Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2019 có nhiều mặt tích cực

Phạm Hiếu| 01/03/2019 16:56
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 1/3/2019, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2019 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.

Toàn cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2019

Ngày 1/3/2019, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2019 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tháng 2/2019 có 2 sự kiện nổi bật. Sự kiện thứ nhất là việc phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi vui tươi, đầm ấm khắp mọi miền đất nước. Sự kiện thứ hai là Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên tại Hà Nội. Việt Nam đã chuẩn bị cho sự kiện trong thời gian rất gấp nhưng đã làm rất tốt, chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Vị thế, vai trò, công tác chuẩn bị, tổ chức của Việt Nam được lãnh đạo 2 nước Mỹ, Triều Tiên và quốc tế đánh giá cao. Dù hai bên chưa ký được thỏa thuận nhưng đây là dịp để hướng tới kết quả tích cực trong tương lai, trong việc thúc đẩy hòa bình tại bán đảo Triều Tiên. Đặc biệt, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, các thành viên Chính phủ đều đánh giá kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh có nhiều mặt tích cực.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng trước.

Có một số lĩnh vực đạt kết quả nổi bật như đầu tư nước ngoài tăng gấp 2,5 lần cùng kỳ, số lượng khách du lịch cũng ở mức kỷ lục so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2%. Đặc biệt, tổng cầu tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 9,25%).

Thị trường tiền tệ, tín dụng, lãi suất ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/2/2019 tăng 0,77% so với cuối năm 2018.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm trước tăng 9,25%). Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,9%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 4,3%.

Cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% về số doanh nghiệp. Tuy nhiên, số vốn đăng ký tăng 25,4% so với cùng kỳ. Có trên 10.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 48,2% so với cùng kỳ.

Vốn FDI thực hiện tăng 9,8%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 10,12% so với cùng kỳ. Riêng tháng 2 là 1,59 triệu - đây là tháng có số du khách lớn nhất đến Việt Nam cao nhất từ trước đến nay. Một phần nguyên nhân xuất phát từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như: về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn thấp, sức chống chịu nền kinh tế chưa cao, cạnh tranh thương mại Trung – Mỹ vẫn ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội nước ta thời gian tới… đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời có những phản ứng chính sách phù hợp.

Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, tại phiên họp Chính phủ tháng 2/2019, Thủ tướng giao các bộ, ngành địa phương theo dõi diễn biến tình hình kinh tế quốc tế, đặc biệt là khẩn trương thực hiện các giải pháp được nêu ra tại Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nỗ lực phấn đấu ngay từ những tháng đầu năm để thực hiện thành công các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thành, vượt mức các chỉ tiêu năm 2019

Thủ tướng lưu ý, tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm nhiều dư địa cho điều hành chính vĩ mô và vận dụng chính sách kinh tế vĩ mô để đối phó với kinh tế quốc tế.

Tập trung cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Quốc tế đánh giá cao vai trò Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên

Việt Nam đã chuẩn bị cho sự kiện trong thời gian rất gấp nhưng đã làm rất tốt, chu đáo, bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Vị thế, vai trò, công tác chuẩn bị, tổ chức của Việt Nam được lãnh đạo 2 nước Mỹ, Triều Tiên và quốc tế đánh giá cao. Dù hai bên chưa ký được thỏa thuận nhưng đây là dịp để hướng tới kết quả tích cực trong tương lai, trong việc thúc đẩy hòa bình tại bán đảo Triều Tiên.

Đặc biệt, Việt Nam đã quảng bá ra thế giới hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, đạt nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Chúng ta đã giới thiệu có hiệu quả về đất nước Việt Nam với nền văn hóa đặc sắc, ẩm thực phong phú, con người thân thiện, mến khách.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2019 có nhiều mặt tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO