Thuế dịch vụ kỹ thuật số: Xu hướng, rào cản và giải pháp quốc tế

Nguyễn Nhâm| 02/10/2019 10:32
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Pháp, Anh, Liên minh châu Âu (EU) có bước đi tiên phong trong việc đánh thuế đối với các tập đoàn công nghệ, trong đó chủ yếu là các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Microsoft, Facebook, Amazon… nhằm “vá lỗ hổng” trong hệ thống thuế quốc tế và lập lại sự công bằng cho các loại hình doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số vấp phải những rào cản không dễ vượt qua, thậm chí dẫn tới những căng thẳng thương mại. Các chuyên gia cho rằng, những tập đoàn công nghệ lớn vẫn sẽ tiếp tục thu lợi nhuận khổng lồ mà không phải đóng thuế hoặc đóng thuế thấp cho tới khi đạt được giải pháp quốc tế dài hạn.

TỪ BƯỚC ĐI TIÊN PHONG…

Thuế dịch vụ kỹ thuật số (digital tax) là một loại thuế, khoản thuế bắt buộc phải nộp cho chính phủ nước sở tại khi tiến hành sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ hay kỹ thuật số. Thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ đánh vào thu nhập từ quảng cáo trên nền tảng kỹ thuật số (ví dụ quảng cáo trên Facebook), hay vào các loại phí thu được từ người dùng (ví dụ người mua ứng dụng của Apple) và từ việc bán dữ liệu sinh ra từ thông tin do người dùng cung cấp (ví dụ các công ty nghiên cứu thị trường).

Nếu như cách đây 10 năm, các ngành nghề kinh doanh truyền thống như ngân hàng và năng lượng chiếm ưu thế, thì hiện nay đã bị thay thế bằng các công ty công nghệ. Thế nhưng, các công ty công nghệ chỉ phải trả thuế rất thấp hoặc không phải trả trong khi thu được lợi nhuận khổng lồ. Theo tính toán của CNBC, trung bình các công ty kỹ thuật số chỉ phải trả 9,5% thuế thu nhập, còn các doanh nghiệp truyền thống phải trả đến 23,2%. Trong khi đó, số lượng các công ty công nghệ chỉ khoảng 10% nhưng lợi nhuận chiếm tới 80% toàn thế giới.

Một số quốc gia đã đi tiên phong trong việc đề ra dự luật thuế mới nhằm vào những công ty công nghệ khổng lồ toàn cầu. Dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số được Hạ viện và Thượng viện Pháp lần lượt thông qua vào ngày 4/7 và 11/7 với tên gọi là GAFA (viết tắt chữ đầu tiên của 4 công ty công nghệ gồm Google, Apple, Facebook và Amazon). Theo dự luật, các công ty công nghệ lớn nhất đang cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số cho các khách hàng Pháp sẽ chịu mức thuế 3% trên tổng doanh thu hằng năm của họ tại Pháp.

Dự luật áp dụng cho các công ty công nghệ có doanh thu dịch vụ kỹ thuật số hằng năm ít nhất 750 triệu euro (tương đương 845 triệu USD) trên toàn cầu và ít nhất 25 triệu euro (tương đương 28 triệu USD) tại Pháp1#.  Tiêu chí này sẽ khiến gần 30 công ty công nghệ toàn cầu bị ảnh hưởng, chủ yếu là các công ty Mỹ như Google, Apple, Facebook, Amazon và một số công ty Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Tây Ban Nha.

Sau Pháp, Anh cũng công bố dự thảo luật thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ có doanh thu toàn cầu vượt quá 556 triệu euro và có mức thu tối thiểu 25 triệu euro từ các hoạt động thương mại tại Anh#2#. Dự kiến mức thuế sẽ là 2% tổng doanh thu hằng năm, bắt đầu triển khai từ tháng 4/2020. Tuy nhiên, mức thuế 2% này sẽ không được áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ hoặc đang thua lỗ tại Anh. London sẵn sàng hủy bỏ mức thuế này sau khi cộng đồng quốc tế đạt được một giải pháp toàn cầu trong việc đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số.

Ngay từ cuối năm 2018, các nước thành viên EU đã đề xuất đánh thuế nhằm vào các tập đoàn lớn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Nghị viện châu Âu cũng đã bỏ phiếu về hai dự luật, dự luật về cách đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số và dự luật về cải cách cơ sở thuế của các dịch vụ kỹ thuật số.

Hàn Quốc, Ấn Độ và bảy nước khác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang cân nhắc áp dụng cách đánh thuế mới nhằm vào các công ty công nghệ như Google, Apple, Facebook, Amazon... Chính phủ New Zealand cũng tuyên bố đang xem xét áp thuế lên doanh thu của các tập đoàn số đa quốc gia…

Ở Đông Nam Á, chính phủ Malaysia bổ sung thuế kỹ thuật số vào dự thảo ngân sách của nước này. Bộ trưởng Tài chính Malaysia, Lim Guan Eng cho biết: “Đối với dịch vụ trực tuyến được nhập khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài sẽ phải đăng ký và nộp thuế dịch vụ liên quan cho hải quan Malaysia kể từ ngày 1/1/2020”3. Indonesia là quốc gia mới nhất ở Đông Nam Á thử đánh thuế lĩnh vực kỹ thuật số sau Thái Lan, Philippines, Singapore.

Tại châu Mỹ - Latin, Chile, Mexico và một số nước khác cũng đang xem xét các dạng thuế mới tương tự nhằm vào các công ty công nghệ nước ngoài. Các nước này tìm cách đánh thuế vào các dịch vụ số hóa mà các công ty công nghệ nước ngoài bán tại nước của họ. Trong một số trường hợp, thuế đánh vào các dịch vụ thu thập dữ liệu về người dân địa phương để phục vụ hoạt động quảng cáo trực tuyến.

Sự ra đời của loại hình thuế dịch vụ kỹ thuật số như một sự đòi hỏi khách quan nhằm “vá lỗ hổng” trong hệ thống thuế quốc tế và tạo sự công bằng cho các loại hình doanh nghiệp. Tại Hội nghị G20, Fukuoka (Nhật Bản). Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, Bruno Le Maire cũng cho rằng “mục đích của chúng tôi nhằm tạo công bằng cho các hoạt động kỹ thuật số trên thế giới”4.

Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đồng tình với ý tưởng đánh thuế các đại gia công nghệ Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ thật không công bằng khi các doanh nghiệp ở mặt phố đang phải trả thuế cao đến mũi, trong khi các đại gia Internet như Facebook, Amazon, Netflix và Google hầu như không phải trả một khoản tiền nào. Phải tìm cách đánh thuế những gã khổng lồ Internet và phải đánh thuế dựa vào thu nhập của họ. Tại thời điểm này, điều đó chỉ có ý nghĩa đơn giản là chúng không công bằng”5.

Thu thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ đem về nguồn lợi lớn cho các quốc gia, tránh được những thiệt hại kinh tế mà các nước trên thế giới đang phải gánh trong kỷ nguyên kỹ thuật số với sự thống trị của các tập đoàn công nghệ khổng lồ. Theo tính toán, nếu Pháp đánh thuế kỹ thuật số với tỷ lệ 3% doanh thu tại Pháp sẽ giúp nước này thu về khoản ngân sách dự kiến là 500 triệu euro cho năm 2019 và khoảng 650 triệu euro cho năm sau#6. Pháp cũng ước tính, thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ giúp EU thu về khoảng 5 tỷ euro mỗi năm#7.

Việt Nam đã tiến hành thu thuế dịch vụ kỹ thuật số nhưng chưa triệt để, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Trong khi, các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đang phải nộp hai loại thuế là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài tại Việt Nam mới chỉ phải nộp thuế nhà thầu.

Trên cơ sở Luật Quản lý thuế (sửa đổi) năm 2019, các cơ quan chức năng đang nghiên cứu xây dựng cơ chế thu thuế hiệu quả đối với doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng quy trình đăng ký thuế để hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh trên mạng phát sinh thu nhập tại Việt Nam thực hiện đăng ký thuế để được cấp mã số thuế và kê khai, nộp thuế qua mạng.

ĐẾN NHỮNG RÀO CẢN…

Do tính chất đặc thù của hoạt động kinh doanh kỹ thuật số khác với kinh doanh truyền thống như: Quy mô hoạt động rộng trên môi trường Internet có tính phi biên giới; dễ dàng thay đổi, che giấu thông tin… Những loại hình kinh doanh mới như: Tiền ảo, tài sản kỹ thuật số, cung cấp dịch vụ quảng cáo trên ứng dụng phần mềm, kết nối vận tải bằng phương tiện điện tử...đang khiến ngành thuế khó phân loại những ngành nghề kinh doanh để xác định nghĩa vụ nộp thuế.

Hệ thống thuế quốc tế không theo kịp sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số khiến nó bộc lộ nhiều “lỗ hổng”, giúp các công ty công nghệ lợi dụng chỉ trả mức thuế rất thấp, hoặc không phải trả bất cứ đồng thuế nào trong khi thu được lợi nhuận khổng lồ. Chẳng hạn, Google lợi dụng một loại cơ cấu thuế có tên là “Double Irish” và “Dutch Sandwich” chuyển tiền giữa Ireland, Hà Lan và Bermuda, tiết kiệm tới 3,7 tỷ USD tiền thuế trong năm 2016. Năm 2017, Apple chuyển công ty con nắm giữ hầu hết số tiền mặt ở hải ngoại không bị đánh thuế đến đảo Jersey, số tiền này lên đến 252 tỷ USD. Năm 2018, Amazon không trả thuế doanh nghiệp liên bang ở Mỹ mặc dù lợi nhuận tới 11,2 tỷ USD.

Microsoft lại lập các công ty con ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có mức thuế doanh nghiệp thấp ưu đãi như Ireland, Singapore và Puerto Rico. Các công ty con này “sao chép” công nghệ của Microsoft và bán trở lại Mỹ cho các khách hàng, đối tác. Nếu Microsoft mang khoản thu nhập công bố ở nước ngoài về Mỹ, hãng này sẽ nợ thuế khoảng 45 tỷ USD, tính tại thời điểm năm 2017.

Việc đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số như thế nào đang là việc khó. Tại Hội nghị G20 ở Fukuoka (Nhật Bản), các bộ trưởng G20 cân nhắc một chính sách thuế mới dựa trên số lượng doanh nghiệp mà một công ty sở hữu tại một quốc gia, chứ không phải nơi có trụ sở chính. Trong khi đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng thuế dịch vụ kỹ thuật số cuối cùng sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng. Theo một nghiên cứu của hãng Deloitte, gánh nặng thuế sẽ chủ yếu do người tiêu dùng chịu (55%), phần còn lại (40%) sẽ do các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chịu. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chỉ chịu khoảng 5%8.

Sự đồng thuận quốc tế về đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số chưa cao. Trong cuộc họp không chính thức tại Vienna (Áo) tháng 9/2018, Pháp và Áo bày tỏ lạc quan về khả năng EU có thể đạt được một thỏa thuận về thuế kỹ thuật số trong năm 2018. Đức thì cho rằng, vấn đề này cần phải được thảo luận nhiều hơn nữa. Một số quốc gia trong đó có Ireland, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan và Malta lại phản đối. Cho đến Hội nghị G20 gần đây nhất, ngày 9/6 ở Fukuoka (Nhật Bản), các quan chức tài chính vẫn chưa thống nhất được cách thức tốt nhất để đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số.

Đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số vấp phải sự phản ứng của Mỹ. Theo số liệu thống kê, trong 10 tập đoàn lớn  nhất thế giới hiện nay thì các tập đoàn của Mỹ chiếm đến 90%. Điều đó có nghĩa là, thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ chủ yếu nhằm vào Mỹ. Ông Hubert Fuchs, đại diện của Hội đồng châu Âu tại G20 (7/2018), từng nhận định rằng một trong những thách thức lớn nhất là việc đánh thuế nền kinh tế kỹ thuật số hầu như chắc chắn đồng nghĩa với việc đánh thuế các doanh nghiệp Mỹ, vì họ là những “người chơi” chủ chốt trên thế giới. Vì vậy, Mỹ sẽ có cảm giác đây là một “đòn tấn công” nhằm vào nền kinh tế kỹ thuật số của nước này.

Thực tế diễn ra đúng như vậy. Khi Pháp thông qua dự luật thuế  dịch vụ kỹ thuật số khiến Mỹ phản ứng ngay lập tức. Ngày 10/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh mở cuộc điều tra dự luật GAFA dựa trên điều khoản 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ. Điều khoản này cho phép Tổng thống Mỹ tiến hành các biện pháp thích đáng bao gồm trả đũa để loại bỏ bất kỳ hành động, chính sách hay thực hành nào của một chính phủ nước ngoài bị coi là vi phạm một thỏa thuận thương mại quốc tế hoặc phân biệt đối xử, làm tăng gánh nặng hoặc hạn chế các hoạt động thương mại của Mỹ.

Người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ, ông Larry Kudlow nói: “Tôi nghĩ rằng việc thực hiện một thủ tục pháp lý theo điều khoản 301 không phải là một tín hiệu thân thiện. Tất cả chúng ta đều biết rằng một thủ tục như vậy có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt chống lại Pháp. Một lần nữa, tôi nghĩ rằng các mối đe dọa, trừng phạt, không phải là cách tốt để giải quyết những khó khăn có thể có giữa Mỹ và Pháp”9.

Không dừng lại ở đó, ngày 27/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế quan lên sản phẩm rượu vang của Pháp nhằm trả đũa cho đề xuất của Paris đánh thuế các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Được biết, năm 2018, số lượng rượu vang Pháp xuất khẩu sang Mỹ chiếm 1/4 tỷ trọng lượng rượu vang xuất khẩu của Pháp, tương đương 3,2 tỷ euro (3,6 tỷ USD) và Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu rượu vang và rượu mạnh lớn nhất của Pháp.

Dự thảo luật thuế dịch vụ kỹ thuật số của Anh nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu cũng bị Mỹ yêu cầu từ bỏ. Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Oregon, người trong Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ trước đó đã nói với Bloomberg rằng, ông đã cảnh báo các quan chức Anh về việc giới thiệu loại thuế dịch vụ kỹ thuật số sẽ được thông qua vào mùa thu năm nay. Hạ nghị sỹ Kevin Brady, thành viên cấp cao của đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng tuyên bố thuế dịch vụ kỹ thuật số của Anh sẽ làm suy yếu các cuộc đàm phán thỏa thuận thương mại tự do.

Không chỉ có các nước châu Âu,  các nước châu Á cũng muốn đánh thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ, trong đó có các công ty công nghệ lớn của Mỹ. Điều đó khiến Mỹ có thể có các biện pháp đáp trả. Và như vậy, căng thẳng thương mại là điều khó tránh khỏi.

VÀ GIẢI PHÁP QUỐC TẾ

Việc đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số cần hướng đến thống nhất một thỏa thuận mang tính quốc tế, với những giải pháp thỏa đáng, đồng bộ, dài hạn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, vừa nhằm tới mục tiêu phát triển bền vững và tránh được gia tăng căng thẳng trong thương mại quốc tế.

Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 diễn ra tại Argentina ngày 22/7/2018, giới lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính của châu Âu đã kêu gọi thúc đẩy những quy định toàn cầu về việc đánh thuế nền kinh tế kỹ thuật số. Thông cáo cuối cùng của cuộc họp tái khẳng định cam kết năm 2020 sẽ giải quyết những tác động của việc chuyển dịch sang nền kinh tế kỹ thuật số đối với hệ thống thuế quốc tế.

Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất những quy định buộc các công ty kỹ thuật số phải đóng thuế cao hơn, trong đó những công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Facebook và Amazon được dự đoán sẽ chiếm một phần lớn trong hóa đơn thuế này. Tại thời điểm đó, giới chức châu Âu cho biết khoảng 200 công ty nằm trong phạm vi chịu ảnh hưởng của đề xuất thuế nói trên, vốn được dự đoán sẽ mang về thêm khoảng 5 tỷ euro (tương đương 6 tỷ USD) nguồn thu từ thuế.

Phát biểu với báo giới tại cuộc họp G20 nói trên, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici cho biết ông đang kêu gọi ban hành một loại thuế doanh thu trước cuối năm nay như một giải pháp tạm thời. Tuy nhiên, nhiều nước thành viên EU đã bày tỏ quan ngại rằng một loại thuế như vậy có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của nước mình và các đối tác quốc tế có thể đáp trả bằng những biện pháp trả đũa.

Tại Hội nghị G20 ngày 9/6 ở Fukuoka (Nhật Bản), các quan chức tài chính đã đồng ý về tính cấp thiết xây dựng một hệ thống toàn cầu để đánh thuế các tập đoàn công nghệ lớn như Google và Facebook. G20 đã giao cho Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nghiên cứu sửa chữa một hệ thống thuế quốc tế để “vá lỗ hổng” đang giúp các công ty công nghệ lợi dụng chỉ trả phải mức thuế rất thấp ở những nơi như Ireland, trong khi không phải trả bất cứ đồng thuế nào ở những nước đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho họ. Tổng Thư ký OECD Angel Gurria đã trình lên hội nghị G20 một lộ trình, đã được 129 nước ký kết, nhằm đạt được giải pháp lâu dài vào năm 2020.

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, ông Bruno Le Maire cho biết, Pháp hy vọng lãnh đạo nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhất trí về nguyên tắc đánh thuế các hoạt động kỹ thuật số trên toàn cầu tại cuộc họp thượng đỉnh của nhóm này vào tháng 8 tại Biarritz, phía Tây nước Pháp, nhằm tạo ra sự công bằng cho các hoạt động kỹ thuật số trên thế giới.

Về xây dựng hệ thống nguyên tắc đánh thuế kỹ thuật số, ông Jonathan, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, kinh tế số cũng phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng, công bằng, trung lập, không bóp nghẹt, không tạo bất lợi cho doanh nghiệp. Ông nói: “Quan điểm của WB là phải đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước, doanh nghiệp trực tuyến và ngoại tuyến. Không nên phân biệt doanh nghiệp số với các loại hình khác vì sau cùng, không sớm thì muộn, không ít thì nhiều, các doanh nghiệp cũng đều hướng tới số hoá”10.

Tuy một giải pháp lâu dài để đánh thuế các công ty kỹ thuật số được hoãn lại đến năm 2020, nhưng Ủy ban châu Âu đã đề xuất hai quy tắc thuế kỹ thuật số mới sẽ được trình lên Hội đồng để thông qua và cho Quốc hội châu Âu hội ý.

Một là, có một cuộc cải cách chung về các luật thuế doanh nghiệp của EU để cho phép quốc gia thành viên đánh thuế các lợi nhuận kỹ thuật số được tạo ra trên lãnh thổ của họ, ngay cả khi một công ty không nằm trên lãnh thổ đó. Một nền tảng kỹ thuật số sẽ được coi phải chịu thuế, “hiện diện kỹ thuật số” hoặc cơ sở thường trú ảo tại một quốc gia thành viên nếu nó đáp ứng một trong các tiêu chí sau: Doanh thu hàng năm ở một quốc gia thành viên vượt quá ngưỡng 7 triệu Euro hoặc có hơn 100.000 người sử dụng trong năm tính thuế, có hơn 3.000 hợp đồng kinh doanh cho các dịch vụ kỹ thuật số được tạo ra giữa công ty và người dùng doanh nghiệp trong một năm chịu thuế.

Hai là, áp dụng mức thuế tạm thời là 3% cho các công ty có tổng doanh thu hàng năm trên toàn thế giới là 750 triệu euro và doanh thu ở EU là 50 triệu euro đối với doanh thu kỹ thuật số nhất định được tạo ra từ việc bán không gian quảng cáo trực tuyến, các hoạt động trung gian kỹ thuật số cho phép người dùng tương tác với nhau và có thể tạo điều kiện cho việc bán hàng hoá và dịch vụ giữa họ, việc bán dữ liệu được tạo ra từ thông tin do người dùng cung cấp. Khoản thuế tạm thời này sẽ bị bãi bỏ khi OECD thống nhất về một giải pháp dài hạn.

Như vậy, thuế dịch vụ kỹ thuật số là một xu hướng mới nhằm khắc phục lỗ hổng trong hệ thống thuế quốc tế và tạo sự công bằng cho các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn những bất đồng về cách thức thực thi, cùng với những rào cản và sự đáp trả của các quốc gia sở hữu các tập đoàn công nghệ lớn. Vì vậy, sẽ còn là một bước đi dài đối với các nhà hoạch định chính sách, trong khi các tập đoàn công nghệ này vẫn sẽ tiếp tục thu lợi nhuận khổng lồ mà không phải đóng thuế hoặc đóng thuế thấp cho tới khi đạt được giải pháp quốc tế trong dài hạn.          

CHÚ THÍCH:

1 https://www.vietnamplus.vn: Pháp thông qua luật thuế với các ông lớn công nghệ dù cho Mỹ đe dọa. 11/7/2019

2. https://vtv.vn: Anh công bố dự thảo luật thuế dịch vụ kỹ thuật số. 12/7/2019

3 http://khoahocphattrien.vn: Thuế kỹ thuật số của Malaysia: Một động thái thông minh? 21/11/2018

4. http://www.cpv.org.vn: Pháp hy vọng thuế kỹ thuật số được thông qua tại Hội nghị G7. 29/7/2019

5. http://baodatviet.vn: Anh định đánh thuế Facebook, Google, Mỹ cảnh báo nóng. 4/8/2019

6. https://www.thesaigontimes.vn: Pháp đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số. 24/7/2019

7. https://vietnambiz.vn: Nhiều nước Châu Á muốn đánh thuế Facebook, Google. 31/10/2018

8. Tài liệu đã dẫn, số 6

9. https://thoibaokinhdoanh.vn: Đánh thuế kỹ thuật số, Pháp - Mỹ đối đầu. 15/7/2019

10.Tài liệu đã dẫn, số 9

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuế dịch vụ kỹ thuật số: Xu hướng, rào cản và giải pháp quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO