Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - 20 năm xây dựng và phát triển

TS. Nguyễn Đại Lai| 16/10/2019 17:15
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sau 20 năm hoạt động với tư cách là một đơn vị độc lập trực thuộc NHNN, Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) là một trong những đơn vị ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng không thể thiếu trong hệ thống hoạt động tài chính của ngành Ngân hàng, giúp NHNN nắm bắt thông tin để ban hành chính sách tiền tệ và điều chỉnh cơ chế thanh tra, quản lý toàn ngành được hiệu quả, hạn chế các tình trạng nợ xấu, nợ khó đòi.

Đồng thời CIC ngày càng là một địa chỉ thu thập, phân loại, kết nối và xử lý thông tin tín dụng (TTTD) không thể thiếu đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và nhiều đơn vị tổ chức, cá nhân phi tín dụng cần có TTTD để tiếp cận đối tác và thiết lập các quan hệ kinh tế trên thị trường.

Quá trình phát triển của CIC

Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (Tiếng Anh: Credit Information Central of Viet Nam - CIC) là một tổ chức cung ứng TTTD hoạt động theo qui chế đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, hoạt động độc lập theo Quyết định số 68/1999/QĐ-NHNN9 của Thống đốc NHNN tách ra từ nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro tại Vụ tín dụng, NHNN. Trên 20 năm hoạt động, CIC không ngừng hoàn thiện nghiệp vụ thu thập, phân loại, xử lý và cung ứng sản phẩm TTTD dựa trên hạ tầng công nghệ và xa lộ mạng thông tin điện tử ngày càng hiện đại, phủ sóng toàn quốc, phục vụ cho các yêu cầu quản lý an toàn hệ thống ngân hàng của NHNN, của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan và đặc biệt là nhu cầu quản trị rủi ro tín dụng của TCTD cũng như kết nối các nhu cầu tìm hiểu đối tác thông qua năng lực tiếp cận tín dụng của khách hàng vay...Trải qua nhiều thăng trầm về mô hình và cơ chế thu thập, phân chia và sử dụng TTTD, 10 năm sau ngày hoạt động độc lập, tại Quyết định số 1086/QĐ-NHNN ngày 8/5/2009, Thống đốc NHNN đã ký giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định tại Nghị định số 43/2006/CP/NĐ-CP của Chính phủ cho CIC. Sự thay đổi lớn nhất của Quyết định này là ngoài việc được chủ động thực thi quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thu, chi mới thì việc chuyển hình thức thu thập TTTD về CIC gián tiếp thông qua các chi nhánh NHNN sang cơ chế thu thập TTTD trực tiếp từ đầu mối các TCTD về CIC đã mang đến những thay đổi lớn lao cả về chất và lượng kèm theo bởi TTTD được tập trung nhanh, đầy đủ về kho dữ liệu CIC cũng như việc trao đổi, chia sẻ TTTD sau đó giữa CIC với mọi TCTD và đối tác khác trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Nhờ cơ chế này, CIC đã trưởng thành rất nhanh chóng. Theo đó, bằng việc tiếp cận thông tin trực tiếp từ nguồn và chia sẻ thông tin theo nhu cầu đối với các TCTD và khách hàng ngoài TCTD một cách kịp thời, với chi phí thấp, CIC có điều kiện để liên tục giảm giá dịch vụ TTTD trong những năm vừa qua. Đến nay, CIC đã có hơn 100 loại sản phẩm, gồm các sản phẩm  đặc thù về quan hệ tín dụng, xếp hạng tín dụng, cảnh báo tín dụng và các loại sản phẩm kết nối thông tin doanh nghiệp trong, ngoài nước, với các tên gọi như: thông tin quan hệ tín dụng khách hàng (cả thể nhân và pháp nhân), thông tin tài sản đảm bảo tiền vay, thông tin kết nối cung - cầu tín dụng, kết nối kinh doanh, thông tin cảnh báo top 100/200/300… khách hàng có nợ xấu lớn nhất, cảnh báo nhóm khách hàng có nợ xấu lớn nhất hệ thống/vùng/tỉnh/thành phố, cảnh báo nhóm TCTD có nợ xấu lớn so với vốn tự có, thông tin về xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, Ấn phẩm thường niên xếp hạng top 1000 doanh nghiệp tốt nhất trong năm, thông tin chấm điểm tín dụng, thông tin về năng lực tài chính và tính minh bạch pháp lý của doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ kinh doanh với nước ngoài (chia theo châu lục, vùng)… Các sản phẩm từ CIC đã đóng góp rất tích cực cho sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng, của nền kinh tế Việt Nam nhờ giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí tiếp cận, tăng cường  hiểu biết đối tác… được cả xã hội cũng như các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

CIC nắm giữ và quản lý trên 40 triệu mã khách hàng, chiếm 99% tổng dư nợ toàn ngành kinh tế

Ngày nay, ngoài thông tin cập nhật toàn ngành về biến thiên quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng theo nhóm nợ và cơ cấu tín dụng theo ngành, theo địa lý hành chính, theo các hình thức tín dụng, kết nối cung cầu khác nhau thì CIC cũng là địa chỉ thu thập, lưu trữ, quản lý và khai thác hầu hết hồ sơ khách hàng (HSKH) được gắn mã CIC từ lần đầu tiên có quan hệ tín dụng với hệ thống ngân hàng Việt Nam. Kho HSKH này chính là “phần hồn” luôn luôn biến đổi. Ẩn chứa trong “kho báu” này là rất nhiều thông tin thay đổi theo thời gian mà các bên liên quan không thể không tìm hiểu để đáp ứng nhu cầu đa dạng về năng lực tiếp cận, về lịch sử quan hệ tín dụng của từng khách hàng cũng như từng nhóm khách hàng, từng vùng khách hàng, thậm chí tỷ trọng khách hàng của từng ngành hàng. Các bên liên quan đến kho HSKH này trước hết là NHNN cần dữ liệu để ban hành CSTT; là các cơ quan quản lý Nhà nước để tham khảo trong việc ban hành chính sách chuyển dịch ngành kinh tế và quản lý an ninh kinh tế; là TCTD để đưa ra chính sách tín dụng hạn chế rủi ro trong việc quản lý, ra quyết định cho vay hay không cho vay; là các khách hàng hay các doanh nghiệp muốn tìm hiểu ngược lại các TCTD có năng lực đáp ứng tốt nhất nhu cầu tín dụng để quyết định vay hay không vay; là các khách hàng cần TTTD để thiết lập, kết nối các quan hệ đối tác kinh doanh…. Khách hàng của CIC do đó cũng ngày càng đa dạng - không chỉ bao gồm khách hàng truyền thống là NHNN, các cơ quan Nhà nước, các TCTD trong ngành ngân hàng, mà cả các tổ chức, cá nhân dù chưa hay không phải là khách hàng của ngân hàng vẫn cần tìm hiểu thông tin pháp nhân, thể nhân đang có mã CIC để thiết lập cơ chế, kết nối liên minh, liên kết hay hình thành bạn hàng của nhau trên thị trường trong và ngoài nước. Với chức năng thu thập, xử lý và cung cấp TTTD khách quan, trung thực, theo nguyên tắc liên kết, chia sẻ thông tin giữa CIC với các TCTD, giữa CIC với các nguồn chia sẻ thông tin ngoài ngành khác, làm cho chi phí đầu vào rẻ và giá dịch vụ đầu ra cũng ngày càng rẻ tương ứng đối với các bên tham gia cung cấp và thụ hưởng dịch vụ TTTD có thu của CIC.

Đáp ứng nhu cầu bức thiết ngày càng tăng về các sản phẩm dịch vụ TTTD của CIC, ngày 28/01/2013 NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2013/TT- NHNN  quy định về hoạt động TTTD của NHNN VN để chuẩn hóa các mối quan hệ và mở rộng các bên liên quan cùng khai thác và sử dụng TTTD theo đúng pháp luật của Nhà nước và của ngành Ngân hàng. Sau Thông tư này, doanh số và bạn hàng của CIC đã không ngừng gia tăng. Tầm quan trọng của TTTD đã ngày càng phủ sóng rộng rãi trong và ngoài ngành, trong và ngoài nước. Đến nay CIC đang nắm giữ hồ sơ tín dụng của xấp xỉ 40 triệu mã khách hàng với hơn 99% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó đã có 100% TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, gần 1.200 qũy tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, 43 tổ chức tự nguyện gửi file báo cáo thông tin đều đặn về cho CIC theo quy định và các thỏa thuận đã ký kết. Tổng số mã khách hàng vay trong kho dữ liệu TTTD quốc gia đến giữa năm 2019 là trên 38,9 triệu, bao gồm 920.000 doanh nghiệp và trên 38 triệu thể nhân. Số khách hàng đang có dư nợ là 17,4 triệu (trong đó 162.000 doanh nghiệp và trên 17,2 triệu thể nhân). Từ kết quả đó, Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2019 của Ngân hàng Thế giới đã đánh giá mức độ bao phủ TTTD của CIC tiếp tục được cải thiện, đạt 54,8% tính trên số người ở độ tuổi trưởng thành ở Việt Nam và chiều sâu TTTD đã duy trì 7/8 điểm (cao hơn khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khối OECD). Hiện nay CIC cũng là địa chỉ giải đáp nhanh chóng, thậm chí tức thời những thắc mắc khiếu nại liên quan đến TTTD không chỉ của các TCTD mà cả mọi khách hàng hay cơ quan, tổ chức có hợp đồng quan hệ TTTD. Hoạt động dịch vụ TTTD do đó đang đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình đẩy lùi rủi ro tín dụng, bảo đảm sự phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung. Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của NHNN, CIC đã tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động, chú trọng đầu tư hệ thống công nghệ và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Việc thu thập, xử lý, cập nhật thông tin đã và đang được kiểm soát chặt chẽ và tăng cường các giải pháp tự động hóa trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT) ngày càng hiện đại. CIC cũng đã mở rộng thu thập thông tin từ các tổ chức ngoài ngành như: Cập nhật thông tin doanh nghiệp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thực hiện gói thầu dự án kết nối thông tin với C72, Bộ Công an; Nghiên cứu phương án và tạo điều kiện để các doanh nghiệp bán lẻ, Fintech và cho vay ngang hàng P2P đã được tham gia vào hệ thống TTTD trên nguyên tắc thị trường, như: Công ty Cổ Phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT, MOBIVI, mạng bán hàng trực tuyến ALUKAKU... 

Định hướng phát triển

CIC đã xây dựng và báo cáo Kế hoạch phát triển CNTT giai đoạn 2018-2023, trong đó đặc biệt là xây dựng trung tâm dự phòng, trung tâm dữ liệu, các phần mềm ứng dụng... Hoàn thành mô hình cung cấp thông tin trực tiếp (Host to Host) chuẩn để áp dụng chung cho tất cả các TCTD. CIC còn thành lập Tổ triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT 2018-2023 nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào hoạt động kết nối, nhận tin, cấp tin. Hoạt động của Tổ triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT 2018-2023 dựa vào Quyết định số 2276/QĐ-NHNN ngày 19/11/2018 của Thống đốc NHNN về việc phê duyệt Kế hoạch “Ứng dụng CNTT của CIC giai đoạn 2018-2023” (Kế hoạch UDCNTT 2018-2023) và quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị định 102/2009/NĐ-CP. Kế hoạch UDCNTT 2018-2023 là dự án đầu tư lớn, thời gian hoàn thiện khá dài, đòi hỏi phải được khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, phân tích và dự báo sát nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài và có tính đồng bộ, từ đó xác định quy mô đầu tư, lựa chọn công nghệ phù hợp, nguồn nhân lực tương xứng hướng tới các giải pháp công nghệ mới, tiên tiến, cập nhật cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đó cũng là một trong những trụ cột để CIC đi vào tương lai, vững chắc trên con đường phát triển, tiếp tục nâng cao chất lượng cơ sở TTTD quốc gia cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó luôn cập nhật số lượng và chất lượng thông tin thu thập từ các TCTD trong ngành, tiếp tục mở rộng nguồn thông tin từ các tổ chức ngoài ngành để nâng cao độ bao phủ, duy trì và cải thiện độ sâu của TTTD; Triển khai rộng rãi, hiệu quả giá trị TTTD tới các TCTD, tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD tiếp tục được giảm giá và gia tăng khai thác các dịch vụ TTTD của CIC trong việc ra quyết định tín dụng nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

Trong giai đoạn tới, để góp sức xây dựng NHTW hiện đại, đảm bảo ngành Ngân hàng phát triển an toàn và hiện đại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu luôn có nhiều biến động phức tạp, chiến lược phát triển Trung tâm TTTD quốc gia Việt Nam sẽ là: Tiếp tục phát triển CIC theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc NHTW, có chức năng làm đầu mối thu thập, quản lý, khai thác, kết nối, phát huy hiệu quả kho dữ liệu TTTD quốc gia; Xử lý và đáp ứng các nhu cầu TTTD cho hoạt động quản lý Nhà nước đối với hệ thống TCTD ngân hàng và phi ngân hàng của NHTW, của cơ quan Nhà nước khác theo pháp luật; quản lý và tạo lập thị trường dịch vụ TTTD minh bạch, khách quan cho các Công ty TTTD ngoài công lập; Cung cấp dưới hình thức tạo lập và đáp ứng tức thời, tự động các nhu cầu dịch vụ các sản phẩm TTTD khách quan, cập nhật thông tin liên quan đến tư cách tiếp cận tín dụng của khách hàng pháp nhân và thể nhân; Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp; Chấm điểm năng lực hấp thụ và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp; Phát triển mạnh các hoạt động quốc tế hóa thị trường dịch vụ TTTD thông qua liên doanh, liên kết, kết nối cung - cầu; Chấm điểm quan hệ TTTD đối với chính TCTD, tiến tới thiết lập cổng thông tin để giới thiệu các sản phẩm dịch vụ tín dụng, chính sách ưu đãi của bản thân TCTD cho khách hàng tra cứu tại nhà, tại đơn vị để giảm thiểu thời gian, chi phí tiếp cận tín dụng của khách hàng; Mở kênh thông tin để chính khách hàng xếp hạng tín nhiệm của thị trường ngược trở lại đối với từng TCTD theo quí/năm; Phát triển dịch vụ TTTD cho các đối tượng là pháp nhân và thể nhân không có quan hệ tín dụng; Phát triển nhanh các hình thức chia sẻ, thu thập thông tin ngoài ngành; Chia sẻ thông tin với các hãng TTTD quốc tế cũng như phát triển các quan hệ chia sẻ thông tin song phương với từng quốc gia đang và sẽ có tiềm năng lớn trong quan hệ kinh tế đối ngoại với Việt Nam. Tất cả định hướng phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ nói trên phải được dựa trên nền tảng CNTT mới, hiện đại và xa lộ luật pháp phù hợp để bảo vệ các bên tham gia cung cấp và thụ hưởng giá trị đa chiều về dịch vụ TTTD của CIC. 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam - 20 năm xây dựng và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO