Fintech tại Việt Nam - Nhận diện và ứng xử
Vấn đề - Nhận định - Ngày đăng : 09:00, 25/01/2019
Ngày nhận bài: 20/12/2018 - Ngày biên tập: 20/12/2018 - Ngày duyệt đăng: 2/1/2019
Tóm tắt: Trong những năm vừa qua, Fintech đã phát triển mạnh mẽ từ chỗ ban đầu chỉ là lĩnh vực có quy mô nhỏ lẻ mang nhiều tiềm năng ứng dụng, đến nay lĩnh vực này đã và đang thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia công nghệ, tài chính và giới đầu tư trên thế giới. Không nằm ngoài guồng quay phát triển của Fintech toàn cầu, Việt Nam cũng chứng kiến sức phát triển mạnh mẽ, sâu và rộng trên toàn thị trường của lĩnh vực Fintech. Bài viết nêu những thông tin cơ bản về sự phát triển Fintech trên thế giới và Việt Nam, những hành động của NHNN để đảm bảo quản lý hiệu quả hoạt động của các công ty Fintech, đồng thời tạo khuôn khổ phù hợp cho các doanh nghiệp Fintech.
Từ khóa: Fintech, công nghệ, tài chính, khuôn khổ pháp lý
Fintech in Vietnam – Recognition and treatment
Abstract: In the past few years, Fintech is developing very fast, from a small scale field with big applicable potential at the beginning to experts and investors attracted field. In global development trend of Fintech, Vietnam also sees the fast, sound and deep growth in domestic market. The article provides general information of the development of Fintech in the world and in Vietnam, actions of the State Bank of Vietnam to ensure the efficient management of Fintech companies, at the same time to create suitable legal framework for these companies.
Key words: Fintech, technology, financial, legal framework
Góp phần thay đổi bộ mặt của ngành tài chính
Trên bình diện quốc tế, theo thống kê từ báo cáo của Công ty kiểm toán KPMG, tổng lượng đầu tư vào công nghệ tài chính trong nửa đầu năm 2018 đã đạt mức 31,7 tỷ USD với khoảng 450 thương vụ đầu tư được thực hiện thành công, tăng gần gấp 3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Con số trên đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của Fintech trong những năm vừa qua, biến lĩnh vực này trở thành một phần của ngành tài chính và hứa hẹn sẽ góp phần thay đổi bộ mặt của ngành tài chính trên thế giới thông qua các xu hướng phát triển không ngừng hiện nay như ngân hàng số, ngân hàng hợp kênh (omni-channel); sự gia tăng các ứng dụng cho vay ngang hàng P2P lending (mà tập trung nhiều hơn đến việc hỗ trợ vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ); sự phát triển của ứng dụng các giải pháp công nghệ trên nền tảng sinh trắc học để xác thực khách hàng; việc áp dụng rộng rãi công nghệ Blockchain, công nghệ AI trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và sự gia tăng các nền tảng thanh toán trên nền tảng di động (mobile payment) với các ứng dụng như thanh toán qua mã QR hay thanh toán qua công nghệ tiếp xúc trường gần (NFC)...
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, lĩnh vực Fintech cũng bắt đầu ghi nhận sự tham gia mạnh mẽ các công ty công nghệ lớn (Big tech) trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng; với khả năng tận dụng nguồn khách hàng dồi dào vốn có cũng như tận dụng công nghệ linh hoạt của mình, những công ty như nhóm công ty FANG (Facebook, Amazon, Netflix, Google) của Mỹ hay nhóm BAT (Baidu, Alibaba, Tencent) của Trung Quốc đang từng bước lấn dần sang sân chơi tài chính.
Phát triển mạnh mẽ, sâu và rộng trên toàn thị trường Việt Nam
Không nằm ngoài guồng quay phát triển của Fintech toàn cầu, Việt Nam những năm trở lại đây cũng chứng kiến sức phát triển mạnh mẽ, sâu và rộng trên toàn thị trường của lĩnh vực Fintech. Hiện nay, số lượng các công ty Fintech tham gia cung ứng dịch vụ trên thị trường Việt Nam đã tăng hơn hai lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 100 công ty ở thời điểm hiện tại và trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó lĩnh vực thanh toán đóng vai trò chủ đạo với 26 công ty đã được NHNN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động. Tiếp đó là lĩnh vực cho vay ngang hàng với sự góp mặt của khoảng 10 công ty trên thị trường. Các công ty còn lại cung ứng các giải pháp để hỗ trợ hoạt động của ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới khách hàng sử dụng cuối cùng như bảo mật, định danh khách hàng điện tử, quản lý tài sản, các nền tảng ứng dụng công nghệ Blockchain cho hoạt động tài trợ thương mại, quản lý chuỗi cung ứng… Năm 2018 cho thấy một xu hướng rất tích cực, đó là sự hợp tác giữa các ngân hàng và công ty Fintech diễn ra rất mạnh. Như vậy, các tổ chức này đã nhận thấy tiềm năng và lợi ích khi tận dụng những thế mạnh của nhau để cung ứng các dịch vụ, giải pháp tài chính ngân hàng tốt hơn, an toàn hơn và thuận tiện cho người sử dụng.
Bên cạnh đó, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đã và đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNPT tham gia vào thị trường… qua cả hai hình thức trực tiếp và gián tiếp như đầu tư hình thành các công ty Fintech, thành lập các quỹ đầu tư, vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech… Chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua của thị trường Fintech, báo cáo mới đây nhất của công ty tư vấn Solidiance đã đưa ra dự đoán rằng giá trị giao dịch của thị trường Fintech với tốc độ phát triển như hiện nay sẽ có thể tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020 so với mức 4,4 tỷ USD đã đạt được trong năm 2018.
Giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái
Sớm nhận thức được sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng của lĩnh vực Fintech trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, NHNN đã sớm thành lập Ban chỉ đạo Fintech1 vào tháng 3/2017 với mục đích nghiên cứu chuyên sâu về các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ ngân hàng mới cũng như đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái (bao gồm cả khuôn khổ pháp lý) để hỗ trợ cho sự phát triển của các công ty Fintech hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhằm tận dụng lợi thế công nghệ để mang sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng đến gần hơn với nhiều đối tượng vốn ít hoặc chưa có khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng để từ đó nâng cao phổ cập tài chính quốc gia.
Kể từ thời điểm thành lập, Ban chỉ đạo Fintech Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực với mục tiêu nắm bắt nhanh chóng, kịp thời tình hình phát triển và những khó khăn, vướng mắc của Fintech trong nước, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể, ngay sau khi thành lập, Ban chỉ đạo đã thực hiện một đợt khảo sát quy mô lớn tới hầu hết các công ty Fintech trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như tiếp cận và đối thoại trực tiếp với cộng đồng Fintech để xây dựng một Báo cáo đánh giá hiện trạngvề hoạt động Fintech tại Việt Nam, xác định những vấn đề cần giải quyết để làm cơ sở để từng bước xây dựng các chính sách quan trọng trong trung và dài hạn cho hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Ban chỉ đạo đã thành lập các Nhóm công tác để tập trung nghiên cứu và đưa ra giải pháp quản lý đối với một số vấn đề trọng tâm như việc ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain)/Sổ cái phân tán (DLT); Cho vay ngang hàng (P2P Lending); Định danh khách hàng điện tử (e-KYC); Giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API) và Thanh toán điện tử (e-payments).
Bên cạnh đó, với tư cách là đầu mối triển khai các hoạt động Fintech tại Ngân hàng Nhà nước, Ban chỉ đạo Fintech cũng đã chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp hội Viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế (SWIFT), Tập đoàn Microsoft (Mỹ), Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản)… tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để chia sẻ về các công nghệ và sản phẩm dịch vụ mới trong ngành gân hàng cũng như các kinh nghiệm quốc tế trong quản lý và phát triển lĩnh vực Fintech… Các buổi hội thảo, tọa đàm cũng là cơ hội để các ngân hàng, doanh nghiệp Fintech được cùng chia sẻ, thảo luận với các cơ quan quản lý nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dịch vụ sản phẩm mới trong thực tế và đưa ra các đề xuất tới cơ quan quản lý nhằm phát triển tốt hơn dịch vụ Fintech trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2018, Ban Chỉ đạo Fintech đã phối hợp với Dự án Sáng kiến Kinh doanh khu vực vùng Mê Kông (Mekong Business Initiative – MBI) của ADB tổ chức chương trình “Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam” (Fintech Challenge Vietnam – FCV) với mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo đi kèm nâng cao phổ cập tài chính tại Việt Nam. FCV năm 2018 đã thu hút được số lượng lớn các tổ chức Fintech tham gia với 141 hồ sơ đăng ký từ các quốc gia khác nhau với các giải pháp phủ rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau từ công nghệ thanh toán mới, cho vay ngang hàng, định danh khách hàng điện tử hay ứng dụng của công nghệ Blockchain…, tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các tổ chức Fintech có cơ hội giới thiệu các giải pháp sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin và mang đến những trải nghiệm thú vị cho người sử dụng.
Về phương diện hợp tác quốc tế, với mục tiêu là cầu nối đưa Fintech Việt Nam hướng tới khu vực và môi trường quốc tế, Ban Chỉ đạo Fintech đã nghiên cứu kỹ các thị trường Fintech phát triển trong khu vực và trực tiếp tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký một số thỏa thuận hợp tác (MoU) về Fintech với Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS), Cơ quan Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSC)... nhằm tăng cường hợp tác phát triển với các quốc gia trên tạo môi trường cho Fintech phát triển đồng điệu với khu vực. Đồng thời, Ban chỉ đạo Fintech cũng đã ký MoU với Bộ Khoa học Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về hợp tác phát triển đổi mới sáng tạo tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong thời đại số.
Thách thức đặt ra trong năm 2019
Một số thách thức đặt ra trong năm 2019 và những năm tiếp theo đối với Ban chỉ đạo là nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số quy định pháp lý không còn phù hợp hoặc còn thiếu để đảm bảo quản lý hiệu quả hoạt động của các công ty Fintech, đồng thời tạo khuôn khổ phù hợp cho các doanh nghiệp Fintech, nhất là những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để họ yên tâm hoạt động, đảm bảo duy trì được sự cân bằng giữa mục tiêu thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhưng kiểm soát tốt các rủi ro phát sinh từ những mô hình kinh doanh mới và bảo vệ người tiêu dùng. Hiện nay, Ban chỉ đạo đang hoàn thiện Dự thảo Đề án về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) cho các doanh nghiệp Fintech cung ứng giải pháp, dịch vụ trong lĩnh vực ngân hàng. Dự thảo Đề án này đã được gửi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan và một số tổ chức tài chính quốc tế. Dự kiến bản Đề án sẽ được NHNN trình Chính phủ đầu năm 2019 theo hướng Chính phủ ban hành một Nghị định về cơ chế thử nghiệm cho các giải pháp Fintech với một số mục tiêu cụ thể như: (i) Hiện thực hóa các giải pháp tại Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cũng như để thực hiện các Nghị quyết và chủ trương của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; (ii) Thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và hiện đại hóa lĩnh vực hoạt động ngân hàng qua đó thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính cho người dân; (iii) Tạo lập môi trường thử nghiệm nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý; (iv) Thúc đẩy sự hợp tác cùng có lợi giữa ngân hàng và công ty Fintech; và (v) Hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ Fintech chưa được cấp phép chính thức.
Ngoài ra, NHNN cũng đang nghiên cứu để hình thành một Trung tâm đổi mới sáng tạo Fintech (Innovation Hub) với sự hợp tác của một số ngân hàng và doanh nghiệp lớn với ba hoạt động chính là: (i) tạo không gian làm việc chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech với cơ sở vật chất đầy đủ, đạt chuẩn quốc tế; (ii) mời chuyên gia giàu kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech hoàn thiện giải pháp, mô hình kinh doanh đảm bảo tính tuân thủ pháp luật và được thị trường chấp nhận; và (iii) hỗ trợ kêu gọi vốn đầu tư từ các quỹ, nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước để hỗ trợ về vốn cho hoạt động của những doanh nghiệp này.
CHÚ THÍCH:
(1) Ban chỉ đạo được thành lập với sự tham gia của một Phó Thống đốc trong tư cách Trưởng ban, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán với vai trò Phó Trưởng Ban cùng các thành viên là các lãnh đạo của các đơn vị liên quan trong Ngân hàng Nhà nước để kịp thời nắm bắt các xu hướng phát triển chung của Fintech tác động tới nhiều lĩnh vực, hoạt động khác nhau trong ngành ngân hàng và đưa ra các giải pháp phù hợp cho mục tiêu quản lý và tạo hệ sinh thái Fintech năng động và bền vững ở Việt Nam. Vụ Thanh toán được giao nhiệm vụ là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo.