Cho vay ngang hàng: Nền tảng công nghệ tài chính mới và những gợi ý để vận hành tại Việt Nam

Nghiên cứu - Trao đổi - Ngày đăng : 08:00, 07/02/2019

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết phân tích những nét chính trong cách thức, vận hành, lợi ích, hay những điểm hạn chế quan trọng của nền tảng cho vay ngang hàng,

Ngày nhận bài: 29/11/2018  - Ngày biên tập: 6/12/2018 - Ngày duyệt đăng: 5/1/2019

Tóm tắt: Cho vay ngang hàng là một loại hình dịch vụ tài chính hiện đại, sự ra đời của nó được xem là một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển hệ thống tài chính và công nghệ trong thời đại mới. Việc vận hành nền tảng của các bên tham gia trong giai đoạn sơ khai tại Việt Nam đang gây ra không ít bối rối cho các cơ quan quản lý cùng với đó là nhiều rủi ro tiềm ẩn. Từ thực tế này, bài viết phân tích những nét chính trong cách thức, vận hành, lợi ích, hay những điểm hạn chế quan trọng của nền tảng cho vay ngang hàng, từ đó nêu ra giải pháp căn bản trong công tác vận hành nền tảng công nghệ tài chính mới này tại Việt Nam thời gian tới.

Từ khoá: Cho vay ngang hàng; công nghệ tài chính; Việt Nam

Peer to peer lending: new financial technology platform and suggestions for its operation in Vietnam

Abstract: Peer to peer lending is a modern financial service, its advent is considered as an inevitable trend development process of financial system and technology in the new age. The operation of platform by participators in the early stage in Vietnam has caused agitation for management agencies, attached with that is potential risks. From current situation, the article shows main characteristics in operation, benefits or important obstacles of peer to peer lending, then recommends basic measures for the operation of this new financial technology platform in Vietnam in coming time.

Key words: peer to peer lending, financial technology, Vietnam

Sự phát triển của nền kinh tế chia sẻ không thể tách rời khỏi nền tảng tài chính chia sẻ. Bối cảnh kinh tế có thể có những giai đoạn tăng trưởng hay suy giảm, tuy nhiên nhiều nhu cầu tài chính vẫn duy trì nhịp phát triển và theo đó vượt khỏi khả năng cung ứng vốn của các tổ chức tài chính truyền thống. Để giải quyết tình trạng này, cần phải tích hợp các nguồn lực và sau đó chia sẻ. Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển và hiện hữu trong mọi mặt của đời sống thì cũng là lúc ngành công nghiệp cho vay ngang hàng (peer to peer - P2P) xuất hiện để đáp ứng nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vi mô giúp nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực tài chính, tận dụng sự phát triển và nền tảng công nghệ để giải quyết các nhu cầu tài chính.

Sự phát triển của công nghệ internet ghép nối giữa cung và cầu để tạo ra lợi ích cho các bên tham gia đã dẫn đến sự gia tăng của cho vay ngang hàng. Trở thành phương thức hiện đại để chia sẻ trên thị trường tài chính, nền tảng cho vay ngang hàng ngày càng trở nên lớn mạnh về quy mô trên toàn thế giới. Hiện nay trên thế giới có 5 công ty lớn nhất về cho vay ngang hàng, đó là Lending Club, Prosper, SoFi (trụ sở tại San Francisco - Mỹ), Zopa và RateSetter (trụ sở tại London - Anh), tạo ra hàng triệu khoản vay. Ở châu Âu và Trung Quốc, các mô hình này cũng phát triển khá mạnh mẽ dù với quy mô nhỏ hơn. Chỉ tính riêng Lending Club, công ty cho vay ngang hàng lớn nhất hiện nay, tổng vốn vay đã vượt mức 35 tỷ đô la Mỹ, vượt trội so với mức 500 triệu đô la Mỹ vào thời điểm tháng 3/2012. Cuối năm 2014, Lending Club đã chính thức niêm yết cổ phiếu, mở ra thời kỳ mới cho các nền tảng cho vay ngang hàng hoạt động trên thế giới. Trong những năm trở lại đây, cho vay ngang hàng liên tục cải thiện năng lực của mình và trở thành một thế lực mới đáng để các tổ chức khác trong giới tài chính phải e dè.

Cho vay ngang hàng được đánh giá là xu hướng tất yếu, không thể phủ nhận lợi ích với những ưu điểm trong một phân khúc tín dụng thấp hơn ngân hàng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, với sự tăng trưởng bùng nổ về số lượng nền tảng, sự sụp đổ, gian lận và các dấu hiệu rủi ro khác xuất hiện phổ biến, ảnh hưởng đến an toàn tài chính của người cho vay đã tác động rất xấu tới phát triển nền tảng. Việc tìm hiểu chi tiết về những đặc tính của nền tảng cho vay ngang hàng được xem là cần thiết trong bối cảnh hoạt động này cũng đã bắt đầu xuất hiện và mở rộng tại Việt Nam trong thời gian qua.

 

Cơ sở lý luận về nền tảng cho vay ngang hàng

Cho vay ngang hàng là một quá trình cho vay, ở đó người vay và người cho vay gặp nhau trên nền tảng trực tuyến mà không có tổ chức trung gian tài chính như ngân hàng. Trong đó, các trang trực tuyến ngang hàng đóng vai trò trung gian quan trọng giữa người vay và người cho vay (Bachmann và cộng sự, 2011).

Có hai loại cho vay ngang hàng đã hoạt động, bao gồm thương mại và phi thương mại (Ashta và Assadi, 2009). Hình thức phi thương mại được thúc đẩy bởi sự chia sẻ, hỗ trợ và mang tính phi lợi nhuận. Người cho vay không trông đợi bất kỳ khoản lãi nào từ các khoản vay. Thông thường, loại hình cho vay ngang hàng này hỗ trợ các dự án cụ thể hoặc giúp cộng đồng nghèo. Còn đối với loại hình thương mại, người cho vay có kỳ vọng về lợi nhuận và họ sẽ được trả nợ gốc và lãi. Đây là hình thức phổ biến hơn, có nhiều nền tảng khai thác và thu hút nhiều người tham gia hơn.

Cho vay ngang hàng bắt đầu vào năm 2005 khi Zopa, một công ty của Anh đã triển khai vận hành nền tảng cho vay ngang hàng đầu tiên. Sau đó, mô hình kinh doanh của Zopa được áp dụng ở một số quốc gia khác. Mục tiêu của Zopa là kết nối một cách trực tiếp người vay và người cho vay. Những người vay qua Zopa thường sử dụng số tiền từ khoản vay cá nhân vào các mục đích chi tiêu như đám cưới, mua xe và trả hết thẻ tín dụng. Lãi suất qua Zopa được họ tuyên bố rằng duy trì ở mức thấp hơn so với ngân hàng. Những người vay của Zopa không đòi hỏi phải có tài sản thế chấp. Đối với người cho vay, Zopa cũng mang lại lợi nhuận cao hơn so với sản phẩm dịch vụ đầu tư mà ngân hàng cung cấp. Danh mục đầu tư đa dạng là một đặc trưng khác trong Zopa, theo đó Zopa quản lý tiền của người cho vay và phân phối nó cho nhiều người vay để giảm rủi ro.

Một nền tảng cho vay ngang hàng khác ở Anh là Marketinvoce bắt đầu cho vay ngang hàng bằng cách hướng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Nền tảng này vận hành thông qua việc các khách hàng vay SMEs phải bán hóa đơn chưa thanh toán cho nhà đầu tư. Điều này sẽ cung cấp cho doanh nghiệp tiền mặt nhanh chóng và một khoản lợi nhuận tốt cho người cho vay. Xuất phát từ bản chất của việc cho vay ngang hàng, hoạt động này được xúc tiến bởi những người cho vay riêng lẻ đưa ra quyết định cho vay độc lập. Không giống như tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng, cho vay ngang hàng thiếu phương pháp đánh giá rủi ro. Người cho vay thường phụ thuộc vào quan điểm định giá của họ để đánh giá độ tin cậy của người vay (Lin, 2009).

Nhìn chung, cách thức vận hành của nền tảng này có những điểm chung đặc trưng. Ở đó người cần vay tiền đăng ký nhu cầu vay của mình thông qua nền tảng trực tuyến. Căn cứ vào thông tin khai báo, hệ thống sẽ chấm điểm tín dụng để quyết định mức lãi suất cho vay phù hợp. Tương ứng ở chiều ngược lại, nhà đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi sẽ đăng ký nhu cầu cho vay. Các thông tin cơ bản nhất của khoản vay hay đầu tư như về số tiền, lãi suất mong muốn, thời hạn cho vay, khẩu vị rủi ro,... của bên vay và bên cho vay sẽ được hệ thống sử dụng thuật toán tối ưu để ghép nối nhu cầu của (các) bên vay và bên cho vay. Những nền tảng trực tuyến này phù hợp với những người vay và người cho vay cá nhân, sau đó phát triển lên thành nền tảng cho các doanh nghiệp vi mô và doanh nghiệp SMEs. Mỗi khoản vay có thể được thực hiện bởi nhiều bên cho vay riêng lẻ, mỗi người trong số đó tài trợ một phần của khoản vay cho đến khi khoản vay được tài trợ đầy đủ. Sau khi được tài trợ đầy đủ, khoản vay được khởi tạo và người cho vay nhận được phần chia theo tỷ lệ của khoản tiền gốc và tiền lãi cho đến khi khoản vay đến hạn (hoặc tương ứng khi người vay không trả được nợ vay).

Ưu và nhược điểm của cho vay ngang hàng

Để tồn tại và phát triển được trong thời kỳ mà các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng phát triển rộng khắp, những lợi ích mà cho vay ngang hàng mang lại phải là lớn, đồng thời phải tạo ra những nét riêng có. Milne và Parboteeah (2016) đã đề cập đến những thế mạnh của việc cho vay ngang hàng.

Thứ nhất, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người cho vay và chi phí thấp cho khách hàng vay so với ngân hàng truyền thống. Mô hình cho vay ngang hàng đã giảm thiểu đáng kể chi phí hoạt động trong quy trình cho vay nhờ loại bỏ vai trò trung gian của ngân hàng - tổ chức kinh doanh tiền tệ nên đòi hỏi lợi nhuận ở mức tương ứng với rủi ro phải gánh chịu. Mức lợi nhuận của ngân hàng (trong đó trang trải các khoản chi phí vận hành đồ sộ) hoàn toàn lấn át mức phí kết nối mà các công ty cho vay ngang hàng thu từ khách hàng, kết quả là người cho vay sẽ nhận được lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm, trong khi người đi vay phải trả lãi suất thấp hơn lãi suất vay từ ngân hàng.

Thứ hai, nền tảng cho vay ngang hàng cho phép tiếp cận tín dụng đối với những người vay không thể vay từ ngân hàng. Việc vay vốn từ ngân hàng luôn đòi hỏi người đi vay phải đáp ứng hàng loạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà ngân hàng đặt ra, từ tình hình tài chính, phẩm chất đạo đức đến tài sản bảo đảm,... từ đó khiến cho không ít người vay không vượt qua được vòng xét duyệt theo khẩu vị rủi ro của ngân hàng, mặc dù khả năng trả nợ được đảm bảo. Trong khi đó, nền tảng cho vay ngang hàng có vô số người vay và cho vay, việc tìm ra các nhu cầu vay với khẩu vị rủi ro khác nhau sẽ dễ dàng được thực hiện.

Thứ ba, cho vay ngang hàng có giá trị xã hội hơn so với ngân hàng truyền thống. Mục đích thương mại chưa hẳn là duy nhất trong hình thức cho vay này, bên cạnh đó, việc hướng đến sự chia sẻ mang tính cộng đồng, hỗ trợ lẫn nhau vẫn xuất hiện trong hình thức cho vay ngang hàng.

Thứ tư, đổi mới công nghệ đã cải thiện chất lượng và tốc độ phục vụ. Theo đó thủ tục đơn giản, tiết kiệm thời gian cũng là điểm nổi bật của mô hình cho vay ngang hàng khi tất cả giao dịch và quy trình thẩm định, xét duyệt, giải ngân được thực hiện trực tuyến thông qua ứng dụng và các thiết bị di động với sự trang bị của nền tảng công nghệ cao và liên tục được nâng cấp.

Ngoài ra, cũng tồn tại một số điểm bất lợi mà hình thức cho vay ngang hàng mang lại.

Thứ nhất, đó là thiếu dữ liệu tín dụng. Nền tảng cho vay ngang hàng không có quyền truy cập vào lịch sử tài chính của người vay hoặc lịch sử tín dụng của ngân hàng. Khi đó các thông tin bất đối xứng sẽ là bất lợi rất lớn cho phía những người cho vay (SerranoCinca và cộng sự, 2015).

Thứ hai, đó là sự quản lý kém trong các doanh nghiệp SMEs (Huang và cộng sự, 2014). Hầu hết các doanh nghiệp SMEs có hệ thống sổ sách kế toán kém và không đảm bảo chuẩn xác, tin cậy. Điều này làm cho khả năng trả nợ của họ yếu đi và việc đánh giá khả năng trả nợ bị sai lệch.

Thứ ba, rủi ro đạo đức có thể xảy ra (Cấn Văn Lực, 2018). Đó là khi bên vay không trả được nợ do các nguyên nhân xuất phát từ đạo đức hoặc kinh doanh thất bại ảnh hưởng khả năng trả nợ. Rủi ro cũng tiềm ẩn khi công ty vận hành nền tảng cho vay ngang hàng dùng tiền đầu tư sai mục đích, cố tình lừa dối nhà đầu tư, dẫn đến khả năng mất vốn của nhà đầu tư; hoặc có thể nền tảng ngừng hoạt động do không có khả năng kinh doanh hiệu quả hay một sự kiện như lỗi của phần mềm (đặc thù của các nền tảng công nghệ), mặc dù người vay không mất khả năng trả nợ.

Thứ tư, không có sự bảo hộ của chương trình bồi thường thiệt hại tài chính, giống như bảo hiểm tiền gửi của Chính phủ. Bản chất của việc cho vay ngang hàng, một người quyết định cung ứng một khoản vay không có bảo đảm cho người khác. Niềm tin là một yếu tố quan trọng vì có sự không chắc chắn và rủi ro. Người cho vay xem xét sự đáng tin cậy của người vay trong việc quyết định xem họ có nên cho vay hay không.

Thực trạng ở Việt Nam

Tại Việt Nam, cho vay ngang hàng mới xuất hiện trong vài năm qua và đến nay đã có nhiều nền tảng cho vay theo mô hình này với nhiều dịch vụ tương tự của các ngân hàng. Điển hình trong số này phải kể đến là Tima (tập trung cho vay các khách hàng cá nhân) và Lendbiz (tập trung cho vay doanh nghiệp SMEs). Thông tin công bố từ Tima cho biết tổng số vốn giải ngân của công ty sau hơn 3 năm hoạt động từ năm 2015 đạt trên 30.000 tỷ đồng, tổng số khách hàng với gần 1,5 triệu người vay và hơn 14.000 người cho vay. Có nhiều yếu tố hỗ trợ cho thị trường cho vay ngang hàng tại Việt Nam phát triển, đó là: (i) Dân số đông xấp xỉ 97 triệu người và đa phần nằm trong độ tuổi lao động, với thu nhập bình quân đầu người ngày càng được cải thiện; (ii) Khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn ở mức rất khiêm tốn so với các nước trên thế giới, khi tỷ lệ người dân giao dịch qua các kênh ngân hàng chiếm tỷ lệ còn thấp; (iii) Công nghệ thông tin đang trong thời kỳ phát triển mạnh và phủ khắp mọi mặt của đời sống, cùng với sự quan tâm đến công nghệ ngày càng gia tăng trong đông đảo người dân.

Bên cạnh xu thế phát triển khá nhanh và hỗ trợ đáp ứng nhu cầu vốn của bên vay, đa dạng hóa kênh đầu tư cho bên cho vay thì ở chiều ngược lại, nền tảng cho vay ngang hàng còn rất mới và nhiều người tham gia chưa hiểu đúng bản chất của hình thức này. Tiêu cực hơn còn có những hoạt động biến tướng, lừa đảo diễn biến phức tạp nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.

Vấn đề đáng quan tâm nhất trong lĩnh vực cho vay ngang hàng tại Việt Nam là hành lang pháp lý, do hiện tại chưa có một doanh nghiệp cho vay ngang hàng nào được quản lý và cấp phép một cách chính thức. Các doanh nghiệp đang hoạt động hiện tại thì chỉ đăng ký với cơ quan quản lý theo hình thức cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài chính. Tại nhiều quốc gia trên thế giới đã ít nhiều ban hành những quy chế và chế tài nhằm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng trên lãnh thổ của họ, nhằm định hình cách thức hoạt động và ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Tại Việt Nam thì một doanh nghiệp hoạt động theo mô hình cho vay ngang hàng gần như chỉ đóng vai trò môi giới, với chức năng kết nối giữa người cho vay và người đi vay. Những doanh nghiệp này không trực tiếp huy động vốn, cho vay và chịu rủi ro nợ xấu giống như các ngân hàng. Do đó, các doanh nghiệp này không phải là là tổ chức tín dụng để chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng hiện hành.

Một số gợi ý

Thứ nhất, cần sớm có hành lang pháp lý để phục vụ việc quản lý, định hình hoạt động cho vay ngang hàng. Không thể chỉ sử dụng khung Luật Dân sự để điều chỉnh thị trường cho vay ngang hàng như hiện nay, mà cần nghiên cứu để đưa ra thêm nội dung quy định riêng mà trong đó quan trọng nhất cần làm rõ các vấn đề như: (i) Định nghĩa rõ hoạt động cho vay ngang hàng (ý nghĩa, cách thức vận hành); (ii) Đối tượng được phép tham gia hoạt động cho vay ngang hàng (cá nhân, doanh nghiệp vay vốn và cho vay vốn, doanh nghiệp sở hữu nền tảng cho vay ngang hàng); (iii) Điều kiện đảm bảo an toàn hoạt động cho công ty cho vay ngang hàng và quy định về kiểm tra, giám sát hoạt động, chế tài đối với các công ty này; (iv) Quy định về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (như yêu cầu các công ty cho vay ngang hàng lập quỹ dự phòng rủi ro, mua bảo hiểm cho hoạt động này, quy định về phong tỏa tiền tại công ty cho vay ngang hàng nhằm tránh rủi ro đạo đức, giới hạn đầu tư tối đa,...). Việc ban hành khung pháp lý chi tiết sẽ giúp cho thị trường cho vay ngang hàng vận hành một cách minh bạch, được kiểm soát và hạn chế những rủi ro phát sinh gây ảnh hưởng xấu đến nhà đầu tư và nhiều hệ lụy cho xã hội. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới trong vận hành thị trường cho vay ngang hàng cũng sẽ cung cấp nguồn thông tin hữu ích cho các nhà xây dựng chính sách điều hành tại Việt Nam.

Thứ hai, tích cực đổi mới, cải tiến và tăng cường công nghệ tài chính. Các dịch vụ tài chính và nền tảng công nghệ tài chính phải được phát triển theo kịp với xu thế của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và tài chính, để thúc đẩy sự phát triển bền vững của dịch vụ tài chính nói riêng và kinh tế nói chung. Các tổ chức tài chính khi tham gia thị trường nên nâng cao hiệu quả quản lý của mình bằng cách phối hợp các nguồn lực công nghệ và đổi mới sản phẩm tài chính hiệu quả. Nền tảng công nghệ còn tạo điều kiện cho hệ thống giám sát rủi ro tài chính trong cho vay ngang hàng được hiệu quả. Hơn nữa, phương thức hoạt động và quản lý mới trên nền tảng công nghệ phát triển đồng bộ sẽ làm tăng tài sản và lợi nhuận của các tổ chức tài chính, giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ tài chính cùng với khả năng đối phó với các thách thức. Điều này không chỉ tạo nền tảng quản lý cho vay ngang hàng mà còn hỗ trợ cho cả thị trường tài chính ngân hàng số nói chung.

Thứ ba, thiết lập được nền tảng, cơ chế giao dịch tốt để thu hút các nhà đầu tư và kiểm soát được rủi ro. Cơ chế giao dịch chung của nền tảng cho vay ngang hàng bao gồm: kiểm tra tính xác thực thông tin của người đi vay, giới hạn thời hạn vay, hệ thống lãi suất, khả năng chịu rủi ro, hệ thống bồi thường, lịch sử tín dụng,... Nền tảng vận hành cần được chuyên môn hoá và phân định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cấu thành, thường xuyên được đánh giá và so sánh hiệu quả vận hành để từ đó có những cải tiến liên tục. Các nền tảng cần được cơ cấu tổ chức một cách khoa học, gắn với các mục tiêu khác nhau, xây dựng quy trình công việc thích hợp cho các mảng nghiệp vụ. Trách nhiệm giữa các phòng ban nên được xây dựng trong quy trình nội bộ, trong đó đề cao vai trò của việc giám sát rủi ro trong quá trình vận hành nền tảng.

