Tái đàn hiệu quả, giá lợn thịt giảm nhiệt

Thanh Thanh| 28/08/2020 09:32
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giá lợn thịt trong một tuần nay xuất tại cửa chuồng đã giảm 15-18 nghìn đồng/kg so với thời điểm cao nhất.

Tổng đàn lợn đạt gần 82% so với trước khi có dịch bệnh

Theo Báo cáo của Cục Chăn nuôi, đến cuối tháng 7/2020 tổng đàn lợn của cả nước đạt khoảng 25,18 triệu con, tương đương 81,9% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) (trên 31 triệu con vào ngày 31/12/2018). 

Trong đó có 12 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100% (trung bình là 118,3%  so với thời điểm trước khi có dịch tháng 12/2018). Đứng đầu là Bình Phước đạt 164,7%, tiếp đến là Bình Định, Kon Tum, Đắc Nông, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Yên Bái, Hòa Bình, Tây Ninh, Sơn La, Lâm Đồng, Khánh Hòa. 

Có 9 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tái đàn từ 90- dưới 100% (trung bình tái đàn 94,3%) là: Bình Thuận, Gia Lai, Quảng Bình, Thanh Hóa, Phú Yên, Bình Dương, Đắk Lắk, Hà Giang, Cần Thơ.

Có 20 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tái đàn tử 70- dưới 90% (trung bình tái đàn 81,0%) là: Tuyên Quang, Nghệ An, Hưng Yên, Nam Định, Đồng Nai, Bắc Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Hà Tĩnh, Cà Mau, Trà Vinh, Bà Rịa Vũng Tàu, Điện Biên, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế, Bắc Kạn, Phú Thọ, Cao Bằng, Bạc Liêu, Lai Châu.

Theo báo cáo của 16 doanh nghiệp và đơn vị chăn nuôi lợn lớn: Đàn lợn thịt đến tháng 7/2020 đạt trên 4,88 triệu con, tăng so với 1/1/2019 (trước khi xảy ra DTLCP) là 52,8%, tăng so với ngày 1/1/2020 là 46,8%. Kế hoạch của 16 DN đến hết Quý III đạt 5,17 triệu con và Quý IV đạt 5,36 triệu con (tăng 68% so với 1/1/2020).

Về nhập khẩu, Cục Chăn nuôi cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 130 DN Việt Nam nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại chủ yếu từ các nước Canada, Đức, Ba Lan, Braxin, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và LB Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt trên 93% kế hoạch Chính phủ giao.

Riêng thịt lợn Thái Lan, từ ngày 12/6-12/8/2020, đã có 40 lượt DN của Việt Nam đăng ký kiểm dịch nhập khẩu hơn 5 triệu con lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi thịt và giết thịt. Trong đó, các DN đã nhập khẩu 97.338 con lợn thịt từ Thái Lan vào Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm. 

Giá lợn thịt hạ nhiệt

Theo Cục Chăn nuôi, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành đã, đang và sẽ trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc thị trường và quy định của pháp luật, tiếp tục chỉ đạo, kiểm soát thực hiện các giải pháp đồng bộ cho việc phòng chống dịch, đồng thời vẫn tái đàn, tăng đàn an toàn sinh học, duy trì sản xuất để đảm bảo cơ bản đủ nguồn cung thịt lợn cho người tiêu dùng, nhưng do chu kỳ sinh học nên việc tái đàn, tăng đàn sản phẩm phải vào cuối quý III và đầu quý IV mới có thể cân đối cung - cầu, đến lúc đó giá cơ bản sẽ ổn định.

Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn thịt trong một tuần nay xuất tại cửa chuồng đã giảm 15-18 nghìn đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Thấp nhất là khu vực miền Trung (Bình Định), giá từ 77-79 nghìn/kg; Khu vực Đông Nam bộ (Đồng Nai) giá từ 79-82 nghìn/kg; Khu vực ĐBSCL và khu vực miền Bắc (Hà Nội) và một số tỉnh đồng bằng sống Hồng có giá 80-83 nghìn/kg; Giá lợn hơi ở Thái Lan khoảng 70 nghìn/kg, về đến Việt Nam xuất bán là 80-83 nghìn/kg; Giá lợn hơi xuất chuồng của Công ty CP bán ở miền Bắc là 80 nghìn/kg, niền Nam là 80,5 ngàn/kg nhưng họ bán qua đại lý của họ và bán móc hàm 115-115 nghìn/kg.

Cục Chăn nuôi cho biết, khó khăn nhất hiện nay là bệnh DTLCP rất nguy hiểm chưa có vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi nông hộ khó áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nên người chăn nuôi nhỏ lẻ sợ dịch bệnh tái phát.

Cùng với đó, một số địa phương chưa thực sự quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch sẽ phát sinh hệ lụy cho địa phương.

Một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ thiệt hại do DTLCP cho người dân, nên người chăn nuôi rất khó khăn duy trì sản xuất. Mặt khác, người chăn nuôi cũng gặp khó khăn khi tiếp cận chính sách về tín dụng, lãi suất ưu đãi và chính sách về đất đai để tái đàn, duy trì sản xuất, tăng đàn.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số địa phương đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, chăn nuôi an toàn sinh học. Nhiều tỉnh, thành phố đã có chính sách hỗ trợ cho tái đàn, tăng đàn, với mức hỗ trợ từ 0,5-5 triệu/1 con nái tái đàn; hỗ trợ cho khoảng 1 tỷ đồng khi xây dựng trang trại mới; hỗ trợ tiền vay cho tái đàn với lãi suất 0%; hỗ trợ không thu tiền thuế đất xây dựng trang trại, hỗ trợ theo quyết định 50 của Chính phủ….

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái đàn hiệu quả, giá lợn thịt giảm nhiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO