Kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 -18/11/2019): Chung sức, chung lòng,nêu cao sức mạnh đại đoàn kết

Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 09:30, 18/11/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Đoàn kết giai cấp, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế là những nội dung cốt lõi trong tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là lòng yêu nước, thương dân, tinh thần khoan dung, nhân ái.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sớm xác định đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, chỉ rõ độc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sớm xác định đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, chỉ rõ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là con đường cứu nước duy nhất để giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc, mang lại tự do hạnh phúc cho nhân dân, đồng thời tìm thấy phương sách để tập hợp đoàn kết toàn dân tộc thành một lực lượng hùng hậu nhằm thực hiện đường lối đó.

Hội nghị Trung ương toàn thể tháng 10/1930 của Đảng, sau khi thông qua Cương lĩnh Chính trị về cách mạng tư sản dân quyền, đã ra Án nghị quyết về vấn đề phản đế và Điều lệ Đồng minh Phản đế ở Đông Dương. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế Đồng Minh- tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3/1938) quyết định đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương. Nhờ có chính sách đúng đắn, có phương pháp vận động khôn khéo, phương pháp đấu tranh linh hoạt nên Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi công nhân, nông dân, tiểu thương tiểu chủ tư sản nhỏ, bắt tay với các đảng phái cải lương, kể cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương nhằm chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hoà bình Phong trào ấy đã lôi cuốn và giáo dục ý thức chính trị cho hàng triệu quần chúng; uy tín của Đảng càng được mở rộng và ăn sâu trong nhân dân lao động và để lại cho Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay những kinh nghiệm quý báu việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh và như vậy mới là một phong trào quần chúng.

Năm 1941, cùng với chủ trương thay đổi chiến lược cách mạng, lúc quyền lợi dân tộc phải được đặt lên hàng đầu, vì độc lập, tự do, Hồ Chủ tịch đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh ra đời là một điển hình sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chiến lược đại đoàn kết dân tộc, đưa đến cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc 1945-1954, Mặt trận dân tộc thống nhất tiếp tục được củng cố và mở rộng. Hội liên hiệp Quốc dân Việt Nam ra đời, thực hiện đoàn kết quốc dân để làm cho nước Việt Nam được độc lập, thống nhất, dân chủ, phú cường. Hội ra đời tạo điều kiện mới để đoàn kết nhằm thống nhất lực lượng quốc gia dân tộc, huy động mọi tinh thần và lực lượng đánh đổ thực dân Pháp.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giương cao ngọn cờ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và chiến lược đại đoàn kết dân tộc để đẩy mạnh cuộc cách mạng ở miền Nam, thống nhất đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra đời, kế tục sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Liên Việt.

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập nhằm tạo điều kiện để mở rộng khối đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ của mặt trận. Đầu năm 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình miền Nam Việt Nam ra đời. Đây là một tổ chức để thu hút các tầng lớp trung gian và thượng lưu ở thành thị miền Nam vào khối đại đoàn kết dân.

Nhìn lại suốt chặng đường dài đấu tranh cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến xây dựng mặt trận thống nhất, các tổ chức cách mạng, đồng bào các dân tộc thiểu số. Tư tưởng đó là sự kết tinh sức mạnh dân tộc và thời đại, động viên tối đa sức người, sức của phục vụ tiền tuyến đánh thắng kẻ thù xâm lược và là động lực mạnh mẽ đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nét đặc sắc, nổi bật trong tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cách thức, phương pháp mà Người thực hiện để vận động, tập hợp, quy tụ, đoàn kết mọi người. Phương pháp đại đoàn kết dân tộc là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn tinh hoa văn hoá ứng xử từ cổ, kim, Đông, Tây với sự đậm đà, sâu sắc truyền thống văn hoá của dân tộc Việt Nam. Điều đó hội tụ trong con người Hồ Chí Minh tạo nên phong cách, lối ứng xử đậm chất văn hoá, nhân văn, nhân đạo cách mạng để thu phục, cảm hoá, đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân phục vụ cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Phương pháp đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trước hết là sự tôn trọng, thương yêu mọi người; dùng những lời lẽ chân thành giản dị để thuyết phục, cảm hoá quần chúng. Theo Người, cách mạng là việc của toàn thể dân chúng chứ không phải là việc riêng của một, hoặc hai người, không có lòng thương người, tôn trọng con người thì khó có thể thực hành đại đoàn kết.

Tư tưởng đoàn kết là tư tưởng cơ bản, nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, luôn được nhận thức là vấn đề sống còn của cách mạng. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết, không ai thắng được lực lượng đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Và Người khuyên: “Dân ta xin nhớ chữ đồng: Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”. Đây chính là con đường đưa  tới độc lập, tự do.

Năm nay, kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2019), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, toàn Ðảng, toàn dân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Nguyễn Văn Thanh