Thứ tư, xây dựng một đội ngũ vận hành chuyên môn và chuyên nghiệp. Một nền tảng cho vay ngang hàng được các nhà đầu tư tin cậy phải có một đội ngũ vận hành hiệu quả, chất lượng cao và chuyên nghiệp. Các chuyên gia vận hành không chỉ có chuyên môn về tài chính để nâng cao hiệu quả kinh doanh mà còn làm giảm nguy cơ đạo đức ở một mức độ nhất định. Yếu tố này cũng rất cần thiết để thiết lập một cơ chế giao dịch toàn diện và thực tế với từng thị trường.

Thứ năm, nâng cao nhận thức về vai trò của các nền tảng công nghệ tài chính nói chung và cho vay ngang hàng nói riêng trong thời đại mới. Vấn đề này không chỉ dừng lại ở phạm vi những nhà đầu tư mà còn phải xuất phát từ chính các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, hiệp hội chuyên ngành, giới truyền thông. Từ đó mới có thể đảm bảo cách nhìn nhận đúng nhất, làm cơ sở đưa ra những giải pháp và hành động quản lý thông suốt, hiệu quả cho những sản phẩm, dịch vụ tài chính mới. Tránh tâm lý vì e ngại mà cấm cản và xoá đi cơ hội trong việc tiếp cận với nền tảng tài chính hiện đại với nhiều điểm có thể bổ sung vào mảng khuyết cho thị trường tài chính ngân hàng hiện tại.

Kết luận

Cho vay ngang hàng là một sản phẩm tất yếu của nền kinh tế công nghệ, có xu thế phát triển nhanh với nhiều yếu tố hỗ trợ tại Việt Nam. Các nền tảng trực tuyến có lẽ khó có thể thay thế các tổ chức cho vay thông thường như ngân hàng, nhưng quan trọng là ngành công nghệ tài chính mới nổi này phải nhận thức được vị thế của mình, thị trường có thể tập trung khai thác tốt với những giải pháp được ứng dụng cho dịch vụ mới, có tính sáng tạo cao góp phần mang lại lợi ích cho người sử dụng dịch vụ, hướng đến mục đích hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu mở rộng phổ cập tài chính. Trong quá trình này, vai trò của cơ quan Nhà nước là vô cùng quan trọng trong việc hoạch định khuôn khổ chính sách, pháp lý để hướng dẫn và vận hành thị trườngu

Tài liệu tham khảo:

 - Ashta, A., & Assadi, D. (2009), An analysis of European online micro-lending websites, Cahiers Du CEREN, 29 (June), 147-160.

- Bachmann, A., Funk, B., Becker, A., Buerckner, D., Hilker, M., Kock, F., Lehmann, M. & Tiburtius, P. (2011), Online peer-to-peer lending - A literature review, Journal of Internet Banking and Commerce, 20 (November), 1-23.

- Cấn Văn Lực (2018), Quản lý cho vay ngang hàng: Kinh nghiệm quốc tế và một số gợi ý cho Việt Nam, truy cập tại: , [ngày truy cập: 14/11/2018].

- Huang, Q., Chen, X., Ling, F., & Chen, W. (2014), Research on the financing mode of small and medium-sized enterprises, The 13th International Conference on Service Systems and Service Management (ICSSSM).

- Lin, M. (2009), Peer-to-peer lending: An empirical study, Proceedings of the Americas Conference on Information Systems (AMCIS).

- Milne, A., & Parboteeah, P. (2016), The business models and economics of peer-to-peer lending, European Credit Research Institute (ECRI).

- Phong Hiếu (2018), P2P - Hướng đi mới trong lĩnh vực cho vay, truy cập tại: , [ngày truy cập: 13/11/2018].

- Serrano-Cinca, C., Gutierrez-Nieto, B., & Lopez-Palacios, L. (2015), Determinants of default in P2P lending, PLOS ONE, 10 (10), 1-22.

PGS,TS. Đặng Văn Dân