Quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất

T.Dũng| 05/05/2020 20:57
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 5/5/2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 trong điều kiện vẫn bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch Covid-19.

Phát biểu mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong 3 tháng qua, cả hệ thống tập trung chống dịch. Quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng là chống dịch như chống giặc, lấy phòng dịch là ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch hiệu quả, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe người dân. Đến nay đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, gần 20 ngày không phát sinh ca nhiễm ngoài cộng đồng, chưa có trường hợp tử vong vì dịch. “Thắng lợi đến thời điểm này rất quan trọng, khẳng định ý chí quyết tâm, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu mở đầu cuộc họp báo

Nhiệm vụ thời gian tới, người phát ngôn Chính phủ dẫn lời Thủ tướng khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ là phải quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất, sớm đưa nền kinh tế phát triển bình thường, dù có rất nhiều khó khăn. “Chúng ta phải có quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu, từ cải cách thế chế, đến thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động”, ông Mai Tiến Dũng nói.

Trong phòng chống đại dịch, Thủ tướng đã dự nhiều hội nghị cấp cao, qua đó các nước đều đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch. Vì ở vị trí của Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn, cộng với nền kinh tế có độ mở cao, nhiều khách du lịch, đầu tư… Việt Nam chủ động từ đầu, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nên uy tín, lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế được nâng lên. Ngày 9/5 Thủ tướng sẽ gặp mặt toàn bộ các doanh nghiệp của cả nước nhằm tháo gỡ khó khăn, động viên doanh nghiệp, tạo ra không khí, niềm tin và quyết tâm bứt phá.

“Khi có lòng tin, có được sự tin cậy của các nước trước kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam, chúng ta phải sẵn sàng các điều kiện để đón các làn sóng đầu tư”, ông Dũng nói. Người phát ngôn Chính phủ khẳng định tiếng nói của tất cả cá nhân, tổ chức trong xã hội đều được lắng nghe, để từ đó tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khởi động lại nền kinh tế sau đại dịch.

Theo đánh giá của Chính phủ tại phiên họp cùng ngày, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đến nay cơ bản được kiểm soát khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh để tận dụng “thời gian vàng” chống dịch và chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 giảm 1,54% so với tháng trước, chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh, giá nhiều mặt hàng phi lương thực, thực phẩm giảm khi thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 4,9% so với cùng kỳ, tuy thấp hơn tháng trước (5,56%) nhưng ở mức cao.

Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu, thanh khoản thị trường. Tính đến ngày 22/4, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,6% so với cùng kỳ, huy động vốn tăng 12,16%; tín dụng tăng nhẹ 0,99% so với cuối năm 2019. Mặt bằng lãi suất giảm ở cả ngắn, trung và dài hạn.

Thu ngân sách Nhà nước gặp khó khăn do nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh; thu ngân sách trong tháng giảm 16,4% so với tháng trước, 4 tháng ước đạt 491,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,5% dự toán năm, giảm 5,9% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách Nhà nước cơ bản đáp ứng nhu cầu; tăng chi cho các hoạt động ngăn chặn, phòng, chống dịch, phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 472,1 nghìn tỷ đồng, bằng 27% dự toán năm, tăng 9,8% so với cùng kỳ.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 trong điều kiện vẫn bảo đảm giãn cách theo quy định phòng chống dịch Covid-19

Về đầu tư phát triển, tổng vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài đạt thấp, ước khoảng 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so cùng kỳ; giải ngân vốn FDI ước đạt 5,15 tỷ USD, giảm 9,6% (cùng kỳ tăng 7,5%). Số lượng các đoàn sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm giảm mạnh, đặc biệt là từ các đối tác chủ yếu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, ASEAN, Mỹ, EU.

Giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến tích cực, tính chung 4 tháng ước đạt trên 89,3 nghìn tỷ đồng, bằng 18,98% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 30% so với cùng kỳ; trong đó riêng tháng 4, giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 27,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với bình quân giải ngân 03 tháng đầu năm. 

 “Hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế và ổn kinh tế vĩ mô”

Liên quan đến việc ngân hàng không hạ chuẩn cho vay khi doanh nghiệp khó khăn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp và người dân đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng tình hình tài chính của tổ chức tín dụng. Ngoài ra, ngân hàng cũng là trung gian tài chính, nhận tiền gửi và cho vay lại. Khi khách không có nguồn thu thì ảnh hưởng tình hình trả nợ, làm gia tăng nợ xấu.

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, nhiệm vụ của các tổ chức tín dụng là vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vừa đảm bảo hoạt động của bản thân mình. Do đó, việc hạ chuẩn cho vay khiến tổ chức tín dụng đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như trước đây.

“Hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế và ổn kinh tế vĩ mô”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Dẫn đề xuất phương án hạ chuẩn cho vay bằng việc thúc đẩy bảo lãnh của Chính phủ của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phó Thống đốc cho biết những đề xuất này sẽ được Chính phủ xem xét.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp phản ánh bị thiệt hại do dịch Covid-19 đang nợ ngân hàng nhưng chưa tiếp cận được với vốn để được hỗ trợ kịp thời.

Theo đó, các “rào cản” về thẩm định, chứng minh thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra hay tài sản thế chấp và chứng minh khả năng trả nợ vẫn là những “nút thắt” rất lớn để doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Ngân hàng cần xử lý các chi nhánh, cán bộ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, chậm trễ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định không nới lỏng điều kiện cho vay nhằm đảm bảo an toàn tín dụng và hoạt động lành mạnh của ngành Ngân hàng.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO