Thú vị tiền xu nhỏ và lớn nhất thế giới

Chu Mạnh Cường| 28/01/2020 08:00
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiền xu là một phương tiện thanh toán rất hữu hiệu và lâu đời của nhân loại từ cách đây ba nghìn năm. Nhờ nó, người ta đã không còn phải dùng hóa tệ, tức hàng đổi hàng nữa, mà chỉ cần đưa ra một vài mẩu kim loại nhỏ, sáng bóng là có thể mang về một đống của. Việc cầm tiền cũng rất gọn gàng, đơn giản như đút trong túi, dắt bên lưng hoặc treo lủng lẳng quanh cổ.

Sở dĩ như vậy, vì tiền xu khá nhỏ, thường chỉ có đường kính chừng 20 đến 40 milimét (mm), nặng vài gam (g). Chẳng hạn ở châu Á, tiêu biểu là Ấn Độ có các đồng xu như 25 paise, đường kính 19 mm, nặng 2,93 g, 5 paise 22 mm- 3,79 g, 5 rupee 23  mm- 6,0 g, 1 ruppee 25 mm- 4,85 g, 2 rupee 27 mm- 5,62 g…; ở châu Âu với Anh là điển hình có đồng 1 pence 20,3 mm- 3,56 g, 20 pence 21,2 mm- 5,0 g, 2 pence 25,9 mm- 7,13 g, 10 pence 28,5 mm- 11,3 g, 50 pence 30 mm- 13,5 g…; ở châu Mỹ như Hoa Kỳ có đồng Penny 19,5 mm- 2,5 g, Nickel 21,2 mm- 5,0 g, Quarter dollar 24,2mm- 6,25g, Kenedy half dollar 30,6mm- 11,3g, Eisenhower dollar 38,1mm- 22,6g… Tuy nhiên, trên thực tế còn thấy khá nhiều đồng xu nhỏ và to gấp bội. Chúng nhỏ đến nỗi người xem phải soi kính lúp, mới nhìn rõ được các chi tiết, hoặc to đến mức tay xách nách mang, gồng gánh. Dưới đây, chỉ xin kể tới một số đồng xu ấn tượng, trong đó những đồng nhỏ thường là tiền cổ đã ra đời từ xa xưa.

Những loại tiền xu tí hon

Tiền xu sơ khai, có kích cỡ mi ni là đồng 1/12 stater của vương quốc Lydia cổ đại (Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay) vào thế kỷ VII trước Công Nguyên (trCN). Tuy không xuất hiện sớm nhất, song tiền xu của Lydia là đồng tiền đúc đầu tiên, cũng là tiền có hình tròn tiền phong, thay vì hình thù đa dạng, và khá đều đặn về trọng lượng. Do được làm từ hợp kim vàng bạc, một chất liệu cực kỳ quý hiếm, nên nó có kích cỡ rất khiêm nhường, mỗi đồng chỉ to khoảng 7 mm, nặng 1,17 g. Dù nhỏ, song trên bề mặt vẫn có họa tiết vô cùng sắc nét, với đầu của một con sư tử đang gầm thét, thể hiện quyền lực của cả vương quốc lẫn hệ thống tiền tệ Lydia trước khu vực. Có thể nói nó là đồng tiền hiện đại nhất bấy giờ, vì nhiều nơi vẫn đang dùng hóa tệ hoặc những mẩu kim loại không hình ảnh, chặt vụn cho giao dịch. Lọt thỏm trong lòng tay và bằng một cái móng, nhưng 1/12 stater và nhiều đồng stater khác đã chứng tỏ sức mua ghê gớm, có uy tín và giá trị lớn hơn hẳn số lượng kim loại quý làm ra tiền, để từ đó thế giới ấn định việc dùng tiền đúc - thứ lúc nào cũng như một, không già, không thay đổi theo thời gian, và tạo ra một dòng chảy thương mại, thiết lập nên cái gọi là nền kinh tế.

