Tọa đàm khoa học “Quản lý, phát triển Bancassurance tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”

Trịnh Ngọc Lan| 17/03/2020 15:14
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 17/3/2020, Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã tổ chức Tọa đàm khoa học “ Quản lý, phát triển Bancassurance tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Tham dự tọa đàm có nhiều đại diện của các NHTM và chuyên gia tài chính ngân hàng.

Toàn cảnh buổi tọa đàm khoa học

Bancassurance là mô hình liên kết kinh doanh giữa ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) trong đó các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua kênh ngân hàng. Hoạt động bancassurance đã thành công và được phát triển rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm qua do những lợi ích của nó mang lại cho cả ba bên là ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và khách hàng.

Doanh thu phí bảo hiểm của các ngân hàng luôn đạt mức cao

Theo thông tin từ Viện Chiến lược ngân hàng, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 66 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 160.180 tỷ đồng năm 2019, trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 52.387 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 107.793 tỷ đồng. Đã có 56/76 tổ chức tín dụng và 30/49 chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp phép hoạt động đại lý bảo hiểm/hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tỷ trọng đóng góp đối với thị trường của kênh bancassurance đã gia tăng đáng kể, từ 5% doanh thu khai thác mới năm 2014 lên 21% năm 2018 và từ 3% trên tổng doanh thu phí năm 2014 lên 12% năm 2018. Bancassurance trở thành kênh phân phối bảo hiểm chiếm vị trí thứ hai với tỷ trọng đóng góp trong doanh thu khai thác mới và tổng doanh thu phí lần lượt là 20% và 12%.

Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, điểm đáng lưu ý là tỷ trọng đóng góp của kênh Bancassurance trong doanh thu phí bảo hiểm tại các DNBH quy mô lớn lại thấp hơn tại các DNBH phi nhân thọ quy mô trung bình. Một số doanh nghiệp có quy mô trung bình trên thị trường như VASS, ABIC, GIC, tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm từ kênh bancassurance trong tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt tới trên 80%; trong khi đó, các DNBH hàng đầu trên thị trường như Bảo Việt, Bảo Minh, PVI, Pjico lại có tỷ trọng doanh thu phí bảo hiểm từ kênh bancassurance dưới 10%.

Theo kết quả khảo sát của Viện Chiến lược ngân hàng đối với 27 NHTM, 6 ngân hàng nước ngoài (NHNg) và 22 chi nhánh NHNg có 81% NHTM, 100% NHNg và 14% chi nhánh NHNg đang triển khai Bancassurance và có kết quả tăng trưởng nhanh.

Trong giai đoạn 2016-2018, tăng trưởng lũy kế doanh thu phí bảo hiểm của các ngân hàng luôn đạt mức cao. Trong top đầu NH TMCP, ấn tượng nhất là NH TMCP Quân đội (MB) khi tăng trưởng từ phí bảo hiểm bình quân trong 3 năm đạt 248%, cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng có kết quả thứ 2 trong cùng phân nhóm như Techcombank (46%) và VP Bank (20%). Trong nhóm các ngân hàng vừa và nhỏ, tăng trưởng phí bancassurance tiêu biểu có HDBank (2,863%) hay TP Bank (2,385%).

Đại diện MB cho biết  giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng phí bảo hiểm bình quân của NH này đạt đến 24%. Tính đến quý III/2019, MB có lãi thuần từ dịch vụ bảo hiểm chiếm đến 54% lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng.

Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) cũng có tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn từ 2015-2019 đạt trên 40%/năm, đặc biệt là các năm từ 2017 - 2019, tỷ lệ doanh trưởng doanh thu luôn ở mức trên 50%.

Một số vấn đề đặt ra trong hoạt động Bancassurance ở Việt Nam

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thì thách thức đến từ nhiều phía:

Về phía cơ quan quản lý bảo hiểm thì thiếu quy định riêng về Bancassurance trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe;

Về phía cơ quan quản lý ngân hàng, quy định về hoạt động đại lý bảo hiểm đối với TCTD và CNNHNg còn mang tính nguyên tắc chung, chưa gắn cụ thể với hoạt động của hệ thống ngân hàng, thiếu các quy định nhằm ngăn ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng;

Thiếu cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý bảo hiểm và cơ quan quản lý ngân hàng đối với hoạt động  Bancassurance, đặc biệt là các quy định pháp lý liên quan đến tập đoàn tài chính, nơi có sở hữu chéo giữa NH và DNBH;

Việc đảm bảo quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm trong việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp;

Thiếu quy định về bảo mật thông tin, an toàn an ninh mạng trong kết nối chia sẻ thông tin trong kinh doanh đặc biệt với xu thế số hóa hệ thống tài chính...

Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)  đề cập đến chất lượng tư vấn của nhân viên tư vấn qua kênh Bancassurance khi tư vấn và phục vụ khách hàng sau bán hàng là một thách thức đối với các DNBH và cơ quan quản lý.

Bà Phạm Thị Hà, Giám đốc phát triển sản phẩm bảo hiểm nhân thọ TP Bank, cho rằng hoạt động Bancassurance tại Việt Nam còn những trở ngại và hạn chế liên quan đến nền tảng công nghệ hiện đại; mức độ tin cậy của khách hàng; trình độ nhân viên ngân hàng còn chưa đáp ứng được yêu cầu khi triển khai kênh phân phối này dễ gặp khó khăn trong việc tư vấn khách hàng; và cuối cùng là chưa có nhiều sản phẩm chuyên biệt, đặc thù dành riêng cho kênh phân phối Bancassurance.

Giải pháp phát triển hoạt động Bancassurance

Các đại biểu tham dự Tọa đàm đều đề cập đến việc Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Bancassurance, trong đó Bộ Tài chính cần nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn triển khai hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng (TCTD) cho DNBH nói chung, bao gồm phi nhân thọ, nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe; xem xét quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm hoặc Nghị định hướng dẫn thi hành  để sửa đổi, bổ sung thêm các quy định mới về Bancassurance cho phù hợp tình hình mới...

Các giải pháp phát triển hoạt động  Bancassurance  của các TCTD và DNBH được nêu ra bao gồm xây dựng chiến lược bộ phận và có chính sách cụ thể về phát triển kinh doanh Bancassurance  trong chiến lược phát triển tổng thể của các TCTD; tận dụng tối đa cơ sở dữ liệu khách hàng sẵn có kết hợp thông tin thu thập bên ngoài, sử dụng kỹ thuật hiện đại để phân tích nhu cầu khách hàng và tìm kiếm khách hàng phù hợp cho Bancassurance; thiết kế sản phẩm bảo hiểm cần gắn với xu hướng cá thể hóa sản phẩm tài chính; và đặc biệt có bước đi thích hợp chuyển đổi số, tiến tới số hóa đối với hoạt động Bancassurance

Bancassurance đang trở thành một trào lưu và là xu hướng tất yếu để các TCTD tìm tới một nguồn thu bổ sung bền vững và an toàn thay vì chỉ dựa vào hoạt động tín dụng cần nhiều vốn, rủi ro cao. Theo Viện Chiến lược ngân hàng, xu hướng phát triển hoạt động Bancassurance tại Việt Nam được dự báo là: Ngân hàng sở hữu công ty bảo hiểm hoặc góp vốn thành lập công ty liên doanh/đại lý độc quyền để phát triển mảng bảo hiểm ngày càng gia tăng, hình thành tập đoàn tài chính đa năng tại Việt Nam; hợp tác chặt chẽ, chia sẻ nguồn lực của ngân hàng và các DNBH; số hóa hoạt động Bancassurance; và tăng cường các quy định về giám sát từ xa, kiểm soát rủi ro hợp nhất về Bancassurance với góc nhìn toàn diện tổng thể của một tập đoàn tài chính đa năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm khoa học “Quản lý, phát triển Bancassurance tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO