223.990 khách hàng tại TP.Hồ Chí Minh hưởng lợi từ Thông tư 01

Hoạt động ngân hàng - Ngày đăng : 21:33, 29/05/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiếp nối các hội nghị được tổ chức tại: Hà Nội, Bình Dương, An Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thái Nguyên, Yên Bái.... ngày 29/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh.

Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh

Hội nghị được tổ chức nhằm thông tin kết quả triển khai các giải pháp hỗ trợ của hệ thống ngân hàng đối với người dân và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn. Đồng thời, lắng nghe, tiếp thu những ý kiến từ phía các DN, Hiệp hội DN và đề xuất của cơ quan ban ngành tại thành phố để cùng nhau tháo gỡ khó khăn và tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ của ngành ngân hàng trong thời gian tới.

Cộng đồng DN TP.Hồ Chí Minh ghi nhận những nỗ lực của ngành Ngân hàng

Đánh giá về kết quả hỗ trợ đồng bộ các giải pháp của ngành thời gian qua, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh cho biết, các chính sách của Ngân hàng trung ương đã và đang mang lại những kết quả tích cực và hiệu ứng toàn diện đối với việc duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN nói chung và trên địa bàn thành phố nói riêng. Đây cũng là sự hỗ trợ cần thiết và ý nghĩa thiết thực đối với cộng đồng DN, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố, góp phần vào quá trình thực hiện nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của thành phố đó là: ổn định, phục hồi và phát triển SXKD.

Minh chứng cụ thể hơn cho những nhận định trên, Báo cáo của NHNN Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh về kết quả hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh trình bày tại hội nghị cho biết, tính đến cuối tháng 4, các hoạt động: hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho DN và giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp cho DN (theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN) trên địa bàn đạt 290.577 tỷ đồng, cho 223.990 khách hàng.

Trong đó: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 162.745 khách hàng, với dư nợ đạt 51.803 tỷ đồng; Miễn giảm lãi cho 17.758 khách hàng với dư nợ đạt 48.771 tỷ đồng; Cho vay mới lũy kế từ ngày 23/01/2020 cho 43.487 khách hàng với doanh số đạt 190.003 tỷ đồng.

Cho vay lãi suất ưu đãi ngắn hạn bằng VND (lãi suất không quá 5%/năm) đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực bao gồm: DNNVV, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao. Dư nợ đến cuối tháng 4/2020 đạt 164.966 tỷ đồng, với 31.538 khách hàng vay vốn, trong đó: cho vay hỗ trợ DNNVV đạt 117.035 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71% trong tổng dư nợ cho vay ngắn hạn VNĐ đối với 05 nhóm ngành, lĩnh vực này.

Qua công tác phối hợp với các đơn vị, sở, ban, ngành trên địa bàn nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN, đến ngày 25/5, NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 409 trường hợp được gửi về từ các sở ngành (Sở Công thương, Sở Du lịch và Ủy ban nhân dân 24 quận, huyện, từ đường dây nóng của NHNNTP), trong đó: Đang xử lý 214 trường hợp

Còn lại 195 trường hợp đã có kết quả xử lý, gồm: 41 trường hợp DN chưa có nhu cầu hỗ trợ; 33 trường hợp DN được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2-2%/năm so với lãi suất đang áp dụng trước đó; 8 DN được cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; 4 trường hợp được cho vay mới; 3 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng; 2 trường hợp giảm phí dịch vụ; 34 DN đang xem xét hồ sơ; 42 trường hợp tư vấn hướng dẫn; 5 trường hợp không liên hệ được với DN; 1 trường hợp DN kinh doanh ngành nghề thuộc diện ngân hàng thương mại hạn chế cho vay; 21 trường hợp không đủ điều kiện vay vốn; 1 trường hợp không đủ điều kiện cơ cấu nợ hoặc giảm lãi.

Ông Minh cũng cho biết thêm, đối với chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Năm 2020, có 12 ngân hàng đăng ký gói tham gia chương trình, với tổng vốn là 274.450 tỷ đồng. Đến cuối tháng 4/2020, thực hiện giải ngân gói tín dụng đạt 35.855 tỷ đồng đối với 4.571 khách hàng...

Những nỗ lực của ngành Ngân hàng trên cả nước nói chung, tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng đã được cộng đồng DN ghi nhận. Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.Hồ Chí Minh, bày tỏ lời cảm ơn đến NHNN và khối các NHTM cổ phần. "Các bạn cũng là DN, các bạn đã giảm lợi nhuận của mình để chia sẻ với DN", ông Việt Anh bày tỏ. "Những thông điệp của ngành Ngân hàng trong các cuộc họp tạo được sự trấn an rất lớn cho DN, bởi ngân hàng đã và sẽ luôn đồng hành với DN".

Bên cạnh đó, ông Việt Anh cũng cho biết, các tín hiệu giãn nợ, giảm lãi suất đối với các DN có quá khứ tốt là tín hiệu rất tốt mà ngân hàng TMCP đang thực hiện đối với các DN. Tại hội nghị, ông Việt Anh cũng kêu gọi: "Tất cả các DN cần có sự cảm thông lại với ngân hàng, vì họ đã chính thức phải bỏ bớt hầu bao của mình ra để chăm cho DN và tương lai DN phải có ứng xử lại với họ cho tốt hơn".

"Tôi thấy đây là một buổi để chia sẻ và hỗ trợ DN rất ý nghĩa. DN Việt Thắng jeans đã được Vietcombank và Agribank giảm lãi suất từ 1,3-1,5%", ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans chia sẻ tại hội nghị. Theo ông, ngành Ngân hàng đã có sự thay đổi, đó là: "Sự chủ động hỗ trợ DN".

Trong khi đó, ông Thái Bá Cần, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng đánh giá cao việc NHNN sớm ban hành Thông tư 01. Theo ông, NHNN đã có cái nhìn rất xa để giúp DN, tạo điều kiện chuyển nhóm cho các khoản vay đã giúp DN rất lớn.

Cần sự chia sẻ, thấu hiểu từ các bên

 Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Bên cạnh những chia sẻ đánh giá cao nỗ lực của ngành Ngân hàng trong hỗ trợ DN, tại hội nghị, nhiều DN cũng đưa ra những đề xuất đối với ngành Ngân hàng trong việc tháo gỡ những vướng mắc trong tiếp cận vốn, cơ cấu lại nợ.

Để hỗ trợ cho các DN dệt may nói chung, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jeans kiến nghị: "Điều chỉnh thời gian trả nợ không vượt quá 24 tháng, tạo điều kiện cơ cấu nợ cho DN".

Còn bà Vũ Thị Thu Trang, Công ty Đầu tư Xây dựng Đình Tân đề xuất: "Tăng hạn mức cho vay với DN có nhu cầu nguồn vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong thời gian tới". Trong khi đó, ông Thái Bá Cần mong muốn: "Thủ tục đơn giản, nhanh gọn để DN tiếp cận được ưu đãi từ ngành Ngân hàng".

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, nguồn hỗ trợ từ phía ngân hàng không phải từ gói nào cả, mà từ sự huy động của chính các NHTM hiện nay, huy động từ gửi tiết kiệm, tiền gửi thanh toán... Còn gói lãi suất giảm từ 1 - 2% cũng là cắt giảm từ chi phí, lợi nhuận thậm chí là tiền lương của nhân viên ngân hàng.

"Đối với các NHTM cổ phần nhà nước với vai trò chủ lực, NHNN cũng chỉ đạo giảm lợi nhuận, phê duyệt lại kế hoạch kinh doanh đến cuối năm. Đó là sự chia sẻ, đồng hành từ các ngân hàng và cũng cần sự chia sẻ, thấu hiểu từ phía hai bên", Phó Thống đốc bày tỏ.

Cũng theo Phó Thống đốc, thời điểm này cũng là dịp cơ cấu tổng thể nền kinh tế đối với hệ thống các DN và chính các ngân hàng. Trong đó, hệ thống ngân hàng cũng phải chấp nhận một cuộc chơi cạnh tranh, phải làm tốt để giữ niềm tin của người dân và có quan hệ tốt với các DN.

Về phía các DN, Phó Thống đốc đề nghị, các DN cũng cần cơ cấu lại để các ngân hàng thấy rõ năng lực tài chính, có nguồn trả nợ... thực sự là DN thủy chung với ngành Ngân hàng.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng sẽ thực hiện thông thoáng hơn nữa nhưng vẫn đảm bảo hành lang pháp lý không để nợ xấu tái diễn, đồng thời bảo đảm an toàn cho hệ thống TCTD. Trên tinh thần đó, NHNN không chỉ quan tâm đến những DN khó khăn, yếu kém mà cả DN khỏe có khả năng bứt phá để phát triển cũng cần sớm được hỗ trợ. "Đặc biệt, Thông tư 01 không phải là bất biến, NHNN sẽ xem xét để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn", Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc đề nghị, các đơn vị, vụ, cục của NHNN, tiếp thu nội dung kiến nghị của Thông tư 01 đặc biệt là thời hạn, thời gian cơ cấu lại nợ, xác định thời gian và xem xét 1 số chính sách hỗ trợ các TCTD cơi nới hơn để các TCTD có điều kiện hỗ trợ hơn cho các DN.

Đối với NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Phó Thống đốc yêu cầu, cần phải tiếp nhận và kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, kiến nghị liên thông qua đường dây nóng của chi nhánh; Phối hợp thường xuyên với các hiệp hội ngành hàng, DN, tổ chức, cá nhân và các đơn vị liên quan trên địa bàn để nắm bắt, chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng cũng như chia sẻ, thông tin, tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện...

Thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn để chia sẻ, thông tin, tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng nhằm tạo sự đồng thuận trong triển khai, thực hiện; Phối hợp với các cơ quan liên quan trên địa bàn để chỉ đạo triển khai kịp thời.

Còn với với các TCTD, Phó Thống đốc yêu cầu tiếp tục triển khai Chỉ thị 02; Tăng cường truyền thông để DN hiểu rõ chính sách, điều kiện của từng ngân hàng; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh hỗ trợ DN nhưng không hạ chuẩn tín dụng.

Ngô Hải