Chính sách tín dụng nhằm nâng cao sức cạnh tranh sản xuất nông nghiệp Việt Nam
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 15:54, 23/01/2019
Kết quả đạt được đó có vai trò quan trọng của vốn tín dụng ngân hàng. Bài viết điểm lại một số nét nổi bật trong chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển, nâng cao sức cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời gian qua.
Kết quả thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp – nông thôn và xuất khẩu nông sản
Nghị định 55/2015/NĐ-CP, các chính sách tín dụng khác có liên quan, các chính sách tín dụng ưu đãi do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCS XH) thực hiện; cùng cơ chế điều hành lãi suất, điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hướng dòng vốn đến các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa,…Vốn tín dụng đầu tư từ khâu sản xuất, đến thu mua, chế biến và xuất khẩu các mặt hàng: gạo, cao su, cà phê, thủy sản, thanh long, vú sữa, chôm chôm, nhãn, vải, bưởi,…; đầu tư cho cả hộ gia đình nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, đến các doanh nghiệp hoạt động cả đầu vào, cung ứng vật tư, giống… đến đầu ra của sản uất nông nghiệp. Đặc biệt, một khối lượng vốn đáng kể đầu tư cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững.
Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, tính đến cuối tháng 8/2018, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong cả nước tăng khoảng 12% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng khoảng 23% tổng dư nợ đối với nền kinh tế (3), cao gấp khoảng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng dư nợ chung, đây là kết quả rất tích cực. Kết quả đó cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và chủ trương của Chính phủ, định hướng của NHNN, hướng dòng vốn tín dụng đến các lĩnh vực ưu tiên, an toàn, hiệu quả, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản cũng như ngăn chặn những hoạt động tín dụng bất hợp pháp đang gây nhiều hệ lụy xấu trong đời sống người dân nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững.
Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Việt Nam thực hiện cũng được triển khai hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, thúc đẩy cung ứng các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Cũng theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến 31/8/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tăng 6,52% so với năm 2017, với hơn 6,7 triệu khách hàng còn dư nợ. Hiện nay, NHCSXH đang triển khai cho vay khoảng 20 chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các chương trình khác từ nguồn vốn ủy thác của địa phương, cá nhân và các tổ chức nước ngoài.
Hoàn thiện chính sách tín dụng góp phần thúc đẩy phát triển, nâng cao sức cạnh tranh nông nghiệp
Trong những năm qua, Đảng và Chính phủ thường xuyên quan tâm đến phát triển nông nghiệp – nông thôn và tạo việc làm, cải thiện đời sống cho người nông dân. Theo đó, các chính sách tín dụng của nhà nước đối với lĩnh vực này cũng không ngừng được đổi mới và hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế, gia tăng kim ngạch và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, yêu cầu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam đang đặt ra có tính cấp bách. Theo hướng đó, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP “về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/10/2018, với nhiều điểm mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo thuận lợi cho các TCTD mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả đối với nông nghiệp – nông thôn và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, đưa kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam lên các mức cao mới.
Thứ nhất, quy định mới nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Theo đó, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp: 100 triệu đồng (quy định tại Nghị định 55 là 50 triệu đồng); Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn: 200 triệu đồng (quy định tại Nghị định 55 là 100 triệu đồng).
Chủ trang trại là cá nhân thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại do cơ quan có thẩm quyền quy định, cũng được vay vốn ở mức cao gấp 2 lần theo quy định mới.
Để tháo gỡ khó khăn và áp lực cho TCTD khi nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, Nghị định 116 giao nhiệm vụ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để TCTD có cơ sở, tiêu chí xem xét cho vay.
Chính phủ giao trách nhiệm Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn việc không thu phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản và phí đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định này. Theo đó, người vay vốn theo chính sách này không phải trả 2 khoản phí như đã nêu.
Thứ hai, Nghị định 116/2018/NĐ-CP bổ sung cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác sản xuất trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án (Nghị định 55 chỉ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được hưởng chính sách này). Các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì khoản nợ vay được xử lý tương tự như đối với trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị quy định tại Khoản 3 Điều 14 của Nghị định này.
Chính phủ cũng quy định rất cụ thể về khái niệm “Dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Đó là dự án, phương án sản xuất kinh doanh thực hiện trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dự án, phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khác hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp thân thiện với môi trường, nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu do cơ quan có thẩm quyền quy định”.
Thứ ba, Chính phủ bổ sung doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và không thuộc khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay tối đa 70% giá trị dự án (quy định cũ tại Nghị định 55 chỉ bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao mới được hưởng mức vay tối đa không có tài sản bảo đảm này).
Thứ tư, Chính phủ bổ sung quy định về việc TCTD được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng. Đây được xem là một sự đổi mới, giúp tháo gỡ khó khăn rất nhiều cho các chủ thể tham gia các dự án, phương án đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, Nghị định 116/2018/NĐ-CP có những quy định rất cụ thể khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Chính phủ bổ sung quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích TCTD đẩy mạnh cho vay. Quy định mới siết quản lý dòng tiền cho vay liên kết, tránh các hình thức biến tướng gây thiệt hại cho người nông dân. Cụ thể, về cho vay liên kết, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP bổ sung nội dung quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp, đã quy định, căn cứ vào hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị giữa tổ chức đầu mối và tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, TCTD ký thỏa thuận cho vay đối với tổ chức đầu mối, bên liên kết và quản lý dòng tiền cho vay chuỗi liên kết theo nguyên tắc: Tổ chức đầu mối và bên liên kết mở tài khoản tại TCTD cho vay và cam kết thực hiện tất cả các giao dịch tiền tệ liên quan đến chuỗi giá trị thông qua các tài khoản này.
Chính phủ quy định, trường hợp tổ chức đầu mối thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì được TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đồng thời cho vay mới trên cơ sở xem xét tính khả thi của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện trả được nợ cũ và nợ mới cho TCTD; Chính phủ xem xét xóa nợ cho khách hàng và cấp bù nguồn vốn ngân sách nhà nước cho TCTD theo mức độ thiệt hại cụ thể.
Thứ sáu, Chính phủ quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về cơ chế xử lý rủi ro trong sản xuất nông nghiệp bởi các nguyên nhân bất khả kháng, tạo thuận lợi cho người dân bị thiệt hại nhưng cũng tránh trường hợp lợi dụng, ngăn ngừa các tiêu cực có liên quan. Nghị định 116 quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý khoanh nợ và thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng; tạo cơ sở để các đơn vị liên quan thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.
Nghị định cũng quy định về việc TCTD xem xét thỏa thuận với khách hàng về thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện trồng mới các loại cây lâu năm. Ví dụ, để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện cải tạo, tái canh cây cà phê nói riêng và cây lâu năm nói chung, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về ân hạn, theo đó, đối với các loại cây trồng lâu năm, thời gian đầu tư vốn dài, TCTD và khách hàng thỏa thuận thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng, cây công nghiệp lâu năm, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, điều…
Chính phủ cũng đã quy định rất cụ thể về nguồn tài chính xử lý rủi ro và giao trách nhiệm rất rõ ràng của các cơ quan: “trường hợp khách hàng bị thiệt hại về vốn vay, tài sản hình thành từ vốn vay do hậu quả thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này được TCTD đánh giá chưa có khả năng hoặc không có khả năng trả nợ vay cho TCTD, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, Bộ Tài chính để được xem xét khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; thời gian khoanh nợ tối đa là 2 (hai) năm. Riêng đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 và khoản 3 Điều 15 Nghị định này thời gian khoanh nợ tối đa là 3 năm. Các khoản nợ khoanh được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại trước khi thực hiện khoanh nợ. Số tiền lãi TCTD không thu được do đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng được ngân sách nhà nước cấp tương ứng từ ngân sách địa phương. Trường hợp ngân sách địa phương khó khăn, UBND cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ từ dự phòng ngân sách trung ương.
Chính phủ giao Bộ Tài chính cũng chủ trì, phối hợp với NHNN Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ cho các địa phương khó khăn số tiền lãi TCTD không thu được do thực hiện khoanh nợ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương theo cơ chế ngân sách trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương thực hiện các chính sách an sinh xã hội hiện hành.
Thứ bảy, Chính phủ khuyến khích phát triển bảo hiểm nông nghiệp trong cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, khách hàng khi tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, được TCTD giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.
Một số khuyến nghị chính sách
Một là, các địa phương tăng cường hiệu quả các hoạt động khuyến ngư, khuyến lâm, khuyến nông, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là sản xuất nông sản sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu bền vững. Các địa phương cũng cần nâng cao hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
Hai là, các tỉnh, thành phố cần rà soát lại toàn bộ các quy hoạch sản xuất nông lâm thủy hải sản, giám sát thực hiện chặt chẽ, có hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt, đảm bảo sự phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp ở địa phương, góp phần mở rộng tín dụng ngân hàng cho phát triển nông nghiệp – nông thôn, xuất khẩu nông sản.
Ba là, các địa phương phối hợp đồng bộ, hiệu quả với ngành ngân hàng triển khai có hiệu quả Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018; phối hợp thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn, khơi thông dòng vốn đến với nông nghiệp – nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực xuất khẩu nông sản.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.mard.gov.vn/
- http://www.moit.gov.vn/
- https://www.sbv.gov.vn/