Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững
Sự kiện nổi bật - Ngày đăng : 09:52, 23/01/2019
Khoảng 2000 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ, ngành trung ương và địa phương, các nhà kinh tế, học giả, doanh nghiệp, đại diện các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế cũng như các nhà làm chính sách trong lĩnh vực quản lý đầu tư công về cơ sở hạ tầng đến từ hơn 15 quốc gia thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tham dự Diễn đàn.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam gồm 3 hội thảo chuyên đề : “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”, “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững”, “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” và sự kiện đáng chú ý nhất là Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự phiên đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 |
Phát biểu khai mạc phiên tổng thể, Trưởng ban Kinh tế Trung ương NguyễnVăn Bình nhận định: Kinh tế Việt Nam có một năm thành công đáng ghi nhận. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, vượt qua mọi con số dự báo trước đó. Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới, trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỷ USD, tăng 13,7% và vượt xa mức kỷ lục 214 tỷ USD của năm 2017. Nhờ đó xuất siêu cũng xác lập kỷ lục mới với 6,89 tỷ USD, tăng 147% so với năm trước. Trong năm 2018, Việt Nam thu hút được gần 35,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ giải ngân tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% với kỷ lục mới về số vốn giải ngân đạt 19,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Bình, “khi đang đứng ở trên thành công chính là lúc chúng ta cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế. Một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách”. Ông Bình cũng đặt vấn đề: “Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không phải chỉ là “một con mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á, như cách so sánh của Giáo sư Jay Rosengard, Đại học Harvard, đã từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất, tháng 6/2017”.
Đưa ra các khuyến nghị trung hạn cho phát triển kinh tế của Việt Nam, ông Erik Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô thông qua tiếp tục có những chính sách tài khóa và tiền tệ hỗn hợp, tăng cường củng cố tài khóa, tiếp tục có chính sách tỷ giá linh hoạt hơn nữa. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế thông qua tăng tốc trong cải cách các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nắm bắt công nghiệp 4.0, phát triển hạ tầng đa mô hình, tiếp tục cải cách các thị trường lao động, tài chính và đất đai cũng như giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Một nhiệm vụ quan trọng khác đối với Việt Nam là hội nhập sâu với kinh tế khu vực thông qua tối đa hóa những lợi ích của các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tăng cường khuôn khổ pháp lý cho hội nhập kinh tế của Việt Nam, tăng cường hội nhập vào mạng lưới sản xuất khu vực và thế giới cũng như các chuỗi giá trị.
Phân tích điểm mạnh và điểm yếu trong tính liên kết kinh tế của Việt Nam, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất, điểm đến của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của thế giới còn nông nên chưa gặt hái được nhiều lợi ích mở cửa với bên ngoài cho doanh nghiệp nội. Trong khi cán cân xuất nhập khẩu chủ yếu thuộc về khu vực có vốn FDI, với 70% giá trị thương mại trong hoạt động xuất khẩu thuộc về khu vực này thì thâm hụt thương mại hiện nay lại thuộc về khu vực doanh nghiệp trong nước. Trong thời gian tới, ông Ousmane Dione cho rằng, bất kỳ việc nào gia tăng đầu tư thì cũng nên đầu tư đồng bộ cả vào thượng nguồn và hạ nguồn. Cần đầu tư tạo dựng giá trị cho nền kinh tế ở tiền sản xuất và hậu sản xuất (như cách Samsung Việt Nam đang tiếp tục đầu tư vào R&D ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh). Bên cạnh đó, các ngành chức năng của Việt Nam cần nâng cao giá trị doanh nghiệp trong nước để kết nối, tận dụng hợp tác với doanh nghiệp FDI và chuỗi giá trị toàn cầu. Cần đẩy mạnh liên kết kinh tế, bao gồm các lĩnh vực dịch vụ và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Ngoài ra cũng cần thu hút nhà đầu tư thành đối tác chính để đưa ra hướng dẫn chỉ đạo, marketing cần thiết cho nền kinh tế với bên ngoài.
Khẳng định chiến lược và hành động xuyên suốt, nhất quán của Chính phủ Việt Nam ngay từ khi chính thức bắt đầu nhiệm kỳ vào giữa năm 2016 là chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Chúng ta tăng trưởng nhanh để hội đủ các điều kiện về nguồn lực, thời gian và cả quyết tâm nhằm giải quyết rốt ráo những tồn tại, bất cập của nền kinh tế, và quan trọng hơn cả là bắt nhịp vào những chuyển động nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0, của tiến trình toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và đầu tư mà Việt Nam nói riêng, ASEAN nói chung là một điểm sáng của thế giới”. Thủ tướng khẳng định, “chúng ta có thể tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, không nhất thiết phải đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng”.
Thủ tướng cũng thông báo về các vấn đề trọng tâm Chính phủ sẽ tập trung trong năm 2019 và những năm tiếp theo:
Một là, quyết tâm giữ vững ổn định về chính trị xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc, qua đó tăng cường khả năng chống chịu và hấp thụ các xung lực từ các biến động của nền kinh tế thế giới.
Hai là, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế pháp luật và năng lực quản trị nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, cải cách nâng cao hiệu quả DNNN và kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế nội địa, củng cố hệ thống tài chính – ngân hàng, tích cực xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công. Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực.
Ba là, tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng đến chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Bốn là, thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi việc bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Năm là, dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0.
Sáu là, tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế - xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng miền...