Sửa đổi quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động của công ty tài chính và cho thuê tài chính

Chính sách mới - Ngày đăng : 12:56, 12/06/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động mà các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Thông tư 36), với những điều chỉnh về: Vốn tự có; hạn chế, giới hạn cấp tín dụng; tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn… Đối tượng áp dụng của Thông tư gồm: công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính.

Hiện nay, các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD phi ngân hàng được điều chỉnh tại Thông tư số 36. Do đó, NHNN cho biết, việc sửa đổi này để hợp với quy định tại Luật các TCTD và đảm bảo quy định về giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn phù hợp với đặc thù của từng loại hình TCTD, đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, dễ tra cứu cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong quá trình hoạt động. Dự thảo thông tư được xây dựng trên cơ sở kế thừa và sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Thông tư 36 đối với TCTD phi ngân hàng. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2021.

Điều chỉnh tăng hệ số rủi ro

So với Thông tư số 36, dự thảo thông tư mới có kế thừa và bổ sung thêm các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (Điều 9). Dự thảo thông tư sửa đổi hệ số rủi ro theo hướng được điều chỉnh tăng nhằm đảm bảo kiểm soát, hạn chế đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, cụ thể:

Nhóm tài sản Có có hệ số rủi ro 50% được xác định đối với: Các khoản phải đòi được bảo đảm toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay…; là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ; là khoản cho vay cá nhân để khách hàng mua nhà ở mà số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại hợp đồng tín dụng dưới 1,5 tỷ đồng. Mỗi khách hàng chỉ được áp dụng hệ số rủi ro này cho 1 khoản vay.

Nhóm tài sản Có có hệ số rủi ro 120% (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2021) và 150% (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022) đối với: Các khoản phải đòi đối với cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%).

NHNN cho biết, những điều chỉnh trên xuất phát từ một số lý do, gồm:

Thứ nhất, thực hiện chủ trương của Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững của thị trường bất động sản và an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng nói chung và tổ chức tín dụng phi ngân hàng nói riêng…

Thứ hai, quy định này thể hiện mạnh mẽ thông điệp của NHNN kiểm soát cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản để mua nhà ở phân khúc cao cấp, gián tiếp yêu cầu tổ chức tín dụng phi ngân hàng cần dự trữ thêm vốn đối với lĩnh vực bất động sản có tiềm ẩn rủi ro.

Do đó, tổ chức tín dụng phi ngân hàng cần kiểm soát dư nợ cho vay cá nhân để phục vụ nhu cầu đời sống liên quan đến bất động sản ở phân khúc cao cấp. Quy định này ít ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có năng lực tài chính tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao.

Thứ ba, góp phần giúp tổ chức tín dụng phi ngân hàng thận trọng, kiểm soát chặt chẽ hơn đối với cho vay phục vụ đời sống nhưng sử dụng vốn vay vào mục đích kinh doanh bất động sản, từ đó giảm thiểu rủi ro khi thị trường bất động sản có biến động mạnh theo chiều hướng xấu. Điều này cũng giúp thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh, ổn định hơn.

Thứ tư, không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn để mua nhà ở xã hội, mua nhà theo các chương trình, dự án của Chính phủ, nhà ở có giá dưới 1,5 tỷ đồng/căn cũng như nhu cầu vay vốn để phục vụ sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của khách hàng (hệ số rủi ro không thay đổi).

Hạn chế, giới hạn cấp tín dụng

Liên quan đến quy định “hạn chế, giới hạn cấp tín dụng”, dự thảo thông tư kế thừa Thông tư số 36 và bổ sung một số nội dung:

Đầu tiên, quy định về việc TCTD phi ngân hàng phải căn cứ vào vốn tự có riêng lẻ để xác định hạn chế, giới hạn cấp tín dụng (khoản 2 Điều 10).

Tiếp đến, điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp (Điều 11): TCTD phi ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp là công ty con của chính tổ chức tín dụng phi ngân hàng đó. Cuối cùng là, quy định TCTD phi ngân hàng định kỳ báo cáo Ngân hàng Nhà nước đối với các khoản cấp tín dụng cho khách hàng là đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng (Điểm c khoản 3 Điều 13) để phù hợp với Thông tư số 35/2015/TT-NHNN quy định chế độ báo cáo thống kê.

Giải thích cho những điều chỉnh bổ sung trên, NHNN cho biết, Phụ lục 1 Thông tư số 35/2015/TT-NHNN quy định chế độ báo cáo thống kê, các TCTD phi ngân hàng đang thực hiện báo cáo theo định kỳ tháng đối với các đối tượng thuộc Điều 126 và Điều 127 Luật các TCTD 2010.

Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho TCTD phi ngân hàng trong việc tuân thủ quy định về báo cáo các khoản cấp tín dụng đối với các đối tượng hạn chế cấp tín dụng, dự thảo Thông tư sửa đổi về tần suất gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng). 

NHNN cũng cho biết, dự thảo Thông tư kế thừa Thông tư số 36, tuy nhiên có bổ sung về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp, cụ thể: “TCTD phi ngân hàng không được cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp là công ty con của chính tổ chức tín dụng phi ngân hàng đó nhằm hạn chế việc sử dụng dòng tiền vay của tổ chức tín dụng phi ngân hàng, lòng vòng để mua trái phiếu doanh nghiệp do công ty con của tổ chức tín dụng phi ngân hàng phát hành”.

Tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn

Nội dung này kế thừa Thông tư số 36, tuy nhiên có sửa đổi, bổ sung các hoạt động mà công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính được phép thực hiện theo quy định của pháp luật, cụ thể:

Đối với tổng dư nợ cho vay trung hạn, dài hạn: Bổ sung hoạt động cho thuê tài chính các chương trình, dự án được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn theo quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bổ sung dư nợ gốc bị quá hạn đối với ủy thác cho thuê tài chính.

Đối với nguồn vốn trung và dài hạn: Bổ sung khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại vốn chủ sở hữu có gốc ngoại tệ thuộc khoản mục Vốn chủ sở hữu được ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán tại thời điểm gần nhất khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ ra đồng Việt Nam.

NHNN cho biết, theo chuẩn mực kế toán, các TCTD sử dụng tỷ giá lịch sử để hạch toán vốn và chênh lệch do tỷ giá thay đổi được hạch toán vào tài khoản chênh lệch tỷ giá. Theo đó, đối với các TCTD sử dụng đồng tiền kế toán là ngoại tệ thì vốn chủ sở hữu được quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao ngay do TCTD phi ngân hàng công bố tại thời điểm góp vốn.

“Vì vậy, chỉ TCTD phi ngân hàng có đồng tiền kế toán là ngoại tệ thì mới có khoản mục chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại vốn chủ sở hữu có gốc ngoại tệ”, NHNN cho biết.

Trên thực tế, khoản mục chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại vốn chủ sở hữu của TCTD phi ngân hàng là khoản mục khá ổn định, do đó dự thảo Thông tư bổ sung phần chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại vốn chủ sở hữu vào nguồn vốn trung hạn, dài hạn.

Dự thảo thông tư cũng chỉnh sửa nội dung: “Tiền vay Chính phủ dưới hình thức vốn tài trợ ủy thác đầu tư mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro” thành “Vốn tài trợ ủy thác đầu tư nhận của Chính phủ mà tổ chức tín dụng phi ngân hàng chịu rủi ro”.

Theo lý giải của NHNN, thực tế có trường hợp TCTD nhận nợ từ Bộ Tài chính để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoặc các dự án có nguồn vốn vay từ các tổ chức quốc tế, nhà tài trợ (JBIC, JICA, REDP, EIB…) mà Sổ tay hoạt động, Sổ tay quản lý tài chính và giải ngân các Dự án và các văn bản về hạch toán kế toán nguồn vốn Dự án quy định: TCTD ghi nhận khoản vay này là khoản vay Bộ Tài chính được phản ánh là vốn tài trợ ủy thác đầu tư nhận của Chính phủ và TCTD phải chịu rủi ro đối với khoản vay này với Chính phủ Việt Nam; Chính phủ Việt Nam sẽ nhận nợ với các tổ chức quốc tế.

Do đó, để TCTD phi ngân hàng dễ thực hiện khi xác định tỷ lệ này, dự thảo Thông tư chỉnh sửa tiền vay Chính phủ dưới hình thức vốn tài trợ ủy thác đầu tư mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chịu rủi ro thành “Vốn tài trợ ủy thác đầu tư nhận của Chính phủ mà tổ chức tín dụng phi ngân hàng chịu rủi ro”.

Dự thảo thông tư cũng quy định: TCTD phi ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn là 90%. Theo NHNN, nguồn vốn ngắn hạn không bao gồm tiền gửi và tiền vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác tại Việt Nam.

Hoàng Quyên