Đề nghị IMF tiếp tục ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi sang nền kinh tế số

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 14:18, 21/10/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tại Hội nghị Thường niên năm 2019 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)/ Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Washington D.C, Hoa Kỳ vào cuối tuần trước, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú làm Trưởng đoàn đã tham dự, và đề nghị IMF tiếp tục đồng hành và ủng hộ Chính phủ Việt Nam và các quốc gia trong khu vực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.

Ảnh: Internet

Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại trên diện rộng, ở cả các quốc gia phát triển và đang phát triển. Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới phát hành, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 sẽ ở mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ, đồng thời hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 và 2020 xuống lần lượt 3% và 3,4% trong năm 2019 và 2020. Rủi ro xuất phát từ căng thẳng thương mại gia tăng, tác động sâu sắc đến từng nền kinh tế. Chỉ số triển vọng thương mại thế giới (WTO) giảm xuống mức 96,3, thấp nhất kể từ năm 2010. Tăng trưởng khiêm tốn, triển vọng giá hàng hóa thế giới giảm ở nhiều quốc gia cùng với niềm tin thị trường suy giảm đã cho thấy triển vọng không sáng sủa của kinh tế thế giới trong năm nay và năm tới.

Trong bối cảnh đó, Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chung tay hành động và tăng cường phối hợp trong việc tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho thương mại và thực hiện các ưu tiên chính sách nhằm đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ và gia tăng khả năng chống đỡ trước các cú sốc, bao gồm (i) thực thi chính sách tiền tệ khéo léo và tăng cường ổn định tài chính nhằm hạn chế tác động tiêu cực và không lường trước từ việc duy trì lãi suất thấp trong thời gian dài, (ii) tập trung ngân sách vào các lĩnh vực giúp thúc đẩy cầu trong nước và tiềm năng tăng trưởng, trong khi đảm bảo duy trì nguồn đầu tư cho giáo dục, y tế và việc làm; (iii) thực hiện cải cách cơ cấu giúp tăng năng suất và tạo lợi ích kinh tế; và (iv) thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tăng cường khả năng thích ứng với những thay đổi trong công nghệ cũng như giải quyết các thách thức đến từ biến đổi khí hậu.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú gặp và làm việc với Tân Tổng Giám đốc IMF Kristilina Georgieva

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị bàn tròn giữa Tổng Giám đốc IMF và các nước ASEAN. Đây là Hội nghị đầu tiên giữa Tân Tổng Giám đốc Kristilina Georgieva và lãnh đạo các Ngân hàng trung ương ASEAN. Chia sẻ với 4 vấn đề ưu tiên mà bà Tổng Giám đốc IMF đã đưa ra trong nhiệm kỳ của mình trong củng cố mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Quỹ đối với những nước dễ bị tổn thương, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ trong một môi trường toàn cầu nhiều biến động, và tiếp tục phát triển vai trò, hoạt động của Quỹ để ứng phó với các thách thức hiện tại và tương lai, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết Việt Nam hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận của IMF và WB theo hướng ngày càng linh hoạt trong việc hỗ trợ các nền kinh tế, tính đến đặc thù của từng nền kinh tế trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình hành động. Bên cạnh đó, Phó Thống đốc cũng đề nghị IMF tiếp tục đồng hành và ủng hộ Chính phủ Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi sang nền kinh tế số.

Bên lề Hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã có các buổi gặp gỡ với ông Axel van Trotsenburg – Tân Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (thay thế bà Kristilina Georgieva); ông Mitsuhiro Furusawa – Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ IMF và các lãnh đạo các đơn vị, vụ cục chức năng của IMF và WB. Tại các buổi gặp và tiếp xúc, Phó Thống đốc bày tỏ đánh giá cao của Chính phủ Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng đối với vai trò của IMF và WB trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, hỗ trợ xây dựng Khung đối tác chiến lược quốc gia (CPF), cũng như cung cấp các tư vấn, khuyến nghị chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực.

Phó Thống đốc bày tỏ mong muốn IMF và WB sẽ tiếp tục đồng hành, ủng hộ và cung cấp các nguồn tài trợ quý báu cho Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai Chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho giai đoạn tới, qua đó giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển, giữ vững những thành quả đã đạt được và tiếp tục vươn lên, phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.

T.C (Theo QHQT/sbv.gov.vn)