Chung tay đẩy lùi Covid-19, ngân hàng giảm mạnh lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 19:57, 01/04/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Để đảm bảo tích cực hơn, quyết liệt hiệu quả và chủ động hơn nữa, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 31/3/ 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19… Ngay sau khi Chỉ thị số 02 được ban hành, một loạt ngân hàng đã tiên phong giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp.

Trên thực tế, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, từ đầu tháng 3 đến nay ngành Ngân hàng đã triển khai hàng loạt giải pháp quyết liệt, có thể kể đến như: Thông tư số 01/TT-NHNN, cơ cấu lại hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay do dịch Covid-19; giảm mạnh các loại lãi suất điều hành; miễn giảm phí chuyển tiền… và Chỉ thị số 02/CT-NHNN là bước đi tiếp theo thể hiện quyết tâm của NHNN trong hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bước qua đại dịch Covid-19.

Triển khai nhiều giải pháp mạnh

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng đã được Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp đánh giá rất cao. Ảnh: SBV

Chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến triển khai thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, sau 2 tuần triển khai Thông tư 01, các kết quả đạt được đến nay nhìn chung là tích cực, hàng loạt các gói, chương trình, các sản phẩm đã được các ngân hàng triển khai đến người dân, doanh nghiệp. Sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng đã được Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, trước diễn biến dịch ngày càng phức tạp và trên tinh thần của Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 02 được NHNN ban hành hướng đến việc triển khai các giải pháp phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 một cách tích cực, mạnh mẽ và quyết liệt hơn.

Cụ thể, Chỉ thị 02 yêu cầu toàn ngành Ngân hàng tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc” với quyết tâm và sự đồng bộ thống nhất cao hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, từ NHNN đến các TCTD để triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Cùng với đó là nắm bắt, cập nhật kịp thời các thông tin chính thức về diễn biến dịch bệnh để chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, thông suốt.

Tại Chỉ thị số 02, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp. Sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Về lãi suất, NHNN cho biết sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; giám sát chặt chẽ việc thực thi giảm lãi suất của TCTD theo chỉ đạo của NHNN và chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, chỉ đạo, các TCTD tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…

Để các giải pháp đề ra đạt được kết quả cao nhất, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhấn mạnh: “cần sự đồng lòng, quyết tâm chia sẻ của các NHTM”. Đối với những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, những giải pháp của ngân hàng có vai trò, ý nghĩa trực tiếp trong thời điểm hiện nay. Với tinh thần trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú mong muốn cả ngành vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Căn cứ các nội dung Chỉ thị số 02, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các TCTD chủ động triển khai tích cực các giải pháp tại Chỉ thị. Đồng thời tiếp tục triển khai Thông tư 01 quyết liệt, rộng khắp hơn nữa. Cần chú trọng triển khai các biện pháp như cơ cấu lại khoản nợ, hoãn, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất khoản vay cũ và cả khoản vay mới, khuyến khích giảm mạnh, giảm sâu hơn nữa đối với những đối tượng, loại hình doanh nghiệp khó khăn, cần sự chia sẻ để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất. Đặc biệt, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu: “các NHTM phấn đấu giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp, hộ gia đình bị thiệt hại do dịch bệnh gây ra với mức giảm khoảng 2% lãi suất cho vay so với thời điểm trước dịch”.

Giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp

 

Ngay sau khi Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 được NHNN công bố chiều ngày 31/3, nhiều số NHTM đã tiên phong điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 – 4,5% cho các khoản vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Tại cuộc họp trực tuyến, Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, VietinBank sẽ tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng doanh nghiệp và người dân vay vốn ở mức khoảng 2%/năm và có thể cao hơn 2%/năm trước hết đối với các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế như: các hoạt động phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu của người dân cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh cần thiết của các doanh nghiệp.

Tương tự như vậy, Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cũng cho biết sẽ tiếp tục kéo dài chính sách giảm lãi suất từ 1 – 1,5% đối với dư nợ hiện hữu, trước đây đến ngày 30/4 thì được chuyển sang đến ngày 30/9. Đối với khoản cho vay mới, Vietcombank sẽ dành gói tín dụng lên tới 30.000 tỷ đồng, với lãi suất giảm từ 2 - 2,5%, trong đó các khách hàng sản xuất mặt hàng thiết yếu sẽ giảm đến 2,5% so với mặt bằng lãi suất hiện nay. “Như vậy, lãi suất cho vay sẽ chỉ từ 4,5 – 5%/năm, đã thấp hơn rất nhiều so với lãi suất huy động hiện nay”, ông Thành nhấn mạnh.

Cũng trong chiều ngày 31/3, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố, tiếp tục mở rộng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm từ 0,5 - 2,0% trong 6 tháng cho tất cả khách hàng hiện hữu là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ ở tất cả các lĩnh vực. VIB ước tính sẽ có khoảng 9.500 khách hàng ưu đãi, với khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ ngay lập tức được hỗ trợ.

Đến cuối giờ chiều ngày 1/4, HDBank là ngân hàng tiếp theo công bố triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 - 4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước. Hỗ trợ này có hiệu lực từ ngày 31/3/2020. Đặc biệt HDBank sẽ tự động giảm lãi mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải; miễn phí cam kết rút vốn, phí hạn mức tín dụng dự phòng.

Cũng trong chiều 1/4, VPBank công bố chương trình đồng hành thứ 2 với mức giảm lãi suất tới 2% cho các khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chương trình được áp dụng cho cả khách hàng hiện hữu lẫn khách hàng mới có nhu cầu vay vốn tại VPBank. Trước đó từ đầu tháng 2, VPBank là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai gói hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ Covid-19 trong đó có việc giảm lãi suất tới 1,5%/năm.

Đánh giá cao hành động quyết liệt đang được ngành ngân hàng triển khai, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, quyết định giảm lãi suất nhanh và mạnh được các NHTM công bố trong những ngày qua là “liều thuốc” tích cực giúp cộng đồng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

"Giảm lãi suất ngay lập tức cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết yếu" - Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank

Kể từ ngày 23/1 (thời điểm công bố dịch) đến hết tháng 3, bằng các chương trình tín dụng khác nhau hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp (giảm từ 0,5-1,5%), đã có khoảng 30.000 khách hàng của VietinBank được thụ hưởng, với số tiền giải ngân khoảng 60.000 tỷ đồng. Theo gợi ý chỉ đạo của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, chúng tôi cũng sẽ ngay lập tức ra các quyết định để hỗ trợ các mức giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, trung, dài hạn xung quanh ở mức trên dưới 2%. Khoản hỗ trợ này ngay lập tức sẽ được dành cho các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu trực tiếp phục vụ cho đời sống, tiêu dùng của người dân.

Thời gian qua, VietinBank cũng đã cơ cấu nợ được 350 khách hàng, với số dư nợ 18.000 tỷ đồng (20% cơ cấu nợ xử lý nhóm nợ theo Chỉ thị 01). Bên cạnh việc cơ cấu nợ và miễn giảm lãi suất, VietinBank cũng thực hiện giảm phí đối với các doanh nghiệp, với mức giảm từ 20-50%, cá biệt các loại phí về xuất nhập khẩu và thương mại giảm 100%.

"Có phương án thấu đáo với khách hàng không có khả năng trả nợ do Covid-19" - Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank

Sau 15 ngày triển khai Thông tư 01, Vietcombank đã có chính sách giảm lãi suất VND đối với tất cả doanh nghiệp và cá nhân ảnh hưởng bởi dịch, với khối lượng áp dụng giảm lãi suất là 112 ngàn tỷ đồng. Trong đó, giảm lãi suất cho vay 1% đối với cho vay ngắn hạn, giảm 1,5% đối với cho vay trung dài hạn, giảm 0,5% lãi suất cho vay bằng USD, với số tiền doanh nghiệp trực tiếp ảnh hưởng là gần 20.000 tỷ đồng. Về cơ cấu lại nợ, hy vọng trong thời gian sớm nhất chúng tôi sẽ giải quyết thấu đáo nhất đối với những khách hàng không có khả năng trả nợ do dịch Covid - 19, xác định họ có thời gian trả nợ đúng hạn sau thời gian cơ cấu lại nợ.

"Techcombanh xem xét giảm lãi suất cho vay đến 2%" - Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank

Sau khi có Thông tư 01 của NHNN đã ban hành ngay các hướng dẫn nội bộ để triển khai, quán triệt trong toàn bộ hệ thống. Techcombank cũng đang rà soát đánh giá danh mục khách hàng bao gồm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, để đưa ra biện pháp điều chỉnh trong phạm vi Thông tư 01 cho phép. Hiện nay, Techcombank cũng đang xây dựng các danh mục dự phòng cho vay theo lãi suất được giảm từ 0,5 – 1%. Sau hội nghị trực tuyến này, Techcombank sẽ xem xét giảm lãi đến 2%.

"Chính sách hỗ trợ của VIB chưa dừng lại"- Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB

Ngay từ khi dịch Covid - 19 bắt đầu diễn ra, ngân hàng đã chủ động theo sát các diễn biến của dịch, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo và định hướng của Chính phủ và NHNN, đồng thời chủ động đưa ra các gói hỗ trợ dành cho khách hàng hiện hữu và khách hàng mới. VIB cùng các ngân hàng đã có những hành động hết sức quyết liệt, hiệu quả và kịp thời để có những chính sách hỗ trợ thiết thực nhất. Các chính sách hỗ trợ của chúng tôi chưa dừng lại ở đây. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình để đồng hành cùng xã hội.

 

Ngô Hải