Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý III/2019 ở mức 7,31%

Tin tức - Ngày đăng : 17:01, 11/10/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 10/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã tổ chức Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý III năm 2019. Báo cáo của VEPR chỉ rõ, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong quý III/2019 ở mức 7,31%. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính và tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Trong khi đó, tăng trưởng của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm do nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện.

Động lực chính của tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm là ngành công nghiệp – xây dựng tăng 9,56%, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu tăng 11,37%, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào kinh tế chung; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,68%, đóng góp 0,17 điểm phần trăm.

PGS. TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng VEPR cho biết, lý do khiến tăng trưởng 9 tháng bằng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng trưởng công nghiệp cao hơn, bù đắp sụt giảm của ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành khai khoáng tăng vọt, cụ thể là than đá. Ông Thế Anh nhận định: "Con số tăng trưởng bằng nhau nhưng chất lượng tăng trưởng kém hơn, đồng thời triển vọng tăng trưởng xấu đi".

Liên quan đến triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới,  PGS, TS. Nguyễn Quốc Khắc Bảo – Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng, thị trường trái phiếu phát triển sẽ là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế và giải "lời nguyền" trước đây rằng hệ thống ngân hàng "bắt nền kinh tế làm con tin". Do tăng trưởng phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, Việt Nam phải gánh chịu hậu quả từ ô nhiễm môi trường như ô nhiễm không khí thời gian gần đây. Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng xấu đi là do chỉ số tồn kho trung bình tăng cao theo đà từ năm 2018, lên tới 17,2%. Tiềm ẩn rủi ro về đình trệ sản xuất tạm thời và doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất. "Trước đây có tăng trưởng tín dụng thì có tăng trưởng, siết tăng trưởng tín dụng là hy sinh tăng trưởng. Điều này khiến hoạt động quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tỷ giá phải chịu sức ép rất lớn", ông Bảo nói.

PGS, TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo còn nhấn mạnh, thị trường bất động sản trong nước đang rất thiếu thông tin, thông tin không minh bạch vì chưa có bộ chỉ số đánh giá cụ thể. “Tại sao một kênh dẫn vốn quan trọng như bất động sản mà chưa có bộ chỉ số minh bạch? Hiện chúng ta đánh giá vấn đề này chủ yếu dựa vào cảm tính, không có cơ sở. Vì chưa có bộ chỉ số bài bản như các nước trên thế giới và trong khu vực nên rất khó để thị trường bất động sản trong nước phát triển” – TS. Bảo nói. Theo TS. Bảo, bộ chỉ số này không quá khó khăn để xây dựng. Tổng cục Thống kê hoàn toàn có thể làm được điều này.

Báo cáo của VEPR cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu quý III đạt 71,76 tỷ USD, tăng 10,86%. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 188,42 tỷ USD, tăng 8,9%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 55,5 tỷ USD, tăng 17,3%. Trong khi kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. CPI bình quân 9 tháng tăng 2,5%, là mức tăng thấp nhất cùng giai đoạn trong 3 năm gần đây. Trước đó, năm 2017 và 2018, CPI bình quân 9 tháng tăng 3,79% và 3,57%. VEPR nhận định, với mức tăng trưởng quý III đạt 7.31% thì mục tiêu tăng trưởng 6,6-6,8% của năm nay do Quốc hội đề ra là khả thi.

PGS,TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, nhận định “năng lực của hệ thống ngân hàng, cơ sở hạ tầng, quản trị doanh nghiệp trong nước,... sẽ thể hiện chúng ta có nhiều thùng để đựng dòng nước này hay không”. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao việc xếp hạng cạnh tranh của Việt Nam tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên 67) với đa số các khía cạnh đều được cải thiện. Ngoài ra, bức tranh kinh tế vĩ mô năm nay còn chứng kiến điểm khá đặc biệt so với những năm trước, đó là “lĩnh vực khai khoáng tăng trưởng mạnh, đóng góp tương đối lớn vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, tăng trưởng thật trong các ngành xây dựng, chế biến, chế tạo không có”- ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR lưu ý và cho rằng, bất đầu có những dấu hiệu không thể chủ quan, năm sau có thể giảm xuống, bởi trong ngành sản xuất chế biến, chế tạo giảm so với năm trước.

Quang cảnh buổi Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý III

Tuy nhiên, theo PGS,TS. Nguyễn Đức Thành, trong năm nay, vẫn dự báo tăng trưởng tương đối lạc quan. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý IV sẽ đạt 7,26% (trước đó quý I là 6,79%; quý II là 6,71% và quý III là 7,31%). Như vậy, cả năm 2019 dự báo tăng trưởng kinh tế đạt 7,05%. Về lạm phát, dự báo sẽ đạt 2,45% trong quý IV/2019 (trong quý I là 2,63%; quý II là 2,65% và quý III là 2,23%).

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mặc dù vẫn còn không ít khó khăn do ảnh hưởng và chịu tác động của chính trường thế giới, sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu nhưng kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2019, nếu như tiếp tục cải cách mạnh mẽ thì con số này có thể tăng lên mức 7% trong thời gian tới. “Kinh tế Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh nhờ việc ký kết một số Hiệp định thương mại tự do. Đó là những hiệp định mở cửa cho hàng hóa của Việt Nam vào các thị trường lớn mà không phải đóng thuế. Do đó, chúng ta có cơ hội để phát huy lợi thế vốn có, tăng năng lực cạnh tranh để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn. Nếu khu vực kinh tế tư nhân phát triển, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đầu tư hợp tác nước ngoài thì kinh tế đất nước tiếp tục được phát triển bền vững hơn nữa trong tương lai”, TS. Lê Đăng Doanh khẳng định.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Tài chính Ngân hàng nhận định tỉ giá thực của đồng VND so với 13 loại tiền tệ của 13 đối tác thương mại lớn với Việt Nam có diễn biến tương đối sát so với diễn biến thị trường. Việc NHNN điều chỉnh tỉ giá trung tâm trong thời gian qua góp phần làm tăng dư địa cho hoạt động mua vào ngoại tệ để dự trữ ngoại hối. Mặt khác, NHNN cũng tìm cách hút VND về để trung hòa lượng tiền đã bơm ra cho hoạt động mua vào ngoại tệ. “Trong thời gian qua, mức thay đổi tỉ giá ngày một thấp hơn dưới áp lực từ quốc tế, biên độ giảm giá VND ngày càng thấp đi là hợp lý theo tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay. Điều này xuất phát từ việc Fed đã 2 lần liên tiếp hạ lãi suất, ECB giảm lãi suất xuống âm 0,5%; Nhật giảm xuống còn 0,1%, cùng với việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đi vào hiệu lực và khả năng sản xuất của Mỹ ở mức thấp nhất trong 9 năm qua khiến sức mạnh của đồng USD suy yếu”, ông Lực nói. Ông còn nhấn mạnh rằng việc Việt Nam đảm bảo VND không giảm giá mạnh là yêu cầu cấp thiết để tránh cáo buộc thao túng tiền tệ như Mỹ đã cảnh báo vào tháng 5 vừa qua.

Chuỗi Báo cáo Kinh tế vĩ mô hàng quý được VEPR thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Konrad-Adenauer (KAS). Kể từ năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã bắt đầu công bố rộng rãi, định kỳ Báo cáo Kinh tế Vĩ mô hàng Quý nhằm cập nhật và thảo luận kịp thời những vấn đề đang đặt ra cho kinh tế Việt Nam. Các buổi tọa đàm này được đóng góp ý kiến, chia sẻ từ rất nhiều chuyên gia và thu hút sự quan tâm của báo chí.

A.Đức