 

Một đồng tiền nữa, cũng bé xíu song phổ biến khắp Hy Lạp cổ đại, là đồng obol của Athen vào thế kỷ V (trCN). Học tập đồng Lydia, nó cũng có dạng tròn, to 8 mm, nặng 0,65g, bằng vàng bạc và tương ứng 1/16 đồng drachma. Trên đó một mặt đúc hình nữ thần Athena, người bảo trợ cho nghề thủ công, các thành phố và thương cảng, một mặt khắc hình con ó, cũng chỉ nữ thần, nhưng nói về sự khôn ngoan trong giao dịch. Đồng xu này được dùng trong mọi công việc, và thiết yếu đến mức người ta mang nó theo cả khi nhắm mắt, lập tiền đề cho việc an táng tiền của vào phần mộ. Theo phong tục xưa, khi một người Hy Lạp qua đời, người nhà sẽ đút ngay một vài đồng obol vào miệng hoặc hốc mắt của người ấy, với niềm tin nó sẽ chỉ đường, dẫn lối vào âm phủ, và rồi trả phí cho lái đò Charon vượt sông Styx đến bên kia thế giới, và nếu không có lệ phí thì anh ta sẽ phải lang thang, vất vưởng bên bờ sông 100 năm. Nói như vậy, để thấy tuy nhỏ bé, song obol có ý nghĩa quan trọng thế nào đối với cuộc sống.

Không chỉ thời cổ đại, vào thời Trung Cổ cho đến tận thế kỷ XX, ở châu Âu, người ta cũng dùng các loại tiền xu mỏng nhỏ, như ở thành phố Regensburg - Đức đã từng rất thịnh hành đồng 1/32 ducat. Vào các năm 1750, chính quyền nơi đây đã cho đúc một loạt tiền chỉ to 5 mm, nặng 0,10 g, mỏng như một tờ giấy, và thường có một cái hộp để đựng một cọc 32 xu, làm thành 1 ducat. Tuy mỏng mảnh, song sức mua của nó vẫn cực lớn, vì được đúc từ vàng và có họa tiết hùng tráng, gồm một con chim đại bàng hai đầu đang bay và hai chiếc chìa khóa bắt chéo, mang tới sự thành đạt.

Vào năm 1850, trong cuộc đổ xô đi tìm vàng tại California - Mỹ, để chứng tỏ sự giàu có, một số lò đúc tư nhân cũng đã phát hành khá nhiều loại tiền xu nhỏ bằng vàng hấp dẫn, có hình tròn, bát giác, mệnh giá từ 25 cent đến 50 cent và một dollar…, trong đó đồng 1/4 dollar là đồng nhỏ nhất, chỉ to 9,9mm, nặng 0,23 g, in hình nữ thần Tự do và vòng nguyệt quế. Ngoài đồng vàng, họ cũng đúc đồng bạc với mệnh giá nhỏ rải khắp tiểu bang này, và tổng cộng có tới 420 loại, đưa đây trở thành một hệ thống tiền tệ đa dạng nhất Mỹ.

Trong những đồng xu tí hon của thế giới, còn phải kể tới đồng bạc 1 Hemobiol của đế chế Macedonia thế kỷ thứ IV trCN, to 6,5mm, nặng 3,6g, đồng vàng 1 Fanan của Cochin Ấn Độ thế kỷ XVII - XVIII 7mm - 0,3g, đồng bạc Maundy của Anh năm 1662, thời vua Charles II 10mm - 0.47g, đồng 1 kopeck của Liên Xô năm 1991 15mm - 1g…

Những đồng xu cổ kích cỡ siêu to

Đối lập với những đồng xu nhỏ hoặc theo tiêu chuẩn, lại có những đồng xu vượt mọi quy định để trở thành những đồng tiền vĩ đại nhất quả đất. Trong đó phần lớn thường được sáng tác theo ý thích, sự dư thừa của cải vật chất. Một ví dụ cho điều này và thuộc dạng cận chuẩn là các đồng đồng-nickel 50 pence của quần đảo Falkland năm 1980 to 38,6 mm, nặng 28,2 g, đồng 80 Reis của Bồ Đào Nha năm 1829 42 mm- 28 g, đồng đồng-nickel 2 pa angas của Tonga năm 1967 44,5 mm- 42,3 g, đồng bạc 50 Reales của Tây Ban Nha năm 1617 - 1620 thời vua Philip III 76 mm- 178 g,…

