Chính sách hỗ trợ tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở một số nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 16:55, 23/01/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết này sẽ tìm hiểu kinh nghiệm hỗ trợ tài chính cho các DNNVV ở một số nước, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với Việt Nam.

Ngày nhận bài:  21/12/2018 - Ngày biên tập: 3/1/2019 - Ngày duyệt đăng: 4/1/2019 

Tóm tắt: Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại nhiều quốc gia trên thế giới đóng vai trò và vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Đóng góp vào sự trưởng thành của các DNNVV không thể không kể đến chính sách hỗ trợ tài chính. Việt Nam là đất nước đang phát triển, có số lượng DNNVV chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động, song các doanh nghiệp này cũng đang phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là về tài chính cho phát triển. Mỗi quốc gia có những chính sách và biện pháp hỗ trợ khác nhau, song những thành công của một số quốc gia trên thế giới về chính sách hỗ trợ tài chính cho các DNNVV sẽ là bài học kinh nghiệm quí giá để chúng ta nghiên cứu và học hỏi.

Từ khóa: hỗ trợ tài chính, DNNVV, chính sách

Financial support policies for small – medium sized enterprises in some countries and experience lesson for Vietnam

Abstract: Facts show that small – medium sized enterprises (SMEs)  in many countries in the world play important role in socio-economic development. Contributing to the growth and development of this private sector is financial support policy. Vietnam is emerging country, the number of SMEs accounts great portion of total operating enterprises, however these SMEs are facing with many difficulties and challenge, especially financial sources for development. Each country has its own support measures and policies, still success of some countries in the world on financial support for SMEs are valuable lessons for Vietnam. This article explores experience in financial support for SMEs in some countries, then withdraws several experience lessons for Vietnam as references.

Key words: financial support, small – medium sized enterprises, policy

1. Chính sách hỗ trợ tài chính đối với các DNNVV ở một số quốc gia trên thế giới

1.1. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản là một cường quốc kinh tế của thế giới, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, song DNNVV vẫn là lực lượng quan trọng trong cơ cấu kinh tế của quốc gia này. Các DNNVV phần lớn thuộc các ngành nghề truyền thống, song luôn kết hợp giữa truyền thống dân tộc với công nghệ hiện đại. Ở Nhật Bản, DNNVV chiếm tới trên 90% tổng số doanh nghiệp, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế, tạo việc làm cho khoảng 70% tổng số lao động trong khu vực doanh nghiệp. Với vai trò đặc biệt quan trọng như vậy, chính phủ Nhật Bản luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đối tượng này phát triển, trong đó hỗ trợ tiếp cận tài chính là một trong những biện pháp ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản, cụ thể:

Thứ nhất, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra các chính sách hợp lý để đa dạng hóa các tổ chức tài chính nhà nước phục vụ cho chính sách của chính phủ, đó là Tổ chức Tài chính chính sách Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương hiệp hội Công Thương (Shoko Chukin) và Hiệp hội Bảo lãnh tín dụng; các thể chế tài chính này dựa trên sở hữu nhà nước và chính sách tài trợ vốn cho sự phát triển các DNNVV. Sự tiên phong của các tổ chức tài chính nhà nước đã góp phần thúc đẩy hình thành nên các tổ chức tài chính ngoài nhà nước đầu tư vào phát triển lĩnh vực này, chính sách này đã có tác dụng rất lớn trong việc dịch chuyển một lượng vốn không nhỏ trong nền kinh tế vào đổi mới khoa học kỹ thuật và công nghệ cho đối tượng doanh nghiệp này.

Thứ hai, hỗ trợ các khoản vay với lãi suất đặc biệt ưu đãi và lãi suất thấp tùy vào mục tiêu các chính sách của chính phủ; với các chính sách tín dụng ưu đãi, chính phủ cấp những khoản vốn vay ưu đãi thấp hơn mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại thông qua các ngân hàng phục vụ chính sách. Do đó, các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ để đầu tư phát triển kỹ thuật công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và trong trường hợp yếu thế cạnh tranh chính phủ sẽ bảo hộ bằng cách cho vay trực tiếp với lãi suất thấp và dài hạn. Bên cạnh đó, Hiệp hội Bảo lãnh tín dụng nhận bảo lãnh vay vốn tại các thể chế tài chính tư nhân, mở rộng các khoản tín dụng bổ sung và bảo lãnh cho các DNNVV.

Thứ ba, khuyến khích các DNNVV phát hành cổ phiếu và trái phiếu ra công chúng; vào năm 1996, chính phủ Nhật Bản đã thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh mạo hiểm, thậm chí đứng trên danh nghĩa chính phủ để tài trợ cho trái phiếu. Thành lập sàn giao dịch phi chính thức OTC nhằm đáp ứng nhu cầu về các dịch vụ tài chính và chuyển nhượng của các DNNVV, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tạm thời khó khăn song có tiềm năng phát triển được niêm yết trên thị trường này.

Thứ tư, chính phủ Nhật Bản cải thiện chính sách trợ cấp tài chính cho các DNNVV.

Thứ năm, hỗ trợ cho các DNNVV về pháp lý như đưa ra nhiều chính sách nhằm tăng cường mạng lưới an toàn tài chính và hỗ trợ tái cơ cấu doanh nghiệp, Hiệp hội Tái cơ cấu DNNVV thành lập bao gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp, Liên hiệp hội thương mại và công nghiệp, tổ chức tài chính của Chính phủ, tổ chức tài chính địa phương, trung tâm hỗ trợ các DNNVV chính quyền địa phương. [2], [3], [5], [6]

2.2. Kinh nghiệm của Singapore

Singapore là quốc gia phát triển bậc nhất Đông Nam Á, cũng như trên thế giới. Trong các giai đoạn phát triển của quốc đảo này, DNNVV luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, vì vậy Singapore đã đưa ra nhiều chính sách có hiệu quả nhằm phát triển các DNNVV, đáng chú ý như:

Thứ nhất, thành lập các quỹ nhằm huấn luyện DNNVV như Quỹ Phát triển kỹ năng Singapore với mục đích huấn luyện người lao động trong các DNNVV, cũng như các kỹ năng, kiến thức hiện đại cho nhà quản trị làm việc trong các doanh nghiệp này để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV.

Thứ hai, xây dựng các khoản mục dành riêng cho đối tượng DNNVV trong ngân sách nhà nước để thực hiện bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV vay vốn ưu đãi phục vụ cho đầu tư sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ; xây dựng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DNNVV như cơ chế khuyến khích đổi mới công nghệ (IDS), cơ chế hỗ trợ kỹ thuật (LETAS)…

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện các chính sách ưu đãi về thuế nhằm khuyến khích phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, chẳng hạn miễn thuế thu nhập một phần cho các DNNVV, miễn toàn phần cho các doanh nghiệp mới thành lập, trợ cấp 100% vốn nhà xưởng và máy móc có giá trị không quá 1000 đôla Singapore…

Thứ tư, Singapore đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các Quỹ Đầu tư mạo hiểm, khuyến khích đầu tư vào các DNNVV đối với lĩnh vực công nghệ cao và hình thành nên các nhóm kinh tế nhằm giúp các DNNVV gia tăng sức cạnh tranh và hoạt động hiệu quả hơn. [1],[2],[4]

2.3. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á, có nhiều doanh nghiệp lớn tầm cỡ của thế giới song số lượng DNNVV của nước này chiếm tỷ trọng lớn, trên 99% tổng số các doanh nghiệp, đóng góp lớn cho xuất khẩu và giải quyết công ăn việc làm cho hơn 87,7%/tổng dân số đang ở độ tuổi lao động. Thấy được tầm quan trọng của hệ thống DNNVV trong nền kinh tế, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng hệ thống tài chính hỗ trợ cho các DNNVV bao gồm hệ thống bảo lãnh tín dụng trực thuộc Ngân hàng Trung ương, các cơ cấu tài chính khác thuộc chính phủ và các chính sách thuế. Chính sách tài chính hỗ trợ cho các DNNVV cụ thể như sau:

Thứ nhất, chính sách hỗ trợ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV được thực hiện thông qua 3 kênh chính là quỹ bảo lãnh tín dụng Hàn Quốc, Quỹ Bảo lãnh tín dụng công nghệ Hàn Quốc và Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương. Bên cạnh đó, các DNNVV có thể huy động vốn qua các kênh như phát hành trái phiếu, tiền gửi nhận được từ các quỹ theo luật quản lý công cộng. Ngoài bảo lãnh tín dụng, các quỹ bảo lãnh của Hàn Quốc còn thực hiện cung cấp tư vấn cho các DNNVV các mặt về nhân lực, tư vấn dịch vụ, quản lý.

Thứ hai, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các DNNVV, chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng chính sách ưu đãi về thuế cho các DNNVV như miễn, giảm và hoàn thuế đối với đối tượng này, chẳng hạn như đối với các doanh nghiệp nhỏ, tùy theo từng trường hợp cụ thể theo qui định của pháp luật, các đối tượng này có thể  được giảm từ 5% đến 30% hoặc miễn một số loại thuế trước bạ đối với bất động sản phục vụ cho nghiên cứu phát triển của các DNNVV hay thuế giá trị gia tăng.

Thứ ba, hỗ trợ nguồn nhân lực là một trong những ưu tiên của chính phủ Hàn Quốc. Chính phủ đã xây dựng luật hỗ trợ nguồn nhân lực cho các DNNVV, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Các trường trong hệ thống giáo dục đều được bổ sung vào chương trình đào tạo các môn học về DNNVV hay bắt buộc sinh viên kiến tập đối với các đối tượng là các DNNVV, qua đây giúp sinh viên kết hợp đào tạo học với hành trong môi trường thực tế, giúp sinh viên có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn.[2], [3], [5]

4. Kinh nghiệm của Đài Loan (Trung Quốc)

Khác với các dẫn chứng kể trên, Đài Loan không can thiệp sâu vào các DNNVV nhưng chính quyền đóng một vai trò như chất xúc tác đáng kể cho các DNNVV thông qua việc hỗ trợ tài chính, cụ thể:

Thứ nhất, thành lập các quỹ DNNVV, hàng năm, chính quyền Đài Loan sử dụng ngân sách phân bổ cho quỹ này khoảng 12 tỷ Đài tệ; các quỹ này có chức năng cung ứng vốn cho các DNNVV thông qua hệ thống các ngân hàng, những DNNVV nào có đủ điều kiện vay vốn theo qui định của chính phủ thì được tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi, phần lợi nhuận có được dùng để hỗ trợ cho những chương trình phát triển DNNVV tại các địa phương.

Thứ hai, thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng, vào thập niên 1970, chính quyền Đài Loan đã bắt buộc các định chế tài chính cùng góp vốn để thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV với mục tiêu chính là hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển nhưng thiếu vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp này có thể không có tài sản thế chấp nhưng vẫn có thể vay vốn các ngân hàng thông qua bảo lãnh từ quỹ. Quỹ này bảo lãnh cho khoảng từ 70% đến 80% mức vốn vay để chia sẻ rủi ro cùng với các ngân hàng nhằm tạo niềm tin cho các ngân hàng tài trợ vốn vay cho các DNNVV vay vốn. Chính sự ra đời của quỹ giúp các doanh nghiệp có nhiều khả năng tiếp cận nguồn vốn vay hơn để đầu tư phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ tăng cường khả năng cạnh tranh.

Thứ ba, khuyến khích các ngân hàng cho các DNNVV vay vốn, đặc biệt các doanh nghiệp không có hoặc thiếu tài sản thế chấp, chưa có tín nhiệm tín dụng bằng cách điều chỉnh lãi suất vay, tăng hạn mức tín dụng, yêu cầu ngân hàng trung ương bắt buộc các ngân hàng thương mại phải thành lập phòng tín dụng DNNVV để tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, bên cạnh đó các DNNVV còn được tư vấn về cơ cấu tài chính, tăng khả năng tài trợ,  phối hợp với các tổ chức tài chính giải quyết khó khăn về cung cấp tín dụng, hỗ trợ đào tạo quản lý tài chính, có chương trình miễn phí cho các DNNVV cải thiện hệ thống kế toán, thống kê, xây dựng kế hoạch kinh doanh và khả năng thu hồi nợ.[1],[2], [4], [5]

2. Bài học cho Việt Nam

Từ thực tiễn hỗ trợ tài chính cho các DNNVV ở một số nước, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam như sau:

Một là, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của các DNNVV trong nền kinh tế quốc dân, để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho khu vực này phát triển, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước.

Hai là, Chính phủ nghiên cứu thành lập mới hoặc bổ sung chức năng nhiệm vụ các tổ chức tài chính hiện có của nhà nước để đa dạng hóa các tổ chức tài chính nhà nước phục vụ cho chính sách của Chính phủ đối với DNNVV; khuyến khích các tổ chức tài chính ngoài nhà nước đầu tư phát triển vào lĩnh vực này.

Ba là, tùy theo mục tiêu các chính sách của chính phủ, nghiên cứu hỗ trợ các DNNVV các khoản vay với lãi suất ưu đãi đối với các vùng hoặc các ngành nghề chính phủ ưu tiên phát triển.

Bốn là, nghiên cứu thành lập các quỹ hỗ trợ DNNVV để hỗ trợ các DNNVV nâng cao trình độ tay nghề, cũng như kỹ năng quản trị điều hành, từ đó giúp cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.

Năm là, cần đa dạng hóa nghiệp vụ bảo lãnh nhằm đáp ứng tốt nhất những nhu cầu của các DNNVV như: bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh chất lượng sản phẩm, bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thực hiện hợp đồng…

Sáu là, hàng năm khi lập kế hoạch ngân sách, ngân sách nhà nước cần dành riêng một khoản mục ngân sách phục vụ mục đích bảo lãnh vay vốn cho các DNNVV, trong đó cần đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư đổi mới khoa học, công nghệ, nâng cao kỹ năng quản trị điều hành.

Bảy là, chú trọng phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, khuyến khích đầu tư vào các DNNVV, doanh nghiệp khởi nghiệp, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chính phủ ưu tiên phát triển nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn. Khuyến khích các DNNVV phát hành trái phiếu, cổ phiếu để huy động vốn trên thị trường trong và ngoài nước và có giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành trái phiếu, cổ phiếu thành công để đầu tư phát triển doanh nghiệp.

Tám là, chú trọng hỗ trợ nguồn nhân lực cho các DNNVV, bằng cách thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cho lãnh đạo quản lý, nhân viên khác về các kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, nâng cao kỹ thuật đàm phán, tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới, quản lý tài chính, cải thiện hệ thống kế toán, thống kê, xây dựng kế hoạch kinh doanh và khả năng thu hồi nợ nhằm đào tạo đội ngũ lao động có đủ năng lực, trình độ đáp ứng những điều kiện khác nhau trong quá trình hội nhập quốc tế.

Chín là, hoàn thiện các chính sách ưu đãi về thuế đối với đối tượng DNNVV, có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với ngành, lĩnh vực, địa phương mà chính phủ ưu tiên phát triển trong từng thời kỳ như doanh nghiệp khởi nghiệp, đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, giáo dục đào tạo, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Mười là, khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia tài trợ cho các DNNVV vay vốn với lãi suất ưu đãi, tăng hạn mức tín dụng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thành lập phòng tín dụng DNNVV nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng thương mại; các doanh nghiệp không có hoặc thiếu tài sản thế chấp, chưa có tín nhiệm tín dụng thì các quỹ bảo lãnh để bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ phần vốn vay, từ đó giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn.

Tóm lại: Là quốc gia đang phát triển, hơn thế nữa với quyết tâm của chính phủ là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia khởi nghiệp trong bối cảnh số lượng DNNVV rất lớn, trong khi đó, đa số các DNNVV là những doanh nghiệp có nguồn vốn thấp, công nghệ và khả năng quản trị điều hành không cao. Do đó, để các DNNVV có thể đứng vững được trên thị trường thì rất cần đến sự hỗ trợ từ nhiều phía, trong đó hỗ trợ về tài chính là một trong những yếu tố quan trọng để các DNNVV phát triển. Vì vậy, tìm hiểu kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước để rút ra bài học có giá trị tham khảo đối với Việt Nam là rất cần thiết. Hy vọng, những kinh nghiệm rút ra từ các nước nếu được triển khai áp dụng đồng bộ sẽ giúp các DNNVV của Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn tới, đóng góp lớn hơn nữa vào quá trình phát triển của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Nguyễn Thế Bính (2013). Kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ DNNVV và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Phát triển và Hội nhập

[2]. Phạm Thị Hà (2018). Chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Tài chính

[3]. Nguyễn Trường Sơn (2015). Phát triển DNNVV ở Việt Nam hiện nay.  Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

[4] Trương Hữu Trầm (2017). Kinh nghiệm hỗ trợ DNNVV của Singapore. Báo Nhân Dân

[5].https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/607/3477/kinh-nghiem-cua-mot-so-nuoc-phat-trien—ve-chinh-sach-ho-tro-va-phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua.aspx

[6].https://www.thesaigontimes.vn/145596/Ho-tro-DNNVV-can-giai-phap-thuc-te-kha-thi.html

TS. Vũ Văn Thực