Tản mạn chợ hoa xuân Cống Chéo - Hàng Lược

Văn hóa - Ngày đăng : 13:29, 24/01/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Hà Nội những năm đầu thế kỷ 21 mở rộng hiện đại hơn nhưng cũng xô bồ hơn. Xuân về Tết đến, chợ hoa họp đầy đường. Người mua kẻ bán nhanh nhanh, vội vội. Cái phong cách đi chợ hoa sao mà khác với ngày xưa, cái ngày Hà Nội còn bé nhỏ, thưa vắng. Giáp Tết, lên chợ hoa xuân Cống Chéo - Hàng Lược như một phong cách thưởng ngoạn lịch lãm, đặt trên thú vui mua sắm thông thường.

Hình như những người già, khi đã đạt tới một ngưỡng tuổi xưa nay hiếm, thì dung mạo, hình dáng cũng thay đổi một cách từ từ, chậm rãi hơn. Có lẽ bởi vậy, mà năm nào cũng thế, cứ mỗi lần lên chợ, tôi cũng đều bắt gặp rất nhiều gương mặt thân quen. Nhất là gương mặt các vị khách hàng cao tuổi. Người phụ nữ mặc áo nhung hoa, tóc trắng như mây đang cầm trên tay cành đào phai thanh mảnh kia cũng vậy. Dẫu là cho đến dăm mười năm nữa, người ta vẫn cứ muốn ngắm nhìn bà như hôm nay. Và vẫn mong được gặp lại bà đúng ngày phiên chợ hoa nhóm họp.

Bởi vì người Hà Nội không bao giờ đi chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược mỗi năm chỉ một lần, và càng không phải đi chợ hoa, cốt là chỉ để mua hoa. Hoa Hà Nội tràn ngập mỗi phố phường, không chỉ trong dịp Tết nhất, hội hè, mà ngay cả trong những ngày bình thường của tháng năm nối nhịp miên man.

Mẹ tôi, cứ từ ngoài Tết Ông Công, Ông Táo đổ ra, là mỗi ngày bà đều chạy ra chợ hoa Cống Chéo đôi lần. Dù nhà cũng đang bận bán hàng chứ có đâu rỗi rãi. Bố tôi cứ thoáng không thấy mẹ tôi đâu, là lại chép miệng: “Lại ra chợ hoa rồi”.

Mẹ tôi cứ đi như thế cho đến hôm nào chọn được cành đào bích Nhật Tân tròn như cái nơm úp, hoa lác đác mà nụ chiu chít,  ý là mong sang năm buôn bán lắm tài nhiều lộc, con cái học hành tấn tới, thì mới vui vẻ xuống tiền. Còn bố tôi năm nào dắt chị em tôi đi mua cây quất cũng rất chóng vánh. Dừng đúng ở hàng quất Quảng Bá quen thuộc lâu năm, chọn một cây quất cỡ trung, lá xanh bóng, quả vàng rực. Chủ và khách cười kha kha đồng tán thưởng. Thế là thuê xích lô chở về. Nhưng ông cũng không quên mua cho mỗi cô con gái nhỏ một món đồ chơi Tết nho nhỏ. Có khi là những con giống đan bằng những sợi cước màu óng ánh, hình con giáp tuổi chúng tôi, chú gà, chú chó xinh xinh.  

Những người cao tuổi ở Hà Nội vẫn nhắc nhớ rằng, tự xa xưa, cho dù Hà Nội có lúc đói nghèo hay giặc giã, thì chợ hoa vẫn họp thường niên không lỗi hẹn. Ngay cả trong mùa xuân năm 47 của thế kỷ trước, Hà Nội chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp. Và ngay trong những mùa xuân thời chiến tranh chống Mỹ ác liệt, bóng dáng của chợ hoa vẫn hiển hiện đâu đó trên những phố phường xung quanh. Điều này đã được hai nhà văn quá cố tài hoa Nguyễn Huy Tưởng thể hiện trong cuốn tiểu thuyết “Lũy Hoa”, “Sống mãi với thủ đô”. Và cảnh được nhà văn Nguyễn Tuân nhắc nhớ trong cuốn tùy bút “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Cho đến tận bây giờ, thi thoảng, chúng ta vẫn còn may mắn lại được ngắm thấy cảnh chợ hoa Hàng Lược trong một vài cuốn phim tư liệu hay phim truyện về đề tài  Hà Nội trên sóng các chương trình truyền hình.

Không phải là chợ hoa cổ xưa nhất của đất kinh kỳ Thăng Long, chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược chỉ hình thành khi dòng sông Tô Lịch nên thơ bị người Pháp cho lấp kín vào những năm cuối thế kỷ 19. Tức là tuổi của nó chỉ chừng độ trăm năm có lẻ. So với những phiên chợ hoa cổ xưa của Hà Nội, những phiên chợ từng đi vào ca dao, ngạn ngữ, thì chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược vẫn còn non tơ mới mẻ lắm, thua xa những ngôi chợ liền anh liền chị như Ngọc Hà, Yên Phụ:

Phiên rằm chợ chính Yên Quang 

Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua

Người Hà Nội vốn có truyền thống yêu hoa tự ngàn xưa có lẽ. Nhất là khi trời đất chớm vào xuân, khiến lòng người xốn xang, xao động. Đành rằng người Hà Nội vừa sành hoa, vừa kỹ kén, mua đào thích mua tại dinh đào Nhật Tân, mua quất ưa lên tận vườn quất Quảng Bá. Nhưng cũng không phải vì thế mà họ lãng quên không tìm đến với chợ hoa, nơi hội tụ vẻ đẹp của muôn vàn báu vật  mùa xuân. Để có thêm cơ hội để mà so sánh, phẩm bình, để bày tỏ sự sành điệu, hay thu lượm thêm những kinh nghiệm của người đời.

Thơ thẩn dạo chợ hoa, ai đó dễ bắt gặp cảnh tượng một cụ ông cao niên đội mũ phớt, chống ba tong, thong thả dừng bên dãy hàng thủy tiên, giương mục kỉnh soi xét đám rễ trắng như tơ óng ánh qua sau làn nước trong veo của bình thủy tiên đang kỳ đơm nụ. Hay là cảnh mấy cô thiếu nữ áo dài tha thướt, cười như mùa xuân tỏa nắng, điệu đà chụp ảnh bên những khóm hoa thược dược đang khoe sắc rực rỡ.

Nhưng trước hết, đi chợ hoa chính là một thú chơi hấp dẫn lạ lùng. Người Hà Nội đi chợ hoa, hỏi han, khen chê. Mặc cả, ngã giá dường như cũng không đến nỗi gắt gao, chao chát như ở chợ rau, chợ cá ngày thường, thậm chí còn điệu đà hơn, thanh nhã hơn cả như chính bản thân mình, giữa những tất bật, lam lũ và căng thẳng trong cuộc mưu sinh thường ngày. Người  đem hoa đến giữa chốn chợ đông muôn hồng ngàn tía, vừa như để phô trương sự tài khéo của nghiệp nhà, vừa như cũng để đúc rút được chút  tinh hoa trong thiên hạ, ngõ hầu trau chuốt cho mảnh vườn, thửa ruộng của gia đình sang năm  tươi tốt hơn lên.

Người đi chợ lựa hoa, xem hoa, mỗi năm cũng tích luỹ được thêm cho cái túi khôn của mình không chỉ là những kinh nghiệm sành điệu của dân Hà Nội, nào là cách xem cây, chọn thế, cách  trông nụ, đoán hoa, cách trưng cành, thả rễ… mà còn là cách giao tiếp, ứng xử giữa con người và thiên nhiên: gần gũi và trân trọng,  giữa con người và con người: hào hoa và phong nhã…

Và làm sao có thể đếm nổi biết bao đôi uyên ương đã từng gửi lại những kỷ niệm của một thời say đắm ở chính nơi được ví như một mảnh hồn xuân rực rỡ và thắm tươi của đất trời Hà Nội

Đi chợ hoa, hay là đi dự đám cưới trong đám cưới, một cuộc hợp hôn  kỳ diệu giữa hoa và hoa, giữa hoa và người, giữa ánh mắt và ánh mắt, giữa muôn ngàn giọng nói, tiếng cười.

Phải chăng, người Hà Nội tìm đến với chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược mỗi năm, như thể là bởi mãi nhung nhớ một lời hò hẹn vô thanh mà đầy quyến rũ, đầy đam mê của cố nhân với cố nhân. Mỗi năm hoa đào nở…

Nhung Vũ