Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tuyên truyền chính sách pháp luật cho lao động nữ

Sống đẹp - Ngày đăng : 17:21, 25/06/2020

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 25/6/2020, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội nghị tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động nữ, nói chuyện chuyên đề “Phụ nữ thành công và hạnh phúc gia đình”.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thống đốc thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, với tỉ lệ nữ cán bộ đoàn viên người lao động (CBĐVNLĐ) chiếm gần 60%, công tác nữ công luôn được Công đoàn các cấp quan tâm chỉ đạo sát sao và làm tốt công tác chăm lo và đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho lao động nữ.

100% các đơn vị trong ngành Ngân hàng đều thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và đúng quy định của pháp luật về lao động, như: hỗ trợ thai sản; tổ chức khám sức khỏe định kỳ; hỗ trợ tiền gửi trẻ mẫu giáo; tham mưu với chuyên môn hỗ trợ thời gian, kinh phí, tạo điều kiện để chị em tham gia các chương trình tập huấn, tọa đàm, hội thi, các hoạt động văn hóa thể thao,…

Đặc biệt, hưởng ứng sự kiện “Áo dài, di sản văn hóa Việt Nam”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã giao Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng các vụ chức năng liên quan của Ngân hàng Nhà nước thực hiện trang cấp đồng phục áo dài cho toàn thể chị em CBĐVNLĐ Ngân hàng Nhà nước năm 2020. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của các cấp Lãnh đạo với nữ CBĐVNLĐ khối Ngân hàng Nhà nước.

Còn đối với các ngân hàng thương mại (NHTM), các tổ chức tín dụng thì tùy tình hình thực tế, công đoàn phối hợp chuyên môn nghiên cứu đề xuất thực hiện trang cấp áo dài đồng phục cho nữ CBĐVNLĐ.

Những năm gần đây, việc lấy ngày 28/6 hằng năm là Ngày gia đình Việt Nam và tháng 6 là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đã khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đối với công tác gia đình, coi gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Vì vậy, thời gian qua, hoạt động của CĐNHVN luôn đặt công tác gia đình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình, kế hoạch công tác của mình.

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng hơn khi chỉ còn nửa năm nữa Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2019 sẽ chính thức được áp dụng với nhiều điểm mới, đặc biệt là đối với lao động nữ.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, Công đoàn và Ban Nữ công công đoàn các cấp ngành Ngân hàng cần tập trung nghiên cứu và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, và nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền đối với công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, ban lãnh đạo mà trong đó Công đoàn là đầu mối thực hiện.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước bằng việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là luật hôn nhân gia đình, luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, luật bình đẳng giới và các văn bản pháp luật khác có liên quan…

Cụ thể hoá các nội dung của Chỉ thị 49/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vào chương trình công tác hàng năm của Ban Nữ công công đoàn các cấp; tăng cường sự phối hợp giữa Công đoàn với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cùng cấp trong triển khai, thực hiện các nội dung hoạt động hướng tới bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ…

Phó Thống đốc nhấn mạnh, quan tâm tới việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động nói chung, trong đó có đoàn viên, lao động nữ. Nghị quyết số 11-NQ/TW của bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước đã khẳng định: “Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”.

Vì vậy, làm tốt công tác phụ nữ chính là góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ. Duy trì việc sơ kết, tổng kết khen thưởng, biểu dương các gia đình CBĐVNLĐ tiêu biểu, đẩy mạnh các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, Phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” và Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”… qua đó phát hiện, nhân rộng các tấm gương điển hình tiên tiến trong tổ chức, xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần vào sự nghiệp phát triển của ngành Ngân hàng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, công tác nữ công nhân viên chức lao động nói chung cần tập trung vào những vấn đề: Các cấp Công đoàn tập trung tham gia kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện quyền của lao động nữ, nghiên cứu tham mưu giải quyết các vấn đề bức xúc của lao động nữ, về điều kiện tiếp cận thụ hưởng những dịch vụ xã hội, hỗ trợ lao động nữ có việc làm bền vững, môi trường làm việc an toàn, bình đẳng.

“Cần tăng cường các hoạt động xây dựng gia đình của nữ công nhân viên chức lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, xây dựng và nhân rộng các gia đình tiêu biểu, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách pháp luật, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nữ công nhân viên chức lao động”, ông Thuật nhấn mạnh.

Tại hội nghị, bà Trịnh Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giới thiệu những điểm mới của Bộ Luật lao động năm 2019 đối với lao động nữ, một số sửa đổi có tác động thúc đẩy bình đằng giới. Tiền lương, hợp đồng lao động, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tuổi hưu, quyền tự do tìm kiếm việc làm, thương lượng tập thể theo hướng thúc đẩy bình đẳng giới, hoàn thiện khung pháp lý về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Theo bà Hằng, việc ban hành Bộ Luật lao động 2019 là dấu mốc quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động của Việt Nam theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 

P.V