Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 48 thành công tốt đẹp
Sự kiện - Ngày đăng : 16:13, 23/01/2019
Hội nghị do Hiệp hội Ngân hàng Brunei đăng cai tổ chức, thu hút hơn 200 đại biểu là lãnh đạo ngân hàng từ 10 quốc gia ASEAN để bàn thảo những chủ đề khu vực quan tâm như: phát triển trong khu vực tài chính, triển khai các biện pháp nhằm gia tăng sự tham gia của bên ngoài vào các thị trường của khu vực, giới thiệu các sáng kiến thông lệ tốt nhất, tài chính bền vững và có trách nhiệm, cũng như nhu cầu số hóa ngân hàng để đẩy mạnh kết nối giữa các quốc gia thành viên.
Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 15 thành viên, trong đó có đại diện các tổ chức hội viên, do TS. Nguyễn Toàn Thắng - Ủy viên Hội đồng Hiệp hội, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam làm trưởng đoàn, đã tham dự sự kiện quan trọng này của cộng đồng ngân hàng ASEAN.
Hội nghị năm nay được đón tiếp 2 vị khách danh dự tới và có các bài phát biểu quan trọng: TS. Awang Haji Mohd Amin Liew bin Abdullah, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính và Kinh tế II Brunei và TS. Aladdin D Rillo, Phó Tổng Thư ký ASEAN.
Trưởng đoàn các HHNH quốc gia của ASEAN chụp ảnh lưu niệm cùng các vị khách mời |
Triển vọng phát triển khu vực ASEAN và sứ mệnh của ABA
TS. Awang Haji Mohd Amin Liew bin Abdullah trong bài phát biểu của mình, cho rằng: “Chúng ta có “các nguyên liệu” thích hợp trong sự đa dạng về năng lực kinh tế để có thể hiện thực hóa tiềm năng và cơ hội to lớn để phát triển và để ASEAN tiếp tục thành công với tư cách là một khối kinh tế. Tiềm năng của chúng ta sẽ hội tụ nếu chúng ta đầu tư vào đúng chỗ, dù là đầu tư vốn vào cơ sở hạ tầng, dự án kinh tế hay là đầu tư những nỗ lực để làm việc chặt chẽ với nhau. Đây chính là nơi ngành công nghiệp ngân hàng đóng vai trò chủ chốt để tạo ra các cơ hội cho chúng ta đầu tư vào tương lai.
TS. Aladdin D Rillo, Phó Tổng Thư ký ASEAN thì chia sẻ, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra cách đây 18 năm, khu vực tài chính của ASEAN đã phát triển xa hơn, ở mức có thể vượt qua bất kỳ khủng hoảng tài chính nào. Ông cho rằng, nhiều quốc gia ASEAN đã triển khai và tái cơ cấu các sản phẩm,dịch vụ ngân hàng của mình trong nhiều năm và những sự phát triển này đã cho phép khu vực thu hút đầu tư thương mại và các dòng vốn. ASEAN đã củng cố được ngành công nghiệp ngân hàng cũng như gia tăng sự tham gia của nước ngoài vào các thị trường nội địa của khu vực.
Phát biểu chào mừng hội nghị, ông Awang Abdul Razak Abdul Malek – Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Brunei và là Phó Chủ tịch, Giám đốc quốc gia Ngân hàng UOB, Brunei chia sẻ lại 3 mục tiêu hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN , đó là: 1/ Tăng cường tiếng nói của ASEAN trong các nỗ lực vận động chính sách toàn cầu và khu vực, góp phần xây dựng cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) và hỗ trợ khu vực tư nhân theo các mục tiêu của AEC; 2/ Chia sẻ “bí quyết” hoạt động ngân hàng, tổ chức đào tạo nhằm thúc đẩy việc thực hiện các thông lệ ngân hàng trong các quốc gia thành viên; 3/ Thúc đẩy hợp tác tích cực giữa các định chế ngân hàng ASEAN, tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa các cán bộ ngân hàng.
Ông Phoukhong Chanthachack, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN và Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Lào, đồng thời là Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Lào nhận xét, về mặt chiến lược, đã thấy sự hiện diện ngày càng tăng của cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành ngân hàng cũng như hệ sinh thái ngân hàng. Tất cả các nền kinh tế trong ASEAN đều bị ảnh hưởng, bằng cách này hay cách khác. Ông khuyến khích việc sẵn sàng cũng như tận dụng đòn bẩy tiềm năng kinh tế từ sức mạnh chuyển đổi của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như hướng tới phát triển kinh tế bền vững. Cần phải chuyển đổi sang kỹ thuật số bởi những tác động kinh tế tiềm tàng to lớn. Sự chuyển đổi này ước tính đem lại tới 625 tỷ USD vào năm 2030 hay khoảng 8% GDP của ASEAN, đồng thời sự chuyển đổi này cũng phù hợp với 1 trong 5 trụ cột trong kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN.
Đánh giá tổng quan và dự báo triển vọng tương lai của hệ thống ngân hàng ASEAN, ông Rajiv Biswas, Tổng Giám đốc và Kinh tế trưởng khu vực châu Á Thái Bình Dương của Công ty thông tin HIS Markit cho rằng châu Á Thái Bình Dương là khu vực dự báo sẽ vẫn giữ được tăng trưởng nhanh trong thập kỷ tới, đóng góp khoảng 50% trong tổng GDP tăng thêm của thế giới trong giai đoạn 2018-2028. Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN sẽ là các động lực tăng trưởng chính của tăng trưởng kinh tế châu Á Thái Bình Dương trong thập kỷ tới. ASEAN sẽ là một trong các khu vực năng động nhất của kinh tế toàn cầu, tăng trưởng với nhịp độ 5%/năm trong 2018-2020. Tăng trưởng kinh tế nhanh của ASEAN sẽ được hỗ trợ nhờ tăng trưởng mạnh mẽ trong tiêu dùng và đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như tăng trưởng thương mại ASEAN với các khu vực khác.
Việt Nam được đánh giá là một trung tâm sản xuất năng động nhất ASEAN mới nổi trong vòng một thập kỷ trở lại đây với tăng trưởng sản xuất công nghiệp trung bình ở mức 10%/năm trong giai đoạn từ 2013-2017. 9 tháng đầu năm 2018, sản xuất công nghiệp tăng trưởng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Yếu tố chính dẫn dắt tăng trưởng tại Việt Nam từ năm 2010 là sự tăng trưởng nhanh của sản xuất điện tử, từ chỗ chiếm 5,2%trong tổng GDP năm 2010 đã tăng nhanh chóng, chiếm tới ¼ tổng GDP năm 2017.
Khu vực ngân hàng ASEAN được dự báo hưởng lợi từ tăng trưởng GDP nhanh của khu vực, sẽ duy trì tăng trưởng cầu về dịch vụ tài chính mạnh mẽ, bao gồm ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp, tín dụng thương mại và quản lý tài sản.
Một số kết quả chính của Hội nghị
Ông Paul Gwee – Tổng Thư ký HHNH ASEAN (thứ 3 từ trái sang), bà Ong Ai Boon – Giám đốc HHNH Singapore (thứ tư từ phải sang), ông Wang Abdul Razk Abdul Malek- Phó Chủ tịch HHNH Brunei (ngoài cùng bên trái)cùng đoàn đại biểu CQTT HHNH Việt Nam |
Tại Hội nghị Hội đồng, các thành viên đã thông qua đề xuất của các ủy ban thường trực: Ủy ban hợp tác về tài chính, đầu tư, thương mại và công nghệ (COFITT), Ủy ban quan hệ liên vùng ASEAN (IRR) và Ủy ban Đào tạo ngân hàng. Cụ thể:
Ủy ban COFITT
COFITT đã và sẽ tiếp tục tích cực thúc đẩy tài chính bền vững và có trách nhiệm thông qua tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và năng lực về vấn đề này tại các quốc gia ASEAN. Ủy ban cũng tìm kiếm để chia sẻ với các quốc gia thành viên các cơ hội tài trợ trái phiếu xanh. Ngoài ra, cùng với sự dịch chuyển sang kinh tế số, Ủy ban tại cuộc họp riêng đã chia sẻ cách thức các ngân hàng có thể nâng cao năng suất và cung cấp các trải nghiệm cho khách hàng tốt hơn thông qua ứng dụng Giao diện lập trình (API) và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như dữ liệu lớn (Big data). Điều này cần phải được cân bằng với việc hiểu và xử lý được những rủi ro và an ninh mạng.
Ủy ban IRR
Ủy ban cho biết tại Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC) họp ở Singapore tháng 1/2018, trong nội dung về Gắn kết với Hiệp hội Ngân hàng ASEAN (ABA) xây dựng mối quan hệ công tác và hợp tác với nhóm IRR, IRR và ABA đã thống nhất tìm hiểu khả năng phối hợp hợp tác với ASEAN BAC, IRR đồng thuận về việc cần xây dựng lộ trình, bao gồm thời gian, lĩnh vực trọng tâm, cơ chế... cũng như xác định và ưu tiên các lĩnh vực hợp tác.
Biên bản ghi nhớ về việc thiết lập nhóm công tác về dịch vụ tài chính thuộc Hội đồng kinh doanh ASEAN BAC đã được đề xuất để triển khai hợp tác giữa ASEAN BAC và ABA.
Theo biên bản ghi nhớ, ASEAN BAC và ABA đồng ý cùng làm việc để hỗ trợ nhóm công tác thuộc tiểu khu ngân hàng trong việc xác định các vấn đề cản trở bước tiến của khu vực ngân hàng ASEAN vào kỷ nguyên kỹ thuật số mới. Nhóm công tác cũng sẽ khuyến khích việc chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của các thành viên. Biên bản ghi nhớ dự kiến có thời hạn 3 năm.
Về nguyên tắc, Ủy ban đồng ý tất cả các quốc gia sẽ phản hồi lại quyết định của mình sau khi tham vấn với các cơ quan điều tiết/lập pháp có liên quan về biên bản ghi nhớ dự kiến sẽ ký kết.
Một trong các hoạt động trong năm tới, Ủy ban đã xác định Thái Lan là địa điểm cho chuyến học tập khảo sát cho năm 2019.
Ủy ban Đào tạo Ngân hàng
Ủy ban nhất trí theo đuổi việc thiết lập một Cổng đào tạo online thông qua website của ABA với sự giám sát của Ủy ban và quản trị của Ban Thư ký ABA. Các điều khoản tham chiếu (TOR) cũng đã được sửa đổi để phù hợp với những phát triển gần đây trong lĩnh vực ngân hàng số; Fintech; an ninh mạng; môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và tài chính hồi giáo.
Ủy ban cũng quyết định nghiên cứu sâu hơn và chia sẻ thông tin về khái niệm Ngân hàng đạt chuẩn ASEAN. Các thành viên ủy ban khuyến cáo sáng kiến này hơi tham vọng và đối mặt với rất nhiều thách thức song cũng có thể cân nhắc theo tầm nhìn hội nhập kinh tế khu vực ASEAN trong tương lai gần.
Hội nghị ngân hàng ASEAN lần thứ 22 và Hội nghị Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng ASEAN lần thứ 49 sẽ được tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 11/2019 tại Campuchia do Hiệp hội Ngân hàng Campuchia đăng cai tổ chức.