Đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng
Thị trường - Ngày đăng : 10:52, 23/01/2019
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nỗ lực của các tổ chức tín dụng (TCTD), tín dụng tăng trưởng hợp lý gắn với chất lượng được kiểm soát chặt chẽ; nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, hỗ trợ quá trình hồi phục tăng trưởng vững chắc.
Tăng trưởng kinh tế đang giảm dần phụ thuộc vào tín dụng
Ở Việt Nam, trong quá khứ, thông thường tăng trưởng kinh tế tỷ lệ thuận với tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, tình hình đã khác trong vài năm gần đây. Năm 2017, tín dụng tăng 18,17% (thấp hơn mức tăng năm 2016 là 18,71%), trong khi tăng trưởng GDP vẫn đạt 6,81%, cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2016.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng GDP đạt 7,08%, là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, trong khi đó, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 6,5%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,7% của cùng kỳ năm 2017. Tín dụng tăng thấp nhưng tăng trưởng GDP ở mức khá cao cho thấy chất lượng dòng tín dụng ngày càng cải thiện và đầu tư tín dụng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để đóng góp cho tăng trưởng GDP, tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như bất động sản, chứng khoán…) đã được kiểm soát, phù hợp với chủ trương điều hành của NHNN. Tình hình cho thấy, tăng trưởng kinh tế thời gian gần đây không còn phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tín dụng.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 là 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tín dụng cả năm 2018 khoảng 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Theo NHNN, tính đến đầu tháng 10 tín dụng tăng gần 10%. Còn chưa đầy 3 tháng nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%. Tuy nhiên, NHNN không chủ trương tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, mà linh hoạt điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Thực tế, GDP 6 tháng đầu năm 2018 đã đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước (7,08%), mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2018 là hoàn toàn có thể đạt được nếu tận dụng được được các năng lực, tiềm năng về nguồn vốn khác ngoài tín dụng (đầu tư công và tư nhân, dòng vốn FDI), lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp.
Tín dụng tăng trưởng hiệu quả
Trong điều hành tín dụng, NHNN đã triển khai các giải pháp hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên gồm nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao,... Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 55/2015/NĐ-CP với nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp như nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm; mở rộng đối tượng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; bổ sung quy định về việc nhận tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm...
NHNN cũng chỉ đạo thực hiện kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo, yêu cầu TCTD kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay đối với lĩnh vực này, NHNN đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN, trong đó chỉ đạo các TCTD tập trung kiểm soát chặt chẽ tốc độ và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống; Tiến hành kiểm tra các TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ,...
Với sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN và nỗ lực của các TCTD, tín dụng tăng trưởng hợp lý gắn với chất lượng được kiểm soát chặt chẽ; nguồn vốn tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng vốn đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế, hỗ trợ quá trình hồi phục tăng trưởng vững chắc. Chất lượng, hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách được nâng cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, giảm tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn.
Cơ cấu tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, tín dụng đối với ngành công nghiệp tính đến tháng 8/2018 tăng trên 8% so với cuối năm 2017; Tín dụng đối với ngành dịch vụ tăng trên 9%; Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên có tốc độ tăng trưởng khá: Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng khoảng 23% tổng dư nợ của nền kinh tế; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trên 10%... Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 1/11, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, đến cuối tháng 8/2018, dư nợ tín dụng cho vay bất động sản tăng 5,3% so với năm 2017 - tốc độ này thấp hơn tốc độ tín dụng chung của toàn ngành. Tín dụng trong kinh doanh bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 7,4% (trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 9,79%).
Dư nợ tín dụng đối với dự án BOT giao thông tăng 5,6% so với năm 2017, chiếm tỉ trọng 1,6% trong tổng dư nợ tín dụng. Dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với năm 2017...
Những số liệu này cho thấy, NHNN đã thực hiện rất nhất quán chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội là kiểm soát chặt chẽ tín dụng tiềm ẩn rủi ro thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như tăng hệ số tỉ lệ an toàn đối với các khoản vay bất động sản cũng như kiểm soát chặt chẽ dư luận, tiến hành thanh tra để cảnh báo các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tỷ trọng và tốc độ tăng dư nợ tín dụng...
Ngoài ra, tín dụng ngân hàng cũng góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo. Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai khoảng 20 chương trình tín dụng ưu đãi, dư nợ tập trung ở một số chương trình: cho vay hộ nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đều tăng trưởng khá.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nói trên, tín dụng tăng trưởng theo sát các chỉ tiêu đề ra và đã hỗ trợ tích cực trong việc ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm dần nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế được cải thiện vững chắc, cho thấy tín dụng được sử dụng hiệu quả và được phân bổ phù hợp.
Điều hành tín dụng trước những thách thức
Trong thời gian tới, việc điều hành chính sách tín dụng sẽ đối mặt với không ít khó khăn thách thức. Đơn cử như việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngân hàng do các quy định pháp luật hiện hành đối với lĩnh vực BĐS còn nhiều bất cập, đặc biệt là các quy định điều chỉnh đối với một số loại hình BĐS mới. Hay việc định giá tài sản đảm bảo là BĐS gặp khó khăn do đây là tài sản đặc biệt, có lợi nhuận kỳ vọng cao, có nhiều hoạt động đầu cơ, thao túng giá thị trường nên dẫn đến giá cả BĐS không phản ánh đúng giá trị tài sản. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay; hệ thống thông tin chính thức về thị trường BĐS còn hạn chế dẫn đến các TCTD gặp khó khăn trong dự báo nguồn cung, trong đánh giá sự phù hợp về giá, phân khúc khách hàng. Chưa kể, đối với các dự án BOT, BT giao thông, các TCTD có thể gặp rủi ro trong dài hạn do việc thu hồi vốn vay đối với các dự án giao thông gặp khó khăn, đặc biệt là các rủi ro xuất phát từ chính sách, từ chính dự án và khách hàng vay vốn . Đồng thời, tín dụng cho vay tiêu dùng tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát theo đúng mục đích và đối tượng vay vốn sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới.
Để nâng cao hiệu quả một số chương trình tín dụng, cơ quan quản lý: (i) Tiếp tục bám sát, thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/01/2018 và Chỉ thị 04/CT-NHNN ngày 02/8/2018 của Thống đốc NHNN, hỗ trợ TCTD mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; (ii) Tiếp tục theo dõi sát tình hình cấp tín dụng của các TCTD và kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (kinh doanh bất động sản, đầu tư, kinh doanh chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông,…) để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; (iii) Tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục theo dõi để kịp thời có giải pháp chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả một số chương trình tín dụng đặc thù trong nông nghiệp...