(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trên cơ sở nhận diện các rào cản, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục vấn đề này ở mỗi quốc gia đặc biệt chú trọng đến nhóm giải pháp cải thiện giáo dục tài chính.
Ngày nhận bài: 8/8/2018 - Ngày biên tập: 14/8/2018 - Ngày duyệt đăng: 14/12/2018. Bài viết đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 24/2018
Tóm tắt: Bài viết đưa ra nguyên nhân dẫn đến loại trừ tài chính ở các quốc gia ở cả hai phía cung và cầu. Các rào cản đến từ bên cung có thể kể đến như: ràng buộc pháp lý, địa lý, các yếu tố của thị trường, tính khả dụng của các dịch vụ tài chính, cơ sở hạ tầng và hệ thống kết nối. Các rào cản đến từ bên cầu như: văn hóa và tâm lý; nhận thức về các dịch vụ tài chính; thu nhập của mỗi cá nhân...
Từ khóa: dịch vụ tài chính, loại trừ tài chính, tài chính toàn diện, rào cản.
Financial exclusion - Solutions to overcome for Vietnam
Abstract: This article gives causes of financial exclusion in the countries on both sides of supply and demand. Barriers from the supply side may be mentioned as legal constraints, geographicy, market factor, the availability of financial services, infrastructure and connectivity system. Barriers from the demand can be named such as culture and psychology; awareness of financial services; individual income... On the basis of identified barriers, the study proposes some solutions to overcome this problem in each country, of which attention is made to groups of measures to improve financial education.
Keywords: financial exclusion, financial service, barriers
Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện cho mọi cá nhân và tổ chức, đặc biệt đối vơi người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luận chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trái ngược với tài chính toàn diện, loại trừ tài chính có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng đặc điểm chính là việc một nhóm khách hàng không có khả năng để tiếp cận dịch vụ tài chính cần thiết dưới hình thức thích hợp (Sinclair, 2001). Như vậy, loại trừ tài chính là một khía cạnh mà chính phủ các quốc gia cần giải quyết để đạt được mục tiêu tăng trưởng toàn diện, trong đó tất cả mọi người trong xã hội không loại trừ ai đều có thể tiếp cận tài chính và đạt được thành quả từ việc tiếp cận đó.
Loại trừ tài chính không phải là vấn đề mới nhưng hậu quả của nó đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mỗi quốc gia, đặc biệt ở các nước kém phát triển hầu hết mọi người phải đối mặt với vấn đề này. Nếu xét chung trên toàn thế giới, loại trừ tài chính ảnh hưởng đến 2,3 tỷ người ở độ tuổi lao động. Do đó điều quan trọng là xác định các nguyên nhân khiến người dân khó hoặc không tiếp cận được các dịch vụ tài chính, ảnh hưởng đến quá trình phát triển tài chính toàn diện của mỗi quốc gia. Khảo sát quốc tế của 301 nhà cung cấp dịch vụ tài chính, nhà đầu tư và thành viên hỗ trợ các tổ chức xác nhận rằng mức độ hiểu biết về tài chính thấp có nhiều khả năng được coi là một rào cản đối với tài chính toàn diện (Gardeva et al.). Mặt khác (Demirguc-Kunt et al., 2018) chỉ ra rằng mức độ tài chính toàn diện thay đổi trên toàn thế giới, với mức cao nhất tỷ lệ người trưởng thành bị loại trừ về tài chính có nhiều khả năng được tìm thấy ở các quốc gia có tỷ lệ đói nghèo cao hoặc bất bình đẳng, bao gồm phần lớn châu Phi cận Sahara (dữ liệu Findex cho thấy chỉ có 24% số người từ 15 tuổi trở lên ở các nước đang phát triển trong vùng châu Phi cận Sahara có tài khoản tại một tổ chức tài chính chính thức). Một tỷ lệ bị loại trừ tài chính của thế giới cũng được tìm thấy ở các nước BRIC lớn đang phát triển nhanh như Ấn Độ (65%), Liên bang Nga (52%), Brazil (56%), và Trung Quốc (36%). Bên cạnh đó, trong các quốc gia, dữ liệu hiện có từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy rằng loại trừ tài chính có nhiều khả năng nhất là người dân nông thôn và những người có thu nhập thấp hoặc không thể đoán trước. Cá nhân có trình độ học vấn thấp và phụ nữ là hai đối tượng chính trong loại trừ tài chính.
Dựa vào các nghiên cứu trước đây, bài viết tổng hợp và đưa ra các nhóm nguyên nhân (rào cản) gây ra loại trừ tài chính từ cả hai phía, phía cung – tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính và phía cầu là người sử dụng dịch vụ tài chính. Các rào cản đến từ bên cung có thể kể đến như: ràng buộc pháp lý và các rào cản địa lý, các yếu tố của thị trường, tính khả dụng của các dịch vụ tài chính, cơ sở hạ tầng và hệ thống kết nối. Các rào cản đến từ bên cầu như: văn hóa và tâm lý; nhận thức về các dịch vụ tài chính; thu nhập của mỗi cá nhân... Trên cơ sở nhận diện các rào cản, nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục vấn đề này ở mỗi quốc gia.
Cơ sở lý thuyết loại trừ tài chính
Loại trừ tài chính là việc một nhóm người bị hạn chế truy cập vào các dịch vụ tài chính, bao gồm loại trừ về giá – một số dịch vụ tài chính quá đắt; loại trừ điều kiện – các điều kiện kèm theo sản phẩm khiến chúng không phù hợp với họ và loại trừ tiếp thị - không ai cố gắng bán sản phẩm cho họ (Kempson, 2000; Kempson et al., 1999).
Panigyrakis et al., 2002 đã xác định loại trừ tài chính là việc một nhóm thành phần xã hội đặc biệt là người nghèo không có khả năng truy cập vào các dịch vụ tài chính chính thức. Trong vài trường hợp, điều này bao gồm việc thiếu tài khoản ngân hàng giao dịch cơ bản hoặc bất kỳ dịch vụ tài chính nào khác và sau đó được mô tả như là loại trừ tài chính hoàn toàn.
Loại trừ tài chính có thể được xác định là việc loại trừ khỏi các nguồn tín dụng cụ thể, và các dịch vụ tài chính khác (bao gồm bảo hiểm, dịch vụ thanh toán hóa đơn và tài khoản tiền gửi..) (Collard et al., 2001).
(Kempson et al., 1999) lập luận rằng có nhiều khía cạnh trong loại trừ tài chính. Loại trừ được hiểu là một hạn chế truy cập vào các dịch vụ tài chính bởi các rào cản như địa lý, tâm lý văn hóa, cơ sở hạ tầng, do các điều kiện kèm theo sản phẩm chào bán hoặc tài chính của cá nhân đó không đủ để truy cập vào một dịch vụ tài chính. Một khái niệm liên quan đến loại trừ tài chính mà (Devlin, 2005) đưa ra, đó là việc dịch vụ tài chính thiếu các công cụ hỗ trợ, thiếu thông tin và do thói quen của người tiêu dùng gây ra. Theo (Authority, 2000), vấn đề tài chính loại trừ có thể đến từ các nhân tố như sự gia tăng của lớp người vô gia cư, sự phân bố thu nhập không đồng đều trong xã hội, và ảnh hưởng từ văn hóa xã hội. Với việc xác định các rào cản trên, (Authority, 2000) cũng đưa ra một số biện pháp có thể giúp thúc đẩy loại trừ tài chính dựa trên các yếu tố như văn hóa, nhân khẩu, phát triển kinh tế.
Các rào cản loại trừ tài chính
Theo (Beck et al., 2008), loại trừ tài chính có hai hình thức: loại trừ tài chính tự nguyện và loại trừ tài chính không tự nguyện. Loại trừ tài chính tự nguyện cũng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng chủ yếu là bởi sự lựa chọn cá nhân. Những nguyên nhân này xuất phát từ những vấn đề liên quan tới văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng, hiểu biết tài chính yếu kém, không có khả năng thích ứng với công nghệ mới, hoặc cố ý né tránh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm thoát khỏi sự quản lý của cơ quan nhà nước (Beck et al., 2008).
Loại trừ tài chính không tự nguyện bắt nguồn từ những trở ngại khách quan khi tiếp cận hệ thống tài chính bao gồm những yếu tố như những hạn chế về mặt cơ chế chính sách, chủ yếu do những chính sách mới được ban hành thường được tập trung vào những đối tượng đã và đang sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính mà chưa dành quan tâm thỏa đáng tới những người chưa tiếp cận dịch vụ và hướng tới số đông.
Ở mức cơ bản nhất, loại trừ tài chính là dấu hiệu của sự thất bại thị trường, bao gồm cả các yếu tố cung và cầu. Các nguyên nhân bên cung làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng tài chính chính thức sản phẩm bao gồm:
- Ràng buộc pháp lý. Điều này được hiểu là giới hạn việc khách hàng sử dụng các dịch vụ của ngân hàng bởi các khung quy định pháp lý của mỗi quốc gia. Từ đó làm hạn chế khả năng của các nhà cung cấp tài chính thu hút khách hàng mới.
- Các thủ tục vay mượn phức tạp, điều kiện đưa ra không phải ai cũng đáp ứng được (tài sản đảm bảo, chứng minh nguồn thu nhập, các loại giấy tờ liên quan…) trở thành rào cản đối với người dân khi muốn sử dụng dịch vụ này.
- Các yếu tố thị trường. Đây là hành động loại trừ đến từ mối quan tâm lớn nhất của các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính là lợi nhuận và rủi ro. Các nhà cung ứng dịch vụ chỉ tập trung kinh doanh vào các đối tượng mang lại lợi nhuận nhiều hơn hoặc ít rủi ro tiềm tàng hơn. Những đối tượng nghèo, dễ tổn thương, điều kiện khó khăn, trình độ dân trí thấp, bị loại trừ ra ngoài phạm vi cung ứng dịch vụ tài chính của các tổ chức này (Ford et al., 1996)
- Rào cản địa lý. Hiện nay ở một số nước kém phát triển, các nhà cung cấp dịch vụ rất ngại mở nhiều chi nhánh ở khu vực nông thôn hoặc khu vực có lợi nhuận thấp, tạo ra một rào cản để khách hàng có thể tiếp tục sử dụng(Kempson, 2000), (Pollard, 1995).
- Cơ sở hạ tầng và rào cản kết nối. Các rào cản vật lý và địa lý ở trên mức độ nào đó đã được giải quyết thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng thiếu thốn, khi những nhóm đối tượng có thể bị loại trừ khỏi hệ thống tài chính bởi nằm ở những vùng không có điện, không có internet. Do đó những đối tượng này mặc nhiên không thể tiếp cận với những thông tin cần thiết về các dịch vụ tài chính (Leyshon et al., 1996)
- Sự thiếu tin cậy vào các dịch vụ (chẳng hạn như khó khăn khi truy cập hoặc không đủ dữ liệu bảo mật), dữ liệu khách hàng bị đánh cắp, và việc cung cấp các dịch vụ không tương thích lẫn nhau cũng có thể giảm tính hiệu quả của dịch vụ tài chính. Sản phẩm không phù hợp, điều khoản và điều kiện hạn chế và lệ phí cao cũng tạo ra rào cản ở một số nước phản ứng bất chấp tiến bộ công nghệ
Tất cả các yếu tố bên cung ở trên có thể tác động đến mức độ mà cá nhân muốn, hoặc không muốn sử dụng các dịch vụ tài chính. Ngoài ra, một số yếu tố bên cầu cũng có thể dẫn đến loại trừ tài chính bao gồm:
- Tài chính của mỗi cá nhân bị hạn chế. Khi mà các điều kiện sử dụng dịch vụ đặt ra quá cao như số dư tối thiểu, phí sử dụng dịch vụ thì nguồn tài chính bị hạn hẹp cũng là yếu tố khiến họ bị loại trừ ra khỏi hệ thống tài chính (Kempson, 2000), (Pollard, 1995).
- Thói quen. Việc sử dụng tiền mặt trở thành thói quen lâu nay của người dân. Bởi vì nhiều cá nhân cho rằng sử dụng tiền mặt dễ kiểm soát ngân sách của họ, đặc biệt khi thu nhập và chi tiêu không thể đoán trước. Ngoài ra thói quen này đến từ việc người dân còn chưa tin tưởng vào độ an toàn và bảo mật khi sử dụng các dịch vụ tài chính hiện nay (Kempson et al., 1999).
- Mức độ thấp trong nhận thức về các dịch vụ tài chính. Thiếu nhận thức liên quan đến các loại sản phẩm tài chính khác nhau, sự tự tin, thái độ và hành vi nhất định ngăn cản việc sử dụng và tin tưởng vào các sản phẩm tài chính tạo ra rào cản để truy cập. Khả năng sử dụng các dịch vụ tài chính công nghệ mới mà ngân hàng đang áp dụng như máy rút tiền/ATM, internet, ngân hàng di động còn kém có thể khiến mọi người e ngại sử dụng các dịch vụ tài chính. Những rào cản như vậy có thể trầm trọng hơn đối với những người có trình độ học vấn phổ thông thấp, kể cả những người biết chữ và tính toán ở trình độ thấp (Atkinson et al., 2013).
Văn hóa và tâm lý. Tự do văn hóa, cá nhân và niềm tin tôn giáo có thể giới hạn số lượng sản phẩm hoặc nhà cung cấp đáp ứng nhu cầu của một cá nhân. Thiếu niềm tin vào các nhà cung cấp dịch vụ tài chính cũng có thể tạo ra rào cản đối với tài chính toàn diện, mặc dù điều này có thể là rào cản cung cấp nếu khung bảo vệ người tiêu dùng tài chính yếu hoặc nếu có những lo ngại về sự ổn định tài chính hoặc mất khả năng thanh toán (Kempson et al., 1999)
Giải pháp khắc phục loại trừ tài chính
Thứ nhất, đẩy mạnh hoạt động giáo dục tài chính. Hiện nay giáo dục tài chính đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chiến lược tài chính toàn diện của nhiều quốc gia. Giáo dục tài chính có thể cải thiện mức độ hiểu biết về tài chính, giúp cá nhân vượt qua rào cản tâm lý, địa lý, thói quen để sử dụng các dịch vụ tài chính mới, ứng dụng công nghệ mới. Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như bảo vệ người tiêu dùng tài chính, thiết kế tốt quy định, cũng như các cơ chế khuyến khích để thay đổi hành vi nên được xem xét như những bộ phận quan trọng của bộ công cụ chính sách tổng thể để nâng cao mức độ tài chính toàn diện. Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách đã nhận ra tầm quan trọng của việc tăng cường các nỗ lực để phát triển chiến lược giáo dục tài chính được thiết kế tốt và các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính đầy đủ cùng với các sáng kiến bên cung cấp để kích thích tài chính toàn diện. Đối với Việt Nam, việc triển khai giáo dục tài chính là một nhu cầu thiết thực hướng tới nhiều đối tượng mục tiêu khác nhau, cụ thể là nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của hầu hết tầng lớp dân cư và các doanh nghiệp Việt Nam, bên cạnh việc bảo vệ người tiêu dùng trước sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của các loại hình dịch vụ ngân hàng và đối tượng cung ứng trong bối cảnh hội nhập, góp phần đem lại cơ hội ngang nhau cho mọi đối tượng tầng lớp dân cư đối với các nguồn lực và tiện ích tài chính để phát triển.
Thứ hai, mở rộng ngân hàng đại lý trên toàn quốc để khắc phục rào cản địa lý. Phát triển ngân hàng đại lý cho phép các tổ chức tài chính tiếp cận với dân số chưa được phục vụ đặc biệt là người dân các vùng nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Việc mở rộng ngân hàng đại lý trên toàn quốc giúp cho chính phủ đạt được mục tiêu tạo điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính cho công dân nghèo và những người chưa có điều kiện tiếp cận với ngân hàng. Bên cạnh đó các dịch vụ ngân hàng sẽ được phân phối thông qua việc sử dụng công nghệ, cho phép mọi thành phần dân cư và doanh nghiệp nhất là nhóm dân số dễ bị tổn thương và các nhóm có nhu cầu được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chất lượng với giá cả phải chăng.
Thứ ba, khắc phục rào cản cơ sở hạ tầng. Các tổ chức cung ứng dịch vụ cần xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng thanh toán điện tử tạo điều kiện tiếp cận tài chính. Hiện nay, tiền mặt vẫn được sử dụng rộng rãi trong thanh toán bán lẻ trong khi thanh toán điện tử làm giảm chi phí cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính và cho bên tham gia, thắt chặt các mắt xích trong chuỗi giá trị thông qua thanh toán nhanh hơn và có thể theo dõi được. Do đó, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán để bắt kịp với tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia, sử dụng hiệu quả hơn công nghệ. Để làm được điều đó, Chính phủ cần tăng cường áp dụng các hình thức thanh toán điện tử để thúc đẩy dịch vụ tài chính công ở diện rộng. Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ cung cấp các dịch vụ tín dụng, tiết kiệm và bảo hiểm với chi phí thấp thông qua các kênh điện tử để tăng cường sự gắn kết và tạo điều kiện đầu tư.
Thứ tư, với những tổ chức tham gia thị trường, luôn cải tiến sáng tạo về công nghệ. Đó có thể là những ứng dụng trên điện thoại với ngay cả các điện thoại không phải là điện thoại thông minh để cho phương thức thanh toán di động trở nên khả thi đối với tất cả mọi người, đặc biệt là những nước có thu nhập chưa cao như Việt Nam. Những thay đổi về công nghệ có thể bao gồm sử dụng hình ảnh thay vì chữ viết, nhận dạng khuôn mặt, sử dụng vân tay hoặc có thể chỉ cần đưa điện thoại gần về phía người nhận tiền sử dụng công nghệ giao tiếp tầm ngắn (NFC).
Thứ năm, các quy định và luật lệ nên chú trọng đến những tiến bộ mới nhất của công nghệ thông tin và truyền thông, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối tượng dựa vào công nghệ sáng tạo mới dịch vụ thanh toán qua bên thứ ba. Mặt khác, những rào cản chính sách cũng nên dỡ bỏ để các dự án đầu tư, nghiên cứu mới nhanh chóng được đi vào hoạt động. Tuy nhiên, hiện nay ngoại trừ khuôn khổ pháp lý cho lĩnh vực thanh toán của các doanh nghiệp Fintech, các lĩnh vực khác như gọi vốn, cho vay… chưa có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh. Do đó trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động của các công ty này để tạo cơ hội nhiều hơn cho các chủ thể trong nền kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận được các dịch vụ tài chính thông qua các trung gian cung cấp chính thức.
Thứ sáu, tạo lòng tin cho khách hàng. Để làm được điều này về phía ngân hàng, các biện pháp kĩ thuật nhằm giữ an toàn cho tiền trên tài khoản và thông tin riêng tư về khách hàng cần được triển khai. Tăng cường các lớp xác thực qua SMS, OTP, nghiên cứu bổ sung thêm giải pháp bảo mật, xác thực trước khi hoàn thành giao dịch thanh toán. Ngoài ra từ phía cơ quan nhà nước cần có các chế tài nghiêm ngặt về việc tuân thủ kỉ luật thị trường, về chế độ bảo mật thông tin và bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ bảy, thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Kết quả của thói quen được hình thành qua nhiều năm và một loạt các yếu tố cảm xúc và tâm lý mọi người thường tiếp tục với các mẫu hành vi cũ ngay cả khi họ có kiến thức và kỹ năng thay đổi. Thay đổi hành vi được thực hiện khó khăn hơn khi tài nguyên khan hiếm và niềm tin bị hạn chế. Hơn nữa, thay đổi hành vi có thể xảy ra một thời gian sau khi nhận được giáo dục tài chính, làm khó khăn để xác định một mối quan hệ nhân quả. Tiền đề cơ bản của các chương trình như vậy là một khi các cá nhân đã nhận được giáo dục tài chính, họ sẽ bắt đầu yêu cầu và sử dụng các sản phẩm tài chính thích hợp để tăng cường tài chính của họ.
Kết luận
Hiện nay tài chính toàn diện có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia do đó việc xác định đúng các rào cản và đưa ra các biện pháp hiệu quả là việc làm cần thiết và cấp bách để giảm tỷ lệ bị loại trừ, đạt được mục tiêu kế hoạch đã đặt ra. Mỗi giải pháp đưa ra đều nhằm đến việc nhóm loại trừ có thể truy cập, sử dụng các dịch vụ tài chính một cách nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao không những đối với bản thân người sử dụng dịch vụ tài chính, mà còn đối với nhà cung cấp và trên hết là hiệu quả đối với nền kinh tế. Trong đó trình độ học vấn, nhận thức về tài chính cơ bản là trình điều khiển chính và đã được nhấn mạnh trong Chiến lược của mỗi quốc gia khi phát triển tài chính toàn diệnu
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Atkinson, A., & Messy, F.-A. (2013). Promoting financial inclusion through financial education.
- Authority, F. S. (2000). In or out? Financial exclusion: A literature and research review. In: Financial Services Authority London.
- Beck, T., & Demirgüç-Kunt, A. (2008). Access to finance: An unfinished agenda. The world bank economic review, 22(3), 383-396.
- Collard, S., Kempson, E., & Whyley, C. (2001). Tackling financial exclusion: Policy.
- Demirguc-Kunt, A., Klapper, L., Singer, D., Ansar, S., & Hess, J. (2018). The Global Findex Database 2017: Measuring Financial Inclusion and the Fintech Revolution: The World Bank.
- Devlin, J. F. (2005). A detailed study of financial exclusion in the UK. Journal of Consumer Policy, 28(1), 75-108.
- Ford, J., & Rowlingson, K. (1996). Low-income households and credit: exclusion, preference, and inclusion. Environment and Planning A, 28(8), 1345-1360.
- Gardeva, A., & Rhyne, E. July 2011.“Opportunities and Obstacles to Financial Inclusion”, Survey Report. Washington. Center for Financial Inclusion.
- Kempson, E. (2000). In or out?: Financial exclusion: Literature and research review: Financial Services Authority.
- Kempson, E., & Whyley, C. (1999). Kept out or opted out. Understanding and
- Leyshon, A., & Thrift, N. (1996). Financial exclusion and the shifting boundaries of the financial system. In: SAGE Publications Sage UK: London, England.
- Panigyrakis, G. G., Theodoridis, P. K., & Veloutsou, C. A. (2002). All customers are not treated equally: Financial exclusion in isolated Greek islands. Journal of Financial Services Marketing, 7(1), 54-66.
- Pollard, J. S. (1995). Industry change and labor segmentation: the banking industry in Los Angles, 1970-1990. University of California, Los Angeles,
- Sinclair, S. P. (2001). Financial exclusion: An introductory survey: CRSIS, Edinburgh College of Art/Heriot Watt University.