Quyết tâm điều hành giá theo mục tiêu đã đề ra, dự báo CPI năm 2019 trong mức từ 3,3 - 3,5%

Tin tức - Ngày đăng : 17:10, 08/10/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tại Thông báo số 845/TB-BCĐĐHG ngày 03/10/2019 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 27/9/2019 đã khẳng định quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm và dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức từ 3,3 - 3,5%.

Theo Thông báo, trong quý III năm 2019, các Bộ, ngành đã thực hiện  nghiêm túc các kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá tại Thông báo số 226/TB-VPCP ngày 04/7/2019 của Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và các Bộ chuyên ngành trong công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát, làm tốt công tác tuyên truyền, minh bạch thông tin về giá.

Qua đó góp phần kiểm soát tốc độ tăng CPI các tháng so với tháng trước thấp hơn dự báo. CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,5%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho công tác điều hành giá kiểm soát lạm phát cả năm 2019 theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xem xét điều chỉnh giá một số dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Theo Thông báo, Phó Thủ tướng đã chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong thời gian qua. Trong đó, lãi suất điều hành được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh giảm đã tạo điều kiện cho việc điều hành tỷ giá, lãi suất trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát cơ bản 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018 ở mức 1,91%.

Về mục tiêu điều hành những tháng cuối năm 2019, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, qua kết quả thực hiện công tác điều hành giá tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo điều hành giá khẳng định quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm và dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 trong mức từ 3,3 - 3,5%.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp; chủ động chuẩn bị các nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thường tăng cao vào cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá.

Bộ Công Thương chủ động trong điều hành sản xuất và phân phối các nguồn hàng để ứng phó kịp thời với các chính sách kinh tế của các nước có quan hệ thương mại lớn hiện nay; phối hợp với các Bộ, ngành có những giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát tình hình nhập khẩu...; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành liên quan tăng cường các giải pháp giảm các chi phí trong dịch vụ logistic để tăng cường năng lực cạnh tranh, giảm chi phí cho nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa chặt chẽ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,9% - 2%.

Trong điều kiện dư địa lạm phát đang có điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý để chủ động tính toán, lựa chọn mức độ và thời điểm phù hợp, kịp thời báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá. Kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...

Làm tốt hơn nữa công tác truyền thông để tạo dựng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào việc điều hành của Chính phủ; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Về điều hành một số mặt hàng thiết yếu, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo phương hướng điều hành cụ thể cho từng mặt hàng. Trong đó, quan trọng là sớm có kế hoạch tạo nguồn hàng, dự trữ bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán…

CKH/sbv.gov.vn