Xu hướng phát triển công nghệ tài chính và chủ động triển khai của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 14:52, 02/12/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết nêu xu hướng phát triển công nghệ tài chính và đề xuất một số giải pháp để chủ động triển khai việc ứng dụng công nghệ tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Ngày nhận bài: 4/11/2019 - Ngày biên tập: 5/11/2019 - Ngày duyệt đăng: 8/11 /2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 22/2019.

Tóm tắt: Trong xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay, hệ thống Ngân hàng Việt Nam cũng đang tích cực chuyển động, đặc biệt là việc ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ  vào các nghiệp vụ và giao dịch tài chính, phát triển thanh toán điện tử, phát triển ngân hàng số,…Bài viết nêu xu hướng phát triển công nghệ tài chính và đề xuất một số giải pháp để chủ động triển khai việc ứng dụng công nghệ tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Từ khóa: công nghệ tài chính, ứng dụng, NHTM

Development trend of Fintech and proactive implementation of banking system in Vietnam

Abstract: In the current trend of the 4.0 industrial revolution, banking system in Vietnam is also actively moving with the application of the latest technological achievements to businesses. financial transactions and services, e-payment, digital banking, etc. The article outlines development trend of Fintech and proposes a number of solutions to actively deploy the application of Fintech of banks in Vietnam.

Key words: Fintech, application, commercial bank

Tổng quan về phát triển Fintech hiện nay trên toàn cầu

Fintech được hiểu là công nghệ tài chính. Đây là một thuật ngữ có phạm vi khá rộng, hiểu một cách đầy đủ, có nghĩa là ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán và đầu tư.

Việc ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ Fintech đòi hỏi những thay đổi căn bản về môi trường pháp lý, các hoạt động quản lý và quản trị điều hành, quản trị kinh doanh, các quy định nội bộ, tư duy và nhận thức của con người.

Ngày nay người ta càng thấy rõ, Fintech có thể tái định hình ngành tài chính, tác động rất mạnh đến các thành phần quan trọng nhất của ngành này. Hiện tại các công ty cho vay ngang hàng P2P kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay trên internet, đã hoạt động khá hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt các khoản vay từ vài tuần ở các ngân hàng truyền thống xuống chỉ còn vài giờ. Theo tính toán của Morgan Stanley, khối lượng các khoản vay trực tuyến ở Mỹ sẽ chạm mốc 120 tỷ USD vào năm 2020, so với con số khiêm tốn 20 tỷ USD của năm 2015, tức là tăng gấp 6 lần trong vòng chỉ có 6 năm.

Ở lĩnh vực quản lý đầu tư, những công ty lớn như BlackRock và Vanguard có dịch vụ “robot tư vấn” (robot adviser) sử dụng các thuật toán để tự động điều chỉnh danh mục đầu tư tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng. Một số quỹ đầu cơ đang thử nghiệm và đã thành công ở nhiều mức độ khác nhau trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để robot có thể tự học các thuật toán, tự động tính toán các khoản vay, các khoản đầu tư  và chuyển đổi danh mục đầu tư. Trên thị trường vốn, các startup và kể cả các tập đoàn lớn như Goldman Sachs hay thậm chí là NHTW Anh (BOE), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang thử nghiệm sử dụng các loại tiền điện, tử kỹ thuật số,…thay thế cho các phương thức chuyển tiền và tài sản truyền thống. Thậm chí là việc triển khai kế hoạch phát hành tiền ảo Libra của Facebook, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn tiếp tục được thúc đẩy.

Có thể khẳng định, trong 10 năm gần đây, Fintech phát triển rất nhanh, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ về đầu tư Fintech trong các ngân hàng, doanh nghiệp cũng như cạnh tranh thu hút khách hàng, đặt ra nhiều thách thức cho các mô hình kinh doanh truyền thống trên toàn cầu. Các định chế tài chính đã mạnh dạn đầu tư lớn cho ứng dụng Fintech, bao gồm cả máy móc, thiết bị, phần mềm và công nghệ, đào tạo cán bộ nhân viên, hướng dẫn khách hàng. Dẫn đầu trong lĩnh vực này là các định chế tài chính, các doanh nghiệp ở châu Á. Kể từ năm 2010, thế giới đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ đầu tư vào Fintech ở châu Á, tăng trưởng gấp gần 100 lần, trong đó Trung Quốc, bao gồm cả Đặc khu Hành chính Hongkong và Macao đang có tỷ trọng áp đảo về tốc độ và quy mô đầu tư.

Một số tính toán đã chỉ ra rằng, tính cộng dồn từ năm 2010 đến tháng 3/2017, Mỹ là quốc gia đầu tư vào Fintech nhiều nhất, với tổng số vốn lên tới 63,1 tỷ USD; tiếp sau là các quốc gia thuộc châu Á - Thái Bình Dương, với số tiền đầu tư 22,9 tỷ USD; đứng thứ ba là nhóm các nước châu Âu, Trung Đông và châu Phi, với số vốn đã đầu tư là 10,8 tỷ USD. Tuy nhiên, 2015 là năm đầu tiên mà tăng trưởng đầu tư vào Fintech mạnh mẽ nhất là ở các nước châu Á – Thái Bình Dương, mặc dù Fintech ở các nước châu Á tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Trong hoạt động ngân hàng, việc ứng dụng mạnh mẽ cho đổi mới công nghệ tài chính - Fintech được thực hiện trên nhiều phương diện, từ hoạt động cho vay, dịch vụ ngân hàng, quản trị rủi ro, đến các giao dịch tần suất cao, dữ liệu lớn. Có thể dẫn chứng nhiều ví dụ điển hình và cụ thể về thành công ứng dụng Fintech vào hoạt động ngân hàng trên khắp toàn cầu như dịch vụ ngân hàng ứng dụng điện thoại di động ở Kenya, Trung Quốc, đã giúp hàng chục và thậm chí mà hàng trăm triệu người chưa biết đến các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Tại Trung Quốc, thậm chí những người bán hoa quả, bán hàng rong cũng thích thanh toán tiền bán hàng qua điện thoại di động thay cho việc sử dụng tiền mặt  và thay thế cho việc sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng. Dịch vụ chuyển tiền giúp các nước đang phát triển chuyển tiền giữa các quốc gia một cách nhanh chóng với chi phí rất thấp, nhất là việc chuyển tiền kiều hối, chuyển thu nhập của người lao động ở nước ngoài về cho thân nhân trong nước trở nên đơn giản, dễ dàng, nhanh chóng hơn và tiện lợi hơn.

Các mảng sản phẩm và dịch vụ tài chính do các các công ty chuyên về giải pháp công nghệ tài chính toàn cầu cung cấp thường là dịch vụ thanh toán; bảo hiểm; lập kế hoạch đầu tư; cho vay, huy động vốn từ khách hàng cá nhân và các nhóm khách hàng tiềm năng; công nghệ sổ cái điện tử (blockchain); mua bán chứng khoán và đầu tư; dữ liệu và phân tích quản trị điều hành cũng như quản trị rủi ro; an ninh, bảo mật.

Việc ứng dụng Fintech có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của các định chế tài chính, đến sự phát triển của các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hiện đại tiện ích. Sự phát triển này tùy thuộc đặc điểm của từng nhóm đối tượng khách hàng bán lẻ, như: độ tuổi, sự am hiểu công nghệ, mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Việc ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ Fintech cũng còn tùy thuộc vào quan điểm và chính sách của các cơ quan quản lý, như sự cởi mở, mức độ tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, sản phẩm mới, khuyến khích cạnh tranh hay muốn đảm bảo an toàn. Một góc độ khác của sự phát triển Fintech đó là còn tùy thuộc vào đặc điểm và mức độ phát triển của lĩnh vực ngân hàng, nhất là hệ điều hành, chương trình phần mềm, các bản thiết kế của Fintech, tùy thuộc vào mức độ hợp tác chặt chẽ giữa các công ty công nghệ, viễn thông, môi trường kinh tế, khả năng đầu tư và mức độ sẵn sàng thay đổi, chấp nhận rủi ro của các ngân hàng.

Phản ứng của ngành ngân hàng toàn cầu đối với sự phát triển của Fintech

Ngành ngân hàng trên toàn cầu đang phản ứng với sự phát triển của Fintech theo 5 cách khác nhau:

i) Coi các công ty Fintech là đối tác trong hoạt động kinh doanh. Các công ty Fintech cung cấp các giải pháp công nghệ ứng dụng trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trong thời gian đầu, nhiều ngân hàng lớn đã xem nhẹ sự xuất hiện của các startup về Fintech. Song hiện nay các ngân hàng đã chấp nhận thực tế rằng công nghệ sẽ tác động mạnh mẽ, khiến ngành ngân hàng thay đổi một cách căn bản như các ngành khác trong nền kinh tế.

Dịch vụ tư vấn tự động cho khách hàng và các công nghệ khác do Fintech cung cấp  có thể giúp ngân hàng phục vụ khách hàng tốt hơn, hàng nghìn nhân viên có thể bị thay thế bằng máy móc, công nghệ. Ngân hàng, công ty môi giới chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư,… truyền thống cũng lo ngại rằng họ chậm thay đổi nên đang bị các công ty Fintech sử dụng lợi thế lớn trong cuộc đua giành thị phần. Làn sóng công nghệ thay thế những phương thức truyền thống, công việc kinh doanh của nhiều ngân hàng sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu như họ không bắt kịp được với công nghệ.

ii) Lựa chọn đầu tư mạo hiểm. Các ngân hàng coi đây là một lĩnh vực đầu tư,  sẵn sàng đầu tư vốn vào các công ty Fintech.

Trên toàn thế giới, các công ty đầu tư mạo hiểm đã rót hơn 17 tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp Fintech trong năm 2016, tăng gấp 6 lần so với 2012. Năm ngoái, Trung Quốc vượt Mỹ trở thành điểm đến nóng nhất cho làn sóng đầu tư vào Fintech. Chỉ ở riêng Singapore cũng có hơn 100 startup hoạt động trong lĩnh vực Fintech. Mới chỉ có 1 phần nhỏ lên sàn chứng khoán, vì thế nhà đầu tư dự đoán sẽ có một làn sóng M&A và lên sàn trong thời gian tới trong bối cảnh các ngân hàng săn lùng những công nghệ mà họ có thể sử dụng, đồng thời các công ty startup sẽ đạt được độ trưởng thành. Các ngân hàng khác như Citigroup hay Banco Santander SA đã thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm mua cổ phần của các công ty fintech. SoftBank Group đầu tư 2 tỷ USD vào Startup gọi xe Grab, có trụ sở tại Singapore.

iii) Các ngân hàng cân nhắc về việc mua bán sáp nhập với các công ty Fintech, nâng cao năng lực cạnh tranh.

iv) Các ngân hàng sẵn sàng hợp tác thúc đẩy sự phát triển của các công ty Fintech. Ví dụ, Barclays đã hỗ trợ 60 startup trong khuôn khổ các chương trình cải tiến ở London, New York, Tel Aviv và Cape Town.

Thời gian gần đây, các ngân hàng châu Á hiện có xu hướng hợp tác với các công ty Fintech. Tuy nhiên mức độ đầu tư vào lĩnh vực Fintech còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 2% nguồn vốn. Đó là con số chung cho các ngân hàng ở Châu Á. Fintech có khả năng gây ảnh hưởng cao đối với các ngân hàng và định chế tài chính cũng như các doanh nghiệp ở Trung Quốc, thấp với Singapore và cao với Việt Nam.

Ở Singapore, mô hình Fintech hợp tác với ngân hàng có xu hướng thu hút được vốn đầu tư ngày càng nhiều hơn. Trong lĩnh vực ngân hàng, Fintech dễ tác động nhất tới nhóm khách hàng cá nhân, tiếp theo là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cuối cùng là doanh nghiệp lớn, tập đoàn. Tính sáng tạo của Fintech đặt ra những yêu cầu mới về quản lý. Thực tế ở các nền kinh tế khu vực châu Á như Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan, Indonesia, Malaysia, ngân hàng trung ương của các nước này đều có xu hướng có các chính sách, hành động hỗ trợ ngày một nhiều hơn cho sự đổi mới và phát triển Fintech. Singapore, với tư cách một trung tâm tài chính của Châu Á, Chính phủ nước này có những sáng kiến và nỗ lực mạnh mẽ để hỗ trợ cho sự phát triển và đổi mới Fintech.

v) Chủ động nghiên cứu và phát triển Fintech trong nội bộ hệ thống ngân hàng.

Các ngân hàng đang cố gắng đi trước một bước. Một số ngân hàng sử dụng sức mạnh thương hiệu và công nghệ để tự mình thử nghiệm với Fintech. Các phương thức tiếp cận phổ biến ở thung lũng Silicon thường được áp dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, rất khó để các ngân hàng lớn tích hợp công nghệ mới vào hệ thống máy tính đã lỗi thời của họ. Do đó, các ngân hàng lớn đang tỏ ra khá chậm chạp, dù tiền đầu tư không phải là ít.

Dù các công ty Fintech cung cấp rất nhiều loại hình dịch vụ tài chính, từ các khoản vay thế chấp trực tuyến, đến tất cả các loại tài khoản nghỉ hưu, quỹ hưu trí, quỹ bảo hiểm,…nhưng sự thuận tiện có thể khiến một số khách hàng tham gia những dịch vụ mà họ không thực sự hiểu về các quyền hạn, nghĩa vụ của bản thân. Một số người lo ngại Fintech cũng có thể thay thế các ngân hàng truyền thống, khiến các hộ gia đình và có thu nhập thấp không thể tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.

Chuyển động của ngân hàng trung ương và tổ chức tài chính – tiền tệ quốc tế về Fintech

Cơ quan Quản lý tiền tệ Singapore (MAS) đã thực hiện quy định tạo thuận lợi cho môi trường Fintech, đồng thời tăng tính an toàn, củng cố an ninh mạng, đảm bảo bảo mật dữ liệu, quy chế tạo thuận lợi cho thử nghiệm sản phẩm mới; triển khai cơ chế giám sát báo cáo hiệu quả, tạo hệ sinh thái hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ tài chính, khuyến khích thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, MAS đã đưa ra sáng kiến Trung tâm Tài chính Thông minh từ năm 2016 nhằm các mục tiêu: tăng hiệu quả, tạo cơ hội, quản lý rủi ro tốt hơn và nâng cao đời sống người dân. Trong hai năm qua, Singapore cũng có nhiều sáng kiến cụ thể để phát triển Fintech và hỗ trợ đổi mới.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sắp trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên phát hành phiên bản điện tử của Nhân dân tệ nhằm bắt kịp và kiểm soát nền kinh tế đang số hóa nhanh chóng. Khác với Bitcoin, giao dịch với Nhân dân tệ điện tử không ẩn danh hoàn toàn. Giá trị của Nhân dân tệ điện tử sẽ ổn định như Nhân dân tệ vật lý. PBOC sẽ hậu thuẫn cho Nhân dân tệ điện tử, trái ngược với phi tập trung, không sử dụng công nghệ blockchain. Nhân dân tệ điện tử chủ yếu là trong sổ sách kế toán. Tiền điện tử  tách biệt khỏi các khoản tiết kiệm thông thường bởi chúng nằm trong tiền mặt lưu thông trong thực tế, tức M0. Theo đó, Ngân hàng thương mại cần gửi 100% dự trữ tại PBoC để đổi lấy tiền điện tử, sau đó phân phối cho người dùng riêng lẻ. Hệ thống hai cấp này còn giúp PBOC giảm gánh nặng thẩm định, cải tổ hệ thống công nghệ thông tin cũng như giải đáp thắc mắc từ khách hàng.