Cá biệt có đồng Handa ở Katanga, nay là Cộng hòa dân chủ Congo, dài tới 20 centimét (cm), nặng 1 kilôgam (kg). Nó không đề mệnh giá, song mỗi Handa thường mua được 10 kg bột, 6 con vịt, 6 cái rìu…, và 10 Handa đổi một khẩu súng. Từ thế kỷ 13, người dân Katanga đã nghĩ ra đồng xu này, mà về hình dạng rất lạ mắt, có hình chữ thập hay chữ X, với nhiều độ ngắn dài khác nhau, nhưng bề ngang luôn là 20 cm, và đúc ra nó nhờ có một mỏ đồng phong phú trong vùng. Phải đến giữa thế kỷ XX, đồng Handa mới bị thôi sử dụng, còn trước đó dân gian vẫn dùng nó để trao đổi, làm vật dẫn cưới, cũng như trả lại khi ly hôn. Vì sức sống bền lâu, vẻ đẹp độc đáo, đồng Handa cũng xuất hiện trên nhiều lá cờ và nghi lễ quốc gia.

Do vàng đắt gấp 15 lần bạc, bạc lại đắt hơn đồng, và là một nước có mỏ đồng sản xuất tới 2/3 lượng đồng của châu Âu, nên từ năm 1644, Thụy Điển cũng cho ra những đồng tiền đồng to bản, nặng trịch như một tấm bảng, mà nặng nhất tới 20 kg. Họ gọi đó là Platmynt và dùng nó đến tận năm 1809. Trên mỗi tấm bảng sẽ đóng một mệnh giá, trong đó mệnh giá lớn nhất là 10 Daler, được làm vào các năm đầu tiên, với tổng cộng 26.774 đồng. Thế nhưng đến nay, nó chỉ còn 10 đồng, do quá nặng để lưu thông, và ngay sau đó đã bị loại, thay thế bằng đồng 8 Daler, cũng tới 16 kg.

Đồng đồng-nickel 2 pa angas, Đồng Handa và Đồng Platmynt

Trung Quốc vào đời Minh cũng đã từng có nhiều đồng xu to bản, song to nhất là đồng xu kỷ niệm thời vua Shi Zong (1522-1567). Để chào mừng một xưởng đúc mới ở nơi nay là xã Huize, tỉnh Vân Nam, hoàng đế nước này đã cho đúc một đồng tiền mà đến giờ có lẽ là đồng tiền kỷ niệm bằng đồng lớn nhất khu vực. Nó to đến 57,8 cm, dày 3,7 cm, nặng 41,5 kg, và vào năm 1997 đã được tìm thấy trong một đợt khảo cổ ở tỉnh Vân Nam.

Cũng vì không có vàng, nhưng lại nhiều đá vôi, nên dân gian ở đảo Yap, một hòn đảo trong đảo quốc Micronesia, từ xưa đã đẽo đá làm tiền. Tuy nhiên, những đồng Rai của họ luôn to đến vài chục phân, nặng hàng tạ cho tới vài mét, nặng hàng tấn. Cụ thể có một đồng xu cao đến 3,6 mét và nặng năm tấn. Thỉnh thoảng, cũng có một số đồng to 7, 8 cm nhưng vẫn nặng trĩu. Vì thế, khi giao dịch người ta phải khiêng chúng, và nếu không khiêng được, thì vẫn định giá để đấy khi đã đổi xong một mặt hàng, và người chủ mới có thể mang chúng đi hay đặt đó tùy ý. Mọi sự bắt đầu từ mấy thế kỷ trước, khi người Yap đến thăm đảo Palau và phát hiện ra những thớt đá quý, nên đã mang về đẽo mỏng, đục lỗ chế tiền. Dù mỏng, những đồng xu vẫn khá nặng, phải xâu đòn gánh, chuyên chở bằng thuyền. Về tới nhà, chúng sẽ được dựng ven đường và các nhà sàn, thể hiện cho sự phú quý, địa vị cao sang của gia chủ, và khi cần mua bán thứ gì trọng đại, họ lại mang nó theo.

Đồng Rai

Là một đất nước có truyền thống âm nhạc lâu đời, quê hương của nhiều nhạc sĩ thiên tài, nên Áo đã nổi tiếng thế giới suốt hàng trăm năm, và mới đây cũng trong lĩnh vực âm nhạc kết hợp với tiền tệ, lại một lần nữa gây chấn động toàn cầu bởi một sê ri tiền xu mệnh giá 100 nghìn euro, bằng vàng ròng, to tới 37 cm, dày 2 cm, nặng 31 kg, ca ngợi nền âm nhạc rực rỡ của mình. Vào năm 2004, kỷ niệm 15 năm phát hành loạt tiền khắc họa các nhạc cụ của Giàn giao hưởng Vienna, Sở đúc tiền Áo đã cho đúc 15 đồng vàng Big Phil (Giàn nhạc lớn), tiếp nối loạt tiền trên, và còn là những đồng vàng vĩ đại nhất thế giới, được ghi vào Sách Kỷ lục Guiness. Chúng cũng mau chóng được các nhà đầu tư mua lại với giá 330 nghìn euro/ đồng. Đại thể đồng Big Phil có hình một cây đàn organ đại từ nhà hát Musikverein Vienna, cùng một cây đàn cello, bốn cây đàn violin, một cây kèn basoon, một cây đàn hạc và dòng chữ Giàn nhạc giao hưởng đẹp mắt.

Đồng vàng Big Phil (Giàn nhạc lớn)

Năm 2007, kỷ lục về đồng vàng lớn nhất thế giới lại thuộc về đồng xu khổng lồ của Sở đúc tiền Ottawa- Canada. Để giới thiệu về xứ sở của những cây phong lá đỏ, Canada cũng phát hành sáu đồng vàng vô cùng tinh khiết, với giá trị bề mặt lên tới một triệu đô la, và khi đem bán còn trị giá bốn triệu Mỹ kim/đồng. Sê ri này do vậy mang tên Big Maple Leaf (Lá phong lớn), với mỗi đồng có đường kính 53 cm, dày 3 cm, nặng 100 kg. Mặt trước in hình nữ hoàng Elizabeth II, mặt sau khắc họa một chùm lá phong tuyệt đẹp.

Đồng vàng Big Maple Leaf (Lá phong lớn)

Khó tin nhưng là sự thực, một lần nữa kỷ lục trên được dành cho đồng vàng của Sở đúc tiền Perth Australia, và là đồng xu hiện giờ vô địch thế giới cả về kích cỡ nói chung và của kim loại vàng nói riêng. Chưa có đồng vàng nào đến nay đọ được với nó vì to đến 80 cm, dày hơn 12 cm, nặng một tấn. Australia đặt tên cho đồng xu này là Kangaroo 1 tonne (Chuột túi một tấn) và khắc họa một chú chuột Kangaroo đỏ đang chạy nhảy tung tăng giữa những tia nắng mặt trời. Ra đời năm 2011, được ghi vào Sách Kỷ lục Guiness năm 2012, đồng vàng khắc họa một biểu tượng về cảnh đẹp thiên nhiên trù phú, sinh động của Australia, đồng thời cũng mang ý nghĩa về sự thịnh vượng, phát triển trong xã hội qua hình ảnh một sinh vật sinh nhiều, cao to và khỏe khoắn. Dù  rằng chỉ có mệnh giá một triệu đô la, song giá thực tế tính bằng vàng ròng của nó đã vượt khỏi con số 50 triệu. Ngay sau buổi giới thiệu, Chuột túi một tấn đã chu du khắp năm châu.

Đồng vàng Kangaroo 1 tonne (Chuột túi một tấn)

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thú vị tiền xu nhỏ và lớn nhất thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO