Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11: Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, trách nhiệm của người thầy
Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ngày đăng : 11:25, 23/01/2019
Bác Hồ Thăm lớp vỡ lòng ở Hàng Than (Hà Nội) năm 1958 |
Trải qua các chặng đường phát triển của lịch sử văn hóa dân tộc, truyền thống cao đẹp “văn hiến” “hiếu học”, “tôn sư, trọng đạo” lúc nào cũng được đề cao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiệm vụ của cô giáo, thầy giáo là rất quan trọng và vẻ vang” (1).
Người dặn dò: “Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, phải chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt” (2). Người vinh danh đội ngũ giáo viên bình dân học vụ, những người đã “mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hóa sơ bộ cho dân tộc” (3), “Thầy giáo tốt là người anh hùng vô danh... Không có thầy giáo thì không có giáo dục không có giáo dục, không có cán bộ thì không thể nói đến kinh tế - văn hóa”, nên “cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng” (4). Với các giáo viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc” (5).
Người cũng nhắc nhở trách nhiệm của các cấp Đảng và chính quyền địa phương phải thật sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, và động viên sự giúp đỡ của các gia đình, các bậc phụ huynh: “Từ trước đến nay, đồng bào ta đã hết lòng giúp đỡ công việc giáo dục. Tôi mong rằng từ nay về sau, đồng bào sẽ cố gắng giúp đỡ nhiều hơn nữa cho trường học và ai cũng tự mình cố gắng học tập” (5).
Đặc biệt, trong giáo dục Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phương pháp nêu gương. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”, thầy cô giáo là những người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, thắp sáng ngọn lửa tâm hồn cho học sinh. Người nói: “Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ”, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Vì vậy, để nâng cao chất lượng của hoạt động dạy và học thì thầy giáo phải rèn luyện mình thêm trong thực tiễn đấu tranh của xã hội, tiếp thu lấy chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ: “Thầy giáo và học trò, tùy hoàn cảnh và khả năng cần tham gia vào những công tác xã hội ích nước lợi dân” (6). Những kiến thức thực tiễn đó mới thật là dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng thế hệ đang lớn lên.
Giữa những ngày kháng chiến gian khổ, tháng 10/1968, Người đã gửi thư cho các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới. Người giao nhiệm vụ: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”. Dạy tốt phải đi đôi với học tốt. Làm được hai việc này thì giáo dục nhất định bảo đảm được chất lượng.
Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành giáo dục Việt Nam đang trên đà phát triển, từ chỗ hơn 90% dân số mù chữ, đến nay ngành giáo dục nước nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đối với bậc học mầm non, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên; tỷ lệ huy động trẻ em đến trường ở các độ tuổi 2,3,4 đạt cao; trẻ em vùng miền núi, dân tộc thiểu số được chuẩn bị về tiếng Việt và được hỗ trợ ăn trưa nên tỷ lệ ra lớp cao; việc thực hiện công bằng trong giáo dục từng bước được bảo đảm cả về chất và lượng. Số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non có những chuyển biến rõ rệt.
Đối với bậc phổ thông, chất lượng giáo dục được nâng lên. Việc đổi mới nội dung phương pháp dạy học, đổi mới đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học được thực hiện. Kết quả đổi mới giáo dục đã được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới đã cho rằng, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam. Chất lượng học sinh lứa tuổi 15 nước ta vượt mức trung bình của học sinh các khối OECD (gồm 30 quốc gia trên thế giới có nền kinh tế phát triển).
Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên và khẳng định trong bảng xếp hạng châu á và thế giới. Có 5 trường đại học nằm trong nhóm 400 trường hàng đầu châu á. Năm 2018, lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học quốc gia nằm trong nhóm 1000 trường danh tiếng nhất thế giới.
Tính đến tháng 8/2018, toàn quốc có hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Trong đó, giáo viên mầm non có hơn 316 nghìn; tiểu học hơn 397 nghìn; trung học cơ sở (THCS) hơn 310 nghìn, trung học phổ thông (THPT) hơn 150 nghìn; đại học (ĐH) hơn 72 nghìn giảng viên. Về cơ bản, giáo viên ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, trong đó mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, THCS 99,0%, THPT 99,6%, đại học 82,7% (7).
Đảng và Nhà nước ta luôn coi “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc”. Việc xã hội hóa giáo dục đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ góp phần sản sinh ra nhiều thế hệ tài năng đóng góp sức lực và trí lực vào công cuộc đẩy mạnh toàn diện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Như thường lệ, ngày 20/11 hàng năm, trên khắp nẻo đường đất nước rực rỡ sắc hoa, náo nức không khí tri ân những người làm nghề giáo. Dịp này, chúng ta càng thấm thía hơn những tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng thêm nhớ đến biết bao thế hệ thầy cô giáo đã và đang lặng lẽ ươm lên những mầm xanh của đất nước. Dù còn muôn vàn khó khăn, vất vả, đồng lương eo hẹp nhưng những thầy cô giáo vẫn bám nghề, lấy sự trưởng thành của các thế hệ học trò làm niềm vui, và hạnh phúc của cuộc đời mình
Tài liệu tham khảo:
(1, 2,3,4,5,6)-“Bác Hồ với giáo dục” NXB Giáo dục 2005.
(7) - Xây dựng đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới, Báo Nhân Dân điện tử 16/10/2018