Ngành Ngân hàng đồng hành và chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp tại tỉnh An Giang

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 20:34, 22/05/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau sự thành công của các Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, sáng ngày 21/5/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hội nghị được tổ chức trên tinh thần đồng hành, chia sẻ có trách nhiệm giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Mục tiêu của hội nghị hướng đến việc đẩy mạnh triển khai các chính sách, các giải pháp hỗ trợ rất trực tiếp của ngành ngân hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn khôi phục sản xuất kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp. Phó Thống đốc nhấn mạnh: “hoạt động của hệ thống ngân hàng trong giai đoạn hiện nay phải chủ động, tích cực hỗ trợ nền kinh tế với tinh thần “đồng hành - chia sẻ - trách nhiệm”, đặc biệt phải xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong triển khai Thông tư 01”.

Vốn ngân hàng đã từng bước đến với doanh nghiệp khó khăn

Số liệu được công bố tại hội nghị cho thấy, sau 2 tháng triển khai quyết liệt Thông tư 01, các TCTD trên địa bàn tỉnh An Giang đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.542 khách hàng với dư nợ gần 743 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 8.200 khách hàng với dư nợ trên 3.300 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 12.400 tỷ đồng cho hơn gần 20 nghìn khách hàng.

“Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh và tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển kinh tế, NHNN là một trong những cơ quan cấp bộ vào cuộc sớm nhất thông qua việc ban hành Thông tư 01 kịp thời với nhiều giải pháp từ cơ cấu lại nợ, giãn nợ, tiết giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp, địa phương tháo gỡ khó khăn. Song song với đó, hệ thống ngân hàng đặc biệt là ngân hàng trung ương rất sát sao trong việc kiểm tra giám sát, đối thoại doanh nghiệp, tìm hiểu khó khăn”, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân tỉnh An Giang phát biểu tại hội nghị.

Chia sẻ về sự hỗ trợ của ngành Ngân hàng giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Du lịch Việt Xanh cho biết: “Trong suốt quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn nhất đối với các công ty du lịch khi dịch bệnh bùng phát, chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành, chia sẻ từ phía ngân hàng BIDV chi nhánh An Giang. Ngân hàng đã hỗ trợ giảm lãi suất cho vay và giảm các phí giao dịch trực tuyến. Sự hợp tác, hỗ trợ của ngân hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thống đốc NHNN rất kịp thời và phù hợp, đáp ứng mong muốn của doanh nghiệp”.

Bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn một số người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn chậm trong tiếp cận các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới. Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang cũng cho biết, việc giảm lãi suất cho vay và gia hạn nợ của ngân hàng trên địa bàn thời gian qua còn chậm do các chi nhánh NHTM phải xin ý kiến Hội sở. Để chính sách giảm lãi và gia hạn nợ được triển khai kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, ông Việt đề xuất: “NHNN cần hỗ trợ các NHTM trong việc phân loại doanh nghiệp, khoản vay, ngành nghề đặc thù để các ngân hàng thuận lợi hơn trong từng đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”.

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân tỉnh An Giang đề nghị, NHNN quan tâm chỉ đạo các NHTM cổ phần tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm giúp các doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Có giải pháp hiệu quả kéo giảm lãi suất ở mức phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Ngân hàng thương mại quan tâm hỗ trợ tín dụng để doanh nghiệp đầu tư những lĩnh vực tiềm năng và thế mạnh của tỉnh, như: dịch vụ, du lịch, chế biến nông thủy sản…

Đối với doanh nghiệp, ông ông Nguyễn Thanh Bình cũng đề nghị, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất - kinh doanh hiệu quả, minh bạch tài chính; chuẩn bị đầy đủ tài liệu chứng minh thiệt hại, khó khăn để các các tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng trên tinh thần không hạ chuẩn cho vay

Để các giải pháp của ngành Ngân hàng được triển khai kịp thời, hiệu quả hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các đơn vị Vụ/Cục NHNN trong giai đoạn tới cần tập trung làm tốt các nhiệm vụ: Rà soát, tham mưu Ban Lãnh đạo NHNN sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện cho các TCTD hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế kịp thời ứng phó, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19.

Đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử; Khẩn trương phối hợp Bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao của NHNN tại Nghị quyết 42 ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc.

“Các chi nhánh, phòng giao dịch cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành Ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Đối với NHNN chi nhánh tỉnh An Giang, Phó Thống đốc yêu cầu phải thường xuyên làm việc với các sở, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo NHNN, UBND tỉnh để được xem xét xử lý theo quy định.

Để ngành Ngân hàng trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh An Giang nói riêng có thể triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Phó Thống đốc mong muốn, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng trong triển khai các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn trong các lĩnh vực đất đai, thuế, cơ sở hạ tầng... khi tiếp cận vay vốn ngân hàng; tiếp tục hỗ trợ các TCTD trên địa bàn trong xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc cũng lưu ý: “Chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng trên tinh thần không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo an toàn hệ thống, chủ động cân đối vốn để đầu tư các dự án hiệu quả, có khả năng phục hồi ngay sau khi dịch kết thúc; Tổ chức thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các chi nhánh TCTD trên địa bàn không chấp hành, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai theo đúng chủ trương của ngành, quy định và chỉ đạo của NHNN”.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng yêu cầu, các chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD cần sát sao hơn trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; Xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm; Kịp thời phản ánh với NHNN về các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị liên quan đến cơ chế chính sách của ngành ngân hàng trong quá trình triển khai của TCTD.

“Các hiệp hội doanh nghiệp phối hợp hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích các chính sách hỗ trợ, sự đồng hành, chia sẻ của ngành Ngân hàng để doanh nghiệp thành viên nắm bắt, tiếp cận thuận lợi. Về phía các doanh nghiệp, cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả, phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị.

P.V