Tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Chiến| 03/08/2019 16:26
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau 30 năm đổi mới, với rất nhiều cố gắng duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, nhưng đến nay, Việt Nam mới được xếp trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Vấn đề lớn mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải là chất lượng tăng trưởng bộc lộ nhiều hạn chế. Để “hóa rồng”, Việt Nam cần phải thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung đầu tư khoa học công nghệ, tái cơ cấu nền kinh tế.

Ngày nhận bài: 27/5/2019 - Ngày biên tập: 28/5/2019 - Ngày duyệt đăng: 5/7/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14 năm 2019.

Tóm tắt: Sau 30 năm đổi mới, với rất nhiều cố gắng duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, nhưng đến nay, Việt Nam mới được xếp trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp. Vấn đề lớn mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải là chất lượng tăng trưởng bộc lộ nhiều hạn chế. Tăng trưởng theo chiều rộng đã tới hạn, năng suất lao động vẫn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, mức độ phát triển về khoa học và công nghệ còn hạn chế. Để “hóa rồng”, Việt Nam cần phải thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung đầu tư khoa học công nghệ, tái cơ cấu nền kinh tế.

Từ khóa: năng suất lao động, khoa học công nghệ, tái cơ cấu, mô hình tăng trưởng

Economic Restructuring, Promotion of Science - Technology and Growth Model Renovation

Abstract: Over 30 years since “Doi moi”, Vietnam has grown at nearly 7% on an average and become a low-middle-income economy. However, the biggest problems Vietnamse economy are  facing can be named: the limitations in growth quality economy-wide productivity growth labor productivity, economic structure shifting at a slow pace, limitations in development levels of science and technology. To become a dragon, Vietnam needs to renovate growth model, attract more investment in science and technology as well as restructure the whole economy.

Keywords: labor productivity, science and technology, restructuring, growth model

1. Những vấn đề của mô hình tăng trưởng cũ

Các yếu tố cấu thành nên tăng trưởng gồm lao động tư bản (còn gọi là vốn) và năng suất lao động. Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn tập trung quá nhiều vào chiều rộng, tăng khối lượng sản xuất chỉ bằng tăng các yếu tố đầu vào là lao động, vốn nhưng ít kèm theo đóng góp của khoa học công nghệ. Giai đoạn 2001 – 2015, mức độ đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng của Việt Nam chỉ đạt 11,67%, thấp hơn nhiều so với mức độ đóng góp ở các nước trong khu vực (Trung Quốc 52%, Thái Lan 53%, Indonesia và Malaysia 49%).

Trong thời kỳ đầu phát triển, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào và giá nhân công rẻ, tăng trưởng theo chiều rộng giúp nền kinh tế sử dụng nhiều lao động, thu hẹp thất nghiệp và sử dụng nhiều tài nguyên. Giai đoạn 1990 – 2007, Việt Nam đạt được tăng trưởng cao ở mức bình quân 7,66%, nhưng từ sau năm 2007, mô hình tăng trưởng gặp nhiều trục trặc, tốc độ tăng trưởng không còn duy trì cao như những năm trước, chỉ đạt bình quân 6,17%, năng suất lao động vẫn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lao động trong ngành nông nghiệp và khu vực phi chính thức còn cao, khoảng 18 triệu người, trong đó khoảng 10,8 triệu người ở khu vực nông thôn (theo ILO, 2016), đặt Việt Nam trước thách thức “bẫy thu nhập trung bình”.

Mô hình tăng trưởng vẫn còn nhiều trục trặc, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity - TFP) vào tăng trường còn thấp. Đóng góp vào tăng trưởng gồm 3 nhân tố chính, vốn (K), lao động (L) và năng suất nhân tố tổng hợp TFP. Trong đó, đóng góp của lao động vào tăng trưởng đang giảm dần và hiện còn ở mức 18,8%. Đối với vốn, những năm 2001 – 2010 vốn đóng góp tới 2/3 vào tăng trưởng, giảm xuống đôi chút còn 51,3% trong giai đoạn 2011 – 2015 và hiện nay còn khoảng 40,75%. Điều đó nghĩa rằng, Việt Nam đã từng thúc đẩy tăng trưởng dựa trên sự mở rộng vốn, nhiều năm đã duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và vay nợ để mở rộng đầu tư.

 

Phát triển kinh tế theo chiều sâu dựa trên nền tảng sự phát triển khoa học kỹ thuật, qua chỉ tiêu TFP. Hình 1 cho thấy, giai đoạn 2001 – 2015, mức đóng góp của TFP ở mức rất thấp, thậm chí năm 2006 – 2010 mức đóng góp là không có, TFP âm 5,45%, giai đoạn này Việt Nam tăng trưởng mạnh dựa vào thâm dụng vốn đầu tư, tăng cung tín dụng rất cao, mức tăng trưởng tín dụng cao bình quân 33,25% năm, đồng thời mở rộng vay nợ nước ngoài và tăng nợ công, do vậy, lạm phát duy trì mức cao, bình quân 11,14% trong khi tăng trưởng GDP suy giảm mạnh. Hiện nay, đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế đang có sự cải thiện ở mức 40,37%, tăng hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015, nhưng vẫn còn ở mức thấp hơn so với chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, thấp hơn nhiều mức đóng góp của TFP tại các nền kinh tế Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Trung Quốc trong thời kỳ có GDP bình quân tương tự Việt Nam.

- Thứ hai, năng suất lao động xã hội tăng hàng năm, nhưng còn chậm, tới năm 2018 năng suất lao động vào khoảng 102 triệu đồng, tăng gấp 4 lần năng suất năm 2006 (24,1 triệu đồng). Tốc độ tăng năng suất lao động đã được cải thiện trong những năm gần đây, năm 2018 tăng 5,93%; năm 2017 tăng 6%; năm 2016 tăng 5,90%, cao hơn mức tăng bình quân 4,34%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tuy nhiên, nếu tính chung giai đoạn 2006 đến nay, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chỉ đạt 4,37%, mức tăng năng suất nhiều năm đạt mức rất thấp như 2,81% năm 2008, 2,57% năm 2009, vì vậy thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm 2018 chỉ vào khoảng 2.587 USD, khó có thể đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là 3.500 USD vào năm 2020.

 

- Thứ ba, năng suất lao động của Việt Nam thấp. So sánh năng suất lao động của Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á, so sánh với nhóm nước kém phát triển nhất Đông Nam Á (CLMV - là khối gồm 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar), với ASEAN+6, ASEAN đều thấy sự tụt hậu.Theo Tổ chức năng suất châu Á (xem Hình 3), năng suất lao động của Việt Nam thậm chí còn thấp hơn cả Lào, Myanmar và thấp hơn cả CLMV. Năm 2018, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 96% Myanmar, 88,7% Lào, 54.5% Philippines, 41% Indonesia, 36% Thái Lan, 18% Malaysia, 35,4% ASEAN+6, 43,6% ASEAN và chỉ tương đương với 7,7% Singapore.

 

Phân tích về xu thế thay đổi của năng suất lao động trong giai đoạn 1970 – 2016, nếu lấy Hoa Kỳ làm chuẩn, năng suất lao động của Việt Nam có tăng lên, nhưng tốc độ tăng khá chậm, cũng trong thời gian đó, năng suất lao động của Singapore, Hồng Kông, Malaysia… tăng rất mạnh (độ dốc đồ thị của các quốc gia này đều lớn hơn Việt Nam), thể hiện khoảng cách tuyệt đối về thu nhập bình quân giữa Việt Nam và một số nước trong khu vực đang được nới rộng.

 

- Thứ tư, sự đầu tư, mức độ phát triển về khoa học và công nghệ còn hạn chế. Chỉ số kinh tế tri thức (KEI – Knowledge Economic Index) còn rất thấp, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số KEI của Việt Nam  hiện đang là 3,51, trong đó chỉ số sáng tạo là 2,72, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như trường hợp của Singapore 8,44, Malaysia 6,07 và Thái Lan 5,52. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), tới năm 2018 tỷ lệ bằng sáng chế và ứng dụng Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể (xếp hạng 51), cao hơn Philippines (xếp hạng 55), Bangladesh (xếp hạng 102), nhưng vẫn thấp hơn nhiều Singapore (hạng 25), Indonesia (hạng 35), Malaysia (hạng 38), Thái Lan (hạng 40).

Năm 2018, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII – Global Innovation Index) của Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm 2017, từ vị trí 47/127 lên vị trí 45/127 nước và tăng 14 bậc so với năm 2016 và nền kinh tế, thuộc nhóm dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nhưng vẫn còn thấp hơn so với các nước trong khu vực (Thái Lan: hạng 44; Malaysia: hạng 36; Singapore: hạng 5).

- Thứ năm, cấu trúc nền kinh tế còn lạc hậu. Nền kinh tế chủ yếu tập trung vào các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản, ngành sản xuất, quá trình sản xuất chủ yếu sản xuất thô, giá trị gia tăng thấp và khai thác tài nguyên, đối với ngành dịch vụ có năng suất cao hơn nhưng chiếm tỷ trọng còn thấp, thấp hơn khoảng 10-15% so với các nước trong khu vực.

Một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hoạt động không hiệu quả. Khu vực FDI được ưu đãi nhiều về thuế và đất đai, nhưng số liệu mới đây của Bộ Tài chính cho biết có đến 52% doanh nghiệp FDI vẫn báo lỗ (tương ứng với 8.646 doanh nghiệp), các doanh nghiệp nội địa trong nước chưa được tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về hiệu quả sản xuất kinh doanh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2017), năm 2017 khu vực FDI có mức tăng doanh thu thuần cao nhất, tương ứng 134,5% so với năm 2011, trong khi khu vực ngoài nhà nước chỉ tăng 78,8% và khu vực DNNN tăng thấp nhất 10%.

Đối với lực lượng lao động, chỉ có 18% lao động kỹ năng đã được đào tạo, còn lại  82% lao động chưa được đào tạo, trong khi đó, ngành dịch vụ mặc dù có năng suất cao nhưng chỉ tạo số lượng việc làm hạn chế. Lao động chưa kỹ năng vẫn chủ yếu làm việc trong ngành nông lâm nghiệp, thủy sản và làm công nhân lắp ráp trong các ngành công nghiệp lắp ráp, có năng suất thấp. Theo Viện Năng suất Việt Nam (2018), năm 2017 năng suất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 39,7 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều năng suất ngành công nghiệp – xây dựng 133,7 triệu đồng và ngành dịch vụ 125,7 triệu đồng, và chung của nền kinh tế 92,1 triệu đồng. Tính theo tỷ lệ, năng suất ngành nông nghiệp chỉ tương ứng với 29,7% năng suất của ngành công nghiệp và 31% ngành dịch vụ, 43% năng suất chung của nền kinh tế.

2. Tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới mô hình tăng trưởng

Năm 2018, lần đầu tiên sau 10 năm kể từ năm 2008, tốc độ tăng trưởng Việt Nam đạt kỷ lục 7,08%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 2.587 USD. Dư địa tăng trưởng theo chiều rộng đã giảm dần, động lực tăng trưởng theo chiều sâu đã được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Để “hóa rồng”, Việt Nam phải cải thiện chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động nhằm duy trì tăng trưởng cao trong dài hạn. Sau đây là một số giải pháp thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới mô hình tăng trưởng:

-  Cải thiện mức độ đóng góp TFP vào tăng trưởng thông qua các chính sách thúc đẩy đầu tư cho hoạt động công nghệ. Sự phát triển theo chiều rộng thông qua mở rộng vốn, khai thác lao động giá rẻ đã tới hạn, Việt Nam phải thực hiện phát triển theo chiều sâu dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ thì mới có khả năng thúc đẩy năng suất cao hơn nữa. Kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội trong nâng cao trình độ công nghệ, mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển rút ngắn quá trình phát triển, đi tắt, đón đầu. Nếu không tận dụng tốt cơ hội Việt Nam sẽ tụt hậu. Trước hết, chi cho hoạt động công nghệ từ ngân sách cần tăng lên. Hiện nay, tỷ lệ chi cho hoạt động khoa học và công nghệ chỉ 0,6% GDP, thấp hơn rất nhiều so với Malaysia (1,07% GDP), Singapore (2,10% GDP), Trung Quốc (2,01% GDP). Hơn thế nữa, Chính phủ cần tạo cơ chế chính sách khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ ngoài Nhà nước. Thời gian vừa qua, một số tập đoàn, tổng công ty tư nhân đã bắt đầu mở rộng đầu tư vào khoa học công nghệ: như Vingroup công bố chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ,  thành lập Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), thành lập Vinfast chế tạo ô tô, Vinsmart chế tạo điện thoại di động, hoặc các hoạt động khoa học công nghệ của VCCorp, Công ty Cổ phần VNG, Be Group, Tập đoàn CMC và một số công ty nước ngoài… Tuy nhiên, sự đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ của khối ngoài Nhà nước vẫn còn hạn chế.

Trong quá trình thu hút các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế, Việt Nam cần chuyển đổi phương thức tiếp cận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ lắp ráp, gia công sang FDI thế hệ mới. Chính sách thu hút FDI thế hệ mới được hiểu là kêu gọi và hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện môi trường; tập trung nghiên cứu và phát triển, năng lực quản trị hiện đại, mang lại giá trị gia tăng cao cho kinh tế Việt Nam và liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

- Chính sách thúc đẩy tăng năng suất lao động còn được thể hiện thông qua chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, chuyển đổi ngành công nghiệp lắp ráp, năng suất thấp sang ngành công nghiệp năng suất cao. Tái cơ cấu gắn liền với thúc đẩy các chuỗi giá trị ngành thông qua các cơ chế hỗ trợ thuế, hỗ trợ vốn và đào tạo đối với các doanh nghiệp nội địa, để mở rộng sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Malaysia và Thái Lan từng xây dựng được ngành công nghiệp hỗ trợ do họ thực thi các chính sách như giảm thuế, hỗ trợ tài chính cho SME qua ngân hàng, và Hội đồng phát triển SME quốc gia, Ủy ban đầu tư (BOI) sẽ là cơ quan tư vấn, lập và thực hiện các  chính sách phát triển. Ngoài ra, lao động ngành nông lâm nghiệp và thủy sản có năng suất thấp nhất và cũng là ngành đang thu hút tới 40% lực lượng lao động của cả nước, khi lao động trong ngành này được dịch chuyển sang làm việc ở ngành có năng suất cao hơn thì sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp thay đổi mô hình tăng trưởng. Để thực hiện được chiến lược đó, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đổi mới chương trình đào tạo, đào tạo tại chỗ. Hiện nay tỷ lệ lao động được đào tạo mới chỉ có 18% và 82% lực lượng lao động thiếu kĩ năng, nếu không tháo gỡ được “điểm nghẽn” nguồn nhân lực thì rất khó tăng năng suất và sự phát triển trong dài hạn.

- Tái cơ cấu khu vực DNNN thông qua nhóm giải pháp đặt DNNN cạnh tranh công bằng với khối kinh tế tư nhân dưới sự tiếp cận nguồn lực theo nguyên tắc thị trường, nơi nào có hiệu quả nơi đó sẽ được phân bổ vốn, đảm bảo dòng vốn sẽ đạt được tỷ suất sinh lợi cao nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO