhân và nhà bán lẻ; (ii) Thanh toán cho doanh nghiệp và nhà bán lẻ.

Fintech thanh toán tiêu dùng và bán lẻ bao gồm ví điện thoại di động, thanh toán di động ngang hàng (P2P), ngoại tệ và kiều hối, thanh toán theo thời gian thực và các giải pháp tiền tệ kỹ thuật số.

Fintech thanh toán bán buôn qua trung tâm thanh toán ngân hàng (bank payments hubs), chuỗi cung ứng tài chính (supply chain finance) và giải pháp dựa trên tiền tệ số.

Tại Kenya, với mức GDP bình quân đầu người còn khiêm tốn vào khoảng 1.600 USD, nhưng lại là nơi khai sinh dịch vụ chuyển tiền qua di động lớn nhất thế giới là M-Pesa, với hơn 30 triệu người dùng tại 10 nước. Được tung ra năm 2007 bởi nhà mạng Safaricom - nhà mạng có vốn Nhà nước tham gia với tỷ lệ 35%, M-Pesa cho phép người dùng thanh toán mọi thứ từ hoá đơn điện nước đến ăn uống tại các quán cóc ven đường. Hệ thống này rất đơn giản: người dùng gửi tiền vào ví điện tử trong điện thoại của họ và dùng ví đó thanh toán các giao dịch bằng cách gửi tin nhắn cho người chủ với phí tin nhắn rất thấp hoặc miễn phí. Với dịch vụ này, không chỉ những người có tài khoản ngân hàng mới sử dụng mà những người không có tài khoản ngân hàng cũng có thể dùng. Ở Kenya, số người sử dụng M-Pesa đã lên tới 19 triệu người, tương đương 40% dân số và 2/3 số người ở tuổi trưởng thành. Khối lượng giao dịch qua di động tại Kenya trong năm 2016 là 33 tỉ USD, xấp xỉ phân nửa GDP, trong đó 90% được thực hiện qua M-Pesa. Trong năm 2016, doanh thu của M-Pesa đạt hơn 402 triệu USD. Theo ước tính, tổng doanh thu của các doanh nghiệp thanh toán di động tại Kenya là khoảng 0,7% GDP.

THỰC TIỄN HOẠT ĐỘNG THANH TOÁN TẠI VIỆT NAM

Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng các phương tiện thanh toán thay đổi không đáng kể, cụ thể: tỷ trọng này ở mức 12,07% tại thời điểm tháng 4/2013 tức là khi Nghị định 101 bắt đầu có hiệu lực, đến tháng 12/2013 là 11,5% và đến tháng 12/ 2018 tỷ lệ này là 11,8%. Theo đó, có thể thấy mức dao động của tỷ lệ này trong 5 năm qua khá nhỏ, chỉ trong khoảng 0,6%.

Năm 2007, NHNN bắt đầu thử nghiệm cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian với 9 công ty không phải là ngân hàng. Năm 2013, số lượng công ty là 12, đến năm 2015 là 20 và năm 2018 là 26. Như vậy, số lượng công ty không phải là ngân hàng tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán tại thị trường Việt Nam liên tục gia tăng. Trong khi đó tỷ trọng tiền mặt lưu thông thay đổi chưa như kỳ vọng.

Hình 1. Tỷ trọng tiền mặt lưu thông và số lượng các công ty cung ứng dịch vụ thanh toán

(Nguồn: Vụ Thanh toán -  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt được các NHTM liên tục đầu tư. Tổng số lượng thiết bị phục vụ cho thanh toán thời điểm quý II/2013 là 124.431 máy, trong đó máy ATM là 14.410 máy (chiếm 11,6% tổng số lượng thiết bị thanh toán), thiết bị POS/EFTPOS/EDC là 110.021 máy (chiếm 88,4% tổng số lượng thiết bị thanh toán). Đến quý IV/2013, tỷ trọng này là 10,5% với máy ATM, 89,5% đối với thiết bị POS/EFTPOS/EDC. Các NHTM không ngừng trang bị thêm các phương tiện thanh toán nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nước. Điều này cho thấy cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam khá tốt. Số lượng thiết bị thanh toán từ quý II/2013 đến quý IV/2018 tăng khoảng 134%.

Hình 2. Số lượng thiết bị thanh toán giai đoạn 2013 – 2018

(Nguồn: Vụ Thanh toán -  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Bên cạnh việc gia tăng không ngừng của số lượng máy móc thiết bị phục vụ cho thanh toán không dùng tiền mặt thì tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt tăng với tốc độ chưa tương xứng, cụ thể: Tại thời điểm quý II/2013, số lượng giao dịch qua ATM chiếm tỷ trọng 95,6%, số lượng giao dịch qua POS/EFTPOS/EDC chiếm tỷ trọng 4,4% trong tổng số lượng giao dịch. Đến thời điểm quý IV/ 2013, tỷ trọng này là 4,3% và đến quý IV/2018 ở mức 19,5%. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch qua tại ATM thời điểm quý II/2013 gấp 8 lần giá trị giao dịch qua thiết bị POS/EFTPOS/EDC, thời điểm quý IV/2013 tỷ lệ này là 7,6 lần, quý IV năm 2018 tỷ lệ này giảm xuống còn 5,4 lần. Điều này cho thấy, giao dịch thẻ qua ATM vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu, cả về giá trị và số lượng, trong khi đó giao dịch thẻ qua ATM chủ yếu vẫn là để rút tiền mặt.

Hình 3. Số lượng giá trị giao dịch giai đoạn 2013 – 2018

(Nguồn: Vụ Thanh toán -  Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

Trên cơ sở khái quát về thực tiễn thanh toán tại Việt Nam có thể nhận thấy, trong thời gian qua, số lượng các công ty tham gia cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam gia tăng, số lượng thiết bị thanh toán cũng như giá trị thanh toán gia tăng nhưng tỷ trọng tiền mặt lưu thông trên tổng các phương tiện thanh toán giảm khá ít (ở mức 0,6%). Thực tế cho thấy, các công ty Fintech thực hiện dịch vụ thanh toán cho các khách hàng phần lớn phải thông qua tài khoản của khách hàng tại các NHTM, các dịch vụ thanh toán nộp tiền trực tiếp vào công ty Fintech tương đối ít.

KHUYẾN NGHỊ NHẰM ĐẨY MẠNH SỰ THAM GIA CỦA FINTECH TRONG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TẠI VIỆT NAM

Trên cơ sở phân tích về thực tiễn thanh toán và sự phát triển của các công ty không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam có thể rút ra một vài nhận xét sau:

Một là, việc tăng, giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán không phải do cơ sở hạ tầng thanh toán không phát triển, không phải do số lượng đơn vị tham gia thanh toán.

Hai là, về mặt lý thuyết việc phát triển của các công ty Finteh trong lĩnh vực thanh toán không yêu cầu khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam hiện nay phần lớn các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua các công ty Finech đều phải thông qua tài khoản của khách hàng tại các NHTM.

Ba là, có sự hỗ trợ, ủng hộ của Chính phủ đối với các hoạt động thanh toán. Chính phủ đóng vai trò là người tạo niềm tin đối với các dịch vụ cung ứng của các công ty thanh toán được cấp phép. Đồng thời, Chính phủ cũng đặt ra các quy định thông thoáng cho khách hàng trong việc đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Theo đó, để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam thông qua các công ty Fintech, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tạo dựng niềm tin của người dân đối với các công ty Fintech. Đây là yếu tố đóng vai trò quyết định đối với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Khi đủ niềm tin, người dân sẽ không e dè sử dụng các dịch vụ thanh toán từ các nhà cung cấp không phải ngân hàng. Theo đó, trước mắt, cần tập trung ở một vài công ty cung cấp dịch vụ thanh toán trong đó, Chính phủ có vai trò nhất định trong công ty đó như tại mạng Safaricom của Kenya.

Thứ hai, hoàn thiện hành lang pháp lý chặt chẽ, chi tiết đối với lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt. Các quy định nên cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia trong thanh toán, đặc biệt đề cao trách nhiệm của bên thanh toán đối với khách hàng trong thanh toán cũng như bảo mật thông tin.

Thứ ba, xem xét áp dụng quy định về phí dịch vụ thanh toán theo hướng thay vì khách hàng phải chịu chi phí thì chuyển qua công ty cung ứng dịch vụ thanh toán và bên cung ứng hàng hoá, dịch vụ.

Thứ tư, nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu thông tin cá nhân của công dân Việt Nam về một đầu mối. Đồng thời, cho phép các công ty Fintech được quyền truy cập hệ thống dữ liệu cá nhân trong lĩnh vực thanh toán. Có như vậy, các công ty Fintech mới có thông tin về khách hàng, đặc biệt đối với khách hàng không có tài khoản ngân hàng. Từ đó, phát huy tối đa vai trò của công ty Fintech.

Thứ năm, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục tài chính từ trường học đến từng hộ gia đình về những ưu điểm, tiện ích của thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, nâng cao nghĩa vụ trách nhiệm của mỗi công dân trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt như tạo sự minh bạch trong hoạt động thanh toán, giảm thiểu nạn tham nhũng, hối lộ,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- ASIC, 2016, Fintech: ASIC’Approach and Regulatory Issue, https://download.asic. gov.au/media/3962105/melbourne-money-and-finance-conference-2016-fintech.pdf

-Brian Boldt (2017), How FinTechis Streamlining Treasury Departments, https:// cdn.ymaws.com/www.mnafp.org/resource/resmgr/2017_Conference_Handouts/2017_5F_How_FinTech_is_Strea.pdf

- Cemal Karakas, Carla Stamegna (2017), Financial technology (FinTech): Prospects and challenges for the EU, https://www.fintech2019.eu/wp-content/uploads/2019/03/EPRS_BRI2019635513_EN.pdf

- http://www.fundstart.vn/bao-chi/thuc-trang-phat-trien-cua-thi-truong-fintech-viet-nam

- https://spiderum.com/bai-dang/ Nhung-Bai-Hoc-Kenya-va-Viet-Nam-Co-The-Day-Cho-Nuoc-My-Ve-Ngan-Hang-So-dpz

TS. Đỗ Thị Hà Thương - ThS. Trần Nguyễn Cẩm Lai