Libra do Facebook dự định phát hành cũng là tiền điện tử nhưng được gọi là “đồng tiền điện tử ổn định”, giá trị dựa trên rổ tài sản và tiền tệ thực tế như USD, Euro, Bảng (Anh) và Yên (Nhật).

Uruguay đã hoàn tất một chương trình thử nghiệm có tên e-Peso, được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khen ngợi. Venezuela triển khai tiền điện tử petro gây tranh cãi. Ngân hàng Thụy Điển Riksbank đang nghiên cứu đồng e-krona.

Khảo sát của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) hồi đầu năm 2019 cho thấy hầu hết ngân hàng trung ương trên thế giới đang nghiên cứu tiền điện tử về mặt lý thuyết và khái niệm. Một khảo sát do ngân hàng trung ương Thụy Điển thực hiện tại nước này cho thấy chỉ có 13% người tham gia dùng tiền mặt cho giao dịch gần nhất trong năm 2018, giảm so với mức 39% trong năm 2010 và đang tích cực nghiên cứu về tiền điện tử.

Về mặt quản lý trên phương diện toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã thành lập Nhóm tư vấn gồm các lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, các nhà quản lý, luật sư và giảng viên đại học, những người tiên phong trong lĩnh vực Fintech. Nhóm Tư vấn có nhiệm vụ tham mưu, giúp IMF nắm được sâu sắc hơn các vấn đề về Fintech toàn cầu; phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác liên vụ của IMF về tài chính và công nghệ, được thành lập năm 2016 để nghiên cứu mối quan hệ về mặt kinh tế và quyền lực kiểm soát đối với sự phát triển trong lĩnh vực tài chính và công nghệ.

Ngành Ngân hàng Việt Nam chủ động đón nhận Fintech

Ở Việt Nam, ngày 16/3/2017, Thống đốc NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính của NHNN.

Thời gian qua, mô hình hoạt động Fintech chủ yếu là mô hình hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng. Hiện nay, tất cả các công ty trung gian thanh toán được NHNN cấp giấy phép hoạt động đều phối hợp với ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng. Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech. Hệ thống  Fintech tại Việt Nam chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể, bao gồm: cơ quan quản lý, các định chế tài chính, công ty Fintech và các doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính, viễn thông… Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam còn khá mới mẻ dù các công ty trung gian thanh toán đã xuất hiện vào năm 2008. Hiện nay, thị trường đang có hơn 150 công ty Fintech hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán, chiếm khoảng 60%. 2/3 doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến; cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS; chuyển tiền… Ngoài ra, thị trường Fintech Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng, cho vay trực tuyến…

 90% thị phần của ví điện tử, cả giá trị và số lượng giao dịch tại Việt Nam thuộc về 5 công ty trung gian thanh toán trong tổng số 31 tổ chức đã được NHNN cấp phép hoạt động. Đặc biệt, cả 5 doanh nghiệp này đều có sở hữu vốn nước ngoài từ 30% cho đến trên 90%. Tại thời điểm tháng 11/2018, vốn điều lệ của MoMo là 112,2 tỷ đồng, trong đó, E-Mobile VN Investments SIBV nắm 25,51% vốn và là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều cổ phần nhất tại Fintech này, Standard Chartered Private Equity sở hữu 17,9%. Trước đó, hàng loạt nhà đầu tư cũng rót tiền sắm ví điện tử như VNG đầu tư vào ZaloPay, Grab mua cổ phần Moca, AirPay có sự tham gia của Internet Sea (Singapore), One 1Pay có sự đầu tư của TrueMoney...

Cuối tháng 10/2019, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNPAY Trần Trí Mạnh xác nhận đã nhận được gói tài trợ từ Quỹ Vision Fund của SoftBank và Quỹ Đầu tư Quốc gia GIC của Singapore. Theo DealStreetAsia, khoản đầu tư đề nghị lên tới 300 triệu USD vào VNPAY. VNPAY được xem là khoản đầu tư đầu tiên vào Việt Nam của Vision Fund, quỹ đầu tư thuộc sở hữu của tỉ phú Nhật Masayoshi Son. Đây cũng là đợt gọi vốn cho công ty Fintech lớn nhất từ trước tới nay.

VNPAY đã liên kết với hơn 40 ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam, 5 công ty viễn thông. Hiện tại đã có hơn 23.000 điểm chấp nhận thanh toán mã VNPAYQR trên toàn quốc, trong số đó có thể kể tới hàng loạt thương hiệu lớn như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Mobifone, FPT, chuỗi nhà hàng Redsun-ITI, chuỗi cửa hàng thời trang Canifa, GenViet, Eva de Eva...

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, trong quý II/2019, tốc độ tăng trưởng thanh toán dịch vụ mobile banking ở Việt Nam đạt trên 160%. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử tại Việt Nam đạt 60 triệu lượt với giá trị bình quân 200.000 đồng/giao dịch và có mức tăng trưởng cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm.

Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company công bố vào đầu tháng 10/2019, nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ đạt 12 tỷ USD năm 2019 và sẽ bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025. Thị trường Fintech của Việt Nam cán mốc 4,4 tỷ USD trong năm 2017 và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn Solidiance.

Tuy nhiên, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam chưa được phát triển như kỳ vọng của thị trường do chưa có khung pháp lý đầy đủ và đồng bộ. NHNN có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực Fintech ở Việt Nam, đặc biệt là xây dựng một hệ sinh thái Fintech dựa trên lợi thế của Việt Nam xét về quy mô dân số, nguồn nhân lực đam mê công nghệ. Vai trò không thể thiếu của Fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay, cũng như vai trò xúc tác tạo nền tảng pháp lý thuận lợi của NHNN cho hoạt động của Fintech tại Việt Nam. Chính vì vậy, thời gian tới, NHNN phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của các công ty này. Việc giao đơn vị đầu mối triển khai nghiên cứu các nội dung cụ thể của Fintech cần phải được thực hiện phân công thông qua đầu mối tham mưu thống nhất cho Ban Chỉ đạo là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo để tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ cũng như đưa ra các quan điểm trái ngược nhau về định hướng của NHNN trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Cơ quan thường trực cũng là đầu mối tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các thành viên trong Cộng đồng Fintech Việt Nam và phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế NHNN đối với các hoạt động hợp tác quốc tế về Fintech trong bối cảnh hoạt động Fintech tại Việt Nam đang hội nhập với khu vực và thế giới.

Một số vấn đề trọng tâm của Fintech để có chính sách quản lý phù hợp trong thời gian sớm nhất, bao gồm: công nghệ Blockchain và ứng dụng của nó trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; huy động và cho vay ngang hàng; Giao diện Chương trình Ứng dụng (API); hệ thống định danh khách hàng điện tử (e-ID) phục vụ cho việc nhận biết khách hàng (KYC).

Các tổ chức tín dụng Việt Nam đã chủ động nắm bắt phản ứng của các ngân hàng trên toàn cầu đối với Fintech cũng như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và đang chủ động tích cực triển khai theo chiến lược kinh doanh, theo nguồn lực tài chính cũng như khả năng ứng dụng của mình. Việc NHNN đã đưa vào hoạt động Hệ thống SG3.1 cũng tạo tiền đề thúc đẩy các TCTD Việt Nam trong triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến, lựa chọn Fintech phù hợp và hiệu quả. Song gắn liền với đó là cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực của các TCTD. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách miễn giảm thuế, ưu đãi về thuế trong giai đoan hiện nay để cho các TCTD có thêm nguồn lực tài chính trong đón nhận các xu hướng Fintech và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hết sức mạnh mẽ.

Tài liệu tham khảo:

- www.vnba.org.vn

- www.sbv.gov.vn

- www.banknetvn.com.vn

- Trang web của một số TCTD

- Một só nguồn khác

TS. Hà Thị Sáu