“Số hóa” dịch vụ công để phát triển kinh tế

Minh Hoàng| 19/05/2020 14:32
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Việc đưa vào vận hành hiệu quả Cổng Dịch vụ công Quốc gia được xem là bước thúc đẩy giao dịch điện tử, “số hóa” thủ tục hành chính góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế số hậu Covid-19.

Sáng 19/5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, để kịp thời ứng phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ đã thực hiện chuyển đổi mạnh phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công như tăng cường làm việc gửi - nhận văn bản điện tử, báo cáo điện tử của Chính phủ và báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ cấp tỉnh phát huy hiệu quả.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại Hội nghị

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia, người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể theo dõi được quá trình giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng có thể đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.

Do đó có thể thấy, việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng Dịch vụ công Quốc gia là “kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính. Việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương.

Ở góc độ doanh nghiệp từng trực tiếp tham gia các thủ tục hành chính, đại diện FPT Retail cho biết, dịch vụ công trực tuyến là xu hướng tất yếu nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và giảm thiểu tối đa nạn nhũng nhiễu của bộ phận cán bộ. Tuy nhiên cần kết hợp chặt chẽ nguồn lực công - tư nhằm hạn chế các khó khăn, tăng cường hiệu quả sử dụng cho mọi bên liên quan. Đồng thời  cần tăng cường các kênh thông tin giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt, sử dụng dễ dàng, thuận tiện các dịch vụ công do nhà nước cung cấp. Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã phòng chống đại dịch Covid-19 quyết liệt và hiệu quả. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch đã được công nhận và ngợi ca trên toàn cầu nhưng bài học kinh nghiệm nổi bật nhất có lẽ là yêu cầu chuyển đổi kỹ thuật số và đáp ứng nhanh các nhu cầu dịch vụ công đặt ra đối với các chính phủ.

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến. Ảnh: M.H

Theo đại diện Ngân hàng thế giới, giá trị của Cổng dịch vụ công quốc gia đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19 vừa rồi. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu qua hình thức trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước. Đại diện WB cũng đánh giá việc Chính phủ đã huy động nhiều biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong đại dịch vừa qua cho thấy nỗ lực của Chính phủ để tiếp tục thúc đẩy cải cách chính phủ điện tử cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia được khai trương từ ngày 9/12/2019 và đến nay, đã có trên 140.000 tài khoản đăng ký, trên 35 triệu lượt truy cập, trên 7,3 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 68.000 hồ sơ được thực hiện qua cổng này. Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành, địa phương. Đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa TTHC thông qua liên thông điện tử giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết và giảm hồ sơ, giấy tờ phải nộp do tái sử dụng thông tin đã có hoặc chia sẻ dữ liệu.

Bên cạnh đó, còn giúp công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tra cứu, tiếp cận, thực hiện TTHC, dịch vụ công cũng như tăng cường giám sát, đánh giá của người dân, doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước. 

Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ảnh chụp màn hình

Hệ thống cũng tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp… Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng cho biết, cổng Dịch vụ công Quốc gia hiện có 389 dịch vụ công trực tuyến (160 cho công dân, 229 cho doanh nghiệp) với các dịch vụ thủ tục hành chính như  thông báo hoạt động khuyến mại, nộp thuế, phí, lệ phí, thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông; một số thủ tục mảng bảo hiểm, thuế…và nhiều thủ tục cụ thể khác.

Ngoài ra, từ ngày 12/5, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Để thực hiện TTHC, dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp chỉ cần truy cập địa chỉ www.dichvucong.gov.vn và đăng ký tài khoản theo hướng dẫn để giao dịch giao dịch điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Số hóa” dịch vụ công để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO