Tín dụng ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Đức Lệnh| 27/08/2019 10:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết phân tích đánh giá vai trò hoạt động tín dụng ngân hàng, cũng như bài học kinh nghiệm cho quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo.

Ngày nhận bài: 15/7/2019 - Ngày biên tập: 15/7/2019 - Ngày duyệt đăng: 8/8/2019.  Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 16/2019

Tóm tắt: 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (Chương trình) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã tạo ra những thay đổi căn bản thúc đẩy khu vực nông nghiệp, nông thôn ngoại thành thành phố tăng trưởng và phát triển, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố. Trong quá trình đó, vốn tín dụng ngân hàng giữ vai trò quan trọng. Qua 10 năm thực hiện Chương trình trên địa bàn, vốn tín dụng luôn chiếm tỷ trọng trên 70% tổng vốn đầu tư phát triển và xây dựng nông thôn mới, phản ánh vai trò không thể thiếu của hoạt động tín dụng ngân hàng trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Với ý nghĩa đó, bài viết phân tích đánh giá vai trò hoạt động tín dụng ngân hàng, cũng như bài học kinh nghiệm cho quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới tại TP. Hồ Chí Minh trong giai đoạn tiếp theo.

Từ khóa: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, TP. Hồ Chí Minh, hoạt động tín dụng ngân hàng

Bank credit plays an important role in implementing the national target program on new rural development

Abstract: For 10 years of implementing the National Target Program on new rural development (the Program) in Ho Chi Minh City,  fundamental changes have been created to promote the rural and suburban areas of the city to grow and develop, making an important contribution in the process of restructuring rural agriculture in the city. In this process, bank credit plays an important role. After 10 years of implementing the Program in the city, bank credit always accounts for over 70% of the total investment capital for development and new rural construction, reflecting the indispensable role of bank credit in new rural development in the city. With that meaning, the article analyzes and assesses the role of bank credit, as well as lessons learned for more effective implementation of new rural development in  Ho Chi Minh city in the next stage.

Key words: National target program for new rural development, Ho Chi Minh city, bank credit

Hiệu quả hoạt động tín dụng đối với quá trình xây dựng và phát triển nông thôn mới trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh

Thứ nhất: Hoạt động tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn để xây dựng và phát triển nông thôn mới trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, quy mô vốn nguồn vốn tín dụng tăng liên tục trong suốt 10 năm. Đến cuối năm 2018, tổng dư nợ tín dụng cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đạt gần 28.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% trong tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn.

Thứ hai: Cơ cấu vốn hợp lý và phù hợp với nhu cầu phát triển, xây dựng nông thôn mới. Dư nợ tín dụng cho vay trung, dài hạn chiếm 59% trong tổng dư nợ tín dụng cho vay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Kết quả này phù hợp với nhu cầu vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng, nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu về giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi trong xây dựng nông thôn mới (điện, đường, trường, trạm) 10 năm qua.

Thứ ba: Tín dụng hiệu quả, chất lượng tín dụng cao, tỷ lệ nợ xấu thấp. Theo đó, đến cuối năm 2018 nợ xấu cho vay chỉ chiếm chưa tới 0,01% trong tổng dư nợ tín dụng xây dựng nông thôn mới. Kết quả này phản ánh hiệu quả sử dụng vốn vay, ý nghĩa trong việc hỗ trợ người nông dân, hộ gia đình, doanh nghiệp trong các xã, huyện nông thôn mới phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sự chuyển biến chất lượng trong quá trình xây dựng nông thôn mới – đúng với mục tiêu Chương trình đề ra trong 10 năm thực hiện.

Thứ tư: Vốn tín dụng ngân hàng giữ vai trò không thể thiếu và là động lực thúc đẩy phát triển nông thôn mới, phản ánh trên 3 phương diện chính sau:

(1). Vốn tín dụng ngân hàng là bộ phận quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của Văn phòng xây dựng Nông thôn mới thành phố trong tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2016 - đến tháng 6/2019 là trên 34.000 tỷ đồng. Gồm vốn ngân sách; vốn của người dân, doanh nghiệp và vốn vay. Trong đó vốn tín dụng ngân hàng (vay từ các NHTM, NHCSXH, QTDND và Ngân hàng Phát triển) chiếm trên 88% tổng nguồn vốn đầu tư.

(2). Hỗ trợ và tạo điều kiện về vốn cho hộ gia đình, cho doanh nghiệp trong việc xây dựng nông thôn mới và tại các xã nông thôn mới phát triển sản xuất kinh doanh. Đến cuối năm 2018 tổng dư nợ cho vay đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, cho vay 130.281 khách hàng, gồm: doanh nghiệp, HTX và hộ gia đình. Trong đó, khách hàng hộ gia đình, chiếm 98,8% trong tổng số khách hàng vay. Quá trình này đã và đang hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, sự gắn kết giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp tạo sự liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ tại khu vực nông nghiệp, nông thôn và những xã nông thôn mới.

(3). Vốn tín dụng ngân hàng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực: thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến; phát triển mô hình trang trại, các khu vực trồng cây cảnh, cá cảnh, trồng rừng và du lịch sinh thái… tạo ra những đổi thay rất lớn tại khu vực ngoại thành thành phố - là động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế thành phố, cũng như hình thành các xã nông thôn mới không chỉ mang lại cuộc sống cho người dân mà còn trở thành các điểm du lịch hấp dẫn. Trong đó, huyện Củ Chi, Cần Giờ, Quận 9 và Hóc Môn… có nhiều điểm du lịch ngày càng hấp dẫn du khách – đây đã và sẽ tiếp tục là mô hình phát triển hiệu quả.

Một số bài học kinh nghiệm.

Bài học thứ nhất, về chủ trương, chính sách và đường lối đúng đắn. Với chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cùng với hệ thống cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHTW về các chính sách tín dụng cho phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân đã tạo thuận lợi rất lớn cho quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Như phân tích ở trên, nhờ chủ trương đúng, trúng và hệ thống cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng, sự kết hợp các chính sách tín dụng, lãi suất và sử dụng linh hoạt công cụ điều hành chính sách (dự trữ bắt buộc; tái cấp vốn; lãi suất và tỷ giá) cũng như các giải pháp về cải cách hành chính… đã tạo điều kiện cho tín dụng đối với lĩnh vực này duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, hiệu quả đáp ứng vốn cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn kể cả trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, vốn tín dụng vẫn tập trung giúp tạo sự phát triển bền vững.

Bài học thứ hai, sự phối hợp hiệu quả của sở, ngành thành phố, của Văn phòng xây dựng nông thôn mới – cùng với ngành ngân hàng thành phố trong tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách của Chính phủ, của NHTW và UBNDTP.

Như đã biết, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đóng góp vào GRDP thành phố thấp, song ý nghĩa của sự phát triển khu vực này lại rất quan trọng đối với việc tăng trưởng và phát triển bền vững của kinh tế thành phố, cũng như đảm bảo cho thành phố đạt được mục tiêu văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Theo đó, nhờ có sự trách nhiệm trong các hoạt động xây dựng và phát triển nông thôn mới thông qua việc thực hiện 19 tiêu chí của Chương trình tại các sở, ngành, UBND các huyện đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đây cũng là cơ sở quan trọng để ngành ngân hàng thành phố tham gia tích cực và hiệu quả vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại các huyện ngoại thành, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn tín dụng cho người nông dân, hộ gia đình và doanh nghiệp để xây dựng nông thôn mới, thông qua các giải pháp thiết thực và cụ thể:

+ Tổ chức triển khai các chương trình tín dụng: Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn theo NĐ 55 và NĐ 116 của Chính phủ; tín dụng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn của UBNDTP theo QĐ 605; chương trình tín dụng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên. Trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; Các chương trình tín dụng chính sách và tín dụng hỗ trợ trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh… nhằm đảm bảo đưa chính sách của Chính phủ, của UBNDTP và của NHTW đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, hỗ trợ và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại các huyện ngoại thành của thành phố trong 10 năm qua.

+ Thông qua các chương trình, giải pháp cụ thể để tạo điều kiện và nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của người nông dân, hộ gia đình và doanh nghiệp trong đáp ứng nhu cầu vốn xây dựng nông thôn mới. Trong đó chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp; cho vay bình ổn thị trường đã mang lại hiệu quả tích cực đối với khu vực này nói chung và quá trình xây dựng nông thôn mới của thành phố nói riêng.

Bài học thứ ba, hiệu quả tín dụng là việc thực hiện đồng bộ các chương trình tín dụng chính sách, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn tài chính và giáo dục đào tạo nghề, nhất là đối với chương trình xóa đói giảm nghèo, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn nông thôn mới về tiêu chí hộ nghèo, đảm bảo xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới không có hộ nghèo và giảm nghèo bền vững. Các TCTD không ngừng đổi mới quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả kinh doanh để cho vay lĩnh vực này, nhất là đối với các chương trình tín dụng chính sách, tín dụng xóa đói giảm nghèo, cho vay giải quyết việc làm… của NHCSXH.

Thực hiện tốt các hoạt động nêu trên, không chỉ giảm nghèo bền vững, cải thiện và củng cố vững chắc tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, giúp phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong các xã, huyện nông thôn mới.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO