Cơ hội và thách thức đối với ngành Ngân hàng khi Việt Nam thực thi Hiệp định CPTPP
Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 09:30, 23/01/2019
Ngày nhận bài: 30/11/2018; Ngày biên tập: 3/12/2018; Ngày duyệt đăng: 2/1/2019
Từ khóa: cơ hội, thách thức, ngân hàng, Hiệp định CPTPP
Opportunities and challenges for banking sector to implementing CPTPP Agreement
Abstract: The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans – Pacific Partnership (CPTPP) comes into effect will create opportunities and challenges in developing economies of member countries, including Vietnam. In banking sector, in particluar, CPTPP brings about new opportunities as well as challenges. The article raises several relevant matters and gives opinions toward the management of State Bank of Vietnam to enhance competitive capability for banking system in Vietnam.
Key words: opportunity, challenge, CPTPP Agreement
1. Những cơ hội mới đối với lĩnh vực ngân hàng
Thứ nhất, cơ hội tiếp cận với nguồn vốn đầu tư nước ngoài
CPTPP là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, quy định khá toàn diện những nội dung có liên quan đến đầu tư qua biên giới, trong đó có nguyên tắc tối huệ quốc, đối xử quốc gia, quyền của nhà đầu tư, của nước tiếp nhận đầu tư, giải quyết tranh chấp... Sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực, các cam kết trong nội dung Hiệp định sẽ được triển khai một cách đầy đủ và sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư qua biên giới. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam có thể mở rộng thu hút FDI từ các nước thành viên khác vì thương mại gắn liền với đầu tư, nhất là với các nước mà Việt Nam chưa có thỏa thuận FTA như Canada, Mehico, New Zealand...
Khi dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam có sự tăng trưởng cao sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng Việt Nam tiếp cận với nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thông qua việc cung cấp dịch vụ mở tài khoản ngân hàng. Theo quy định của Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn đầu tư bằng tiền để thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam thì phải thông qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản vốn đầu tư trực tiếp là tài khoản bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam mở tại các NHTM Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), lũy kế đến đầu tháng 11/2018, vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trên 56,2 tỷ USD, Singapore là 46,2 tỷ USD, Malaysia là 12,5 tỷ USD, Canada 5 tỷ USD, Australia gần 1,86 tỷ USD, Brunei hơn 1 tỷ USD... Hiện nay, trong số 11 quốc gia thành viên CPTPP, chỉ riêng Pêru chưa có dự án đầu tư vào Việt Nam, 9 quốc gia thành viên còn lại đều đã đầu tư vào Việt Nam với tổng giá trị khoảng 123 tỷ USD, chiếm gần 37% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ vừa qua. Đây là một con số không hề nhỏ, cho thấy đầu tư của các thành viên CPTPP có ý nghĩa lớn đối với hoạt động kinh doanh của các NHTM Việt Nam.
Đồng thời, khi nhà đầu tư nước ngoài chuyển ra nước ngoài vốn điều lệ, vốn đầu tư trực tiếp khi chấm dứt hoạt động (do kết thúc, thanh lý, giải thể doanh nghiệp trước hạn), lãi và chi phí vay nước ngoài, lợi nhuận và các nguồn thu hợp pháp liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, cũng phải thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nêu trên.
Bên cạnh đó, với sự gia tăng dòng vốn đầu tư từ các nước CPTPP, đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp FDI sẽ không ngừng được mở rộng để các NHTM Việt Nam tiếp tục cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng là các doanh nghiệp FDI như: tín dụng, giao dịch thanh toán, giao dịch mua bán ngoại tệ, chuyển tiền nội địa, trả lương qua tài khoản, phát hành thẻ ATM, thẻ tín dụng…; Hiện tại đã có nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng dịch vụ do các NHTM Việt Nam cung cấp. Trên thực tế, ở Việt Nam hiện nay, nhóm khách hàng FDI chiếm vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh tiền tệ của các NHTM, đặc biệt là hoạt động kinh doanh ngoại tệ và thanh toán xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, có thể khẳng định đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn là khu vực rất tiềm năng đối với các NHTM Việt Nam trong việc phát triển và mở rộng việc cung cấp dịch vụ ngân hàng.
Thứ hai, cơ hội mở rộng quy mô tín dụng và đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng
Những quy định về tự do hóa trong lĩnh vực dịch vụ làm cho lưu thông tiền tệ trong các nước CPTPP thuận lợi, tỷ giá ổn định, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp đổ vào Việt Nam gia tăng mạnh, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất trong nước, kích thích và thúc đẩy xuất khẩu. Với vai trò là doanh nghiệp kinh doanh tiền tệ, cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, NHTM Việt Nam trở thành cầu nối quan trọng cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng trở thành một nguồn tài trợ không thể thiếu đối với hoạt động XNK.
Theo một nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, ước tính Việt Nam đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu là trên 4%, tương đương 4,09 tỷ USD so với khi chưa có TPP. Dù chỉ có 10 đối tác thương mại nhưng tổng trị giá kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các thành viên CPTPP đã đạt hơn 67,33 tỷ USD vào năm 2017, chiếm 15,84% tổng trị giá kim ngạch XNK của cả nước. Theo dự báo, tính đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu. Rõ ràng, gia tăng xuất khẩu sẽ kéo theo nhu cầu về nguồn vốn tín dụng của ngân hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu. Và đó cũng là cơ hội mở ra cho tăng trưởng tín dụng của các NHTM.
Bên cạnh đó, tự do hóa thương mại trong CPTPP tạo cơ hội cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam dễ dàng hơn khi tiếp cận các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada và Australia. Đây là những thị trường tiềm năng mà Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai. Đây là một cơ hội hết sức thuận lợi để các NHTM Việt Nam phát triển dịch vụ thanh toán quốc tế, tín dụng và tài trợ thương mại cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, khi xuất khẩu sang các nước CPTPP tăng mạnh, các NHTM Việt Nam còn có thể mở rộng “dịch vụ XNK trọn gói” là một trong những dịch vụ quan trọng góp phần mở rộng hoạt động thanh toán XNK tại ngân hàng và đẩy mạnh hoạt động XNK của doanh nghiệp. Dịch vụ “XNK trọn gói” là việc cung cấp cho các doanh nghiệp XNK dịch vụ thanh toán và các dịch vụ khác liên quan đến việc thực hiện một lô hàng xuất/nhập khẩu theo L/C hay hợp đồng ngoại thương.
Tóm lại, tự do hóa thương mại trong CPTPP chính là cơ hội mới đối với các NHTM Việt Nam trong việc mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng như tín dụng, bảo lãnh, thanh toán quốc tế, hỗ trợ vốn và các dịch vụ ngân hàng khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ ba, cơ hội thu hút vốn FDI vào lĩnh vực ngân hàng
CPTPP cũng mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài khi có nhiều điều khoản liên quan đến các ngân hàng nước ngoài có thể hoạt động tại một trong những quốc gia thành viên của CPTPP mà ko cần phải mở chi nhánh. Như vậy, theo quy định của CPTPP, lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ mở rộng hơn theo các cam kết chung, tạo điều kiện cho các nước thành viên CPTPP như Việt Nam có cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào chính lĩnh vực ngân hàng. FDI chảy vào lĩnh vực ngân hàng, sẽ giúp các NHTM Việt Nam mở rộng quy mô, hiện đại hóa công nghệ và nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ ngân hàng, cũng như tăng cường năng lực quản lý điều hành, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và hiện đại hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam. Với quy mô vốn lớn, các NHTM Việt Nam có thể tập trung phát triển mạnh những sản phẩm, dịch vụ gắn với yếu tố công nghệ, cũng như mở rộng việc cung cấp dịch vụ ngân hàng toàn cầu, đặc biệt là kênh giao dịch điện tử. Trong đó, nổi bật là các sản phẩm phái sinh về ngoại hối, lãi suất, tỷ giá, tiền tệ và tài sản tài chính khác, các dịch vụ thanh toán, tài trợ thương mại, quản lý tài sản, bảo lãnh...
Chính sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài trong những năm qua đã và đang góp phần tạo nên sự đa dạng các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng trên thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam, làm gia tăng yếu tố cạnh tranh, tạo sức ép buộc các ngân hàng trong nước phải đổi mới, nâng cao và tự chủ về công nghệ, tăng cường năng lực quản trị ngân hàng và chất lượng nguồn nhân lực, qua đó từng bước tạo ra sức ép cạnh tranh giữa các NHTM Việt Nam với các NHTM nước ngoài, từ đó, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch hơn.
Thứ tư, cơ hội nâng cao năng lực quản trị và mở rộng thị trường ra nước ngoài
Những cam kết trong CPTPP về mở cửa đối với một số loại hình dịch vụ mới, nhằm tạo cơ hội tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài như: (i) Mở cửa dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới; (ii) Dành đối xử quốc gia cho các nhà cung cấp dịch vụ chứng khoán nước ngoài đối với một số dịch vụ như xử lý dữ liệu tài chính qua biên giới; dịch vụ tư vấn và các dịch vụ phụ trợ qua biên giới liên quan tới giao dịch tài khoản tự doanh hoặc tài khoản của khách hàng… sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng nước ngoài gia nhập vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam và mang lại những lợi ích lớn cho các NHTM. Các ngân hàng nước ngoài nói chung và của một số nước CPTPP nói riêng (Canada, New Zealand, Nhật Bản, Singapore…) có quy trình hoạt động rất chuẩn mực, cũng như có hệ thống phòng chống rủi ro rất hữu hiệu. Do đó, khi tham gia vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam sẽ làm tăng tính an toàn, giảm bớt những rủi ro trong kinh doanh ngân hàng, từ đó, sẽ gia tăng niềm tin của khách hàng vào các ngân hàng. Bên cạnh đó, nếu ngân hàng nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam, phí ngân hàng sẽ được cắt giảm.
Tham gia CPTPP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM Việt Nam phát triển và mở rộng hoạt động trên thị trường các nước thành viên CPTPP thông qua các hình thức cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ cam kết, đặc biệt là phương thức hiện diện thương mại và cung cấp qua biên giới.
2. Những thách thức phải đối mặt
Bên cạnh những cơ hội mới như đã nêu trên, CPTPP có hiệu lực, cũng khiến NHTM Việt Nam phải đối mặt với những thách thức đáng chú ý như:
Thứ nhất, sau khi CPTPP có hiệu lực, việc mở cửa thị trường, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng nước ngoài với kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, công nghệ và trình độ quản lý cao, tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam, dẫn đến các NHTM Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các NHTM nước ngoài trên sân nhà là điều khó tránh khỏi, và chắc chắn ưu thế sẽ thuộc về các NHTM nước ngoài bởi với thế mạnh về chất lượng phục vụ và dịch vụ đa dạng, các ngân hàng nước ngoài sẽ thu hút được lượng lớn khách hàng trong nước mà cả khách hàng nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Điều này dẫn đến nguy cơ sụt giảm thị phần của các NHTM nội địa.
Thứ hai, quá trình tự do hóa giao dịch vốn ảnh hưởng đến các NHTM – thành viên trực tiếp tham gia các giao dịch vốn quốc tế và thông qua hoạt động của những khu vực khác trong nền kinh tế, gây khó khăn về quản lý tài sản, nhất là trong việc điều chỉnh tỉ giá, lãi suất, phòng ngừa rủi ro nhằm cân bằng lợi ích giữa việc nắm giữ ngoại tệ và nội tệ cũng như cơ cấu tiền gửi và cho vay ...
Thứ ba, chảy máu chất xám từ các ngân hàng trong nước, sang các ngân hàng nước ngoài. Với bề dày kinh nghiệm và quy mô vốn lớn, sẵn sàng trả thu nhập cao cho các nhân sự có trình độ chuyên môn cao, các ngân hàng nước ngoài sẽ trở thành “cục nam châm” thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ các ngân hàng nội địa. Vì thế, một trong những thách thức lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam là việc giữ chân nhân tài, tránh sự dịch chuyển nguồn nhân lực chất lượng cao từ các ngân hàng nội địa sang các ngân hàng nước ngoài.
Thứ tư, quy mô nhỏ và năng lực tài chính chưa cao, hạ tầng công nghệ và hệ thống thanh toán của các ngân hàng Việt Nam đang có khoảng cách không nhỏ so khu vực và thế giới, cũng là một thách thức không nhỏ, bởi trong hoạt động kinh doanh tiền tệ, nếu năng lực tài chính và công nghệ hạn chế, sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, đồng thời, khó lấy được “lòng tin” của các đối tượng khách hàng. Mặc dù, trong thời gian gần đây, các NHTM Việt Nam đang nỗ lực từng bước nâng cấp hệ thống công nghệ thông qua các dự án hiện đại hóa, nhưng do năng lực tài chính còn hạn chế cho nên chưa thể đáp ứng yêu cầu trong khoảng thời gian ngắn. Điều đó cho thấy, đây là một thách thức lớn trước sức ép hội nhập quốc tế của hệ thống NHTM Việt Nam.
Đề xuất đối với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các NHTM Việt Nam
Như đã phân tích ở trên, tham gia CPTPP, bên cạnh những cơ hội cần nắm bắt, ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro và thách thức đang tiềm ẩn, đòi hỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các NHTM Việt Nam cần nghiên cứu, thực hiện một số giải pháp sau đây:
Trước hết, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách và biện pháp quyết liệt hơn để đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Qua đó, thanh lọc nhanh các ngân hàng yếu kém, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động, cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Có như vậy, mới nâng cao được năng lực tài chính và quản trị rủi ro cho các NHTM, để các NHTM Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng nước ngoài nói chung và của các nước CPTPP nói riêng, khi tham gia kinh doanh tại Việt Nam.
Thứ hai, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến tổ chức, hoạt động, quản trị rủi ro phù hợp với thực tiễn hoạt động và thông lệ quốc tế về thanh tra, giám sát ngân hàng để làm nền tảng cho hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng nước ngoài; nâng cao tính minh bạch thông tin, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và các cam kết trong CPTPP.
Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường vai trò và kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, trong việc giám sát đồng bộ 3 lĩnh vực ngân hàng - bảo hiểm - chứng khoán nhằm đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - tiền tệ quốc gia, cũng như ngăn chặn việc thâu tóm, nắm giữ, chi phối các tổ chức tín dụng trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, đối với các NHTM Việt Nam, để tham gia một cách có hiệu quả CPTPP, cần chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch hành động với chương trình cụ thể để ứng phó ngay với những thách thức khi CPTPP chính thức được áp dụng một cách đầy đủ. Thêm vào đó, bản thân các ngân hàng Việt Nam cần tăng cường đầu tư vào con người, cải tiến chính sách tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ…đồng thời chủ động cải tiến hoạt động, phấn đấu trở thành ngân hàng đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh để có thể được xếp hạng cùng các ngân hàng khác trong khu vực và trên thế giới theo các tiêu chí về vốn, tổng tài sản, năng lực quản lý, lợi nhuận, khả năng thanh khoản, thông tin công khai, minh bạch và độ thích ứng với thị trường.