Một số điểm mới về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại và thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 08:30, 15/11/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết giới thiệu một số điểm mới trong quy định về trách nhiệm hình sự và thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại theo quy định Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2019, nhất là các nội dung có liên quan đến tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngày nhận bài: 17/10/2019 - Ngày biên tập: 23/10/2019 - Ngày duyệt đăng: 30/10/2019

Tóm tắt: Bài viết giới thiệu một số điểm mới trong quy định về trách nhiệm hình sự và thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại theo quy định Bộ Luật Hình sự năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2019, nhất là các nội dung có liên quan đến tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Từ khóa: pháp nhân thương mại, trách nhiệm hình sự, thi hành án hình sự

SOME NEW POINTS ON CRIMINAL LIABILITY REGULATIONS OF COMMERCIAL LEGAL ENTITIES AND CRIMINAL JUDGMENTS EXECUTION OF COMMERCIAL LEGAL ENTITIES

Abstract: The article introduces a number of new points in the provisions on criminal liability and criminal judgment execution for commercial legal entities under the provisions of the 2015 Penal Code and the Law on Execution of Criminal Judgments 2019, especially those related to credit institutions, foreign bank branches.

Key words: commercial legal entity, criminal liability, criminal judgment execution

Ngày 14/6/2019, Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án hình sự, trong đó đã bổ sung thêm một chương mới về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại. Việc bổ sung thêm chương về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại để phù hợp, thống nhất với nhóm tội mới được quy định tại Bộ Luật Hình sự năm 2015. Theo các Bộ Luật Hình sự trước đó, chủ thể chịu trách nhiệm hình sự chỉ là cá nhân. Theo Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), chủ thể chịu trách nhiệm hình sự được mở rộng bao gồm cả các pháp nhân. Do đó, Luật thi hành án hình sự năm 2019 đã có các quy định về thi hành án hình sự đối với các pháp nhân thương mại. 

Bộ Luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), dành Chương XI quy định về pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện: (i) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại; (ii) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại; (iii) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại; (iv) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (Điều 75). Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân. Bộ Luật Hình sự quy định rõ những tội phạm mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự (Điều 76), trong đó có những tội có thể liên quan đến TCTD như: Tội trốn thuế (Điều 200); Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 203); Tội rửa tiền (Điều 324); Tội tài trợ khủng bố (Điều 300); Tội vi phạm quy định về cạnh tranh (Điều 217); Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán (Điều 209); Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán (Điều 210); Tội thao túng thị trường chứng khoán (Điều 211); Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213)…

Về hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội, Điều 33 Bộ Luật Hình sự quy định các hình phạt đối với chủ thể này bao gồm: (a) Hình phạt chính gồm: (i) Phạt tiền; (ii) Đình chỉ hoạt động có thời hạn; (iii) Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; (b) Hình phạt bổ sung bao gồm: (i) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; (ii) Cấm huy động vốn; (iii) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Trong các hình phạt bổ sung đối với pháp nhân thương mại có hình phạt cấm huy động vốn. Hình phạt cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để pháp nhân thương mại huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Theo Điều 81 Bộ Luật Hình sự, các hình thức cấm huy động vốn bao gồm: (i) Cấm vay vốn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc quỹ đầu tư; (ii) Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; (iii) Cấm huy động vốn khách hàng; (iv) Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; (v) Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản. Thời hạn cấm huy động vốn là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định nói trên, pháp nhân thương mại có thể bị Tòa án tuyên áp dụng hình thức xử phạt cấm vay vốn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong trường hợp này nếu bất cứ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đối với pháp nhân thương mại này thì hợp đồng cho vay sẽ bị vô hiệu.

Để tránh rủi ro cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay đối với khách hàng bị áp dụng hình phạt cấm huy động vốn thì việc các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thông tin kịp thời về bản án của Tòa án cấm pháp nhân thương mại vay vốn TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là rất cần thiết.

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 dành một Chương riêng quy định về thi hành án đối với pháp nhân thương mại phạm tội, trong đó có các quy định về công khai thông tin, công bố thông tin về pháp nhân thương mại phạm tội. Điều 160 Luật Thi hành án hình sự quy định một số nội dung về công khai thông tin đối với pháp nhân thương mại phạm tội như (i) Ngay sau khi nhận được quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án hình sự phải công bố ngay quyết định đó trên trang thông tin điện tử của cơ quan mình; (ii) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải công bố quyết định đó trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của pháp nhân thương mại và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của pháp nhân thương mại trong thời gian chấp hành án, thông báo việc chấp hành hình phạt cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; (iii) Cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại công bố ngay trên cổng thông tin, trang thông tin điện tử của cơ quan mình quyết định thi hành án đối với pháp nhân thương mại…

Tuy nhiên, trường hợp pháp nhân thương mại bị Tòa án tuyên áp dụng hình phạt cấm huy động vốn, theo quy định tại Điều 81 Bộ Luật Hình sự và Điều 160 Luật Thi hành án hình sự thì pháp nhân thương mại sẽ bị cấm huy động vốn ngay từ thời điểm bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Như vậy, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể gặp rủi ro khi cho vay đối với pháp nhân thương mại bị cấm huy động vốn trong khoảng thời gian từ thời điểm bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật đến từ thời điểm quyết định thi hành án được công bố, vì trong thời gian này TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa biết thông tin pháp nhân thương mại bị cấm huy động vốn. Nội dung bất cập nói trên cần thiết phải có các quy định bổ sung về công bố, công khai thông tin bản án của Tòa án về cấm pháp nhân thương mại huy động vốn ngay khi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật khi Chính phủ hướng dẫn chi tiết Điều 160 Luật Thi hành án hình sự.

Đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi cho pháp nhân thương mại vay vốn thì ngoài đánh giá, thẩm định khách hàng theo các quy định pháp luật ngân hàng cần theo dõi thêm các thông tin pháp nhân thương mại có bị Tòa án cấm huy động vốn không để tránh rủi ro.

Phạm Tiến Sỹ - Nguyễn Thị Lương Trà